Non trưa một ngày tháng Tư, ngọn gió Lào thổi từ ngoài cánh đồng về mang theo hương sữa lúa ngậm đòng thơm nức. Tiếng đàn chim tập bay lúc sà, lúc đậu gọi nhau qua những vòm cây hòa với tiếng nước suối chảy qua cọn lúc thưa, lúc nhặt. Con đường dân sinh chạy từ Quốc lộ 279 đoạn qua chân đèo Pha Đin vào bản nổi lên như một cuộn xà tích bạc vắt ngang qua thảm lúa xanh vàng. Cuộn dây bạc phân thành mấy nhánh ngay ở bên này sườn đồi. Hai sợi chạy tiếp vào phía núi, một sợi dẫn thẳng vào nhà của Biên.

Hôm nay, Biên về thăm nhà và còn dắt theo một anh chàng khôi ngô tuấn tú. Người trong bản xúm vào nhìn ngó. Mấy thím mấy dì, mấy em mấy chị dường như không còn chịu nổi cái ngứa ngáy như sâu róm bò trong bụng. Chốc chốc họ lại khều tay, ghé đầu vào nhau để hỏi. Nhưng mặc kệ những chiếc khăn piêu đã bắt ẩm ẩm vì bị nước bọt văng vào khi các bà che miệng nói thầm hay phần dây ở hai chiếc trâm cài trên búi cẩu vướng vào nhau đến mức suýt rơi ra thì họ vẫn chỉ thu được những câu trả lời bắt đầu bằng chữ hình như. Hình như chàng trai kia là người ở xuôi; hình như là người yêu cô Biên vì mắt chúng nó cứ chốc chốc lại ăn vào nhau thế kia; trâu, bò bản mình sắp hao mất mấy con để làm cỗ cưới rồi; hình như là...

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 

Biên đã chọn đi con đường khác so với hầu hết con gái nơi này. Đám bạn của Biên trong bản chỉ học hết lớp 9 là bắt đầu nghỉ học. Sách vở, chữ nghĩa của những đứa học tiếp cũng rơi rụng dần khi học lớp 10, 11. Phần vì muốn đi học trung học phổ thông phải ra tận huyện gần chục cây số nên ngại. Phần vì trai gái miền núi quãng 14, 15 đã đến tuổi có sức khỏe gánh vác được việc nhà nên gia đình cho nghỉ học về phụ giúp làm ruộng, làm nương hoặc về xuôi làm phụ hồ trong các công trình xây dựng kiếm tiền. Chỉ có ít người đi học nghề, còn đi học đại học như Biên càng ít. Nhưng ông ngoại Biên từng nói, bây giờ cuộc sống ấm no, hòa bình, chẳng có lý do gì không học hành. Con gái cũng như con trai. Học để có kiến thức, để trở thành người có ích. Học để xây dựng quê hương.

Từ nhỏ, Biên đã sống cùng ngoại và được ông dạy bảo hằng ngày. Ông thích đọc thơ và hay kể chuyện. Thỉnh thoảng, ông cũng hát. Ông thường đọc thơ Tố Hữu. Ông đọc thơ ngay cả khi đang làm việc. Những câu hát hầu hết do ông tự nghĩ ra, lúc thì như một lời than thở muộn sầu, lúc thì như một câu khuyên răn con cháu hoặc người đời. Còn kể chuyện thì từ nhỏ đến lớn, Biên hầu như chỉ được nghe mỗi chuyện ngày xưa ông tham gia chiến đấu.

Ngày ấy, khi ông đang tuổi 17, nghe lỏm người lớn nói chuyện cần người đi phục vụ chiến trường, ông xung phong xin đi ngay. Con đèo Pha Đin trước mặt nhà mình gập ghềnh hiểm trở. Đoạn đèo này còn được gọi là tọa độ lửa vì giặc Pháp dội rất nhiều bom hòng cắt đứt con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ của bộ đội ta. Lúc nhỏ, ông nghĩ đến chiến tranh, bom đạn cũng sợ lắm, nhưng sau đó được nghe người lớn kể chuyện, rồi có lần được trực tiếp thấy các anh bộ đội kéo pháo, các chị dân công tải hàng từ dưới xuôi lên, chỉ lớn hơn ông một vài tuổi mà dũng cảm, giỏi giang quá. Ông cũng muốn được như các anh, các chị. Dân Thái ở dưới thung lũng này, dân Mông ở trên đỉnh đèo kia lúc nào cũng sẵn sàng ở ngay gần mặt đường. Chỉ cần ngớt bom là lại ào lên lấp đất, san đường để cho xe chạy... Rồi ông trở thành bộ đội trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954...

Mỗi lần kể đến đoạn cuối câu chuyện, giọng ông chùng xuống, ánh mắt ông trở nên xa xăm nhìn về phía đỉnh đèo như thể ông đang tìm kiếm bóng dáng những đồng đội của mình từng đến từ phía ấy.

Ông là người đồng hành, cho Biên nhiều lời khuyên răn trong cuộc sống. Ông ủng hộ Biên đi học đại học, ông nói con gái lại càng nên đi học. Cũng chính ông là người thuyết phục bố mẹ Biên cho con gái đi học đại học tận Hà Nội khi hai con của ông muốn Biên ở nhà nhận lời một đám trong bản đến nhà ở rể.

***

Hùng phải dụi dụi mắt rồi lại nhìn thêm lần nữa vào bản danh sách sinh viên năm đầu cần được hỗ trợ nhập học và sắp xếp chỗ ở. Thứ năm từ trên xuống là dòng tên Lò Thị Điện Biên, quê quán: Tuần Giáo, Điện Biên. Những chữ Điện Biên liên tục đập vào mắt khiến Hùng có cảm giác thân thiết lạ lùng, lại vừa tò mò muốn được gặp cô tân sinh viên ấy. Cuối buổi, Hùng phải mất một chầu trà đá, kẹo lạc để được thằng bạn đổi cho sang phụ trách nhóm có cô gái tên Điện Biên.

Lò Thị Điện Biên không hiểu vì sao anh sinh viên năm cuối, người Hà Nội, chưa từng quen biết lại quan tâm đặc biệt đến mình như vậy. Những ngày đầu nhập học đầy bỡ ngỡ của cô cũng bởi có anh mà trôi qua nhẹ nhàng. Anh nhiệt tình hướng dẫn cô tận tình làm thủ tục nhập học, rồi đăng ký, chuyển đồ vào ký túc xá, chỉ chỗ mua đồ dùng, chỉ đường lên thư viện... Anh lấy những kiến thức, kinh nghiệm của một đàn anh để giải đáp, góp ý cho cô những điều bổ ích trong học tập. Đặc biệt, anh thích nghe cô kể chuyện quê hương và luôn hào hứng, chăm chú lắng nghe. Thỉnh thoảng, anh chủ động hỏi cô vài chuyện về mảnh đất Điện Biên. Ban đầu, cô nghĩ anh chăm chú nghe chuyện và tỏ ra thích thú có thể là một sự xã giao hoặc là sự tò mò về điều mới lạ của một chàng trai thành phố. Nhưng dần dần, cô cũng lờ mờ cảm thấy dường như Điện Biên với anh thực sự có một điều gì đặc biệt.

***

Tuổi thơ của Hùng thấm những câu chuyện kể về Điện Biên của bà nội. Hai tiếng Điện Biên cứ thế trở nên thân thuộc, gắn bó lạ lùng dù anh chưa một lần đặt chân đến vùng đất ấy. Bà bảo, ông nội của Hùng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đã nằm lại chiến trường Điện Biên Phủ khi tuổi ngoài hai mươi. Thịt da ông và đồng đội đã hòa vào mảnh đất này. Sau hàng loạt tiếng nổ kinh hoàng làm đất đá bay mù mịt và cây rừng gãy đổ, ở cạnh miệng hố bom, người ta tìm thấy một chiếc bi đông méo có khắc tên ông. Sau đó, chiếc bi đông được gửi về cho bà kèm theo tờ giấy báo tử. Bà nhận tin, cầm di vật của ông trên tay run run. Bà lẳng lặng nhờ người vẽ một bức ảnh truyền thần theo hình dung của bà về ông để thờ phụng rồi nuốt nước mắt vào lòng. Bà còn quá trẻ, con còn quá nhỏ. Bà phải mạnh mẽ để còn cáng đáng gia đình, làm chỗ dựa cho bố mẹ già và nuôi dạy con nhỏ. Bà nhớ ông hằng đêm và mong muốn một lần được đến tận nơi ông nằm xuống thắp nén nhang thơm. Nhưng bởi đường sá quá xa xôi, bởi hai vai bà vẫn nặng trĩu những chuyện còn phải lo cho người đang sống. Đến khi cái đói không còn đeo bám, khi bố mẹ chồng đã về với tiên tổ, khi con cái đã trưởng thành thì sức khỏe của bà lại giảm sút, trí nhớ lẫn lộn. Có lúc, bà rót nước vào chiếc bi đông cũ, đưa cho Hùng giục uống nhưng lại gọi tên ông. Trước khi mất, trong những phút tỉnh táo, bà dặn Hùng sau này nhất định phải thay bà lên Điện Biên thăm ông  bằng được, để thắp hương cho ông ở nơi ông nằm lại.

Việc học tập cuốn Hùng đi bởi hết đợt thi này đến kỳ thi khác mấy năm trung học phổ thông. Vào đại học, những giờ học trên giảng đường, những đợt thực hành, điền dã, nghiên cứu của sinh viên trường nông nghiệp rồi hoạt động đoàn thanh niên... khiến Hùng dường như quên mất những điều bà dặn. Cho đến khi anh thấy cái tên Lò Thị Điện Biên. 

Điện Biên và những câu chuyện về nó khiến hai con người xa lạ ở hai vùng đất hoàn toàn khác nhau trở nên đồng điệu thật tự nhiên. Hùng thường nói với Biên, mối nhân duyên giữa hai người chắc chắn là mối nhân duyên tiền định. Nếu không thì giữa bao la rộng lớn, mênh mông biển người, làm sao anh lại gặp được cô cơ chứ.

***

Những ngày này, đến lượt Biên làm hướng dẫn viên đưa Hùng đi khắp Điện Biên Phủ. Hùng nghiêm cẩn đi hết những điểm di tích ở Điện Biên, thắp nén nhang thơm cho ông và đồng đội của ông. Hùng muốn tới bản làng nơi Biên sinh ra, muốn được say sưa ngồi hàng giờ nghe ông của Biên kể chuyện. Hùng muốn biết nhiều hơn nữa về mảnh đất và con người nơi đây.

Biên nắm tay Hùng đi về phía bản. Con đường dân sinh vào nhà Biên mềm mại như một sợi xà tích bạc vắt ngang hông cánh đồng con gái. Cánh đồng rộng mênh mông trong cái nắng tháng Tư vàng nhạt. Gió thổi lồng lộng về phía chân đèo tím xanh mang theo hương sữa lúa thơm nồng. Gió thổi về cuộn theo cả những cánh bướm màu vàng chanh tựa như những ánh mắt cười đang chấp chới bay lên. Hùng siết nhẹ tay Biên. Hẳn cô cũng đang có suy nghĩ giống anh: Phải hy sinh biết bao thanh xuân, máu xương của thế hệ cha ông để trước mặt Biên và Hùng bây giờ mới có dáng vẻ căng tràn sức xuân như thế!

Truyện ngắn của QUÀNG THỊ DIÊN