Tuy nhiên, hiện tượng khai thác quá mức hoặc khai thác sai lệch di sản, không đúng cam kết đang trở thành vấn đề đáng lo ngại.

Nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc có thể hình dung như một dòng chảy bao gồm hai bộ phận: Văn hóa truyền thống và văn hóa đương đại. Trong văn hóa truyền thống có DSVH gồm hai thành tố: Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

leftcenterrightdel
 Đại nội Huế. Ảnh: LÊ HOÀNG

Là quốc gia thành viên của UNESCO, những năm qua, Việt Nam đã xây dựng các hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO xem xét, ghi vào danh mục các di sản thế giới hoặc di sản nhân loại theo Công ước năm 1972 hoặc Công ước năm 2003 của tổ chức này. Đến nay, UNESCO đã ghi danh 8 di sản thế giới (World Heritage) của Việt Nam theo Công ước năm 1972, gồm: Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), Quần thể di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Khu phố cổ Hội An, Khu thánh địa Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam), Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (TP Hà Nội), Thành nhà Hồ (tỉnh Thanh Hóa), Quần thể danh thắng Tràng An-Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình).

Đồng thời, UNESCO đã ghi danh 13 di sản của Việt Nam vào danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại (Representative list of the intangible cultural heritage of humanity), gồm: Nhã nhạc Cung đình Huế-triều Nguyễn; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Dân ca ví giặm Nghệ-Tĩnh; Đờn ca tài tử Nam Bộ; Hát xoan Phú Thọ; nghệ thuật Bài Chòi; những thực hành liên quan Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ; thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; nghệ thuật Xòe Thái; nghi lễ và trò chơi kéo co (di sản đa quốc gia) và 1 di sản của Việt Nam vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (Intangible cultural heritage in urgent need of protection) là Ca trù.

Cùng với các di sản trên, UNESCO còn công nhận 7 di sản tư liệu (3 di sản tư liệu thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương) trong Chương trình Ký ức thế giới gồm: Mộc bản triều Nguyễn, Bia tiến sĩ Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm, Châu bản triều Nguyễn, Văn thơ trên kiến trúc Cung đình Huế, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ.

Chưa kể các công viên địa chất, rừng sinh thái mà các tổ chức thuộc UNESCO xếp hạng cho những địa điểm này của Việt Nam, các di sản mà UNESCO xếp hạng, đưa vào danh mục theo Công ước và những văn bản pháp quy của tổ chức này thực sự đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển bền vững.

Trước hết, phải thấy rõ ràng danh hiệu mà UNESCO đưa đến cho các DSVH, cả vật thể lẫn phi vật thể và di sản tư liệu đã tạo cơ hội cho các địa phương có di sản trên phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch. Các di sản mà UNESCO vinh danh, có tiềm năng kinh tế, có thể là động lực phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch. Có thể lấy hai di sản Quần thể di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) và Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) làm minh chứng. Từ khi mới được ghi danh là di sản thế giới, hai nơi này chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay đã thu hút tới hàng triệu khách tới tham quan, nghiên cứu.

Quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình), thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012 chỉ có hơn một triệu lượt khách, đến năm 2019 (sau 5 năm được UNESCO ghi danh) đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách. Việc bảo vệ và phát huy, khai thác hợp lý Khu phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) gắn với phát triển du lịch-dịch vụ và thương mại đã giúp Hội An thay đổi cơ cấu kinh tế, với số lượng khách tham quan khu phố cổ ngày càng tăng, từ gần 879.000 lượt khách năm 2006 đến năm 2019, lượng khách đã tăng lên gần 2,5 triệu lượt. Trong hơn 20 năm qua, từ khi Khu phố cổ Hội An trở thành di sản thế giới, nguồn thu từ du lịch, dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị di sản đã tăng vượt bậc, hiện chiếm tỷ trọng hơn 70% so với GRDP toàn thành phố, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam.

Với các DSVH phi vật thể mà UNESCO vinh danh cũng như vậy. Có thể lấy minh chứng từ Nhã nhạc Cung đình Huế-triều Nguyễn (tỉnh Thừa Thiên Huế) hay Dân ca quan họ (hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang). Du khách khi đến tham quan các tỉnh này đều muốn nghe, xem nhã nhạc cung đình Huế, muốn nghe các liền anh, liền chị quan họ trình diễn. Hoặc tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã giúp du lịch ở tỉnh Phú Thọ phát triển, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Mặt khác, qua các di sản vật thể, phi vật thể lẫn tư liệu mà UNESCO vinh danh, cơ hội để chúng ta giới thiệu về bản sắc văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế rất lớn, rất sâu sắc.

Tuy nhiên, trách nhiệm của chúng ta, của thế hệ hôm nay với các di sản mà UNESCO vinh danh, không thể nói là nhẹ. Bởi lẽ, trong các hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO để tổ chức này xem xét, đều phải có một chương trình quốc gia để thực hiện công việc bảo vệ/bảo tồn và phát huy giá trị của di sản sau khi được UNESCO công nhận, đưa vào danh mục theo Công ước năm 1972 hay Công ước năm 2003. Đây chính là cam kết của quốc gia với UNESCO là thành viên. Với Công ước năm 1972, UNESCO thường xuyên nắm bắt thông tin, kiểm tra, giám sát để nhắc nhở, thậm chí đưa ra khỏi danh mục mà UNESCO đã ghi nhận, đưa vào danh mục trước đó. Bài học của Cộng hòa liên bang Đức bị UNESCO đưa một di sản ra khỏi danh mục vẫn luôn có giá trị thời sự cho mọi quốc gia.

Với Công ước năm 2003, việc kiểm tra, giám sát của UNESCO chưa cụ thể, chưa bài bản, nhưng không phải tổ chức này không làm những việc tương tự. Trong thực tiễn, một số DSVH phi vật thể mà UNESCO ghi danh đã bị lạm dụng. Chẳng hạn, nghi lễ hầu đồng/lên đồng của di sản những thực hành liên quan tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đã bị hiểu sai. Nhiều cuộc hầu đồng đã được các tổ chức, các hội phi chính phủ đứng ra tổ chức những cuộc liên hoan hầu đồng, khiến trong xã hội không phải không có cách nghĩ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là lên đồng/hầu đồng. Tổ chức hầu đồng là bảo vệ, phát huy giá trị của di sản được UNESCO vinh danh. Các cơ quan quản lý Nhà nước không thể để hiện tượng này lan tràn như vậy. Đây chính là vấn đề cho chúng ta khi đưa các DSVH trình UNESCO vinh danh theo Công ước năm 1972 hoặc Công ước năm 2003.

Đồng thời, phải thấy, UNESCO có cấp kinh phí cho chúng ta thực hiện Chương trình quốc gia không? Về nguyên tắc, việc tài trợ của UNESCO cho các di sản mà tổ chức này vinh danh không phải không có, nhưng là qua các quốc gia thành viên và không thể đáp ứng tất cả nhu cầu của các quốc gia thành viên. Với DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại, UNESCO không khuyến khích phát triển du lịch gắn bó với loại hình này. Chính vì thế, thực hiện Chương trình hành động quốc gia để bảo vệ/bảo tồn di sản mà UNESCO vinh danh không thể nói là nhẹ nhàng, trong khi chúng ta còn phải ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho các hoạt động khác nữa. Sau khi nhận bằng vinh danh của UNESCO, các địa phương đều xây dựng chương trình hành động, nhưng thực hiện chương trình hành động lại không là một công việc nhẹ nhàng, đơn giản.

Ở tầm vĩ mô, không thể không đặt ra một Chương trình quốc gia có nội dung bảo vệ/bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH, cả vật thể lẫn phi vật thể mà UNESCO đã vinh danh theo hai Công ước: Công ước năm 1972 và Công ước năm 2003, cũng như các văn bản pháp lý của UNESCO. Thế hệ hôm nay, tôi nghĩ đó vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, bởi các DSVH ấy không chỉ là của đất nước, dân tộc Việt Nam mà của thế giới, của nhân loại. Biết bao công việc đặt ra, từ xây dựng, công bố và thực hiện các văn bản pháp lý của Việt Nam. Nếu ở di sản thế giới, Chính phủ đã có nghị định thì ở di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, nghị định tương tự lại chưa có, đến việc xây dựng mô hình quản lý từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh. Cuối cùng là bảo vệ/bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, đồng thời với việc đào tạo nguồn nhân lực quản lý và vận hành các DSVH này. 

Làm sao để DSVH của các thế hệ tiền nhân là động lực phát triển kinh tế-xã hội, là hành trang của thế hệ hôm nay là những câu hỏi lớn đang chờ chúng ta trả lời.

 GS, TS NGUYỄN CHÍ BỀN