Thử nhìn ra các nước phát triển ngày nay, thấy rất rõ điều đó. Israel là một quốc gia nhỏ bé, tài nguyên tự nhiên rất hiếm nhưng tài nguyên trí tuệ của họ đáng để thế giới nể phục. Ở các quốc gia gần ta như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, chính sách ưu đãi tài năng luôn được đặt lên hàng đầu trong các chính sách phát triển. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, giá trị của một quốc gia đóng góp vào sự phát triển của thế giới, suy cho cùng là ở những sản phẩm khoa học-công nghệ và giá trị xã hội quốc gia ấy đóng góp cho loài người ở tầm toàn cầu. Bởi, suy cho cùng, những giá trị ấy đều hướng tới cung cấp những gì tốt nhất cho con người để họ hạnh phúc hơn.
Ở nước ta, tính đến nay đã qua 15 năm từ khi Ban Chấp hành Trung ương khóa X ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2008 về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, biện pháp nhằm tăng cường xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức. Kết quả thu được qua những con số cụ thể chứ không phải chỉ ở những nhận thức khái quát. Theo Tổng cục Thống kê, sự phát triển của đội ngũ trí thức đã góp phần đưa Việt Nam từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, quy mô nhỏ, GDP mới chỉ đạt khoảng 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250USD trong những năm đầu đổi mới, đến năm 2022, GDP bình quân đầu người ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110USD. Hàm lượng tri thức trong sản phẩm kinh tế, khoa học, kỹ thuật ngày một nhiều hơn. Nhiều chính sách phát triển xã hội, văn hóa, con người đã ghi nhận công sức của cá nhân hoặc tập thể các nhà trí thức tiêu biểu. Nhiều sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến gắn với phát triển đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh do các nhà khoa học thực hiện được giới khoa học trong và ngoài nước ghi nhận. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới đã bắt đầu nói đến những tiềm năng phát triển của Việt Nam ở thời kỳ mới, trong đó những thành tựu khoa học, công nghệ được kỳ vọng sẽ giúp đất nước “hóa rồng”...
Nhưng nhìn đúng thực chất phát triển, Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII của Đảng mới đây đã nhấn mạnh cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về tư duy và hành động theo hướng xác định trí thức Việt Nam là nguồn lực lao động chất lượng cao, là lực lượng lao động sáng tạo, có vinh dự và bổn phận tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Để thực hiện được mục tiêu này, Đảng ta cũng lưu ý đến việc tạo ra những tiền đề để phát huy tự do tư tưởng, học thuật, được nghiên cứu sáng tạo trong một môi trường dân chủ, trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, các nhà khoa học đầu ngành...
Hiện nay, thế giới đã bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, người ta nói đến vai trò của công dân toàn cầu và trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi cuộc sống con người nói chung. Có thể nói, không có chỗ đứng cho những quốc gia và cá nhân chậm chạp, lạc hậu trong cuộc chơi lớn này. Việt Nam xác định con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xu thế chung và chúng ta phải nhịp bước cùng thời đại. Về mặt con người, một trong những chủ trương giàu tính nhân văn là không để ai bị bỏ lại phía sau, mọi người cùng chung tay xây dựng một đất nước hòa bình, ổn định, toàn vẹn lãnh thổ, xã hội phồn vinh, cá nhân hạnh phúc. Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu này, vai trò của đội ngũ trí thức vô cùng to lớn. Trong chiến lược văn hóa, Đảng và Nhà nước đã chỉ rõ đội ngũ trí thức, các nhà hoạt động văn hóa và văn nghệ sĩ giữ vai trò tiên phong, còn nhân dân là chủ thể của quá trình này, Nhà nước giữ vai trò tạo cơ chế và điều tiết. Đầu tư của Nhà nước dù đã rất cố gắng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Ở đây có vấn đề đầu tư chưa trúng và tổ chức thực hiện chưa hiệu quả. Đặc biệt khó có thể yên lòng về những phát minh, sáng chế, những ý kiến tư vấn của nhiều cơ quan nghiên cứu và những cơ sở đào tạo khoa học đầu ngành, nhiều trí thức có danh vọng đối với quá trình hoạch định chính sách, triển khai các công trình phát triển kinh tế-xã hội hay phục vụ dân sinh.
|
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (tháng 3-2023). Ảnh: MINH VŨ
|
Tại sao có tình trạng này? Có yếu tố thuộc về bản thân giới trí thức, nhà khoa học nhưng nút thắt lớn nhất nằm ở cơ chế chính sách đầu tư, ở sử dụng và đãi ngộ. Người trí thức về mặt sinh học có những yếu tố khác người (chỉ số IQ, EQ, AQ) và lao động của họ là lao động sáng tạo, chủ yếu nằm ở phạm vi cá nhân nhưng cơ quan quản lý các cấp và xã hội vẫn nhìn người trí thức và lao động của họ cũng chỉ như một loại công chức nhà nước có những “đặc thù” theo quan niệm thông thường, nặng về hành chính, thiên về quản lý, sắp xếp họ vào những khuôn khổ của tổ chức dưới dạng con người hồ sơ, con người công chức mà chưa chú ý tạo điều kiện để họ có một môi trường thuận lợi cho những hoạt động sáng tạo thăng hoa. Mặt khác, mọi sự quản lý, đánh giá, đãi ngộ dù có ưu ái vẫn chưa thoát ra khỏi cách nhìn giám sát, quản lý họ trong khuôn khổ thông thường. Một khi môi trường làm việc thiếu dân chủ, tự do và cách đánh giá bình quân chủ nghĩa, không coi trọng cá tính... sẽ làm cùn nhụt khao khát làm việc, sáng tạo, cống hiến.
Nhà khoa học có thể đạt tới tầm chuyên môn kiệt xuất nhưng nếu anh ta chỉ giới hạn mình trong những tìm kiếm chuyên môn thì suốt đời anh ta vẫn chưa là một trí thức đúng nghĩa, trí thức hoàn toàn. Người trí thức đích thực, ngoài những điều nói ở trên, còn luôn day dứt một điều: Những gì anh ta đang làm đóng góp gì cho con người, xã hội; mọi xung động xã hội dội vào anh ta, bắt anh ta phải nghiên cứu trở lại và tìm ra thái độ của mình trước các vấn đề của thời đại...
Người trí thức đích thực không bao giờ tự giam hãm mình trong “tháp ngà” nghiên cứu vì danh vọng cá nhân mà số phận anh ta gắn với số phận thời đại, những vui buồn của anh ta gắn với vui buồn của đất nước. Nhiều khi anh ta không đánh đổi bình yên và hạnh phúc của riêng mình với những điều anh ta theo đuổi. Anh ta có thể chịu đựng những thiếu thốn về vật chất, không coi làm việc là để được đãi ngộ như là mục đích cuối cùng mà tận hiến mới là mục đích phấn đấu. Bởi vậy, anh ta cần môi trường làm việc dân chủ, một sự tôn trọng chân lý và hành trình kiếm tìm chân lý. Nói như nhà triết học J.P.Sartre thì anh ta luôn tìm thấy những chỗ thiếu hụt, vô lý ở xung quanh và ở chính mình, mong muốn khắc phục những cái đó, bất chấp vì điều đó anh ta phải thiệt thòi. Cả những tìm kiếm, thành công và nỗi đau của anh ta đều vươn tới tầm tư tưởng, có ý nghĩa dẫn đạo hoặc thức tỉnh xã hội... Làm được điều này, người trí thức vươn tới tầm tinh hoa, trở thành chỗ dựa tinh thần của thời đại mình. Trong khi chỉ ra những điều bất cập ấy, có thể người trí thức có sai lầm, nhưng anh ta cần sự ứng xử của nhà cầm quyền và xã hội đối với những sai lầm ấy như một thái độ khoa học và lòng bao dung chứ không phải là một sự ngăn cản, trấn áp vì những khác biệt. Bởi thực tế không ít trí thức chỉ sau khi chết mới được minh oan vì những tìm kiếm khi còn sống của họ không được người đời thừa nhận.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những bài học quý về sử dụng người tài trong thế kỷ này. Người đã vượt qua những định kiến chính trị, những ranh giới hạn hẹp của thói thường để dung nạp và sử dụng được những trí thức lớn vì đất nước và nhân dân. Bởi Người luôn coi: "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc".
Từ bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tổ quốc trên hết", "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi" đã thành công trong thời kỳ kháng chiến, bảo vệ nền độc lập dân tộc, thiết nghĩ mọi chính sách, cơ chế về xây dựng đội ngũ trí thức và tinh hoa trong giới trí thức phải lấy tư tưởng đó làm nền tảng.
“Tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành chính là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và động lực căn bản để xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức và phát huy vai trò, vị trí và sự cống hiến của trí thức, thực sự xứng tầm là nguyên khí quốc gia”.
(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ bế mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII)
|
PGS, TS PHẠM QUANG LONG