Tiếng trống mơ hồ, hỗn loạn, không xác định được niềm vui hay nỗi buồn cứ lơ lửng trong sương, báo hiệu những cơn mơ sẽ được vực dậy, những nghi thức sẽ được lập trình như ngàn đời lặp lại, tạo nên những con đường mòn trong cội rễ suy nghĩ của những con người nơi đây? Điều gì sẽ được đánh thức sau những nghi lễ, quyết định nào sẽ được đưa ra? Giấc ngủ kéo đến đợi ngày mai mỏi rũ và héo úa như tàu lá chuối rừng bị hơ lửa vì những ánh nhìn, H’La nằm vật xuống, nỗi sợ hãi mơ hồ lan ra, thấm ngược vào H’La, khiến cô run bần bật. Tại sao? Tại sao chỉ vì một lời nói của thầy cúng mà H’La đang tươi như bông hoa mới nở, đã héo quắt thế này. Nước mắt vòng quanh, đêm thấu vào H’La cái lạnh của rừng, cứ điệu này, đến ngày mai, cả nhà H’La sẽ bị đuổi ra khỏi làng mất thôi.

Hai chiếc xe U-oát lao nhanh đi trên con đường rừng trơn trượt. Chiếc xe cứ xốc nảy lên, rồi cố gắng chồm tới những vũng lầy. Rừng chưa vào mùa mưa, nhưng cũng chỉ cần một chút mưa nhỏ cũng khiến con đường vào làng Kong đã khó khăn đến vậy. Anh Bộ đội Biên phòng tên Tri ngồi kế bên đồng chí lái xe tập trung quan sát rồi nhíu mày. Xe chỉ có thể chạy được đến đây, còn lại phải xuống đi bộ thôi các đồng chí, không có đường đâu. Mọi người trên cả hai chiếc xe lục tục nhảy xuống, bóng những chiếc áo xanh bộ đội, dân quân, cán bộ xã gấp gáp. Lúc đi vội không kịp chuẩn bị gì để ăn, ai cũng mệt nhừ. Nhưng tiếng bộ đội Tri lại giục, vẻ hối hả, nhanh lên, nhanh lên các đồng chí ơi, nhanh lên kẻo không kịp, đoàn người chưa kịp thở lại phải theo chân Tri và Mế. Cái dốc cao, trơn trượt, dựng gần như thẳng đứng, nhiều người đi cứ phải níu vào gốc cây, thở cả ra đằng mồm mới có thể theo kịp Tri và Mế. Cứ chốc chốc, Tri và Mế quay lại, xốc mọi người cho nhanh lên là biết việc cần kíp thế nào rồi.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN 

Người làng đổ dồn con mắt vào bước chân đang đi chậm rãi kia, mới ngày hôm qua, cái bắp chân tròn như bắp chuối rừng ấy còn được đám trai làng ao ước, còn khiến đám con gái ghen tị, khiến người già thoáng nở nụ cười khi nghĩ đến bông pơlang rực rỡ của tháng ba. Vậy mà hôm nay, cái bước chân đó lại nặng trĩu những ánh nhìn ghê sợ, những lời xì xào vang lên, không gian chùng lại trong tối. Đôi mắt đẹp loang loáng nước như mắt con nai, con bò, ngời lên, chờ đợi, già Khưi chùng lòng đôi chút. Chao ơi! Sao con người đẹp dường kia lại có thể là cái thứ xấu xa, hại người được chứ? Không thể tin được Yàng ơi! Nhưng con ơi, nếu con không phải là cái thứ xấu xa ấy, chắc chắn hình phạt này không thể chạm được vào con và con sẽ trở lại với những gì mà con đáng được nhận nhất.

- Thằng Mế, mày hư quá, đây là việc làng, sao mày dám báo cho chính quyền và bộ đội biết?-Tiếng thầy cúng Mlơi vang lên. Đang đứng phía trên bếp lửa, Mlơi bước thụt xuống một bước, giấu mình vào vòng người làng đông đúc.

- Không phải, thế này là không phải đâu. H’La không phải là ma lai đâu? Không được xử thế này đâu, chết người đấy?

- Đây không phải là việc mày có thể chen vào, Yàng đã nói H’La là ma lai, chính nó đã hại cho H’Biu đau bụng nằm kia, nếu không tin mày đợi lúc thử xong rồi biết. Tiếng thầy cúng Mlơi vang lên, lần này thì mặt đã khuất trong vòng người.

- Đâu, H’Biu đâu? Nó nằm đâu rồi? Để bác sĩ quân y khám cho nó? Bộ đội Tri vội vàng giục Hiếu, cầm túi thuốc chạy theo người dẫn đường.

- Nhưng vẫn phải làm, tao đã được Yàng báo H’La là ma lai, nó đến để hại người làng. Nếu nó không có tội thì không có gì phải sợ.

H’La ngước mắt lên nhìn Mế, cái nhìn sâu như rừng đêm, đôi tay của H’La đang rung rung đỡ cái lá khoai. Trời ơi! Đôi bàn tay như những búp măng trắng tròn thế này làm sao có thể chịu được hình phạt khắc nghiệt kia chứ. Mế đi đến bên bếp lửa, cái nồi nấu chì đã chảy ra, sôi lục bục. Đôi lông mày anh cau lại, một thoáng tức giận, cái hình phạt mà anh từng thấy vài lần lúc còn nhỏ, đổ chì để phân biệt có phải ma lai hay không, ai mà nóng quá chịu không nổi thì đích thực là ma lai. Mà bàn tay của người thì ai có thể chịu được cái thứ nước nóng rẫy này, chỉ cần la lên, chỉ cần rộp lên là đã bị cả làng cho là ma lai để rồi đuổi đánh người đó ra khỏi làng.

- Thử đi. Mế đột ngột quay lại, đối mặt với già Khưi và dân làng. Phải thử, nhưng mà phải cho Mlơi ra thử với H’La. Tôi cũng mơ thấy Yàng nói Mlơi là ma lai. Vậy nên phải thử cả hai mới đúng chứ.

- Nếu vậy thì theo lời thằng Mế đi, thử cả Mlơi nữa. Tiếng già Khưi trầm trầm vang lên.

- Không, không được. Sao lại như vậy được, Yàng đã nói cho mình như vậy, thằng Mế nói láo. Mlơi cứng họng, định lủi sâu hơn vào vòng người nhưng những cánh tay cứ đẩy hắn chùi mặt ra.

Mặt Mế đanh lại, anh lấy chiếc lá môn phủ lên tay của Mlơi, rồi đi lại gần bếp lửa. Mlơi rú lên, xua tay, không muốn cùng chịu thử, hắn nhìn quanh như muốn cầu cứu. Nhưng thấy Bộ đội Biên phòng, cán bộ xã đang đứng nghiêm mặt, thấy già Khưi im lặng, còn dân làng thì cứ đăm đắm nhìn vào, như muốn hắn phải chứng minh. Mlơi lặng người, nghiến chặt răng lại, nhìn chòng chọc vào cái nồi chì nóng chảy, ước lượng. Hắn đã làm việc này bao lần rồi, nhưng đấy là đổ vào tay kẻ khác. Còn lần này, là tay hắn, tay của hắn sẽ phải đựng thứ nước nóng chảy kia, mồ hôi hắn chảy dọc qua lưng áo, lạnh ngắt, miệng khô nẻ lại, hắn liếm mép, nhìn lên.

- H’Biu bị chướng bụng, nó không tiêu được nên đau bụng lâu, bác sĩ quân y đã kê thuốc cho nó uống rồi, không phải do ma lai làm đâu. Tiếng Tri vang lên, anh đã thấy bác sĩ Hiếu khám xong, vội vàng chạy ra để báo lại kết quả. H’La gục xuống, chỉ có Mế đưa tay ra giữ lại. Mlơi thở hắt ra, trượt thẳng xuống gần đống lửa, thoát nạn rồi. Đám đông dần dần giải tán nhanh như sương đêm tan khi mặt trời rạng, đoàn công tác mừng rỡ vì giải quyết vấn đề một cách mau lẹ, sẵn đống lửa bỏ lại vội bắc lên nấu tạm nồi cháo. Bụng của cả đoàn giờ mới biết đói, chứ lúc mới đến, nhìn cả làng đang quây lại, ai cũng sợ tình hình sẽ phức tạp mà lực lượng lại mỏng thế này thì nguy lắm.

Cái thế đối đầu gườm gườm của dân làng Kong với Mế, với Bộ đội Biên phòng cứ thế lần lần cởi bỏ. H’La thoát khỏi cái án ma lai, làng cũng bỏ được cái sợ vì bác sĩ quân y Hiếu và đoàn Bộ đội Biên phòng sẽ ở lại thêm hai hôm để khám và phát thuốc cho người dân. Nhưng cũng chính vụ việc này mà bộ đội Tri và Mế lại càng quyết tâm bám làng để giải thích cho đồng bào về những hủ tục cần xóa bỏ. Nói một lần không được thì phải nói mười lần, nói hai mươi lần. Nói miết mà cái đầu vẫn chưa chịu hiểu thì phải cho làm cùng, làm một lần không được thì phải mười lần, hai mươi lần, thế nào cái đầu nó cũng phải sáng ra, thế nào cái tay nó cũng phải làm được. Mế kiên trì với cái ý này, và Tri nhiệt tình ủng hộ. Nhưng xóa bỏ hủ tục, lấy được lòng tin của dân làng Kong mới chỉ là một phần của khó khăn được giải quyết, con đường vận động bà con làng Kong còn dài lắm.

Sau ngày hôm ấy một tuần, bộ đội Tri và mấy đồng chí của đồn biên phòng mua heo đến để làng làm lễ kết nghĩa. Kết nghĩa vậy thôi, chứ vài người vẫn chưa đồng ý đâu, Tri biết, Mế biết, già Khưi cũng biết, phải xem cái tay cán bộ có làm được như cái miệng cán bộ nói không đã. Biết bao nhiêu lần làng Kong đã thấy, cán bộ trên cây (cái loa) nói hay, nhưng cán bộ dưới đất không làm được. Chính vì vậy Tri báo cáo xin ý kiến ban chỉ huy đồn sẽ tổ chức một đội, sắp xếp thời gian xuống tận làng, hỗ trợ bà con về kinh nghiệm trồng rừng, trồng lúa, làm rẫy để tăng năng suất, phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con thì bà con mới tin tưởng vào mình được chứ. Những ngôi nhà bắt đầu có điện, dân làng Kong bắt đầu bén rễ nơi đây, cái chân không muốn bỏ đi nơi khác nữa, vì cái đất bộ đội chỉ cho cách ủ phân, bón phân nên vẫn nuôi đủ hạt lúa, vì cái rừng vẫn cho rau, cho măng ăn đắp đổi, con heo, con gà cùng quanh quẩn gần nhà rồi lớn.

Những đứa trẻ đã bắt đầu đến lớp, cái lớp học lúc đầu được dân làng làm tạm bằng tre đã được Nhà nước xây cho kiên cố rồi. Cô giáo là H’La. Sau cái đợt bị nghi là ma lai, nó sợ quá, xin đi học tiếp ngoài tỉnh như Mế rồi về dạy học. H’La nhanh nhạy lắm, nó lại là người làng, nó hiểu cái bụng mọi người muốn gì và thật ra H’La vẫn còn nhớ cái nỗi sợ của buổi đêm hôm ấy, nếu Mế và bộ đội không về kịp thì sao? H’La phải học thêm cái chữ về để nói với dân làng những cái hay, cái đẹp ngoài kia, để chẳng phải ai trong làng còn bị bắt vì bị nghi là ma lai nữa. H’La còn biết không chỉ đàn ông cần có việc để đi làm, nó bàn với cán bộ xã, với các anh bộ đội hỗ trợ để dựng thêm ba cái nhà sàn để làm du lịch. Khách du lịch về đó ở, nếu muốn được ăn đồ ăn như dân làng, nó sẽ nhờ người làng nấu. Nó còn nói chị em dệt vải trở lại, khách du lịch tới, cứ thích ngắm các chị em dệt vải, rồi còn hỏi mua túi, mua khăn, mua váy áo nữa. Đêm nào khách muốn xoang, lại mời cả làng ra để múa hát cùng, tiền ít thôi nhưng vui, vì cái bụng dân làng vẫn muốn được chơi hội, vẫn muốn được xoang, vẫn muốn cười.

Truyện ngắn của LÊ THỊ KIM SƠN