Tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống

“... Tôi yêu áo dài Việt Nam, tôi yêu quê hương Việt Nam...”, lời hát trong ca khúc “Tôi yêu áo dài Việt Nam” của nhạc sĩ Mai Trâm xuất hiện trong các chương trình, hoạt động của Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh năm 2020 đã tạo nên sợi dây cảm hứng lan tỏa, tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống. Lễ hội chính là điểm hẹn cho những ai yêu quý chiếc áo dài và mong muốn góp phần tôn vinh nét văn hóa dân tộc. Cũng với cảm hứng đó, các nhà thiết kế (NTK) đã giới thiệu đến công chúng, du khách những bộ sưu tập áo dài đặc sắc, mang nét truyền thống kết hợp hiện đại, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Trong đó, tiêu biểu như các bộ sưu tập: “Đêm nguồn cội”, “Tôi yêu thành phố” (NTK Việt Hùng), “Hoàng bào đất Việt” (NTK Tuấn Hải), “Vàng son đất Việt” (NTK Nhật Dũng), “Di sản Việt” (NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam), “Long Phi Phụng Vũ” (NTK Nguyễn Tuấn), “Sắc màu hạnh phúc” (NTK Liên Hương)...

Mang đến lễ hội nhiều bộ sưu tập áo dài độc đáo, NTK Việt Hùng chia sẻ: “Dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến các sự kiện văn hóa xã hội, tuy nhiên, áo dài với sức sống trường tồn vẫn luôn là niềm tự hào của người dân. Thông qua lễ hội áo dài, tôi mong muốn truyền cảm hứng về các giá trị nhân văn, lan tỏa tình yêu áo dài, một nét di sản văn hóa phi vật thể, trang phục truyền thống độc đáo của dân tộc, từ đó góp phần quảng bá du lịch Việt Nam cũng như thành phố”.

leftcenterrightdel
Trình diễn các bộ sưu tập áo dài tại lễ hội.

Để góp phần khơi dậy nét đẹp truyền thống, lễ hội quy tụ nhiều gương mặt tiêu biểu với vai trò của các đại sứ hình ảnh như: Nghệ sĩ Nhân dân Kim Xuân, Nghệ sĩ Ưu tú Phi Điểu, Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi, Hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy... Sự xuất hiện của các đại sứ trong những sự kiện, hoạt động của lễ hội với tà áo dài thướt tha đã tạo nên những điểm nhấn nổi bật. Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 Nguyễn Trần Khánh Vân tâm sự: “Tôi được trao danh hiệu Hoa khôi Áo dài nữ sinh Việt Nam 2013 nên chiếc áo dài đã trở thành một phần cuộc sống của tôi. Tham gia lễ hội, tôi có nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam đến công chúng, bạn bè quốc tế, góp phần tổ chức các chương trình kích cầu cho du khách”.

Còn ca sĩ Kyo York chia sẻ: “Tôi thật sự ấn tượng khi chiếc áo dài luôn được đông đảo người Việt Nam ở mọi lứa tuổi yêu thích và lựa chọn khi tham dự những sự kiện quan trọng. Tôi mặc áo dài Việt Nam như một lời tri ân mối lương duyên gắn bó với nghệ thuật Việt Nam”. Kyo York cũng chia sẻ thêm, anh từng mặc áo dài Việt Nam sang nước ngoài biểu diễn và bạn bè quốc tế đều khen ngợi, mong muốn được mặc bộ trang phục truyền thống này.

Năm nay, lễ hội áo dài lần đầu kết hợp hình thức sự kiện trực tiếp với trực tuyến để phù hợp với tình hình thực tế phòng, chống dịch và đã tạo nét đặc sắc, khác biệt hướng đến quốc tế. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ban tổ chức lễ hội đã rất cố gắng đẩy mạnh truyền thông trong nước và quốc tế về lễ hội. Cuộc thi sản xuất video trực tuyến “Tôi yêu áo dài Việt Nam” đã thu hút hàng nghìn video tham gia từ những người yêu áo dài trong nước và bạn bè thế giới. Ngoài những hình ảnh, video về áo dài phát trực tuyến, Sở Du lịch thành phố còn phối hợp với Google, Công ty Le Bros để truyền thông về lễ hội và quảng bá trên các chuyến bay của một số hãng hàng không.

Cộng hưởng, truyền cảm hứng

Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh năm 2020 không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, trình diễn các bộ sưu tập mà hướng tới lan tỏa, truyền cảm hứng về áo dài đến các ngành, các cấp, tầng lớp nhân dân với chuỗi hoạt động mang tính tương tác cao với cộng đồng. Sự xuất hiện của các đại sứ hình ảnh và đông đảo người dân mặc áo dài tại địa điểm nổi tiếng như: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bưu điện thành phố, Nhà văn hóa Thanh niên, trên các tour du lịch trung tâm thành phố... đã tạo hiệu ứng đặc biệt cho lễ hội. Cùng với đó, nhiều nơi cũng sôi nổi diễn ra các hoạt động: Tọa đàm về áo dài, trao tặng áo dài của các nhà giáo và các nhà văn hóa, giao lưu múa lâm thôn trong trang phục truyền thống Việt Nam -Lào-Campuchia, giảm giá vé cho du khách mặc áo dài đến tham quan, tổ chức khu triển lãm áo dài theo chủ đề...

Năm nay, ban tổ chức đã có những hoạt động tạo sự cộng hưởng, lan tỏa tình yêu áo dài tại các trường trung học phổ thông, khu công nghiệp trên địa bàn. Bà Phạm Thị Thanh Hòa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Tân), tâm đắc: “Để học sinh các cấp và mọi người hiểu được lịch sử truyền thống của chiếc áo dài, giá trị, hình ảnh áo dài Việt Nam trong sự phát triển của đất nước và hoạt động đối ngoại, hoạt động truyền cảm hứng về áo dài tại nhà trường rất quan trọng. Khi đó, không khí lễ hội không chỉ ở những địa điểm nổi tiếng mà ngay chính ở môi trường học đường hay khu dân cư”.

Ở góc độ bảo tàng, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài (quận 9, TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, bảo tàng đã sưu tầm, tổ chức trưng bày “Áo dài di sản văn hóa” trong nhiều sự kiện triển lãm, hội thảo với quy mô khác nhau. Nơi đây trở thành điểm hẹn giao lưu, trao đổi văn hóa, giới thiệu về sự bảo tồn, trưng bày các hiện vật, tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng sáng tạo từ chiếc áo dài”.

leftcenterrightdel
Hoạt động truyền cảm hứng về áo dài tại Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh.
leftcenterrightdel
Giới trẻ TP Hồ Chí Minh tìm hiểu về áo dài tại Bảo tàng Áo dài.

Dấu ấn ngành du lịch thành phố

Lễ hội áo dài đã được TP Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 2014 như một sự kiện văn hóa, du lịch tiêu biểu của thành phố. Lễ hội được tổ chức định kỳ vào tháng 3 hằng năm, từng bước khẳng định thương hiệu với du khách trong nước và quốc tế, hướng đến trở thành sự kiện du lịch thường niên, sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của thành phố. Lễ hội năm nay chuyển sang tháng 10 và 11 với quy mô tổ chức linh hoạt, phù hợp đặc thù trạng thái “bình thường mới”. Lễ hội cũng chính là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện trong Chiến dịch “TP Hồ Chí Minh xin chào-Hello Ho Chi Minh City” của Sở Du lịch thành phố triển khai.

Sức sống của áo dài không chỉ qua một mùa lễ hội mà hơn hết, dấu ấn Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh chính là cầu nối để bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống của tà áo dài. Để hiệu ứng được lan tỏa mạnh mẽ hơn, rất cần sự chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan, sự đồng hành, hưởng ứng của người dân để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, lễ hội áo dài được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các nhà thiết kế áo dài, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng. Lễ hội là một trong những sản phẩm cốt lõi của dòng sản phẩm du lịch văn hóa đã được xác định trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030. Ngành du lịch thành phố hy vọng qua lễ hội, áo dài sẽ tiếp tục trở thành niềm cảm hứng bất tận trong văn học, nghệ thuật và trở thành trang phục được lựa chọn thường xuyên của người dân thành phố cũng như du khách quốc tế khi đến với Việt Nam và TP Hồ Chí Minh. Qua đó góp phần bảo tồn, phát huy và quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG