Thủy Ba gồm 3 thôn hợp thành: Thủy Ba Hạ, Thủy Ba Đông và Thủy Ba Tây; trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thuộc tổng Thủy Ba, phủ Vĩnh Linh, nay là xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Vẫn còn đó trong dân gian thành ngữ “Cọp Thủy Ba, ma Bình Thuận”. Ma Bình Thuận chẳng rõ có nhiều không, còn cọp Thủy Ba thì không thể nói là ít được. Thuở xưa, rừng rú còn rậm rạp, cọp, beo, lợn rừng, khỉ, vượn... thường kéo về từng bầy, bẻ sắn, ngô, vồ người, bắt trâu, cõng bò của dân lành rất rùng rợn. Để tự vệ, dân Thủy Ba lập ra một phường săn gồm những trai tráng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tháo vát và phải là những người thực sự can đảm, không sợ hiểm nguy, tình nguyện gia nhập. Sự xuất hiện từ rất sớm phường săn cọp là hành động tích cực nhất của người dân Thủy Ba thể hiện quan niệm muốn sống phải “vào hang bắt cọp”, được sự đồng thuận cao của bà con làng xóm.

Muốn bắt được cọp, trước hết phải có bộ lưới thật bền, chắc. Không thể dùng các loại lưới đan bằng vật liệu thông thường phải dùng cây sót (một loại dây leo mọc ở rừng), đập giập, phơi khô, bện thành lưới, sợi to bằng chiếc đũa, rất bền và chắc. Một tay lưới như vậy rất nặng, hai thợ săn khỏe mạnh chỉ khiêng được vài tay lưới đi khoảng vài cây số là mũi, miệng tranh nhau thở. Phường săn phải có cỡ bốn, năm chục tay lưới mới tính tới chuyện bắt cọp nên mỗi lần ra quân tốn nhiều người đi theo mang vác.

Công việc vây bắt cọp được tổ chức chặt chẽ, nghiêm cẩn như chỉ huy một trận đánh. Có chỉ huy trưởng do phường trưởng đảm nhiệm, có phó chỉ huy lo việc cơm nước, nói theo ngôn ngữ bây giờ là phụ trách hậu cần. Có bộ phận tham mưu, trinh sát giúp chỉ huy phát hiện mục tiêu. Lực lượng vây bắt được phân thành 3 tuyến: Tuyến 1 gồm những trai tráng khỏe mạnh, nhanh nhẹn mang theo mác và nạng làm vũ khí, trực tiếp vây bắt. Tuyến 2, thành phần cũng phải đạt tiêu chí như tuyến 1 nhưng ở phía sau làm lực lượng dự bị giống thê đội 2, sẵn sàng thay thế cho những người tuyến 1 khi cần thiết. Tuyến 3 ở phía sau tuyến 2, phục vụ cơm nước cho toàn bộ thành viên của phường trong thời gian vây bắt cọp. Sau cùng, xa hơn, là những người bán quà vặt, nước chè, hoa quả phục vụ những người hiếu kỳ tứ xứ nghe tin bắt cọp cũng kéo đến xem, đông vui như ngày hội.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN 

Quy trình một trận bắt cọp diễn ra như sau: Sau khi nhận tin “trinh sát” nơi cọp ẩn náu, phường trưởng điều động tất cả thành viên vào trận, ai lo việc nấy. Lực lượng tuyến 1 vác đày (cọc gỗ hoặc tre) khiêng lái (lưới) tới địa điểm, khẩn trương đóng cọc, chăng lưới vây quanh nơi cọp nằm. Đồng thời, lực lượng tuyến 2 và 3 cũng tới vị trí của mình, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Lưới đã vây kín, liền đó, người chặt cây ở phía trong, người nhổ cọc ở phía ngoài, người chăng lưới, nhích dần về phía mục tiêu. Cứ thế, hàng cọc đóng theo hình tròn được dịch chuyển từng bước vào phía tâm cũng là lúc chu vi vòng lưới hẹp dần cho đến khi sát chỗ cọp trốn. Lập tức cọp lồng lên chực vọt ra ngoài nhưng lưới quá cao, đành chạy vòng quanh phía trong lưới gầm rú kinh hoàng. Lực lượng ở phía ngoài dùng mác và nạng gỗ ra sức đâm, xỉa, đè, chọc cho đến khi hổ kiệt sức chết. Cũng có khi thuận lợi, họ lựa thời cơ lừa cọp vào cũi bắt sống.

Tiếng lành đồn xa. Tài bắt cọp của cư dân Thủy Ba được triều đình Huế biết đến. Vua Minh Mạng đã có tới 4 lần xuống trát triệu làng Thủy Ba vào Thừa Thiên bắt cọp. Sự kiện này được thể hiện trong vè “Bắt cọp Thừa Thiên”: "Mồng sáu sắc lệnh vua ra/ Trát côi (trên) sức xuống Thủy Ba đi liền/..../ Thủy Ba khí phách yêng hùng/ Mác, nạng hất xuống hổ vùng đứng lên/ Cũi, giăng, bẫy sập kề bên/ Ép hổ vào rọ nhốt liền là xong".

Thời đó, vào được chốn “ma thiêng nước độc” ấy, đi bộ từ Thủy Ba, ngày đi, đêm nghỉ phải mất khoảng bốn, năm ngày. Phường săn phải mang theo gạo, mắm, củi rào tự túc ăn uống, lại thêm trầu cau, rượu, heo, gà để cúng lễ. Trước khi lên đường, tại địa phương phải cúng hai lễ, mất hai con heo, vào đến nơi phải cúng thần sở tại một con heo nữa; tất cả phí tổn đó, triều đình không cấp cho đồng nào, dân Thủy Ba lo gánh chịu hết. Duy nhất, quan sở tại cho mượn một con trâu làm mồi nhử cọp. Nơi vây bắt, quang cảnh diễn ra như ngày hội; có tiếng pháo nổ đì đùng thị uy hòa với tiếng hò hét “Reo! Reo! Re... e... e... o”... .

Ông Hoàng Văn Chuy, 98 tuổi, ở thôn Thủy Ba Hạ cho biết, theo các cụ ngày xưa ở làng kể lại, trong khoảng gần chục lần bắt cọp ở tỉnh Thừa Thiên Huế thì lần bắt tại bến Tuần thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà (nay là phường Hương Thọ, TP Huế) cách kinh thành khoảng 10km về phía tây nam, nhà vua đích thân tới xem: “Nhìn hổ phủ phục ngài phán ngay/ Thủy Ba tài giỏi, phen này trẫm thưởng công”. Chuyện vừa kể là nói về phường săn Thủy Ba thi hành trát của triều đình bắt cọp ở tỉnh bạn. Thế còn ở địa bàn các tổng, xã khác trong phủ Vĩnh Linh thì sao?

Bà Trần Thị Hoa, tuổi ngoài 70, quê làng Hòa Bình, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh kể rằng, ngày xưa, cố nội của bà (cụ Trần Văn Thành) là người giàu có trong vùng; trong chuồng nuôi tới 200 con bò, nhiều tới mức không thể quản lý hết. Chủ nhà thì không biết bò, bê của mình sống chết ra sao, nhưng hai mẹ con cọp vằn trú ngụ ở rú Lịnh lại biết khá rõ, thường xuyên mò về chuồng bò của cố rình rập. Hằng đêm, cố phải thuê hai trai làng thay phiên canh gác nhưng không hiệu quả; cọp đã vồ chết mấy con chó và tha đi hai con bò. Không còn cách nào khác cố tìm đường đến Thủy Ba thuê phường săn cọp về vây bắt; mẹ con cọp vằn đều sa bẫy; khiêng về đặt ở góc vườn, chỗ đó lông cọp rụng ra cả búi. Từ đó, đàn bò của cố Thành sống khỏe.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), huyện Vĩnh Linh thành lập chiến khu ở Thủy Ba, tập trung cơ quan lãnh đạo đầu não của huyện và các ban, ngành, đoàn thể; cán bộ, bộ đội quy tụ về khá đông. Đây là thời cơ thuận lợi để cọp hoạt động ráo riết. Chúng hay tìm chỗ vắng vẻ trên trục đường giao liên Bắc-Nam, nơi bộ đội, cán bộ ta thường đi công tác để “phục kích”.

Trung tướng Trần Quý Hai trong hồi ký "Những ngày khói lửa” viết: “Những cán bộ, bộ đội đi lẻ tẻ ngang qua vùng này sợ hổ, báo nhiều hơn sợ địch. Đã có lần, bộ đội hành quân qua đây ban đêm, một chiến sĩ tuột dép phải đứng lại bên đường xâu lại quai. Khi đơn vị vừa đi khỏi, đồng chí bộ đội đã bị hổ bắt tha đi. Cả đơn vị phải dừng lại mở một cuộc càn trong đêm tối nhưng không được ồn ào, không bắn súng vì gần đồn địch, cố gắng tìm ra đồng chí mình. Sau nhiều giờ lùng sục, đơn vị cũng tìm được nhưng đồng chí ấy đã chết”.

Nỗi lo cọp phục bên đường bắt người đáng sợ thật, nhưng chưa bằng hết ngày đến đêm, ai ai cũng thấp thỏm trước cọp “ba móng” (ba cẳng) vồ người tha vào rừng. Cọp là nỗi kinh hoàng cho khắp chiến khu trong nhiều năm. Phải diệt chết cọp "ba móng"! Đó là tâm nguyện của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân chiến khu. Sau nhiều lần nghiên cứu quy luật hoạt động của cọp “ba móng”, người ta chọn lối đi ở cửa rừng, đào hầm sâu, cắm chông; quen lệ, khoảng 9 giờ sáng, cọp từ trong rừng mò ra, đi kiếm ăn sập bẫy, dân làng mới diệt được nó.

Một miền đất không rộng, người không đông-huyện Vĩnh Linh có tới 3 ngôi làng đặc biệt: Làng chuyện trạng Vĩnh Hoàng, làng dân ca Tùng Luật và làng bắt cọp Thủy Ba tiếng thơm lan tỏa mọi miền. Đó thực sự là truyền thống văn võ song toàn, là một tài sản quý hiếm của các thế hệ tiền bối để lại được trao truyền cho con cháu hôm nay gìn giữ, phát huy.

TRẦN BIÊN