leftcenterrightdel

Người lính hải quân và biển, đảo Tổ quốc là nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tác. Ảnh: HỒNG SÁNG 

Thấp thoáng những con tàu không số

Ngoài việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, không ai có thể ngờ được rằng lực lượng hải quân non trẻ Việt Nam đã âm thầm tạo ra một kỳ tích mới-kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu không số đưa vũ khí vào chiến trường miền Nam. Nếu dãy Trường Sơn là nơi những người lính công binh mở ra Đường Hồ Chí Minh trên đất liền, thì Đường Hồ Chí Minh trên biển được những người lính hải quân tạo nên bằng hải đồ của lòng quả cảm và mưu trí. Cuộc chiến đấu lặng lẽ của họ hoàn toàn trong bí mật, vậy mà nó vẫn được hát lên một cách xa xôi ý vị qua ca khúc “Bài ca tâm tình người thủy thủ” của Hoàng Vân, phổ thơ Hà Nhật: “Em hỡi, chớ hỏi anh nhiều, xin đừng hỏi rằng vì sao anh ra đi/ Em ơi cũng đừng nên hỏi anh rằng/ Ngoài khơi xa kia có những gì vẫy gọi anh...”.

Trong tình trạng bí mật của ngày ấy, những câu hát bóng gió này đã gói trong nó bao nhiêu sự thật phi thường. Tất nhiên tác giả bài thơ-thầy giáo Hà Nhật ở Đồng Hới (Quảng Bình) cũng chỉ thấy sự lạ lùng của những con tàu đến rồi đi với tên gọi “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”, nhưng ẩn sâu trong đó là cả sự huyền diệu của mưu lược chiến tranh nhân dân. Hoàng Vân cũng chỉ thấy bài thơ hay thì phổ nhạc, ông và tác giả thơ đâu biết chính mình là tác giả đầu tiên viết về một lực lượng đặc biệt trong Quân chủng Hải quân. Còn chuyện đáng nhớ hơn là vì nó cứ xa xôi ý vị như thế, lại được diễn tả bằng nét giai điệu rất trữ tình nên đã bị các nhà lý luận giáo điều phản ứng mạnh mẽ. Họ cũng đã vô tình tạo ra một “vỏ bọc thép” cho tác phẩm huyền thoại này. Thậm chí tác giả của nó, cả lời và nhạc, đều có những thời gian phải chịu tai tiếng, chẳng khác gì với người thân của các nhà tình báo phải chịu đựng để bảo toàn cho thắng lợi sau này. Nhưng cuối cùng thì nhạc phẩm đã được tôn vinh xứng đáng trong Chương trình “Giai điệu tự hào” sau khi được những người lính Đoàn tàu không số tôn vinh. Họ đã sống và dâng hiến đúng như những gì mà đoạn kết nhạc phẩm nói: “Nhưng em ơi, nếu có chàng trai chưa từng qua sóng gió/ Nếu có chàng trai chưa từng vượt qua nhiều thử thách gian lao/ Có lẽ nào xứng với tình em”.

Nhạc sĩ Nguyễn Kim ở Hải Phòng cũng ca ngợi rất xa xôi, ý vị sự ra đi của những con tàu không số bằng một nhịp ngũ liên rất lạ, như sự thôi thúc của con tim trong “Biển gọi”. Đây là một nhạc phẩm độc đáo thời chống Mỹ: “Rẽ sóng ra khơi xa, bến lạ bến quen gọi ta/ Vì yêu quê hương biển rộng sông dài/ Con tàu ta đó đêm ngày không mỏi cánh bay...”. Bài hát này lại được viết tại Hải Phòng, nơi có biển Đồ Sơn, có Thung lũng xanh, có cột mốc số 0 của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Câu hát ngắn “tăng chuyến quay vòng nối bờ” nhưng gói cả một hành trình dằng dặc hiểm nguy của Đoàn tàu không số mà bờ của nó có thể ở Bến Tre, ở Cà Mau, ở Vũng Rô...; không chỉ đưa vũ khí, hàng hóa, mà còn đưa cả cán bộ vào chi viện cho miền Nam. Những con tàu không số lướt trên biển như bay ấy không phải chuyến nào cũng trót lọt. Đã có những lần phải phá hủy cả con tàu, phải hy sinh để giữ bí mật về con đường đặc biệt này.

Cũng do điều kiện bí mật nên khác với đường Trường Sơn với bao nhiêu bài ca, Đường Hồ Chí Minh trên biển mãi đến thời đổi mới mới được lịch sử “bạch hóa”. Ngay khi ấy, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã kịp ghi nhận huyền thoại này trong ca khúc của mình mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”: “Sóng xóa đi dấu vết/ Biển vẫn con đường mòn/ Những con thuyền bé nhỏ/ Chạy đua với mặt trời/ Lướt theo hình bán đảo/ Vạch nên những đường mòn...”.

Cảm hứng từ biển, đảo và người lính

Không ai có thể lường hết sự thăng hoa chất ngất của cả dân tộc Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong thăng hoa của toàn dân tộc, có sự thăng hoa của bậc tài danh Văn Cao. Không chỉ viết về những tưởng tượng với những đội quân cách mạng qua “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam” mà trong đó thấp thoáng hình bóng của kỵ binh: “Ngựa phi nơi xa kia nghe súng vang bên trời điệu kèn rộn ràng” hay “Bao chiến mã lên đường-giục lòng dân quân thi can trường”, Văn Cao còn viết hai bài ca về hai lực lượng chưa xuất hiện trong những ngày đầu độc lập, đó là Không quân nhân dân Việt Nam và Hải quân nhân dân Việt Nam bằng những tưởng tượng phi thường của thăng hoa. “Bài ca chiến sĩ hải quân” được Văn Cao viết từ năm 1945, đã theo những người lính suốt cuộc trường kỳ kháng chiến và được hát lên sau hòa bình, khi Quân chủng Hải quân được thành lập: “Xa khơi sóng vang dạt dào/ Mênh mông sóng va thân tàu...”.

Sở dĩ có được sự tưởng tượng này, Văn Cao đã có trong mình một thực tế vì ông vốn sinh ra và lớn lên ở vùng cửa biển Hải Phòng. Những hình ảnh con tàu đã ám ảnh từ thuở thiếu thời và khắc sâu trong tâm hồn nhạy cảm của ông. Khi nước nhà giành độc lập, ông đã nghĩ ngay tới sự lớn mạnh của đội quân cách mạng mà trong đó không thể thiếu vắng hải quân và không quân. Bởi vậy, những người lính hải quân luôn tự hào đã có bài ca của mình từ trước khi quân chủng được khai sinh. Chính từ bài ca đầu tiên này, với sự gợi ý của nó, nhạc sĩ Thế Dương-cũng là một người con của Hải Phòng thuộc thế hệ sau Văn Cao, đã viết tiếp bài ca về Hải quân nhân dân Việt Nam ngay sau ngày thành lập ít lâu: “Dạt dào biển mênh mông, sóng vỗ nhịp thân tàu/ Đoàn ta ra khơi tiếng máy reo vang tràn ngập tình đất nước quê hương/ Nhìn bầu trời xanh tươi, tay súng ta không rời/ Lướt sóng ra khơi rộn ràng khúc ca yêu đời...”. Bài “Lướt sóng ra khơi” của Thế Dương đã ngay lập tức khẳng định tên tuổi của nhạc sĩ trong làng âm nhạc nước nhà.

Bên cạnh “Lướt sóng ra khơi”, có thêm một ca khúc mới về hải quân lại do một nữ ca sĩ sáng tác, đó là “Quê hương anh là biển cả” của Tường Vy, với những triết lý bảo vệ vùng biển của lực lượng hải quân gần gũi hơn, đời hơn với từng người lính: “Như con chim hải âu bay trên sóng nước bạc đầu/ Đêm nay anh lướt đi trên sóng xô mạn tàu/ Như con chim hải âu bay trên sóng nước dạt dào...”.

Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh biên giới tiếp tục có nhiều ca khúc về người lính hải quân và biển, đảo được các nhạc sĩ sáng tác. Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, âm nhạc đã ca ngợi những người lính bảo vệ vùng biển trong bài “Đánh đích đáng” của nhạc sĩ Ngô Sỹ Hiển. Trong Quảng Bình, nhạc sĩ Nhật Lai cũng đã hát lên những giai điệu đẹp về tình quân dân trong chiến đấu qua bài “Đan lưới”, “Bài ca trên sông Nhật Lệ”. Còn nhạc sĩ Hồ Bắc lại ca ngợi chiến công thầm lặng của người chiến sĩ thông tin hải quân trong “Gửi anh chiến sĩ thông tin trên đảo”. Nhạc sĩ Văn An thì dựng lên hình ảnh người anh hùng “Thái Văn A đứng đó”. Trong “Người chiến sĩ ấy” của Hoàng Vân lại thấp thoáng lực lượng đặc biệt tinh nhuệ-đặc công nước...

Cuộc dấn thân trên biển âm thầm, lặng lẽ vẫn cứ chảy vào giai điệu lúc nào không rõ, vào tháng năm nào của cuộc chiến tranh không hay. Những người lính hải quân còn hiện lên trong giai điệu “Tình em biển cả” của Nguyễn Đức Toàn, “Biển hát chiều nay” của Hồng Đăng. Còn trong “Thư tình lính biển”, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã làm mới cho cuộc chia tay qua góc nhìn từ bờ, là góc nhìn ở khoảnh khắc trước khi lên tàu, bởi thế, góc nhìn được mở ra ở phía tương lai của cuộc chia tay, đã gây men cho nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc: “Cho dẫu mai đây xa ánh đèn thành phố/ Anh đến buông neo nơi thăm thẳm ánh sao trời/ Anh vẫn thấy đời không lẻ loi/ Biển một bên và em một bên”. Ca khúc này đã là một trong những ca khúc hay của thời chiến tranh biên giới, nó song hành với “Nơi đảo xa” của Thế Song-một ca khúc về lính hải quân nhưng lại tự nhiên khẳng định chủ quyền của Việt Nam: “Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa ngàn bão tố phong ba ta vượt qua”, và vẫn là tình yêu nâng bước chân người lính, trong đó có người lính hải quân nơi đảo xa.

Nhạc sĩ Hình Phước Liên trong một chuyến lưu diễn tại quần đảo Trường Sa, nghe tâm tình của lính đảo đã nâng lên thành giai điệu với ca khúc “Gần lắm Trường Sa”: “Biển đảo quê hương, đôi mắt biên cương/ Vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão giật/ Đảo quê hương/ Anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi/ Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi!/ Không xa đâu Trường Sa ơi!”. Tâm sự của người lính hải quân được các nhạc sĩ thăng hoa qua “Nếu em tới thăm đảo” của Trọng Loan, “Cây đàn ghi ta một dây” của Minh Quang... 

Và rất nhiều ca khúc về biển, đảo, về Trường Sa đã vang trên khắp miền đất nước. Khi tình hình Biển Đông nóng lên ở phía Hoàng Sa, ngay lập tức một hành khúc rắn rỏi, đanh thép đã hừng hực không gian của nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp từ bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến: “Tổ quốc đang bão dông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa”; hay vỡ òa chất ngất trong ca khúc nóng bỏng “Tổ quốc gọi tên mình” của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, lời thơ Nguyễn Phan Quế Mai: “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá”...

Từ truyền thống cha ông xưa đến truyền thống Đoàn tàu không số vạch ra một Đường Hồ Chí Minh trên biển, ghép nên bởi những lối mòn huyền thoại thời chống Mỹ, những người lính hải quân luôn tự hào là con cháu của Yết Kiêu đã ngẩng cao đầu sừng sững trấn giữ lãnh hải thân yêu của Tổ quốc và mãi hát lên những bài ca của mình. Nhìn lại quá khứ, vươn tới tương lai, biển, đảo Tổ quốc và người lính hải quân tiếp tục là nguồn cảm hứng cho những bài ca mới viết về họ.

NGUYỄN THỤY KHA