Hai Cụt quay trước quay sau, định bụng tìm một chiếc taxi chở tới khách sạn thì một người đàn ông nhanh nhẹn chạy tới đỡ cái ba lô.

- Chú về đâu để con chở tới tận nơi. Chưa có khách sạn thì con tìm cho. Con tên Tuấn. Chú hỏi Tuấn rỗ thì ai cũng biết con chạy xe ôm uy tín nhất Côn Đảo. Nói xong Tuấn nhe răng cười.

Hai Cụt nheo nheo mắt trong cái nắng tháng Tư bỏng rát. Một người đàn ông trung niên mặt đầy vết rỗ, mồ hôi đầm đìa trán, ướt cả cái áo đang mặc, còn nụ cười thì vẫn rộng hết cỡ đang chờ một cái gật đầu. Hai Cụt ừ. Ngay lập tức Tuấn dắt Hai Cụt lại chỗ chiếc xe Honda cũ mèm đang phơi ngoài nắng, lấy cái nón bảo hiểm ngoắc trên xe đưa cho Hai Cụt đội vào. Tuấn đạp lạch bạch mấy cái rồi chiếc xe cũng xì khói nổ máy. Chiếc ba lô để phía trước, Hai Cụt ngồi sau lưng Tuấn. Hai Cụt lặng im nhìn trời, nhìn đất. Biển xanh rì, sóng ì oạp vỗ. Côn Đảo xanh đến nhức mắt. Nhìn xa xa, mấy ngọn đồi như ai đem một nắm bột màu tím mà rải lên. Hai Cụt hỏi màu tím đó là gì? Tuấn nói, bằng lăng đó, mùa này bằng lăng nở đầy đảo.

Hai Cụt nói mình chưa đặt khách sạn, bảo Tuấn chở tới chỗ nhà nghỉ nào cũng được. Miễn có chỗ ngủ là được chứ không cần sang trọng. Hồi xưa ở tù mấy năm bị xiềng xích, bị đánh đập còn ngủ được huống hồ bây giờ có chăn ấm, nệm êm.

- Chú ở tù hả? - Tuấn hơi khựng tay lái, hỏi lại.

- Ừ, tù nhân Côn Đảo đó.

Hai Cụt ngỡ ngàng vì Côn Đảo bây giờ khác quá. Khách sạn mọc khắp nơi. Vài người váy áo sặc sỡ đang tạo dáng chụp hình bên bờ biển. Mà cũng phải, mấy chục năm trước Hai Cụt có nhìn thấy gì ngoài cái ô cửa vuông bé tí tẹo của nhà tù đâu mà biết đất trời ngoài đảo đẹp hay xấu. Hai Cụt bảo Tuấn dừng xe uống nước, ngồi tàu từ cảng Trần Đề, cổ ông khát cháy rồi.

Tuấn ngửa cổ tu ừng ực chai nước lọc rồi nói:

- Chú ghé Côn Đảo chơi lâu không?

- Vài ngày thôi hà. Thăm lại mấy chỗ hồi xưa...

Tuấn nhíu mày suy nghĩ một chút rồi nói:

- Hay là chú ghé nhà con ở ít hôm. Biết chú là cựu tù con mới dám đề nghị vậy. Ba con xưa cũng là tù chính trị. Gặp chú chắc ổng vui lắm. Cứ mỗi độ tháng Tư vậy nè, con thấy ba cứ bần thần.

Nghe ba Tuấn cũng từng là tù nhân Côn Đảo, Hai Cụt gật đầu liền. Chuyến ra đảo lần này mà được gặp đồng đội năm xưa cùng bị địch bắt thì có biết bao nhiêu chuyện để nói. Hai Cụt hỏi Tuấn, Nghĩa trang Hàng Dương có xa đây không? Tuấn nói không xa lắm, lái xe một lát là tới, nhưng trời trưa gió rát rạt vầy ghé làm gì cho nắng, để chiều mát con chở chú đi. Hai Cụt lắc đầu bảo muốn đi bây giờ.

***

Nghĩa trang Hàng Dương xơ rơ trong nắng. Mấy cây dương cắm sâu vào lòng cát cũng rũ rượi trong những cơn gió bỏng rát. Những ngôi mộ đơn sơ nằm xếp kề bên nhau. Tuấn bật hộp quẹt, xé bó nhang đốt rồi đưa cho Hai Cụt. Hai Cụt cắm từng nén nhang lên mộ. Chẳng biết khói bay vào mắt hay sao mà ông đưa tay lên chùi mắt, miệng lầm rầm khấn “Nam ơi, mày nằm chỗ nào, tao ra thăm mày đây!”.

Hồi Hai còn trẻ măng, chân tay còn lành lặn nên chữ Cụt chưa gắn vào tên, cùng Nam nhảy núi đi làm cách mạng. Cái vùng sơn cước quê ông núi vây quanh, núi trùng điệp, là vùng giáp ranh, tranh chấp ác liệt giữa hai bên. Ban ngày địch dồn dân vào ấp chiến lược, ban đêm cách mạng về gây dựng cơ sở. Một bữa tối đi làm nhiệm vụ, bởi có kẻ chỉ điểm mật báo, hai ông rơi vào ổ phục kích. Đạn bắn đì đùng. Ông nghe chân mình đau điếng, sờ xuống thấy máu chảy ồ ạt. Nam trong bóng tối cũng nghe hét lên một tiếng rồi im bặt. Ông lết vào một vườn dứa của dân rồi ngất lịm. Sáng hôm sau, người ta thấy ông và Nam bị cột giữa sân trường làng, bọn địch khua chiêng múa trống để thị uy dân làng. Ông nhìn xuống thấy ba má mình, ba má Nam, thấy người làng, họ rơi nước mắt nhưng cắn răng chịu đựng không dám nhận người thân. Nam nằm bên cạnh ông, thoi thóp thở như con cá mắc cạn, hẳn là bị thương rất nặng. Bọn chúng khua môi múa mép dọa dân làng “đừng ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”... Chúng chĩa súng vào chân ông nã thêm phát đạn và nói “đi theo cộng sản thì hậu quả là đây”. Sau đó, chúng đày hai ông ra nhà tù Côn Đảo.

Trong những cơn ác mộng, Hai Cụt vẫn thường thấy những trận đòn roi ác nghiệt ngày ấy xả lên người mình, lên người đồng đội. Bao nhiêu trận đòn tra tấn của địch khiến ông chết đi sống lại. Mọi người kiên cường, động viên nhau không khuất phục. Nhưng Nam vốn bị thương nặng đã không chịu đựng nổi sự tra tấn dã man ấy. Ông chỉ nhớ bữa đó bọn chúng chất xác Nam lên xe bò với hai người nữa. Nghe nói bọn chúng vùi xác các đồng đội ông xuống cát... Cát bao la, mênh mông. Những nấm mồ vùi vội vã dưới cát, rất nhiều ngôi mộ tập thể. Nam ở đâu trong biển cát khổng lồ ấy? Ngày giải phóng, ông lên tàu về lại đất liền, nhìn đất, nhìn trời mà trào nước mắt. Mấy chục năm qua đi, giờ ông mới trở lại nơi này... Hai Cụt lặng lẽ nhìn những ngôi mộ dưới bóng dương rất lâu đến khi ngẩng lên thì thấy Tuấn cũng lặng người nhìn những hàng mộ trắng.

leftcenterrightdel
 Minh họa: MẠNH TIẾN

Tuấn chở Hai Cụt về nhà. Ngôi nhà đơn sơ nằm nép mình dưới tán cây bàng già. Vòng vèo Côn Đảo một hồi, Hai Cụt nhận ra đảo nhiều cây cổ thụ, mà nhiều nhất là bàng. Bàng mọc khắp nơi, bàng nhoài cành lá ra biển, bàng mọc trên núi, bàng xòe tán rậm trong khuôn viên nhà tù thâm u... Thấy bàng mà mắt Hai Cụt cay xè. Tù nhân sống kham khổ không một ngọn rau xanh nên nhiều người bị bệnh chân đen. Nhân lúc bị bắt đi đổ thùng phân, mọi người lén lút hái lá bàng, lượm những trái bàng non giấu trong người, trong miệng chuyền cho người bệnh nặng. Vết thương ai mưng mủ, lở loét thì nhai lá bàng đắp vào. Một lá bàng non vậy mà quý giá biết bao nhiêu. Ánh sáng lờ mờ lọt vào ô cửa nhà tù bé tí. Hai Cụt từng nhìn lá bàng rơi mà đếm mùa, đếm năm. Đếm hết tám mùa lá rụng thì được ra ngoài. Tám năm mà dằng dặc như cả đời người.

Ông Năm đang nằm đung đưa trên võng. Thấy nhà có khách ông ngồi dậy nhìn. Nhận thấy người lạ, ông nhìn Tuấn vẻ thắc mắc. Tuấn cười, nói biết ông Hai là cựu tù Côn Đảo ra thăm nên dắt về nhà để ba trò chuyện. Ông Năm nhìn một lượt, ánh mắt rớt trên cái chân giả bằng sắt. Hai Cụt cười, bị nã hai phát đạn, hư luôn cái chân. Ông Năm đứng dậy, vỗ vai Hai Cụt cười mà mắt rưng rưng.

Ông Năm rót vào chén cho Hai Cụt ly trà, bảo mình lúc nào nhớ đồng đội thì cũng đạp xe ra Nghĩa trang Hàng Dương thăm, bất kể nắng hay mưa. Sau giải phóng Côn Đảo, ông trở về quê hương Đồng Nai sinh sống. Thỉnh thoảng lại liên lạc cùng đồng đội ở nơi này nơi kia làm một chuyến về đây thắp nhang cho anh em nằm lại. Mỗi lần về thăm là một lần khóc. Mình còn đây mà bỏ anh em nằm lại thấy không đành nên ông dắt con ra Côn Đảo ở hẳn.

Tuấn nói ông Hai ngồi chơi với ba rồi phóng xe ra bến cảng tìm khách. Nhìn theo cái lưng Tuấn đẫm mồ hôi, ông Năm nói Tuấn là con của một người đồng đội. Má Tuấn bị địch bắn chết, ba nó ở tù rồi chết tại Côn Đảo này, cũng chẳng biết mộ nằm ở đâu. Sau giải phóng, ông lần theo địa chỉ đồng đội nhắn tìm thăm gia đình, nhìn Tuấn ở với người bà con nghèo khó mà rơi nước mắt. Ông hồi đó không gia đình, con cái nên nhận Tuấn làm con nuôi rồi dắt ra Côn Đảo ở. Hồi mới ra, thằng Tuấn nhỏ xíu mà giờ tóc nó cũng lấm tấm muối tiêu rồi đó. Hai Cụt chợt nghĩ đến đôi mắt buồn của Tuấn ở nghĩa trang khi nãy.

***

Hai Cụt nói muốn ra thăm lại Côn Đảo thì mấy đứa con can lắm. Tụi nó nói ông già rồi, đi tàu lắc lư chịu sao thấu. Nhưng rồi ông cũng quyết định đi. Ông nghĩ chắc cũng chẳng còn sống bao nhiêu năm nữa. Ra để thăm lại một quãng đời mình mà ông ít khi kể với ai.

Buổi chiều, hai ông già tóc bạc thong dong đi bộ. Tiếng trống tùng tùng rúc dưới tán bàng xanh. Cổng trường màu xanh mở rộng, một bầy trẻ tiểu học ríu ran chạy ùa ra như chim sổ lồng. Tiếng cười nói xôn xao một góc đảo. Chẳng đứa trẻ nào chú ý đến hai ông già đang đứng ở một góc bờ tường nhìn mình. Hai ông già cứ ngơ ngẩn như thể đứng trước một cảnh đẹp mà đời mình chưa từng thấy.

- Cái thời của mình có bao giờ nghĩ đến việc có ngày Côn Đảo lại như thế này ông Năm nhỉ?

- Ừ, hồi xưa tui nói ra Côn Đảo ở mà láng giềng ai cũng can. Tụi ác ôn ngày xưa chỉ muốn biến nơi này thành một nấm mồ lớn nhưng mà bọn chúng có làm được đâu. Côn Đảo vẫn cứ đẹp, cứ xanh, con nít cứ được sinh ra, được vui vẻ mà học hành, mà lớn lên...  

Hai Cụt ngước nhìn lên tầng lá xanh um đã chuyển màu trong nhập nhoạng hoàng hôn. Mấy trái bàng già rụng dưới gốc. Ông cúi xuống lượm vài trái nhét vào túi áo. Ông nói để về ươm trong vườn nhà mình, giống bàng Côn Đảo can trường này ở đâu mà chẳng sống được. Mai mốt rồi ông với ông Năm cũng chết, cũng tan ra trong cát như vạn ngôi mộ dưới bóng dương kia. Nhưng mà mấy cây bàng này thì vẫn cứ sống muôn đời như chứng nhân một thời, trái của nó rụng xuống rồi bao nhiêu lớp cây con lại mọc lên hiên ngang, sừng sững...

Truyện ngắn của NHƯ HIỀN