Giáo dục chính trị còn nặng về lý thuyết

Trong những năm qua, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nói chung cho sinh viên đã có những bước tiến đáng kể cả về nội dung lẫn hình thức. Các trường đại học đã chú trọng hơn đến việc giảng dạy các môn lý luận chính trị như Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, các buổi tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành cũng được tổ chức thường xuyên nhằm tạo điều kiện để sinh viên trao đổi, thảo luận về các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế.

 Các phong trào như: “Thanh niên tình nguyện”, “Thanh niên xung kích bảo vệ Tổ quốc”, “Sinh viên 5 tốt”... đã tạo môi trường để sinh viên rèn luyện lý tưởng cách mạng và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Những hoạt động này không chỉ nâng cao nhận thức chính trị của sinh viên mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước và khát vọng cống hiến cho Tổ quốc.

Đặc biệt, việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, YouTube, TikTok để tuyên truyền chính trị mang lại hiệu quả rõ rệt. Các fanpage của đoàn thanh niên, hội sinh viên với hàng triệu lượt theo dõi trở thành kênh truyền tải những thông điệp tích cực về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và trách nhiệm xã hội. Nhiều video ngắn với nội dung sáng tạo, hấp dẫn về tấm gương anh hùng cách mạng, các sự kiện lịch sử quan trọng cùng các chiến dịch truyền thông với hashtag như: #TuHaoVN, #SinhVienYeuNuoc... thu hút sự quan tâm và tham gia nhiệt tình của sinh viên, qua đó góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên vẫn tồn tại những hạn chế. Điển hình là phương pháp giảng dạy hiện nay còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn và sự sáng tạo. Nhiều sinh viên tham gia học các môn lý luận chính trị chỉ mang tính đối phó, chưa thực sự hiểu để hành động cho đúng. Một bộ phận sinh viên còn thờ ơ, ít quan tâm đến các vấn đề chính trị-xã hội, dẫn đến tình trạng “miễn nhiễm” với các thông điệp giáo dục chính trị từ nhà trường.

leftcenterrightdel

Đoàn viên và Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Chèo tại Tượng đài Chiến thắng Bông Trang-Nhà Đỏ (Bình Dương). Ảnh: VŨ DOANH DZỤ

 

Mặt khác, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Mạng xã hội với nhiều luồng thông tin trái chiều, thậm chí là xấu, độc, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và tư tưởng của sinh viên. Theo một khảo sát của Trung tâm Internet và Xã hội (CIS), 60% sinh viên thừa nhận từng tiếp cận các thông tin không chính thống trên mạng xã hội và không ít trong số đó đã bị tác động tiêu cực về tư tưởng. Việc thiếu các kỹ năng xử lý thông tin, phân biệt đúng sai khiến một bộ phận sinh viên dễ bị lôi kéo, mất cảnh giác trước các luận điệu sai trái, thù địch. Đây là một thực trạng đáng lo ngại, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn trong thời gian tới để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho sinh viên.

Tạo điều kiện để sinh viên phát triển

Trước hết, các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý đào tạo sinh viên. Việc xây dựng các nền tảng học tập trực tuyến về tư tưởng chính trị, Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giúp sinh viên có thể tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt, mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) sẽ hỗ trợ cá nhân hóa chương trình học, đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức của từng sinh viên, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

Đổi mới phương pháp giảng dạy giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị, tư tưởng. Các hình thức học tập chủ động như thảo luận nhóm, tranh biện, mô phỏng tình huống thực tế giúp sinh viên không chỉ tiếp thu kiến thức một cách sâu sắc mà còn rèn luyện tư duy phản biện và khả năng áp dụng lý luận vào thực tiễn. Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hội thảo chuyên đề, diễn đàn đối thoại giữa sinh viên với các chuyên gia, nhà lãnh đạo sẽ góp phần khơi dậy niềm đam mê, tinh thần trách nhiệm và nhận thức chính trị đúng đắn cho sinh viên.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị hiện nay là phát hiện và bồi dưỡng sinh viên ưu tú để giới thiệu vào Đảng. Các trường cần xây dựng hệ thống tiêu chí rõ ràng, minh bạch để phát hiện những sinh viên có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm, có thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc. Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng theo phương thức linh hoạt, kết hợp giữa học tập lý luận với thực tiễn, trải nghiệm thực tế tại các cơ sở đảng, tổ chức chính trị-xã hội giúp sinh viên hiểu biết sâu sắc hơn về vai trò, trách nhiệm của người đảng viên. Đồng thời, các trường cần phát huy tốt vai trò của tổ chức đoàn thanh niên, hội sinh viên để tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị thông qua các kênh truyền thông hiện đại như mạng xã hội, website chính thức của trường, các diễn đàn trực tuyến. Nội dung tuyên truyền cần được thể hiện dưới nhiều hình thức sinh động như: Video, infographic, podcast nhằm thu hút sự quan tâm của sinh viên. Việc tận dụng công nghệ số để lan tỏa những giá trị cốt lõi của Đảng, nâng cao nhận thức chính trị sẽ góp phần hình thành bản lĩnh vững vàng, lập trường kiên định cho thế hệ trẻ.

leftcenterrightdel
Đoàn viên, thanh niên tham dự Lễ hội thanh niên tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH 

 Tự rèn luyện là yếu tố quyết định

Để trở thành đội hậu bị tin cậy của Đảng, trước hết, mỗi sinh viên cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc phấn đấu, nỗ lực học tập và rèn luyện toàn diện cả về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, năng lực chuyên môn và kỹ năng xã hội.

Sinh viên cần chủ động học tập, trau dồi cho mình nền tảng kiến thức vững vàng về chính trị, tư tưởng. Việc nghiên cứu các tài liệu về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết của Đảng sẽ giúp sinh viên hiểu sâu sắc hơn về đường lối, chủ trương của Đảng, từ đó hình thành lập trường tư tưởng vững vàng. Trong thời đại công nghệ số, sinh viên có thể tận dụng các nền tảng học trực tuyến, các diễn đàn chính trị-xã hội để cập nhật thông tin, tham gia các khóa học, hội thảo về lý luận chính trị nhằm nâng cao nhận thức và tư duy chính trị của bản thân.

Bên cạnh việc học tập lý luận, sinh viên cần không ngừng rèn luyện đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh. Điều này thể hiện qua việc tuân thủ nội quy, quy chế của nhà trường, chấp hành tốt pháp luật, tích cực tham gia các phong trào đoàn, hội, các hoạt động tình nguyện, công tác xã hội để cống hiến cho cộng đồng. Một người có ý chí phấn đấu vào Đảng trước hết phải là một sinh viên gương mẫu, có trách nhiệm với bản thân và xã hội, luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ bạn bè, có thái độ sống tích cực, trung thực, khiêm tốn và cầu thị.

 Sinh viên cần chủ động rèn luyện bản lĩnh chính trị, kỹ năng phản biện và tự bảo vệ mình trước các luồng thông tin xấu, độc. Hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để tung tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Do đó, sinh viên cần tỉnh táo, biết cách phân tích, đánh giá thông tin, không để bị lôi kéo bởi các tư tưởng sai trái, lệch lạc. Đồng thời, sinh viên cũng có thể góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng cách tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, chia sẻ những thông tin chính thống, đấu tranh với các luận điệu sai trái trên không gian mạng.

 Một sinh viên-đoàn viên ưu tú không chỉ có tư tưởng vững vàng mà còn phải có trình độ, năng lực, luôn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chủ động trong học tập và công việc để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của đất nước. Đi liền với đó là một khát vọng cống hiến, tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TS NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH