Biểu hiện rõ nhất của sự đứt gãy này là sự phai nhạt của chữ “Hiếu” và chữ “Lễ”. Hạt nhân của chữ “Hiếu” là tấm lòng kính trọng, yêu thương cha mẹ mình, mở rộng ra là kính trọng yêu thương cha mẹ người. Hạt nhân của chữ “Lễ” là quy phạm, phép tắc trong quan hệ người với người. Sự phai nhạt này làm cho nền tảng văn hóa gia đình và cấu trúc nhân cách cá nhân bị lung lay, những chuẩn mực đạo đức bị vi phạm.

Có thể kể ra mấy nguyên nhân chính: Một là sự thay đổi từ chữ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ. Mỗi con chữ là một ký hiệu văn hóa chứa trong nó các ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đổi sang dùng chữ quốc ngữ rất thuận tiện trong việc nâng tầm dân trí nhưng sự mất mát giá trị cổ truyền là không thể tránh khỏi. Ngay sự tranh luận vừa qua có nên dùng chữ “lễ” trong nhà trường hay không là một biểu hiện “đứt gãy” không chỉ về vỏ ký hiệu mà cả nội hàm ý nghĩa ký hiệu.

Hai là, sự chuyển đổi ý thức hệ, từ phong kiến sang xã hội chủ nghĩa là một cuộc cách mạng triệt để, tất yếu, nhưng có lúc, có nơi khiến các giá trị tinh hoa của chế độ cũ không chuyển đầy đủ sang chế độ mới. Ba là, sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường với bao bề bộn ngổn ngang đối phó với sự lạnh lùng của lợi nhuận, sự lên ngôi của đồng tiền... Thực ra trong quá trình phát triển, quốc gia nào cũng có sự “đứt gãy” và “chắp nối”. Đó là quy luật phủ định biện chứng tất yếu, nhưng ở nước ta, do đặc thù mà sự “đứt gãy” rõ và sâu hơn. Vấn đề khắc phục bằng cách nào?

Là sự lắng kết của văn hóa, các tác phẩm văn chương tích lũy, trầm lắng dồi dào nhất trong nó các trữ lượng giá trị nên có một giải pháp là nối lại, phục hồi lại sự đứt gãy ấy bằng cách đưa vào nhà trường giảng dạy một cách thiết thực các tinh hoa văn học truyền thống.

Chúng ta tự hào một cách chính đáng có kho tàng văn học giàu giá trị nhân văn với những bài học về đạo lý thương yêu con người, căm ghét cái ác, tinh thần hướng thiện được tỏa sáng ở những hình tượng nghệ thuật thẩm mỹ đặc sắc.

Không ngẫu nhiên trong văn hóa Việt, Chử Đồng Tử được phong là “Tứ bất tử” (bốn vị thánh không chết). Truyền thuyết này trước hết là sự minh họa sinh động, cụ thể rất mực cảm động và chân thực cho chữ Hiếu. Trước khi chết người cha dặn con cứ táng trần cho bố còn khố giữ lại để con mặc. Người con không nỡ vậy. Đây không chỉ là chữ Hiếu mà còn là phong tục tang ma ngày xưa với quan niệm “trần sao âm vậy” và “nghĩa tử là nghĩa tận”, dành cho người đi xa mãi mãi những điều kính trọng, mến thương, nhung nhớ. Muốn cha xuống âm phủ còn có cái khố che thân, Đồng Tử đã không chỉ giữ tròn chữ Hiếu mà còn tròn với phong tục, tập quán. Không chỉ làm tròn trách nhiệm người con mà tròn cả trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ một công dân! Truyện là sự giao thoa các tư tưởng triết học lớn Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Sau này nhờ phép thuật mà Chử Đồng Tử có binh hùng tướng mạnh nhưng vẫn không chống lại quân của vua Hùng (tức bố vợ) vì chàng muốn giữ tròn chữ Hiếu!

Truyện còn là bài ca ca ngợi tình yêu hôn nhân tự do như là một mối tình đẹp nhất, chung thủy, bình đẳng và cực kỳ dân chủ. Một truyện cổ về tình yêu hay hiếm hoi không chỉ ở nước ta mà còn so với cả thế giới. Đồng Tử là chàng trai nghèo nhất, nghèo đến mức không thể nghèo hơn thế mà được Tiên Dung là công chúa, con gái vua Hùng cành vàng lá ngọc, cao sang, quý phái, vương giả chấp nhận lấy làm chồng. Tiên Dung đã vượt quyền cha mẹ để nghe theo tiếng gọi trái tim mình. Nàng vượt qua bao tín điều, quy tắc, nguyên tắc thành văn và bất thành văn của một triều đình. Nàng đích thực là một “nghịch tử”: Con vua mà lấy chồng không hề tương xứng, không hề “môn đăng hộ đối”. Nàng phải vượt qua bao thành kiến và định kiến là lấy chồng “hoang” (Đồng Tử đích thực là kẻ “hoang”, tứ cố vô thân, không nghề nghiệp, không quần không áo, lại sống chui rúc ở bãi lau bờ sậy...). Không có một sức mạnh nhân văn cao cả, một tình thương lớn lao với những con người dưới đáy xã hội thì không thể sáng tạo ra được những chi tiết, hình tượng đầy nghịch cảnh mà tuyệt vời trong sáng như vậy. Truyện đã cách xa hàng nghìn năm, mà ở ngày hôm nay, chỉ một cô gái bình thường thôi, có gia cảnh bình thường, nghề nghiệp, nhan sắc, học vấn bình thường, liệu có ai “dũng cảm” dám lấy chồng có thân phận như Chử Đồng Tử? Thế nên, không ngẫu nhiên dân gian thờ không chỉ một Đồng Tử mà còn thờ cả Tiên Dung!

leftcenterrightdel
 Minh họa: Thái Hòa

Những truyện cổ tích đẹp là những giấc mơ khơi nguồn, nuôi dưỡng và thúc đẩy khát vọng lớn lao của con người. Sống có nghĩa là khát vọng. Hết khát vọng là dấu hiệu sự sống dừng lại. Mà cổ tích thì là cả một thế giới vô tận những ước mơ. Hình tượng ông Bụt trở thành biểu tượng cho sức mạnh chính nghĩa, công lý giúp đỡ kẻ nghèo, người bất hạnh... Cô Tấm (Tấm Cám) mỗi lần gặp tai ách khổ nạn là được Bụt hiện lên cứu giúp. Nghe thấy tiếng thở dài phiền não của anh chàng nghèo khổ phải đi kiếm cây tre trăm đốt mới cưới được vợ là Bụt hiện ra giúp (Cây tre trăm đốt)... Như vậy, Bụt chẳng phải là một biểu trưng cho khát vọng được che chở, được giúp đỡ, được bình yên, hạnh phúc đó sao? Người Việt cũng có cách hiểu khác về tư tưởng “cứu độ” của Phật giáo. Tượng Phật Việt Nam có nghìn mắt nghìn tay, nghìn mắt để nhìn thấy mà thấu hiểu và thấu cảm nỗi khổ trầm luân của chúng sinh, nghìn tay để cứu vớt con người! Nhân ái, bao dung, chia sẻ là thế!

Thoại Khanh-Châu Tuấn là câu chuyện ca ngợi đức hiếu thảo của nàng dâu Thoại Khanh thay chồng nuôi mẹ. Thoại Khanh dùng tiếng đàn của Phật cho để kiếm cơm độ nhật và “tâm sự” nhắn gửi tới chồng Châu Tuấn để rồi nhờ thế mà gia đình họ đoàn tụ hạnh phúc... Tiếng đàn hay chính là sức mạnh của nghệ thuật đã giúp Thạch Sanh trong truyện cùng tên minh oan, giúp công chúa đang câm nói được, giúp quốc gia tránh nạn xâm lăng của 18 nước chư hầu. Thì ra dân gian quan niệm nghệ thuật chân chính cũng có sức mạnh cảm hóa, sức mạnh cứu rỗi, sức mạnh đổi đời như phép màu của Phật vậy!

Nơi Quan Thế Âm Bồ Tát sinh ra (Ấn Độ cổ đại) thì hầu hết là đàn ông nhưng sang Việt Nam thì đều trở thành Phật Bà. Điều này có thể hiểu bản sắc “thiên tính nữ” đã tạo ra độ khúc xạ để thay đổi cho phù hợp. Vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính tỏa sáng vào bầu trời văn hóa Việt Nam đã hàng mấy thế kỷ, làm mê đắm, thổn thức hàng triệu trái tim bao thế hệ bởi được thu nhận những ý nghĩa nhân văn tận thiện, tận mỹ. Bởi được xây cất bằng vật liệu tư tưởng về con người của văn hóa dân gian, văn hóa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo nên đa dạng, nhiều vẻ về cấu trúc hình tượng. Bởi được khúc xạ và tích hợp từ nhiều nguồn mỹ học nên đa nghĩa và phát ra những ánh sáng văn hóa mới lạ, độc đáo.

Thị Kính tốt, hiền lành cam chịu như thế mà bị oan, mà oan thảm hai, ba lần. Trong cái xã hội đầy tai ương, đầy mâu thuẫn, phi lý như thế thì người tốt, cái tốt không tồn tại được. Mà muốn cho cái tốt, người tốt tồn tại thì phải thay đổi cả cái xã hội ấy. Nhưng tại sao cả ngôi làng được coi là “thuần phong mỹ tục” ấy chỉ biết ra “ăn khoán” chứ không cần biết đến lời tố của Thị Màu có đúng không!? Người ta chỉ cần có “chứng cứ” là “cái bụng chửa” mà không hề một sự “băn khoăn”, chưa nói tới “phản biện”, đã coi Thị Kính là “tác giả”!? Trời ơi? Vì con người ta vô cảm trước tai họa của con người. Có phải im lặng là tốt không?

Cây nhân cách người tươi tốt là nhờ được trồng vào mảnh đất truyền thống hút chất dinh dưỡng văn hóa đạo lý và vươn cao cành lá quang hợp ánh sáng lý tưởng tiên tiến của thời đại. Một nền giáo dục tiến bộ luôn phải có điểm tựa là văn hóa truyền thống mới sâu rễ bền gốc. Thế nhưng hiện nay văn học trong nhà trường của ta các tác phẩm kinh điển về đạo lý của cha ông lại có rất ít, và phần nhiều lại thuộc diện bài tham khảo! Thực trạng này cần được xem xét thấu lý đạt tình để giúp cho mạch lối văn hóa truyền thống và hiện đại không bị đứt gãy, rời rạc.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ