Ông được trao nhiều giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắc Lắc, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Chư Yang Sin (tỉnh Đắc Lắc) và nhiều giải thưởng từ những cuộc vận động sáng tác của các báo, bộ, ngành, địa phương tổ chức. Ông có một số tập thơ đã xuất bản: Lời chân thành với cỏ, Rừng cổ tích (trường ca), Hồn cẩm hương, Lá chiêm bao, Linh hồn tiếng hú, Gọi Kiến (thơ thiếu nhi).
Đặng Bá Tiến là một trong những nhà thơ mang đậm bản sắc của vùng văn học Tây Nguyên. Phong vị Tây Nguyên trong thơ ông ngồn ngộn, đậm đặc, “thấm vào hồn câu, hồn chữ của anh thanh thoát, hồn nhiên lắm lắm...”-như nhà thơ Vũ Quần Phương từng nhận xét. Thơ ông cũng thể hiện một sự hoài niệm, một giấc mơ của riêng mình về vùng đất Bản Đôn thân thương.
Cúc quỳ
Ta nhớ em cúc quỳ năm ấy
chiều cao nguyên vàng rực đất trời
ngỡ như nắng cả hành tinh tụ lại
cho cúc quỳ thắm sắc nơi nơi!
Ta đắm say và ta ngơ ngác
huyền thoại cao nguyên ở trước mặt mình:
chàng Đam San nào đang cưỡi voi về bến nước
nàng H'Nhí nào đang dệt vải nụ cười xinh
nhịp chiêng nào pơ lang đỏ rung rinh
đại ngàn tiếp đại ngàn cổ thụ
ta bé nhỏ giữa một trời huyền sử
gót lữ hành đậu lại giữa rừng hoa...
Mới đó mà thời trai trẻ đã bỏ ta
đại ngàn đã thưa dần cổ thụ
nước cũng cạn rồi, lá khô đầy bến cũ
chỉ gió còn hú mãi tiếng buồn xưa
bạn bè rụng rơi theo nắng theo mưa
cồng chiêng cũng vơi dần buôn vắng...
Chỉ riêng em cúc quỳ màu nắng
chiều nay vẫn vàng đến bỏng tim ai.
Lão nghệ nhân nghề đan
Tặng Ma Chi buôn Kô Sia, TP Buôn Ma Thuột
Lão ngồi
đan tháng đan ngày
đan xa xưa
với hôm nay miệt mài
đan như trẻ nhỏ thuộc bài
nhắm nghiền hai mắt cũng cài đúng nan
Tay đan
miệng lão thở than:
- Còn đâu tre nứa ngút ngàn thuở xưa
còn đâu phiên chợ sớm trưa
hàng nan mấy dãy
bán mua rộn ràng.
Thời nay
từ phố đến làng
rá xanh, rổ đỏ...
nhựa tràn khắp nơi
thương nghề
chẳng thể ngồi chơi
ta đan
khỏi phí một đời của ta
dẫu không nuôi nổi thân già
thì nuôi mơ ước:
nghề ta vẫn còn!
BMT, 26-4-2014
Trở lại rừng xưa
Rừng xưa, giờ đã về đâu
Hỏi ai đây giữa ngàn lau bạc đầu?
Ngàn lau xao xác u sầu:
Rừng xưa đã hóa nỗi đau nhân tình!
* *
*
Về đây tôi gặp lại mình
Thời đa đoan với bóng hình Bản Đôn(*)
Cái thời chim rót vào hồn
Lời ca ngọt lịm khi còn sương mai
Cái thời công múa cùng nai
Lá xanh giăng tán thành hai tầng trời
Tôi như đứa bé trong nôi
Nằm nghe cây hát những lời đung đưa
Thấy trong hoa lá chuyển mùa
Hồn rừng xao xuyến như vừa biết yêu...
* *
*
Giờ tôi ngỡ lạc giữa chiều
Rừng xưa khuất bóng... Bao điều ngẩn ngơ:
Cây thành mây khói bao giờ
Suối gương, nay đã đục mờ, lặng trôi
Nai, công hồn đã về trời
Người đời hóa kiếp cả lời chim ca.
Tôi ngồi thương cội hương già
Ngỡ cưa còn siết trên da thịt mình!
BMT, 6-8-2011
(*) Bản Đôn thuộc tỉnh Đắc Lắc, cách đây 15 năm vẫn còn nhiều cánh rừng nguyên sinh nổi tiếng
Lời con voi Bản Đôn
Ta là voi đã mất bạn tình
một mình đứng trong chiều nhai nắng
mắt hoen lệ nhớ về thời xa vắng
thời rừng già huyền bí linh thiêng
Thời đại ngàn là xứ thần tiên
là xứ sở riêng cho những cuộc tình động đất
ta dắt nàng đi dọc bờ Sê rê pốk
ngắm sông xanh xem công múa dưới trăng vàng
Ta dâng nàng cả rừng chuối bạt ngàn
vạn buồng chín hương thơm tràn mọi nẻo
ta phun nước như mưa trời trong trẻo
cho da nàng mát rượi bên ta
Ta đưa nàng vào giữa rừng hoa
có trăm sắc mượt mà trăm dáng
có dàn đồng ca trên đầu lai láng
muôn loài chim ríu rít chuyền cành
Ôi cái thời rừng trùng điệp vây quanh
ta là đế vương giữa đại ngàn giàu có
là lãnh chúa của đàn đàn muông thú
là tất cả những gì ta muốn ta mê...
Giờ đại ngàn đã bỏ ta đi
muông thú chỉ còn hồn lang thang trong gió
cổ thụ chỉ còn ảo hình trong trí nhớ
nòi giống ta cũng tan tác phiêu linh
Giờ ta đang cô độc với chính mình
cô độc với bóng hình gầy guộc
cô độc với linh hồn tổ tiên thân thuộc
chỉ bóng với ta, tủi dưới mặt trời...
Chiều nay ta nhai nắng đến rã rời
chẳng còn cỏ thơm, chẳng còn mía ngọt
ta nuốt cả phận mình trong đắng đót
Bản Đôn ơi ai còn hiểu lòng ta?
BMT, 12-2-2014
Ea Súp
Ea Súp(1) rừng
trong ký ức tôi
cây hội hè cây
cây cưới nhau lớp lớp
chim lượn như mây
chim chuyền cành líu lo hợp xướng
công bảy sắc lên đồng múa với hươu sao
Ea Súp làng buôn
sóng chiêng cuộn trào
voi thậm thịch thay người giã gạo
a-ma(2) thả vào chiều tiếng sáo
lũ sóc nâu quấn quýt quanh người
những mái tranh thơm khói cá nướng trui
cô gái Ê Đê gọi trăng lời ay-ray(3) ngọt lịm
chàng trai Gia Rai chờ bên gốc kơ nia bịn rịn
mùi tóc em thơm lẫn với hương rừng
Ea Súp suối trong ôm bóng tháp Chàm(4)
thần Si va gửi hồn trú ngụ
vũ nữ biết kể khan(5) bên bếp lửa
cây quanh nhà, voi trước cửa cũng mê khan
Ea Súp bây giờ
bát ngát lúa vàng
đã trĩu mùa xoài
đã dọc ngang phố xá
nhưng đừng nói chuyện rừng mà a-ma buồn bã
đừng nói chuyện voi a-mí(6) phải thở dài
giờ Ea Súp không rừng
Ea Súp chẳng còn voi
Ea Súp hoàng hôn câu hát xưa rơi
không ai nhặt đặt lên môi như ngày trước
không ai ngồi kể khan tàn củi bếp
tháp Chăm buồn vũ nữ chẳng còn ai!
Ea Súp chiều nay gió nóng thổi ù tai
bui đỏ tháng hai phủ lên mầm xuân biếc
bạn khoe lúa khoe nhà những đổi thay trời đất
tôi nhớ rừng nhớ bước chân voi
cùng cụng ly mà kẻ vui cười
người rưng lệ rượu như mật đắng!
Ea Súp, 2017
1: Ea Súp (đọc là e-súp) - trước đây là một trong những huyện có diện tích rừng và đàn voi nhà nhiều nhất tỉnh Đắc Lắc
2: A-ma (ama) - cha, tiếng Ê Đê
3: Ay-ray(eirei) - một điệu dân ca của người Ê Đê
4: Tháp Chăm tại xã Ea Rốk, huyện Ea Súp
5: Khan - sử thi của người Ê Đê
6: A-mí (amí) - mẹ, tiếng Ê Đê