Dừng xe máy ở góc sân, nơi có mấy chiếc xe đạp đang dựng gọn gàng. Tiến thêm vài bước nữa, ông thấy mấy học sinh đang đọc sách. Đang lật giở cuốn “Nắng đồng bằng”, ông Đông ngẩng lên: “Trời ơi, ông Hiển. Hiển đây rồi”.

Đưa tay bắt tay khách, ông Đông dẫn ông Hiển ra bàn nước bằng đôi chân tập tễnh. “May quá, tôi cũng vừa pha ấm trà. Chắc đã ngấm rồi đây”. Cuộc chuyện trò diễn ra sôi nổi bên dưới tán cây khế lúc lỉu quả. Hai lồng vành khuyên treo hai bên. Lúc hai học sinh đến trả sách cho thư viện, ông Đông giới thiệu qua: “Các cháu ạ, đây là ông Hiển, đồng đội của ông từ hồi chiến tranh đến thăm. Các cháu trả sách thì gặp bà Nhật, hoặc chú Oanh giúp ông nhé”.

Trong lúc chờ đợi thêm đồng đội đến, ông Đông rút ra tập sách, trong đó có in một bài đã viết về ông Hiển. Ông Đông giở đúng trang có in bức thư được viết từ chiến trường.

- Để tôi ký tặng ông.

***

Học hết lớp 7, Hiển được cử đi học thiếu sinh quân, rồi được đưa về chiến trường B1 hoạt động trong lòng địch. Qua bao năm tháng gian khổ, chính Hiển chẳng nhớ mình đã bị thương bao nhiêu lần. Đồng đội nể Hiển. Anh làm gì cũng nhanh như gió. Nhiều trận đánh anh xông vào ổ địch như vào chỗ không người. Một đợt, sau khi thoát chết bởi một quả bom nổ cách mình mấy chục mét, nằm dưới sao trời và tiếng súng vẫn đì đùng phía xa, Hiển bỗng nhớ bố mẹ và người con gái hàng xóm nết na. Người con gái mà anh đã ôm hình bóng theo suốt bao cung đường. Chàng chiến sĩ trẻ liền viết thư, giấu trong ba lô rồi nhờ một đồng đội bị thương phải ra Bắc điều trị gửi giúp. Nhưng người đồng đội đi đến Quảng Ngãi thì bị địch mai phục, xả súng dã man nên đã hy sinh.

Địch vừa rút đi thì một tốp bộ đội của ta làm nhiệm vụ đi qua nơi này. Cánh rừng lặng im. Máu dính hằn lên đất, khô quặn. Đông nhận ra bộ đội của ta nên mau chóng mai táng những chiến sĩ hy sinh. Trong hành trang của một chiến sĩ còn có bức thư chờ gửi. Theo địa chỉ, anh tìm đến nhà bố mẹ Hiển và cũng được dẫn đến nhà gặp cô người yêu của Hiển. Đông tưởng người chiến sĩ mình đã mai táng là Hiển, nên một mực nói với ông bà: “Cháu đã chôn cất anh Hiển nhà bác”. Bố mẹ Hiển nén nỗi đau, cảm ơn Đông rồi bùi ngùi cầm tay Đông trước khi anh chào để về đơn vị: “Con bác hy sinh rồi. Bác mong sau này có thêm nhiều cơ hội được gặp cháu”.

Ngoài mặt trận, chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt. Trong một lần bị thương, Hiển được điều trị nửa năm rồi trở lại chiến trường chuẩn bị cho chiến dịch lớn. Sau 30-4-1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Hiển cùng đơn vị về đóng quân ở Lạng Sơn. Ổn định công tác, Hiển mới được về phép thăm nhà, sau hơn mười năm xa quê hương. Đó là một ngày niềm vui phơi phới hiện lên trên mặt anh. Quê hương bình yên đón anh. Bước vào ngôi nhã cũ kỹ nhưng thân thương, anh giật mình thấy di ảnh mình đặt sau bát hương trên bàn thờ. Chưa hết ngỡ ngàng, anh quay ra thì gặp bố. Hai bố con nhìn nhau run rẩy. Mẹ Hiển thấy cảnh ấy thì mừng muốn ngất. Ông bố nói như hét lên: “Trời ơi, thế mà họ nói con tôi chết rồi. Nó vẫn sống và trở về với tôi đây này”. Hôm đó, Hiển không thể nào tả hết niềm hạnh phúc tột cùng của các thành viên trong gia đình.

leftcenterrightdel
 Minh họa: LÊ ANH

Sau đó không lâu, Hiển xuất ngũ về địa phương. Bố mẹ nhiều lần giục anh lấy vợ, nhưng anh cứ lần lữa tìm cách “hoãn binh”. Phần vì biết cô hàng xóm tưởng mình đã hy sinh nên đã yên bề với chồng là một thương binh. Phần vì Hiển lo mình nhiễm chất độc da cam, nên còn điều lấn cấn. Mãi ba năm sau anh mới xây dựng gia đình với một cô gái làng bên. Nhờ năng động, lại có khát vọng biến vùng đầm bỏ hoang đầu xã thành trang trại, vợ chồng anh xin được đấu thầu, bắt tay vào cải tạo mảnh đất khó. Nỗi lo âu đã bị đẩy lùi khi lần lượt ba người con được sinh ra đều khỏe mạnh, thông minh. Kinh tế ổn định, có chút vốn liếng, anh bàn với vợ “Mình cai quản trang trại, tôi đi buôn nhé, tất nhiên tôi vẫn hậu thuẫn mình khi cần thiết”. Hiển mạnh dạn buôn muối và nhiều thứ gia vị khác, những thứ mà theo anh sẽ giúp bữa cơm đậm đà hơn. Đồng đội hỏi, anh cười vui: “Buôn muối để đời mình không nhạt”.

Nhanh nhẹn, lại chịu khó nên chuyện kinh doanh của Hiển hanh thông phát triển. Có chút của ăn của để, anh thường hỗ trợ đồng đội cũ và những cựu chiến binh trở về địa phương lăn lộn với ruộng vườn. Ngôi nhà của anh trở thành địa chỉ để các cựu chiến binh gặp nhau, trao đổi kinh nghiệm làm ăn. Anh thường nói với vợ, mình được trời ban cho may mắn, sức khỏe. Nhưng nhiều đồng đội còn khó khăn, cần giúp đỡ. Người vợ hiểu chồng. Chị sẵn sàng hỗ trợ chồng giúp đồng đội cây giống vốn làm trang trại.

Một lần cùng đồng đội vào thăm chiến trường cũ, đến thắp hương ở Nghĩa trang Trường Sơn, Hiển bất ngờ gặp ngôi mộ của mình. Trong đầu như có một luồng xung điện chạy lan ra, tỏa đến khắp cơ thể. Vậy là, sự việc nhầm lẫn năm đó vẫn chưa được đính chính. Người đồng đội nằm dưới mộ này cần được trả lại tên thật... Lần theo địa chỉ bố mẹ để lại, Hiển tìm gặp Đông, người mang bức thư về cho gia đình anh. Nghe xong chuyện, Đông ôm chầm lấy Hiển: “Ôi, vậy là tôi đang đứng trước mặt người đã thắp hương lên chính mộ mình. Còn điều gì có thể xảy ra trong chiến tranh nữa!”. Thế rồi, chính Hiển cùng Đông đã đôn đáo kết nối, tìm hiểu thông tin để đưa người đồng đội bao năm mang tên mình về quê nhà.

Xong việc ấy, anh lại bàn với vợ:

- Tôi nghĩ kỹ rồi mình ạ. Tôi và mình cũng đã đến lúc ngơi tay, con cái cũng ngoan ngoãn, trưởng thành, chẳng phải bận bịu lo chuyện cái ăn, cái mặc nữa. Tôi sẽ đi tìm hiểu thông tin, tìm mộ liệt sĩ, đưa những đồng đội còn nằm lại chiến trường trở về quê hương.

Những tưởng vợ anh sẽ lấn cấn can ngăn. Nào ngờ, chị nhìn sâu vào mắt chồng, dõng dạc:

- Việc nghĩa với đồng đội đâu phải bây giờ mình mới làm. Mình cứ làm đi. Việc ở nhà em quán xuyến được. Nhưng, mỗi năm mình phải cho em đi cùng ít nhất một chuyến đấy nhé.

***

Đến giờ đã là năm thứ mười bảy, ông Hiển trở thành “quân bưu”, kết nối việc tìm mộ liệt sĩ. Từ quê hương cho đến dọc dãy Trường Sơn, các chiến trường xưa, nghĩa trang liệt sĩ trên mọi miền đất nước hầu như đều đã in hằn dấu chân của ông.

Rưng rưng nhìn lại trang đầu bức thư được in trọn trong trang sách, ông Hiển ngậm ngùi.

- Tôi còn một điều trăn trở, đó là vẫn chưa tìm được anh trai của Tâm-cô bạn gái hàng xóm năm nào. Bố mẹ Tâm khi còn sống cũng đã gặp tôi bày tỏ nguyện vọng và nhờ giúp tìm.

- Hẳn ông đã đi tìm? - ông Đông hỏi.

- Thú thực, tôi đã cố gắng nhưng chưa tìm được. Có điều, Tâm lại cho rằng tôi cố tình không nhiệt tình vì ngày trước cô ấy đã vội đi lấy chồng mà không đợi tôi. Cô ấy vẫn nghĩ, tôi giúp được bao nhiêu người, tại sao lại không tìm được mộ của anh trai cô ấy.

Ông Đông chiêu thêm trà, dõng dạc:

- Có lẽ, tôi sẽ cùng ông tiếp tục nhiệm vụ đó. Tôi sẽ để vợ tôi trông thư viện một thời gian. Bom đạn kẻ thù không giết được chúng mình, còn khó khăn nào khiến mình chùn bước được?

Hai người nhìn nhau. Lời nói và ánh mắt của người đồng đội già đã tiếp thêm nhiệt huyết cho ông Hiển. Nhìn ra vườn, hoa hướng dương trổ màu vàng thắm. Ông Hiển ôm chặt cuốn sách của ông Đông, ngẫm ngợi: Phải lắm! Ông ấy cũng đâu kém cạnh. Có mặt trong những trận chiến quan trọng, sau ngày toàn thắng, ông Đông về học sư phạm và gắn bó với nghề dạy học. Ham đọc, ham học, nghỉ hưu rồi, ông lại biến nhà mình thành thư viện phục vụ miễn phí học sinh và người dân trong vùng.

- Ông đã miệt mài bao năm với nghề giáo và sự nghiệp kết nối tri thức, bằng đôi chân tập tễnh. Thật là tài!

Ông Đông vỗ mạnh vào vai ông bạn, cười khơ khớ:

- Thì ông cũng đã làm bao việc nghĩa cho cuộc đời. Việc của tôi có mà nhỏ như con thỏ!

Câu chuyện của hai ông tạm dừng khi ba đồng đội của ông Đông đến. Chuyện xưa cũ trên những nẻo đường ra trận, chuyện hôm qua trên những ngả đường đời của những người từng vào sinh ra tử làm cho buổi hạnh ngộ trở nên rôm rả, nhiều cảm xúc.

Một ngày xuân rất nhiều nắng, hai người bạn già gọi điện thoại rủ nhau gói ghém đồ đạc, kết nối với cơ sở để chuẩn bị, hẹn chiều nay có mặt ở sân bay đúng giờ. Tối hoặc đêm mai họ sẽ có mặt ở Tây Ninh...

Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN HỌC