Đọc, xem, nghe các tác phẩm từng được trao giải thưởng Bộ Quốc phòng về đề tài này thì thấy, tác phẩm về người lính hôm nay xuất hiện rất khiêm tốn. Điều đó hoàn toàn không tương xứng với sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam trong tiến trình trở thành đội quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Có thể giải thích cho điều này, vì phần lớn văn nghệ sĩ có tên tuổi đã bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm”; nếu có sáng tác thì nguồn tài nguyên mà họ khai thác vẫn là người lính của những cuộc kháng chiến vĩ đại. Thế hệ văn nghệ sĩ trẻ và trung niên thì đáng tiếc là sự hiểu biết về người lính hôm nay chưa đủ độ sâu sắc nên hầu hết các tác phẩm chưa chạm vào những nội dung cốt lõi, chưa phải là “người trong cuộc” nên khán giả, độc giả cảm thấy họ “nhìn từ bên ngoài”...
    |
 |
Nụ cười chiến sĩ hải quân. Ảnh: QUỐC THÁI |
Như vậy, vấn đề đầu tiên là văn nghệ sĩ phải dấn thân trở thành “người trong cuộc”, phải “3 cùng”, phải vui cùng niềm vui, đau cùng niềm đau của người chiến sĩ hôm nay. Chỉ khi nắm bắt được thực tiễn đời sống người lính hôm nay thì mới khai thác được các đề tài tinh tế, tươi mới về họ. Như trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa qua, giới báo chí đã dấn thân, nhập cuộc rất sâu vào hoạt động giúp dân của quân đội nhưng giới văn nghệ sĩ thì còn rất rụt rè; nếu có thì cũng hầu hết là các nhà báo kiêm văn nghệ sĩ. Cho nên, trong khi báo in, báo nói, báo hình, báo ảnh, báo điện tử đều có rất nhiều tác phẩm chạm vào trái tim độc giả thì văn học, nghệ thuật vẫn chưa có nhiều tác phẩm đạt đến chất lượng như vậy.
Thời chiến, cả nước là chiến trường, văn nghệ sĩ đều là chiến sĩ, cho nên sự dấn thân của văn nghệ sĩ khi viết về người lính có phần thuận lợi. Thời nay, văn nghệ sĩ muốn thâm nhập vào các hoạt động quân sự, quốc phòng, tìm hiểu hoạt động của các đơn vị là rất khó khăn. Điều này đặt ra vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý trong quân đội. Chúng ta thấy rằng, trong cơ chế thị trường, khuyến khích các văn nghệ sĩ sáng tác đề tài về bộ đội đã khó, trong khi họ lại gặp muôn vàn khó khăn để tiếp cận bộ đội. Vì vậy, nếu cơ quan quản lý không tìm cách khắc phục được những hạn chế của cơ chế quản lý thì không khuyến khích được người sáng tác, kể cả đó là những người rất muốn sáng tác về bộ đội, quân đội. Trước đây, nhiều văn nghệ sĩ đã trở thành anh hùng liệt sĩ; điều đó chứng tỏ văn nghệ sĩ không ngại gian khổ, hy sinh. Ngày nay, nếu có cơ chế khuyến khích, động viên đúng đắn cùng với việc tạo điều kiện tốt nhất thì chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều văn nghệ sĩ dấn thân, nhập cuộc cùng bộ đội trên hành trình khắc họa những hình tượng đẹp về người lính hôm nay.
Đất nước đã hòa bình nhưng quân đội vẫn phải làm nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu. Nhiều nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm, phải chấp nhận và đối diện với hy sinh như rà phá bom, mìn; phòng, chống thiên tai, thảm họa; phòng, chống tội phạm; diễn tập; làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bầu trời, biên giới... Nếu xét về tính chất phức tạp của thế giới tâm hồn thì người lính hôm nay còn đứng trước rất nhiều giằng xé bởi ngay bên cạnh họ là một cuộc sống tốt đẹp, có nhiều lựa chọn.
Người lính hôm nay cũng không chỉ cao về trình độ giác ngộ lý tưởng chiến đấu mà còn thực sự cao về trình độ khoa học, kỹ thuật. Những người lính tàu ngầm, tên lửa, phi công hay những người làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tác chiến không gian mạng... đều là những trí thức, chuyên gia của đất nước. Với những người như vậy, nếu chỉ “cưỡi ô tô xem hoa” thì làm sao có thể hiểu về họ, nói gì đến khắc họa nên những hình tượng nghệ thuật về họ.
Bộ đội Cụ Hồ thời nay vẫn ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, luôn mang nặng nghĩa tình đồng đội và lối sống nhân văn, trong sáng, đồng thời rất can đảm để vượt lên những éo le, trớ trêu của số phận để tiếp tục khẳng định giá trị, phẩm chất truyền thống. Do đó, rất cần có sự đổi mới cơ chế quản lý để văn nghệ sĩ thâm nhập, hiểu biết sâu sắc về người lính thời nay.
Vấn đề thứ hai, để có những tác phẩm đỉnh cao thì các cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, trại sáng tác về đề tài bộ đội hôm nay. Đề tài bộ đội hôm nay vẫn có sức hút rất lớn, nhưng các văn nghệ sĩ cũng còn nhiều đề tài khác, mới mẻ hơn, cuốn hút hơn. Vì thế, cần đầu tư xứng đáng và đổi mới cách tổ chức các cuộc vận động, các trại sáng tác đúng trọng tâm, trọng điểm.
Thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật trong nước và quốc tế đã cho thấy, có nhiều tác phẩm đỉnh cao ra đời trong hoàn cảnh “đặt hàng”. Các cuộc vận động, trại sáng tác chính là cách để quân đội “đặt hàng” các văn nghệ sĩ đã chứng minh được tài năng của mình. Các hoạt động này cũng nên là cơ hội để nâng tầm hiểu biết về quốc phòng, an ninh cho các văn nghệ sĩ. Các vấn đề toàn cầu, khu vực, chiến lược, chiến dịch, chiến thuật... nếu được các chuyên gia hàng đầu chia sẻ trong dịp tham gia trại sáng tác sẽ góp phần giúp các văn nghệ sĩ hiểu biết sâu sắc hơn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của người lính, người dân hôm nay.
Xin lấy một ví dụ, Quân đội ta đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt trên trận tuyến làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, nhất là nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài này vô cùng khó và thậm chí sẽ khó xuất hiện tác phẩm nếu thiếu định hướng của cơ quan chức năng. Đây chính là vấn đề cần phải đổi mới, cần sự định hướng cụ thể, sâu sát khi tổ chức các cuộc vận động, các trại sáng tác.
Vấn đề thứ ba là tổ chức các giải thưởng văn học, nghệ thuật về đề tài người lính hôm nay. Không một tác giả nào sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật nhằm mục đích tìm kiếm giải thưởng, nhưng nếu đoạt được một giải thưởng nào đó thì tạo ra động lực rất lớn trong quá trình sáng tạo của văn nghệ sĩ, khuyến khích văn nghệ sĩ tiếp tục đi sâu khai thác về đề tài đó. “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Trong các động lực sáng tạo, không thể không kể đến động lực kinh tế. Nếu một giải thưởng giá trị lớn thì chắc chắn sẽ có sức hút với văn nghệ sĩ.
Nhiều văn nghệ sĩ từng vô cùng bức xúc với một giải thưởng của một địa phương chỉ vì giá trị của giải thưởng chỉ đủ mua vài mớ rau và hậu quả là sau đó giải thưởng này gặp sự “kỳ thị” của giới văn nghệ sĩ trong một thời gian dài. Tôi xin nhấn mạnh, giá trị của giải thưởng cũng là một động lực sáng tạo nhưng không phải là động lực trước tiên và càng không phải là duy nhất. “Của trao” rất quan trọng, nhưng “cách trao” cũng quan trọng không kém. Vì vậy, tổ chức giải thưởng phải thực chất, công khai, dân chủ, chống “chia phần”, “lợi ích nhóm”. Trong tổ chức giải thưởng, cần kết hợp với công tác tuyên truyền, quảng bá để giới sáng tác thấy được vinh dự, tự hào khi đoạt giải thưởng.
Hiện nay, định kỳ 5 năm một lần, Bộ Quốc phòng tổ chức trao thưởng các tác phẩm văn học, nghệ thuật đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Nên chăng, trong giải thưởng này cần có giải chuyên đề cho mảng đề tài về người lính hôm nay. Hơn nữa, giải thưởng này cần được đổi mới để theo kịp với xu hướng và sự phát triển của văn học, nghệ thuật hiện nay. Đặc biệt, cần ưu tiên có giải chuyên đề tập trung vào những chủ đề quan trọng, chủ đề về các lĩnh vực mới, nhiệm vụ mới. Ví dụ, cần có giải chuyên đề phản ánh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, khắc phục thảm họa, tìm kiếm cứu nạn, đoàn kết quân dân, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tham gia lao động sản xuất, kinh doanh... Chỉ có như vậy mới khuyến khích được giới sáng tác đầu tư cho các chủ đề trọng tâm, trọng điểm và hoạt động sáng tác sẽ chuyển từ “tự phát” sang “tự giác”.
Vấn đề thứ tư là phát huy vai trò, trách nhiệm của giới sáng tác văn học, nghệ thuật trong quân đội. Trước đây, giới sáng tác văn học, nghệ thuật trong quân đội rất hùng hậu (cả chuyên nghiệp và không chuyên), trải đều trên tất cả các chuyên ngành văn học, nghệ thuật nhưng hiện nay thì không còn được như vậy. Xây dựng lực lượng sáng tác chuyên nghiệp "tinh, gọn, mạnh", làm nòng cốt trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đề tài LLVT là vấn đề rất cần được quan tâm hơn nữa. Không ai hiểu người lính, không ai hiểu những vấn đề quân sự, quốc phòng bằng chính những người lính làm nghệ thuật. Đây có lẽ sẽ là một vấn đề lớn, cần được thảo luận và được các cơ quan chức năng ghi nhận, xem xét một cách thấu đáo.
Ngày 28-12-2021, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 847-NQ/QUTW về "Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới". Đây là nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược cùng sự nhạy bén, kịp thời của Quân ủy Trung ương, với các chủ trương, giải pháp cấp thiết, nhằm tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đồng thời kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong toàn quân. Nghị quyết này là một nguồn động lực, một cú hích lớn lao đối với giới sáng tác văn học, nghệ thuật.
Ai cũng nhận thấy sự cần thiết phải có các tác phẩm văn học, nghệ thuật về người lính hôm nay để xây dựng các hình tượng thẩm mỹ mới, cụ thể hóa hệ thống các giá trị, phẩm chất tốt đẹp của người quân nhân cách mạng, tạo nên những mẫu hình, chuẩn mực của Bộ đội Cụ Hồ phù hợp với tình hình đất nước hiện nay. Hơn nữa, trước các âm mưu, thủ đoạn “hạ bệ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ”, hạ thấp uy tín quân đội trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, giới sáng tác còn phải thấy được sứ mệnh của mình trong đấu tranh phê phán với các thủ đoạn hòng làm dung tục, thấp hèn, tầm thường hóa người lính. Đặc biệt là kiên quyết đấu tranh với những người nhân danh chủ nghĩa hậu hiện đại, xu hướng “giải thiêng”... để bôi đen hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh không khoan nhượng này cũng là một cách làm xuất hiện những tác phẩm chất lượng cao về người lính hôm nay.
Tiến sĩ NGUYỄN KÔNG HIỀN