Từ bài ca đi cùng năm tháng

“Năm anh em trên một chiếc xe tăng” được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc chỉ trong vòng một buổi chiều sau khi đọc bài thơ “Trên một chiếc xe tăng” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Ngay khi ra đời, được Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam dàn dựng, biểu diễn, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” đã tạo được tiếng vang, gây ấn tượng mạnh mẽ với người nghe trong và ngoài quân đội. Bài hát cũng là niềm tự hào của bộ đội tăng thiết giáp không chỉ bởi sự nổi tiếng mà ca từ của nó thể hiện độc đáo đặc điểm, phẩm chất của những người lính tăng: "Như năm ngón tay trên một bàn tay", "Trước quân thù là chỉ biết có tiến công...".

Giống như “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, khi nghe “Lướt sóng ra khơi”, người nghe dễ dàng cảm nhận được đây là bài hát về bộ đội hải quân Việt Nam. “Lướt sóng ra khơi” có âm nhạc dìu dặt, lúc êm dịu như mặt biển, lúc trầm hùng, lúc lại trào dâng như bão tố. Ở đó, hiện lên hình ảnh người lính hải quân rắn rỏi trước biển trời luôn giữ vững ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Bài hát được nhạc sĩ Thế Dương sáng tác năm 1958 và chỉ vài năm sau đã được coi là “Hải quân ca” của bộ đội hải quân. Hay như “Phi đội ta xuất kích” (Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy) với giai điệu ca khúc giản dị, gần gũi, mở đầu hứng khởi đầy khí thế, giúp người nghe hình dung ra hình ảnh những phi công Việt Nam như “Đại bàng vút cao lên trời mây”, sẵn sàng “tung cánh” để bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Hoặc "Nổi lửa lên em" (Huy Du) của bộ đội hậu cần; "Anh quân bưu vui tính" (Đàm Thanh) của bộ đội thông tin; "Đường tôi đi dài theo đất nước" (Vũ Trọng Hối) của bộ đội giao liên...

Trong dòng chảy cuộc sống đương đại thì những ca khúc cách mạng, những bài ca đi cùng năm tháng vẫn luôn giữ vị trí nhất định trong đời sống âm nhạc. Những bài hát truyền thống của đơn vị với giai điệu, ca từ hay, thông điệp ý nghĩa không chỉ phản ánh được một giai đoạn hào hùng trong lịch sử mà còn góp phần hun đúc lý tưởng cách mạng, khơi dậy niềm tự hào cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, thôi thúc mỗi cá nhân tiếp tục cống hiến để bồi đắp, tô đẹp truyền thống của đơn vị trong hiện tại và tương lai.

leftcenterrightdel
Giao lưu văn nghệ sau giờ học của học viên Tiểu đoàn 1, Trường Sĩ quan Chính trị. 

Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội và góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ, Công văn số 10/HD-TH ngày 2-1-2019 của Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam về Hướng dẫn triển khai phổ biến các bài hát quy định trong QĐND Việt Nam, có hướng dẫn, ngoài 15 bài hát quy định trong quân đội, “các cơ quan, đơn vị lựa chọn bài hát tiêu biểu về truyền thống, nhiệm vụ của đơn vị để hướng dẫn bộ đội học hát”. Theo đó, nhiều đơn vị khi thực hiện hướng dẫn đã quy định bài hát truyền thống, tiêu biểu của đơn vị mình với nhiều hình thức phổ biến, tuyên truyền phong phú, hấp dẫn, như: “Lướt sóng ra khơi” của Quân chủng Hải quân, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của Binh chủng Tăng thiết giáp... Tuy nhiên, không phải lực lượng nào cũng “may mắn” có những bài hát hay để lựa chọn. Thực tế, để có được một bài hát, đáp ứng những yếu tố về chuyên môn âm nhạc, nội dung ý nghĩa, phù hợp với đặc thù của từng đơn vị và được cán bộ, chiến sĩ yêu thích lại không hề dễ dàng.

Đến những ca khúc mới

Năm 2014, sau cuộc vận động sáng tác và đặt hàng sáng tác từ nhiều nhạc sĩ nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, “Hành khúc Tổng cục Chính trị” của Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh (hiện là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam) được chọn làm ca khúc truyền thống của Tổng cục Chính trị. Với lối đan xen tiết tấu ngắn, hùng hồn, dứt khoát và ngân vang; ca từ súc tích, giàu hình ảnh, dễ hát, bài hát thể hiện truyền thống quyết chiến quyết thắng của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và niềm tự hào, sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp ấy. Theo nhạc sĩ Đức Trịnh, một bài hát truyền thống phải thỏa mãn nhiều yếu tố. Trước hết là phải thể hiện được đặc điểm, tính chất riêng của đơn vị; dễ nghe, dễ hát, lời mang thông điệp muốn gửi gắm. Ngoài ca từ chắt chiu, ý nghĩa, nhịp điệu hành khúc, thì giai điệu, tiết tấu phải mang đặc thù của từng đơn vị, như: Khi viết về bộ đội tăng thiết giáp, giai điệu phải như xe tăng hành tiến; viết về hải quân, giai điệu phải như sóng biển dồn dập; không quân thì vút bay... Bởi có những yếu tố đó nên chỉ cần nghe là đã nhận ra bài hát ấy viết về đơn vị nào...

Ngoài ra, theo Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội: Điều quan trọng nhất làm nên thành công của một bài hát truyền thống là rung động được bộ đội, để bộ đội nghe thấy mình trong đó. Điều đó phụ thuộc vào tài năng của nhạc sĩ, mà trước hết phải hiểu đặc thù đơn vị, có tình cảm, viết bài hát bằng cảm xúc chân thật của nhạc sĩ để đến trái tim người nghe. Hữu Thỉnh sáng tác “Trên một chiếc xe tăng” khi đang là trợ lý tuyên huấn ở Binh chủng Tăng thiết giáp năm 1971. Ông là nhà thơ mang tâm hồn dân tộc, thơ của ông luôn có sự hòa quyện của truyền thống và hiện đại, có cái riêng độc đáo trong cái chung tập thể khiến người đọc cảm thấy thân thuộc, gần gũi nhưng cũng mới lạ, vút bay tâm hồn. Với nhạc sĩ Doãn Nho, khi phổ nhạc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, ông đã sử dụng chất liệu dân ca cho ca khúc, giai điệu lại ngập khí thế, mang tinh thần ý chí quyết tâm chiến thắng kẻ địch, làm cho bài hát càng dễ hát, dễ đi vào lòng người.

Theo sự phát triển chung, tầm vóc của quân đội và nhu cầu, thị hiếu của bộ đội, âm nhạc cũng cần được đầu tư để có thêm tác phẩm hay, có giá trị cao, bổ sung vào những bài hát truyền thống của các quân, binh chủng; qua đó góp phần giáo dục tự hào truyền thống, bồi đắp tinh thần, ý chí cách mạng cho bộ đội, nhất là bộ đội trẻ. Hoạt động sáng tác âm nhạc thường xuyên trong quân đội chính là môi trường, cái nôi để ra đời bài hát hay, ý nghĩa như thế.

Năm 2020, khi tổng kết hoạt động sáng tác văn học-nghệ thuật giai đoạn 2014-2019 của toàn quân, ở lĩnh vực âm nhạc, các trại sáng tác thu về hơn 500 tác phẩm, trong đó nhiều tác phẩm đoạt các giải thưởng của Bộ Quốc phòng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, các ban, bộ, ngành. Ngoài ra, các quân, binh chủng cũng chủ động phát động cuộc vận động sáng tác, trại sáng tác, tổ chức cho nhạc sĩ trong và ngoài quân đội thâm nhập thực tế đời sống bộ đội và thu về những kết quả đáng ghi nhận cả về số lượng và chất lượng tác phẩm. Kết quả xét giải thưởng sáng tác văn học-nghệ thuật, báo chí về đề tài hải quân, giai đoạn 2016-2020, riêng âm nhạc, Quân chủng Hải quân nhận được tổng số 370 tác phẩm và 5 album; với chủ đề chính là ca ngợi tình yêu biển, đảo và người chiến sĩ hải quân, tri ân những giá trị truyền thống cách mạng. Ngôn ngữ âm nhạc đa dạng, khai thác cả yếu tố truyền thống và phong cách mới, hiện đại, hấp dẫn người nghe... các tác phẩm đã phản ánh tâm tư, tình cảm, ý chí, nhịp sống của người chiến sĩ hải quân hôm nay.

Điều đó cho thấy, đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng vẫn đem lại cảm xúc, là chất xúc tác mạnh mẽ cho các nhạc sĩ trong và ngoài quân đội. Tuy nhiên, dù nhiều về số lượng và chất lượng ngày càng nâng cao nhưng những ca khúc xuất sắc, nổi bật, thể hiện đặc trưng của từng lực lượng lại chưa nhiều. Theo Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, việc này cần có sự đầu tư lớn, bài bản từ việc tạo điều kiện cho nhạc sĩ thâm nhập thực tế cho đến dàn dựng, quảng bá tác phẩm, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên để tác phẩm ngấm, thẩm thấu vào người nghe.

Hiện nay, lực lượng sáng tác chuyên nghiệp hầu hết là nhạc sĩ ở các đơn vị nghệ thuật quân đội. Lực lượng này có chuyên môn nhưng số lượng không nhiều và thiếu thực tế đơn vị. Vì thế, để có được những tác phẩm hay, các nhạc sĩ cần được gắn bó với đơn vị, đời sống bộ đội nhiều hơn. Tất nhiên, không nhất thiết phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp mới sáng tác được bài hát hay. Không phải là nhạc sĩ nhưng Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy đã cảm xúc dâng trào và sáng tác thành công “Phi đội ta xuất kích”.

Ngoài ra, một lực lượng sáng tác hùng hậu, cũng là lợi thế của quân đội, chính là cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị. Thông thường, đây là những hạt nhân văn nghệ quần chúng có sự yêu thích và năng khiếu sáng tác, một số có thể qua đào tạo cơ bản ở các trường văn hóa nghệ thuật. Về chuyên môn, họ có hạn chế nhưng lại có được điều rất quý mà các nhạc sĩ chuyên nghiệp thường thiếu, đó là thực tiễn đời sống bộ đội. Bởi vậy, những lớp bồi dưỡng, tập huấn để hạt nhân ở các đơn vị biết cách ghi lại cảm xúc của mình về đơn vị bằng âm nhạc là rất cần thiết. Các đơn vị cũng cần quan tâm phát hiện, tạo điều kiện cho những cán bộ, chiến sĩ có khả năng sáng tác được bồi dưỡng, đào tạo để phát triển hơn. Đó chính là tiền đề ra đời những ca khúc mới có chất lượng về bộ đội nói chung, về các quân, binh chủng, đơn vị nói riêng.

Bài và ảnh: DƯƠNG THU