Liếc ra sân, Tâm thấy ông “huyện” nhà mình, một sĩ quan công tác tại Ban Lịch sử của quân khu, đang mải mê chăm tỉa cây kiểng. Công việc sử sách quanh năm ngày tháng cứ liên miên hết công trình nọ gối đầu công trình kia, rồi hội thảo, nghiệm thu... lắm khi tranh luận với nhau như mổ bò, váng hết cả đầu. Xót chồng, chị liền nghĩ cách “bắt bệnh” rồi kiếm sách bắt Hòa đọc. Thoạt đầu, anh cười meo méo. Thôi, “sếp” mần phước, tha cho! Suốt ngày “ăn sách, ngủ sách” ở cơ quan chưa đủ hay sao? Chị cười, chìa ra cuốn sách của Dale Carnegie “Bạn muốn loại trừ stress và lo âu?” do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành, bảo anh cứ chịu khó đọc đi, không uổng đâu. Quan trọng là “Hãy tận dụng tối đa từng ngày đang sống”. Chị không ngờ anh đọc ngấu nghiến. Rồi anh thay đổi thật. Bây giờ, hễ có chút thì giờ rảnh rỗi là anh lại chọn cách thư giãn với cây, hoa… Ngó cảnh ấy, Tâm mỉm cười gật gù tỏ vẻ đắc ý. Ừ, với “phần tử” mọt sách này thì phải “dĩ độc chế độc” mới được!

Vừa mới vào form được chừng non trang, Tâm đang hào hứng lướt ngón tay trên bàn phím thì chiếc iPhone chớp chớp báo hiệu có tin nhắn. Chị vớ máy bật lên xem. Thì ra tin nhắn của Thoa, cô bạn mới quen chưa lâu. Đọc hết nội dung, biết bạn đương cầu cứu mình, Tâm tặc lưỡi tắt laptop và đứng dậy. Tâm xách máy vô phòng, tròng vội lên người bộ đồ đi làm.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN

Thấy vợ sấp ngửa không kịp cả trang điểm, anh Hòa ngưng tay:

- Ủa, ngày nghỉ, em làm chi mà cứ như ma đuổi vậy? Hay là người ta từ bển trở về?

Anh giúp chị dắt xe ra cổng với ánh mắt pha chút tò mò. Đã toan ngồi lên yên chiếc Liberty, chị bèn sửa lại tư thế và nhìn thẳng vào mắt anh:

- Nếu người ta trở về thiệt thì sao nào?

- Thì nhiệt liệt chào mừng chớ sao với giăng chi!

- Đùa vậy chớ, nhỏ bạn có việc cầu cứu em, cổ đang ngồi chờ em ngoài quán cà phê. Lát nữa về em kể cho mà nghe...

Biết tính vợ, Hòa cầm lấy chiếc kéo tỉa cành tiếp tục công việc của mình. Anh lắc đầu nhìn theo vợ và nhắc nhẹ: “Chạy từ từ thôi em. Giờ này đường đông xe lắm…”                                      

*

*      *

Trước khi đến với Hòa, Tâm từng có một mối tình với anh bạn điển trai cùng lớp thời đại học. Cử nhân báo chí nhưng Tốn lại theo nghề buôn bán bất động sản bởi sự dẫn dắt của ông anh. Trong khi Tâm làm cho một tờ báo ở thành phố, tháng ngày vẫn loay hoay với chuyện áo cơm, chủ yếu dựa dẫm vào ba mẹ, thì Tốn đã có lưng vốn khá khẩm. Nhưng chị luôn khước từ mọi sự giúp đỡ về vật chất của Tốn. Tới khi Tốn được gia đình ở bên xứ kangaroo bảo lãnh, anh chính thức đặt vấn đề làm đám cưới và đưa Tâm sang định cư ở xứ người, thì chị từ chối. Tốn buồn bã: Vậy mà em nói yêu anh? Tâm: Em không gạt anh, nhưng anh thứ lỗi cho, em không nỡ bỏ lại ba mẹ để tìm cuộc sống cho riêng mình. Ba em mấy chục năm trận mạc, mẹ em một mình nuôi các con…

Tiếp đó là chuỗi ngày chao đảo, châng lâng. Một bữa đi làm về, Tâm thấy ba mình đang có khách. Một vị thiếu tướng đang ngồi đàm đạo say sưa với một anh thiếu tá, mang cặp kính cận dày cộp. Cô chào ba, rồi quay sang khẽ gật đầu chào khách. Nghe ba giới thiệu, Tâm mới hay đây là người được Cục Chính trị Quân khu cử tới giúp ba cô thể hiện cuốn hồi ký. Khi mà nỗi buồn trống trải hãy còn chế ngự tâm khảm, Tâm chả buồn quan tâm tới việc chàng sĩ quan dáng vẻ e dè vẫn thường lui tới nhà mình. Biết tánh con gái nên ba Tâm cứ lặng thinh, chỉ thi thoảng hai ba con có dịp ngồi với nhau, ông mới kể đôi nét về Hòa: “Cái thằng vậy mà ngon. Đã xong cái bằng tiến sĩ sử học, nghe nói cu cậu có “uy” lắm, được trên tin, dưới quý. Tương lai còn tiến xa...”. Tâm cười cười chọc ba mình: “Ba không tính kén “phò mã” đấy chứ?”. Ba Tâm mắng yêu: “Coi chừng ế chỏng gọng đa, con!”.

Nghe vậy thì biết vậy, Tâm vẫn cứ lơ đãng, chẳng mảy may có chút xao động nào. Cho tới lần Tâm ngược ra mấy tỉnh biên giới phía Bắc công tác, thì ba ở nhà phải nhập viện cấp cứu. Hồi ấy phương tiện đi lại không như bây giờ, nghe đồng nghiệp báo tin là có Hòa túc trực chăm nom ông cụ, Tâm cố nán thêm ngày nữa cho hoàn tất công việc rồi mới sấp ngửa xuôi Hà Nội, cậy nhờ người quen bên không quân xin đi nhờ máy bay quân sự về Tân Sơn Nhất...

Bắt gặp cảnh Hòa đương nâng giấc cho ba mình trong bệnh viện, Tâm thấy cay sè hai mắt. Tới lúc cuốn hồi ký hoàn thành thì có bước... ngoặt: Trước khi hai người đi đến quyết định cuối cùng, bỗng dưng anh “trở chứng” ngãng ra. Tâm gặng hỏi mãi, thì mới hay Hòa bị thiên hạ đồn thổi là kẻ cơ hội, chủ yếu là “nghía… cơ ngơi” của vị tướng, chứ yêu đương cái nỗi gì. Vớ vẩn! Tâm cáu. Cô hẹn Hòa ở quán cà phê: Anh là lính mà sao hèn thế?

Lúc nghe con gái hỏi xin ý kiến, vị tướng bảo: Tùy ở con, nếu hai đứa bây thấy thực sự không thể sống thiếu nhau thì hãy xáp lại, chứ đừng vì ân huệ hay vì bất cứ một lý do nào khác. Ba thấy, thời buổi nầy, người giàu sang nhiều lắm, kẻ có địa vị cao không hiếm, nhưng người học rộng và tử tế thì không nhiều. Vả lại, cả đời ba soát lại thì quân đội vẫn là môi trường “miễn dịch” tốt nhất, đó con!

Câu chuyện tình của Tâm và Hòa khép lại bằng một đám cưới nhẹ nhàng, ấm cúng. Rồi hai cậu nhóc bụ bẫm chào đời. Bây giờ thì cả ba lẫn mẹ của Tâm đã về với tổ tiên, cuộc sống của hai người vẫn bình lặng, êm đềm. Song lắm khi, Tâm thấy nơi Hòa vẫn thiêu thiếu chút gì rất khó gọi tên, mặc dầu anh rất thương yêu vợ con. Anh không phải là mẫu đàn ông ga lăng. Điều ấy khiến Tâm không khỏi có lúc chạnh nhớ về những kỷ niệm ngày cũ: Tốn luôn là người biết đón ý và chiều chuộng cô hết mực. Ngẫm ra, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng ở đời đâu có gì là tuyệt đối hay lý tưởng như ước muốn của con người đâu cơ chứ. Thôi thì hãy cứ bằng lòng với những gì mình đang có…

*

*      *

Tới quán cà phê Đá Cuội, một địa chỉ quen thuộc, Tâm gởi xe. Cất chìa khóa và thẻ xe cẩn thận vào túi, Tâm khấp khểnh bước trên lối đi chênh vênh. Vừa đi, Tâm vừa dáo dác đưa mắt quan sát tìm cô bạn. Ánh mắt Tâm quét một vòng từ trong ra ngoài. Kia rồi. Sâu vào mé bên trái, ngay dưới bụi trúc quân tử, Tâm bắt gặp Thoa đương ngồi cô độc. Giai điệu nhạc Trịnh vẫn mượt mà sâu lắng, song dường như tâm trí Thoa đang phiêu diêu tận đẩu đâu. Không cất tiếng gọi như mọi bận, Tâm lặng lẽ bước tới đặt nhẹ bàn tay lên vai người bạn, lòng đầy thương cảm. Thoa từ từ ngước lên, cặp mắt mọng nước, nét mặt buồn rượi. Biết gu của Thoa, Tâm gọi hai ly nâu. Thoa gục đầu vào vai Tâm: “Em khổ lắm, chị ơi!”. Để yên cho người bạn gái được khóc tức tưởi một lúc cho vơi bớt nỗi lòng, Tâm mới khẽ khàng: “Nào, hãy nói cho chị biết chuyện gì đã xảy ra với em?”.

Trong một lần xuống phường nọ lấy tư liệu để viết bài, chị tình cờ gặp Thoa, cô gái quê xứ Đông một thân một mình vô Sài Gòn lập nghiệp. Dáng người mảnh mai, cao ráo, hoạt bát và xinh xắn, đặc biệt là Thoa có đôi mắt lúc nào cũng như biết cười, biết nói. Một cô gái tươi tắn, dễ thương, khiêm nhường và đầy tự trọng! Ngay buổi đầu, Tâm đã đem lòng cảm mến. Từ quen đến thân, trong nhiều lần gặp nhau, thi thoảng bắt gặp vết thâm mờ trên gương mặt trái xoan của Thoa, Tâm gặng hỏi thì cô gạt đi “em vô ý đụng cánh cửa í mà, chả có chuyện gì đâu, chị”. Biết vậy, nhưng trong đầu Tâm vẫn thắc thỏm một mối nghi ngại và lo thay cho Thoa. Và hôm nay thì mọi chuyện đã rõ rành rành.

Đôi vai run rẩy, Thoa tức tưởi: “Em lại bị… bị… đánh, chị ơi!”. Đưa tay gạt khẽ mớ tóc lòa xòa trên trán Thoa, nhìn thấy vết bầm tím, lòng Tâm bỗng nhiên sôi lên vì tức giận và xót thương. Thoa kể: “Tối qua, tụi em tổ chức liên hoan văn nghệ ở phường. Vui quá, nên em về nhà có hơi trễ một chút, vì xong việc còn phải ở lại thu dọn cùng mọi người. Vừa thấy em bước chân vào cửa, ảnh đã quát ầm lên, rằng cô cặp kè với thằng nào mà giờ mới vác mặt về? Vứt con ở nhà để nó khóc hết hơi, hả? Thấy trên mặt em còn vương chút phấn son, thế là ảnh nhào tới đấm đá… Em chịu hết xiết rồi chị ơi!”.

Tâm nhẹ nhàng: “Mấy lần trước, chị đã thấy nghi nghi rồi, mà sao em cứ phải giấu?”. Thoa lắc đầu. “Nói ra buồn lắm. Xấu chàng hổ ai, hả chị? Gặp ông chồng vũ phu, lắm lúc em chỉ muốn tung hê cho rồi, nhưng nghĩ đến đứa con bé bỏng, em chỉ biết cắn răng...”.

Tâm vẫn nhẹ nhàng:

- Đã nhiều lần chị khuyên em đừng tự biến mình thành một “ôsin” trong nhà rồi. Làm hết mọi việc, không để chồng đụng tay vào bất cứ thứ gì là cách nghĩ tiêu cực và cũng là cách làm hư hỏng đàn ông nhanh nhất. Là phụ nữ, ai chả muốn vun vén cho hạnh phúc gia đình, nhưng hãy biết cách để người bạn đời tôn trọng và sẻ chia với mình. Đàn ông xứ mình vẫn có không ít kẻ còn mang nặng đầu óc gia trưởng, độc đoán. Họ nắm được thóp của chị em mình là không bao giờ muốn để người ngoài biết chuyện nhà, nên hễ mình càng nhịn nhục thì họ càng được thể lấn tới. Vì thế, bạo lực gia đình vẫn còn “đất” phát triển! Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, nhưng ngay cả tình cảm cũng phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, chứ không thể tùy tiện. Chớ mù quáng mà tin rằng có “yêu” thì mới có ghen, em nhé! Ghen tuông là một thứ bệnh hoạn nảy sinh ở nơi thiếu niềm tin, thiếu sự tôn trọng lẫn nhau.

“Vâng, em nghe lời chị, nhưng cũng có cái khó...”.

“Khó gì đâu, cái chính là ở em, sống trên đời cũng phải có nghệ thuật...”.

 Đưa tờ giấy thấm hết những giọt nước mắt trên gò má, Thoa nghẹn ngào: “Giờ phải làm sao hả chị?”. Tâm ôm lấy đôi vai gầy guộc của Thoa, cả hai chị em cùng đứng lên. “Ngày mai, chị sẽ ghé cơ quan, xin lãnh đạo cho nhà báo gặp chú ấy để hỏi cho ra nhẽ. Nhưng, em cũng phải mạnh mẽ lên, tỉnh táo hơn, đừng cam chịu nữa!”.

Trở về nhà với tâm trạng não nề, Tâm không muốn kể với chồng nghe câu chuyện của bạn mình như đã hứa. Nhìn nét mặt của vợ nên Hòa lờ đi mà không gặng hỏi gì thêm. Chị thầm biết ơn anh. Nhưng rồi đến bữa cơm trưa, không kìm được, Tâm bèn kể lại với chồng câu chuyện của Thoa. Chưa bao giờ chị lại muốn được chia sẻ với người bạn đời của mình như lúc này...

Truyện ngắn của NGUYỄN LAN CHI