Theo Tiến sĩ Dương Xuân Thao: “VHDN là hệ thống các giá trị do doanh nghiệp sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động kinh doanh; là tổng thể các truyền thống, cấu trúc, phương thức kinh doanh, quản lý điều hành nhằm xác lập quy tắc ứng xử của một doanh nghiệp, từ đó chi phối hoạt động của mọi thành viên và tạo ra bản sắc kinh doanh riêng có của doanh nghiệp” (Giáo trình Văn hóa doanh nghiệp-Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân-2015).

Trên thế giới, việc xây dựng VHDN là xu thế. Ở các hãng lớn như Google, Zappos, Southwest Airlines, Apple, Toyota, Sony, Samsung, Huyndai, Nike... xây dựng VHDN là nhiệm vụ không thể thiếu. Ví dụ ở hãng Zappos, yếu tố văn hóa trong vận hành và kinh doanh luôn được đề cao và được nhiều người ngưỡng mộ. Các ứng viên khi phỏng vấn để vào làm việc tại hãng Zappos phải trả lời các câu hỏi xem có phù hợp với văn hóa của Zappos hay không?

leftcenterrightdel

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Minh họa: MẠNH TIẾN 

VHDN có những biểu hiện sinh động. Đó có thể là việc xây dựng văn hóa kết cấu bề mặt, gồm những vấn đề có thể “nhìn thấy, cảm thấy” như:  Chăm lo, cải thiện nơi ăn, ở, sinh hoạt của người lao động; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể thao; xây dựng không gian làm việc xanh, sạch, đẹp; bố trí trang thiết bị hợp lý, phù hợp với tổ chức, loại hình kinh doanh; các quy chế, khẩu hiệu gắn với hoạt động của doanh nghiệp... Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các yếu tố hữu hình, như: Logo, slogan, mẫu mã sản phẩm. Khi tham gia vào môi trường kinh doanh, nhiều doanh nghiệp còn chú trọng khẳng định văn hóa ở các yếu tố như: Triết lý kinh doanh, chiến lược phát triển, sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi... Một số doanh nghiệp tập trung phát triển sản phẩm, thay đổi phương thức kinh doanh. Đây chính là dạng đầu tư văn hóa có chiều sâu và khôn ngoan mà các doanh nghiệp lớn trên thế giới đều áp dụng.

Việt Nam, không ít doanh nghiệp đã tạo được bản sắc riêng, giành được thiện cảm của khách hàng, gắn lợi ích doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng, như: Viettel, FPT, TH, Vinamilk, Vingroup, Traphaco, Trung Nguyên, Vietsoftware... Những giá trị văn hóa nổi bật ở các doanh nghiệp trên là việc ứng dụng công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; tốc độ xử lý và hiệu quả công việc đáp ứng yêu cầu của khách hàng; nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy nhiều đối tác nước ngoài đã tìm đến và hợp tác. Từ kết quả xây dựng văn hóa, một số doanh nghiệp của Việt Nam còn mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong xu thế tích cực đó, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa cũng chú trọng xây dựng VHDN với những cách làm khác nhau. Anh Nguyễn Văn Cường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Agrifeed Việt Nam (doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhà máy tại tỉnh Hưng Yên), cho biết: "Sau hơn 10 năm tập trung phát triển VHDN theo tư vấn của chuyên gia đầu ngành bằng chiến lược bài bản, dài hơi, trong đó nổi bật là khuyến khích sáng tạo, coi trọng đột phá và đề cao kỷ luật. Theo đó, hằng năm, chúng tôi đầu tư kinh phí để nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm khoa học mới trên nhiều vùng, miền; tổ chức các cuộc thi tay nghề, thi bán hàng thu hút đông đảo lực lượng tham gia. Với việc khuyến khích phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và đề cao giải pháp kinh doanh độc đáo, đột phá nên chúng tôi không những trụ vững sau dịch Covid-19 mà còn phát triển khá tốt. Năm 2023, Công ty được Viện Kinh tế-Văn hóa (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cùng Trung tâm Bảo vệ người tiêu dùng tặng Thương hiệu vàng Việt Nam. Hiện, chúng tôi có đội ngũ cán bộ, nhân viên nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm, sẵn sàng đến vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ, tư vấn cho nông dân về kỹ thuật thú y và nhu cầu dinh dưỡng trong chăm sóc cá, gia cầm, thủy cầm, đại gia súc... giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo...".

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp nhận thức đầy đủ “văn hóa là sức mạnh nội sinh”, ở nước ta còn khá nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến xây dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ. Theo thống kê của cơ quan chức năng, bình quân, các doanh nghiệp ở nước ta đầu tư khoa học-công nghệ cho hoạt động kinh tế, kinh doanh chỉ bằng từ 1 đến 2/10 so với các doanh nghiệp ở những nước phát triển. Không ít doanh nghiệp ở nước ta được các “doanh nhân” thành lập để "đợi cơ hội, chờ thời cơ". Không ít người thành lập doanh nghiệp chỉ để lợi dụng sự lỏng lẻo của pháp luật, sự mất cảnh giác trong quản lý của cơ quan chức năng để buôn bán hóa đơn, thu lời bất chính. Cá biệt có tình trạng thành lập doanh nghiệp theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” hoặc thành lập theo trào lưu, gây ra những con số ảo, vốn ảo.

Tình trạng doanh nghiệp làm ăn chụp giật, trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh, thiếu chữ tín xuất hiện khá nhiều. Cá biệt, một số doanh nghiệp không quan tâm đến triết lý kinh doanh, trách nhiệm xã hội; kinh doanh bất hợp pháp, làm hàng giả, ứng xử thiếu văn hóa, chưa tạo được sự gắn bó trong nội bộ doanh nghiệp. Gần đây, khi vào hè, lượng khách du lịch tăng cao, tình trạng "chặt chém", lừa khách ở một số khu du lịch liên tiếp xảy ra, khiến câu chuyện đi “chữa lành” của du khách không như kỳ vọng mà còn phải rước thêm sự bực mình.

Một thực tế là không ít chủ doanh nghiệp chưa quan tâm đến cách thức, biện pháp, mục tiêu, giải pháp xây dựng VHDN. Thậm chí có người quan niệm, VHDN chỉ là các hoạt động văn hóa, văn nghệ đơn thuần nên khoán trắng cho tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ...

VHDN là chất keo kết nối các thành viên trong nội bộ doanh nghiệp, thúc đẩy họ nỗ lực sáng tạo, cống hiến, đóng góp vào sự phát triển chung. VHDN trở thành nhân tố then chốt, tác động tới mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh, từ tổ chức, quản lý, điều hành đến phong cách lãnh đạo, văn hóa ứng xử và các quan hệ trong và ngoài doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có môi trường làm việc năng động, sáng tạo, dân chủ, được điều hành bởi những doanh nhân tài năng, có tầm cao văn hóa luôn là những doanh nghiệp dễ tạo dựng được thương hiệu mạnh trên thị trường.

Hiện nay, nước ta còn nhiều bất cập trong việc xây dựng VHDN. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này. Ngày 4-6-2020, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 76-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW yêu cầu: “Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội”. Ngày 10-10-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, cũng nhấn mạnh nhiệm vụ “Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Thế nên, chúng ta cần tích cực gỡ bỏ các lực cản trong việc xây dựng các doanh nghiệp văn hóa bằng cách xây dựng, triển khai cụ thể những tiêu chí văn hóa, đồng thời loại ra khỏi sân chơi những doanh nghiệp làm ăn phi pháp, hành xử vô văn hóa với người tiêu dùng.

MẠNH THẮNG