Thơ là tiếng nói cảm xúc bật ra từ tấm lòng chân thành, là sự kết tinh của vốn sống giàu trải nghiệm, cùng với vốn hiểu biết dày dặn, phong phú. Ngày nay, thích ứng với thời đại công nghệ 4.0, xu hướng chung của mỹ học tiếp nhận thơ trên thế giới ưa thích dạng thơ ngắn gọn, hàm súc, nhưng hàm chứa nhiều thông tin, nhiều lớp mã ý nghĩa. Gọi đó là thơ trí tuệ cũng chưa hẳn vì nó vẫn giàu cảm xúc, nên có lẽ gọi là thơ triết luận thì đúng hơn chăng (!?).

Ở ta, thơ vẫn nở rộ với rất nhiều dạng thức thể loại. Về thơ triết luận như tạm gọi ở trên, tôi thấy Nguyễn Hồng Vinh là tác giả khá tiêu biểu. Với 10 tập thơ được dư luận đón nhận, do vậy, khẳng định nên dùng khái niệm phong cách với thơ Hồng Vinh là không vội vã. Đó là một phong cách triết lý-trữ tình, giàu suy tưởng, hồn hậu, tươi trẻ và rất lạc quan. Tôi tạm “liệt kê”, khoảng chục năm lại đây, anh đã viết 35 bài về Bộ đội Cụ Hồ với nhiều chiều cạnh cuộc sống người lính trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một trong những chủ đề đậm nét, như vệt sáng xuyên suốt soi chiếu làm rõ phong cách thế giới thơ Nguyễn Hồng Vinh.

Cái tôi trữ tình trong thơ Hồng Vinh như cái bản lề khép mở hai thời quá khứ và hiện tại. Bài "Một thời mãi nhớ" (năm 2017) tựa vào ký ức một thời Trường Sơn để nhìn sâu về quá khứ đuổi giặc: Lứa chúng tôi/ Vượt Trường Sơn đánh Mỹ/... Thời gian trôi đi/ Thời gian bào mòn nỗi nhớ/ Trang sách Trường Sơn dù ố vàng, nhòe con chữ/ Nhưng ký ức của một thời đáng nhớ/ Còn mãi với muôn sau! Câu cuối lại là một mã rất quan trọng: “Còn mãi với muôn sau”, tứ thơ mở ra một chiều tương lai thứ ba để khẳng định một thời giữ nước sẽ sống mãi với lịch sử. Không hề lên gân, câu chữ tưởng đơn giản, bình thường nhưng sâu lắng bao ý nghĩa: Gợi mở người đọc lòng biết ơn, niềm tự hào về các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ. Có điều thú vị ở đây là, tác giả từng hai lần vào Trường Sơn phản ánh cuộc chiến đấu hào hùng của Quân đội ta trên các trang báo một thời đánh Mỹ; và như vậy, người lính viết về lính, hôm qua-hôm nay!

Có nhiều bài ấn tượng được kết cấu theo hai nửa thời gian, cũng là hai mạch cảm xúc xưa và nay. "Lá thư qua bưu điện" (năm 2021) có nhân vật là anh lính tự kể về mình, rất thật: Chiến trường tiến sâu vào trong/ Làm tan biến mọi mong manh tin tức/ Mười năm, em thành vọng phu bến nước/ Còn tôi, bom cướp mất chân! Bốn câu thơ ngắn, nhưng diễn tả một hoàn cảnh “dài”: Anh lính vào chiến trường phía trong nên tin tức người yêu “tan biến”. Ở hậu phương “em thành vọng phu”. Nàng Vọng phu trong truyện cổ trèo lên đỉnh núi ngóng chồng, còn ở đây là “vọng phu bến nước”, hé mở không gian vùng quê Bắc Bộ. “Vọng phu”, một đêm đã dài. “Vọng phu” mười năm thì là đợi chờ cả một đời con gái. Gặp nhau, anh là thương binh... Cái đau chìm trong 4 từ ngắn gọn, mà thấm đọng, lắng sâu da diết! Nhưng cưới nhau lại xa nhau, vì: Hòa bình về, em đã lên vùng biên/ Cùng bà con dựng trường, mở lớp/ Học sinh là những đứa con tinh thần/ Nghe trẻ hát xua đi đơn độc/ Chấm các bài văn về cha, về mẹ/ Đầy ắp niềm vui, nhưng đêm xuống nao lòng:/ Giá Trời cho chúng mình một tổ ấm chung? Thời chiến tranh, chia ly đã đành; hòa bình, vì nhiệm vụ, họ lại tiếp tục chia ly, thì đó là sự hy sinh đáng kính trọng. Lại một kết cấu tương phản không gian: Chồng là thương binh ở quê, vợ dạy học nơi vùng biên viễn. Một tương phản tâm trạng: Ngày vui/ đêm buồn. Cái buồn nhân văn trong sáng tận cùng nhưng đầy ám gợi: Giá Trời cho chúng mình một tổ ấm chung? Một mong ước bình dị rất con người!

Dừng ở đây đã đủ xao động lòng người, nhưng nhà thơ còn mở tiếp ra một cảm nhận mới, một chân trời hy vọng vào những lá thư tâm tình tưởng sẽ không tồn tại trong thời “số hóa”, nhưng ở nơi biên cương, thư là kỷ vật vô giá Lưu giữ ngọt bùi kỷ niệm/ Truyền đi “thông điệp” tâm hồn/ Thắp lên hy vọng ngày xuân!... Ở thời kỹ thuật số này, với những cặp vợ chồng yêu nhau cùng chung lý tưởng cống hiến thì tình yêu chồng vợ, tình yêu đất nước, trách nhiệm công dân luôn hòa quyện vào nhau, cùng Thắp lên hy vọng ngày xuân. Đấy là một triết luận về “lâu đài hạnh phúc”, tương lai được xây trên nền móng tình yêu chung thủy.

leftcenterrightdel
Bức tranh trong bộ tác phẩm "Tổ quốc gọi" của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch. 

Là một nhà báo, nhà thơ, lại từng giữ cương vị cán bộ cao cấp của Đảng, đi nhiều, từng sống đời lính chiến, Hồng Vinh đến với bộ đội như về với anh em, bè bạn. Anh thấu hiểu hoàn cảnh và trách nhiệm của người lính đảo: Khi bếp bánh chưng còn đượm lửa hồng/ Anh vội rời nhà ra tiền tiêu với đảo/ Phía sau anh, xóm làng yêu dấu/ Tiếng khóc chào đời đứa con đầu tiên. Người lính ra đảo giữa lúc gia đình cần anh nhất: Tết đến (bếp bánh chưng còn đượm lửa), con đầu lòng ra đời. Lại đến nơi đầu sóng ngọn gió, có cả kẻ thù thiên tai và quân cướp biển: Vẫn biết bão dông ập đến bất thần/ Và kẻ ác cứ rập rình sớm tối, nhưng họ vẫn sẵn sàng: Vì Tổ quốc trường tồn là tối thượng/ Danh dự lính Cụ Hồ, anh chấp nhận gian nguy. Ai từng cầm súng nơi biên cương, nơi đảo xa, sẽ thấy những câu thơ gan ruột này, đã nói thay tấm lòng mình: Vọng gác anh giữa trùng khơi mờ sương/ Gió cắt thịt da xiết vào nỗi nhớ/ Súng chắc tay, có hậu phương điểm tựa/ Và cùng em, Tổ quốc mãi mùa xuân! Từng làm lính nhiều năm cầm súng nơi biên giới phía Bắc, người viết bài này từng có đêm trực gác "Gió cắt thịt da xiết vào nỗi nhớ" rất hiểu mình trụ vững và hoàn thành được nhiệm vụ là nhờ “có hậu phương điểm tựa”. Hầu hết cánh lính trẻ chúng tôi khi đó chưa có “em”, nhưng cứ tưởng tượng ra là có, có chàng bịa ra kể mà cứ như thật!!! Bài thơ này có tên "Xuân trong người lính đảo" nhưng chắc không chỉ lính đảo thích, mà cả lính biên giới, mọi chàng lính ở khắp vùng Tổ quốc đều thích!

Qua thơ Hồng Vinh, bạn đọc thấu hiểu hơn sức mạnh của hậu phương, đặc biệt là tấm lòng của người mẹ, người vợ, người yêu cùng sẻ chia tâm trạng trong việc giải quyết hài hòa mối quan hệ riêng-chung. Người mẹ nào chẳng muốn con nhanh cưới vợ để sớm có cháu bế bồng. Nhưng trước yêu cầu đẩy lùi đại dịch, người mẹ vui lòng động viên con hoãn cưới lần hai và truyền cho con niềm tin rằng: Ngày thắng dịch đến gần/ Con trở về với mẹ/ Đám cưới vẫn còn xuân (Lời mẹ). Hồng Vinh có những câu thơ nói rất đúng về tâm hồn lãng mạn cao đẹp; về trách nhiệm và nghĩa vụ; về sự cống hiến và niềm tự hào người lính: Từ núi rừng mù sương/ Đến Trường Sa sóng cuộn/ Mai vàng cùng cây súng/ Bên cột mốc chủ quyền/ Sáng bừng hình hài Tổ quốc!/ Đất nước yên bình/ Có các anh đầu sóng! (Giao ban Xuân).

Như người thợ đào sâu vào cái lõi “mỏ quặng” cuộc sống, nhà thơ mới có thể tìm được thứ tài nguyên quý giá. Có thể còn lấm láp chất đời thực, nhưng thơ ấy lấp lánh chất vàng ròng nhân sinh. Như cánh chim khỏe khoắn, hình tượng thơ sẽ được nâng lên tầm một giá trị văn hóa để bay vào bầu trời thời đại: Bộ đội gieo hạt mùa xanh/ Vớt lúa chìm trong nước trắng/ Dọn trường ắp đầy bùn đất/ Lọc bùn gieo mạ trên sân/ Lời ca vang trong gian nan/ Đêm ngủ rừng, trưa cơm vắt/ Mế đứng lấy khăn chấm mắt/ Ơn người mở con đường xanh (Đường xanh). Từ dân mà ra, là con của dân, người lính góp sức làm những công việc vì dân. Hình tượng thơ ở đây mang tầm phổ quát cao, bộ đội không chỉ làm đường cho dân đi theo nghĩa đen, mà còn mở ra cả một tương lai (tên bài thơ theo ý nghĩa này!). Không chỉ một người “Mế”, mà cả mọi người dân trên đất nước này cảm động, kính phục trước tấm lòng và hành động vì dân phục vụ, vì dân hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ!

Một trong những nguyên nhân để thơ đương đại bị chê nhạt là thiếu tính cập nhật cần có. Độc giả cần hơn ở thơ là có hơi thở đời thường mang tính tiêu biểu hôm nay để khái quát thành chân lý nghệ thuật về cái muôn đời. "Thư gửi người lính biên cương" của Hồng Vinh là một ví dụ. Mượn lời người vợ gửi cho chồng đang làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19 để diễn tả nỗi gian nan và sự giằng xé trong suy nghĩ của người đang ở nơi “chốt chặn” và người ở hậu phương, bởi đây là cuộc chiến nguy hiểm nhiều bề với kẻ thù giấu mặt: Những người lính thức trắng trong giá lạnh.../ Chống dịch như chống giặc ngoại xâm/ Sao có thể rời đồng đội, biên cương?!/ Đọc thư anh, lòng trào dậy yêu thương/ Anh vẫn vững trong đội hình chặn chốt/ Cái buốt thấu xương giữa núi rừng heo hút/ Em ước gì được chia lạnh cùng anh! Ba dòng trên là lời người chồng sắp cưới như phân trần, giãi bày; còn những dòng sau là lời người vợ chờ đợi đến ngày được “vu quy”, được san sẻ tận đáy lòng. Đấy là hy sinh và cũng là hạnh phúc. Hạnh phúc trong chờ đợi và cao cả hơn, là góp phần tạo ra sự bình an cho mọi người.

Thơ Hồng Vinh ngày càng chín nhờ hồn thơ giữ độ trẻ trung, sự bám rễ sâu vào cuộc sống ngồn ngộn sự kiện và ắp đầy tâm trạng đa chiều, nhưng phơi phới tin yêu, hy vọng. Có lẽ vì thế, thơ anh rất nhiều màu xanh, mà màu xanh áo lính là một sắc màu văn hóa, rất đáng ghi nhận và khích lệ!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ