Bên cạnh những thay đổi tích cực, bối cảnh trong nước và quốc tế này cũng làm xuất hiện những biểu hiện tiêu cực trong văn học, nghệ thuật, tạo nên một khuynh hướng nguy hiểm trong quá trình xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam, đó là khuynh hướng “diễn biến hòa bình”.

Bản chất của khuynh hướng “diễn biến hòa bình” trong văn học, nghệ thuật ở Việt Nam trước hết thúc đẩy làm cho văn học, nghệ thuật tự chuyển biến, đi ngược lại với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm đảo lộn đời sống hòa bình của dân tộc. “Diễn biến hòa bình” trong văn học, nghệ thuật ở nước ta thể hiện ở chỗ văn học, nghệ thuật sáng tác và biểu diễn đi ngược lại với mục tiêu định hướng cơ bản mà nhân dân ta đã lựa chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN

Thứ hai, cùng với việc phủ nhận chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, bằng những thế phẩm của văn học, nghệ thuật, “diễn biến hòa bình” trong văn học, nghệ thuật ở nước ta còn phủ nhận hệ tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênintư tưởng Hồ Chí Minh bằng cách cổ vũ, thay thế chúng bằng những định hướng nghệ thuật chống lại bản sắc dân tộc, phủ định các giá trị dân tộc.

Thứ ba, “diễn biến hòa bình” trong văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay là muốn đổi mới theo hệ tư tưởng ngoài mácxít và văn học, nghệ thuật muốn duy nhất hóa thị trường tự do, vô chính phủ, không dưới sự quản lý của Nhà nước và đường lối chính trị của Đảng.

“Diễn biến hòa bình” trong văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay luôn khuyến khích cho chủ nghĩa tự do vô chính phủ trong văn học, nghệ thuật, làm rối loạn đời sống tinh thần của xã hội, tạo ra những phản giá trị, những rác rưởi trong đời sống tinh thần của xã hội, làm cho mọi người nghi ngờ, dao động và hoài nghi tính đúng đắn, tính khoa học, tính cách mạng của những tư tưởng mỹ học của Chủ nghĩa Mác-Lênin và của nhiều nhà mỹ học mácxít khác… Một số văn nghệ sĩ có tư tưởng sai trái nhân danh việc đổi mới đã lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xuyên tạc, giễu nhại, bôi bẩn các giá trị văn hóa của dân tộc. Một mặt, họ đòi xét lại các nhân vật lịch sử đã đi vào các tác phẩm văn học, nghệ thuật, phủ nhận các sáng tác văn học, nghệ thuật thời kỳ kháng chiến hào hùng của dân tộc và thậm chí còn cho rằng mình phải sáng tác theo sự định hướng, chỉ đạo và yêu cầu của Đảng Cộng sản. Mặt khác, họ phổ biến, truyền bá các tác phẩm bôi nhọ, chế nhạo các bậc tiền bối cách mạng, tôn vinh những kẻ quay lại chống phá đất nước dưới các chiêu bài đấu tranh cho “nhân quyền”, “dân chủ”, “tự do”. Họ không chỉ phủ nhận công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, những giá trị thiêng liêng của quá khứ mà còn đánh tráo các khái niệm tốt-xấu, chính-tà, phải-trái. Họ cố tình không phân biệt đâu là chiến tranh chính nghĩa, đâu là chiến tranh phi nghĩa, đâu là chiến tranh xâm lược, đâu là nội chiến đến mức ngu muội mà cho rằng, cuộc chiến đấu của dân tộc ta chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai là một cuộc nội chiến. Tất cả những điều này diễn ra rất thường xuyên, với mục đích rõ ràng và họ không từ bất kỳ thủ đoạn nào để có thể truyền bá các tư tưởng sai trái của mình.

Điểm trung tâm và nổi bật của “diễn biến hòa bình” trong văn học, nghệ thuật hiện nay là sử dụng internet, sử dụng các sản phẩm nghệ thuật độc hại để đầu độc công chúng, lôi kéo thanh niên và truyền bá hệ tư tưởng xa lạ và quấy phá. Để làm được điều này, họ dựa vào những hiểu biết nông cạn về những quan điểm nghệ thuật cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong cơ chế thị trường và hiểu không đúng đắn về văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường, tách rời văn học, nghệ thuật khỏi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có thể nói, trong chiến lược “diễn biến hòa bình” đã và đang tồn tại xu hướng phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân ta, các thế lực phản động muốn sử dụng văn học, nghệ thuật để thực hiện các mưu đồ chính trị. Chính vì vậy, chúng ta cần phải tỉnh táo, nâng cao nhận thức về chính trị để có thể đối phó với các âm mưu của các thế lực thù địch.

Để chống “diễn biến hòa bình” trong văn học, nghệ thuật Việt Nam, cần thiết phải có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cao, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn và dân chủ, do vậy, các giải pháp cần có là:

Các nhà sáng tác và biểu diễn văn học, nghệ thuật phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, đề cao trách nhiệm trong hoạt động văn học, nghệ thuật, nâng cao hiểu biết chính trị vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Mọi sáng tạo và biểu diễn văn học, nghệ thuật nhất định phải gắn với đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Đó là định hướng lớn để văn học, nghệ thuật trở thành vũ khí tinh thần của đời sống xã hội hiện nay.

Mọi tác phẩm văn học, nghệ thuật phải có nội dung tư tưởng cao và giá trị thẩm mỹ cao. Nội dung tư tưởng cao là thể hiện tinh thần tiên tiến của văn học, nghệ thuật. Giá trị thẩm mỹ cao là biểu hiện sự thống nhất của hình thức với nội dung nghệ thuật. Tư tưởng nghệ thuật thấp cũng tạo nên chỗ hở để những tư tưởng độc hại thâm nhập vào đời sống tinh thần, thực hiện “diễn biến hòa bình” trong văn học, nghệ thuật. Giá trị thẩm mỹ không cao cũng là điều kiện để thẩm lậu những thị hiếu hoang dã xâm nhập vào đời sống và văn nghệ.

Chống “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật ngoài việc đề cao tinh thần trách nhiệm của người sáng tạo, tuân theo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và lao động nghệ thuật nghiêm túc để tạo nên những tác phẩm có giá trị tư tưởng cao và giá trị thẩm mỹ cao, cần thiết phải tham gia tổ chức nền công nghệ nghệ thuật Việt Nam phát triển tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền công nghiệp nghệ thuật này phải tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn học, nghệ thuật quốc tế, phát huy cao độ bản sắc dân tộc của văn học, nghệ thuật ở nước ta. Đồng thời cũng cần kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù hòng áp đặt, xâm lăng văn hóa lên đất nước ta.

Một số loại hình, loại thể văn học, nghệ thuật, như: Âm nhạc, hội họa, khiêu vũ, điện ảnh… có tính nhân loại và có tính quốc tế cao. Không thể không xây dựng công nghiệp nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc khi rất nhiều loại hình, loại thể nghệ thuật có tính quốc tế như vậy. Nếu chúng ta chấp nhận tính quốc tế một cách đơn giản mà không phát triển cao độ tính dân tộc các loại hình, loại thể văn học, nghệ thuật thì sẽ dễ dàng có “diễn biến hòa bình”.

Đối với công chúng, cần phải chú trọng bồi dưỡng cho công chúng về tình cảm thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ, lý tưởng thẩm mỹ lành mạnh để họ có thể nâng cao khả năng xem xét, đánh giá các giá trị thẩm mỹ tích cực, tiến bộ… đấu tranh ngăn ngừa, loại bỏ tình cảm thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ, lý tưởng thẩm mỹ lệch lạc, phản động, trái với thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp hàng ngàn năm của dân tộc.

Muốn chống “diễn biến hòa bình” trong văn học, nghệ thuật một cách hiệu quả, chúng ta phải kiên quyết tạo ra những hàng rào thông minh để ngăn cản những tác phẩm, những lý thuyết văn học, nghệ thuật phản động, lạc hậu hằng ngày, hằng giờ thông qua mạng lưới thông tin chưa có kiểm soát tốt để tạo ra những ảnh hưởng tinh thần độc hại trong xã hội ta. Do vậy, chúng ta cần phải xây dựng một chiến lược quốc gia kiểm soát những sản phẩm văn học, nghệ thuật độc hại về tư tưởng, nhảm nhí về mặt thẩm mỹ công bố trên các mạng thông tin điện tử. Làm được tất cả những điều này thì những khuynh hướng, quan điểm sai trái về văn học, nghệ thuật ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh văn hóa, đến đời sống xã hội chắc chắn sẽ bị đẩy lùi. Chiến lược “diễn biến hòa bình” và những âm mưu chống phá đất nước ta qua con đường văn học, nghệ thuật chắc chắn sẽ không có cơ sở để tồn tại.

PGS, TS NGUYỄN THU NGHĨA