Chị đã xuất bản 3 tập thơ, 5 tập văn xuôi và 2 cuốn sách nghiên cứu văn hóa dân gian; được trao tặng nhiều giải thưởng văn học uy tín cấp Trung ương và địa phương. Nhà thơ Phan Hoàng từng nhận xét: “Như "tiếng chiêng gọi mùa xanh biếc", thơ của Hoàng Thanh Hương là tiếng lòng tinh khôi của một cô gái Mường trẻ trung luôn gắn liền với mạch sống nguồn cội của mình, tựa “vòng xoang chảy mãi!”.
|
|
Nhà thơ Hoàng Thanh Hương. |
Ký ức núi hoa vàng
Khi chạm vào ký ức tuổi thơ
lòng ta dịu mềm như cỏ
tuổi thơ đói nghèo lang thang theo cha
đồi cao, rừng sâu, suối nguồn mùa lũ
chập chờn những đêm thức ngủ
nhà dột bốn bề những trận cuối mùa mưa.
Khi chạm vào ký ức tuổi thơ
lòng ta dịu mềm như gió
có cậu bé ám ảnh đôi mắt ta trong veo ban mai
thương nhau chia phần miếng khoai quả ngọt
tình bạn tuổi thơ trong veo sương mai
ký ức tuổi thơ lộng lẫy hoa vàng núi Đợi.
Khi chạm vào ký ức tuổi thơ
rưng rưng nhớ thương ngày mình nhỏ dại
vô tư cho nhau niềm vui
vô tư cho nhau hờn dỗi
chẳng chút so đo được, mất thiệt hơn
bây giờ lớn lên
ngồi kể chuyện ngày xưa
liệu anh có thiệt bụng rưng rưng như em
khi hồi tưởng ngày chúng mình thơ bé
hay là... sau bao vui buồn dâu bể
lòng dạ đã đầy toan tính thiệt hơn.
Hoa vẫn vàng trên núi Đợi của em
tim chợt hết rưng rưng khi nhắc về ký ức
theo ngày tháng lặng trôi ký ức tan vào đất
cho những mùa hoa thản nhiên... nở rực vàng.
---------
Nhớ làng
Chiều phố mưa
Bỗng nhớ làng
Mùi khói đốt lá vườn ai làm cay cay mắt
Mí dặn khi nào bớt việc về đây, về đây
Làng mí xa xa, làng mí nghèo
Nương rẫy xa xa, lúa ngô cằn cỗi
Suối cạn, rừng thưa, vườn xơ xác
Những đứa con bỏ làng lên phố quanh năm
Làng mí xa xa, chiều xuống rất nhanh
Bữa cơm nhá nhem độc màu lửa bếp
Bữa cơm muối ớt tê ran ran lưỡi
Đêm rét dài, mí đẩy ta nằm phía bếp
Chiều phố mưa, nhớ làng nhớ mí
Làng xa đâu dễ đi về
Mí vẫn mong khi làng có hội
Mí vẫn mong mỗi mùa cơm mới
Chiều mưa, nhớ làng nhớ mí
Canh cánh trong lòng món nợ
Những bản làng ta qua
Những mí già bên bếp lửa chờ ta...
---
* Mí: mẹ
----------
Đi qua làng ngày mưa
Vẩn vơ đi dọc làng
Những ngôi làng mùa mưa
Người đàn ông say rượu nằm soài mé cửa
Bầy chó đuổi nhau tóe nước văng bùn
Lũ trẻ trần lưng nô đùa tím tái
Ngoài trời đang là 12 độ 5
Vẩn vơ đi dọc làng
Gặp ai cũng cười, gặp ai cũng chào
Gặp ai cũng hỏi cái mất, cái còn
Giọt nước, nhà rông, nhà sàn, kho lúa
Tượng mồ, ché chiêng, lễ cúng, hơ mon...
Mắt người già rưng rưng, mắt người non ngơ ngác
Ít rồi, hết rồi, mất rồi
Rừng còn đâu, còn đâu?
Thương nhớ rừng, thương nhớ...
Rừng đã xa xôi cả mấy ngày đường
Người sống buồn, người chết cô đơn
Những buôn làng tôi qua
Lũ trẻ đâu thích nghe kể hơ mon
Chúng mê smart phone
Chúng mê nhạc ồn ào, nhảy hip hop
Chiêng ngủ vùi trên vách
Điệu xoang thưa rời những nhịp chân...
Vẩn vơ đi dọc làng
Nỗi buồn dâng lên, dâng lên, dâng lên
Buồn suốt quãng đường đi-về mưa gió
Buồn suốt quãng đời nay-mai... tôi có
Phép màu nào cho những buôn làng tôi qua?
----------
Đàn bà núi
Em-người đàn bà của núi
bước chân ngược dốc quen rồi
mắt quen một hướng mặt trời
trái tim thẳm sâu hang đá
biển ở đâu đó xa xôi nơi có nàng tiên cá
có rêu xanh và những cánh buồm
em khát khao biển nên anh thổi hồn vào khối gỗ
những biểu tượng biển, rừng huyền hoặc u minh
Em-người đàn bà của núi
chân trần gỗ lim, ngực nồng nàn gió
thương là nói thương, nhớ thì nói nhớ
bụng thật như hạt gạo, hạt bắp căng no nắng gió đại ngàn
Rượu uống thâu đêm, xoang hát thâu đêm
Say say say ê a hát, rầm rì chuyện kể
mời anh hết cùng cang rượu
thế là nên tình nghĩa nợ duyên...
Em-người đàn bà của núi
quen suối quen rừng, quen sương gió nắng mưa
quen tiếng lửa đêm đêm nhà sàn cửa mở
trăng sao canh giấc êm đềm
cỏ thơm ru giấc êm đềm
anh đã thương em thì thương cả bậc cầu thang
ngôi nhà em dưới chân núi đá.
Em-người đàn bà của núi
chân trần gỗ lim, ngực nồng nàn gió
thương là nói thương, nhớ thì nói nhớ
mời anh hết cùng em cang nữa
Cho tình nghĩa nợ duyên thêm đậm thêm nồng.