Thời tiết cũng làm lòng người chùng lại. Hễ đất trời ậm ì chuyển mình sang đông là những kỷ niệm thuở ấu thơ ùa về trong lòng ông. Hồi đó nhà chỉ có hai anh em nên lúc nào cũng quấn quýt với nhau. Những buổi tối ngoài trời mưa rả rích, má thường lùi vào bếp than mấy củ khoai lang. Mùi khoai nướng thơm lừng, hai anh em vừa bóc khoai ăn vừa xuýt xoa vì nóng. Cũng có khi hai đứa giành ăn chí chóe, má đang ngồi hơ tay vào bếp phải quay ra mắng yêu. Những buổi chiều, ông thường lẽo đẽo theo anh Hai ra đồng bắt cá. Cá hồi đó nhiều vô kể. Ra đồng một chặp, kiểu gì buổi chiều trong căn bếp nhà ông cũng có món cá đồng kho khế ngon lành. Nhưng những ký ức êm đềm đó kéo dài không lâu. Mười chín tuổi, anh Hai lên đường nhập ngũ. Từ đó anh như con chim bay đi mà chẳng hề quay về một lần. Chiến trận xa xôi, tin tức mịt mù. Bao nhiêu năm qua đi cho đến lúc má ngã quỵ khi nhận được giấy báo tử. Anh Hai hy sinh ở Quảng Trị.
Ông nhớ mãi cái dáng ngồi buồn thiu của má mỗi lúc đông về. Má cứ nhắc chuyện xa xôi. Chuyện anh Hai thích ăn khoai nướng nên lúc nào má cũng dành một luống đất ngoài vườn vun lên trồng khoai. Má nói lỡ thằng Hai về bất chợt thì có khoai mà ăn. Má nhắc chuyện anh Hai hứa khi nào hết chiến tranh sẽ trở về cưới con bé Duyên cuối xóm. Con bé dễ thương, nết na, làm ruộng rất khéo. Mỗi bận lúa chín, kiểu gì con bé cũng sang ruộng nhà mình cắt lúa hộ. Má đưa tay chặm nước mắt. Tội nghiệp! Biết tin thằng Hai hy sinh, nó cũng đau khổ biết chừng nào. Bao nhiêu năm rồi, má khuyên nó đi lấy chồng mà nào có chịu nghe. Cứ sớm tối chạy qua hủ hỉ vui buồn với má! Rồi má cũng về với đất, mang theo nỗi niềm khắc khoải chưa tìm được hài cốt của anh Hai. Ông Ba nghĩ, chắc ở nơi xa xôi nào đó, má và anh Hai đã được gặp nhau rồi.
***
Ông Ba từng đi bộ đội. Xuất ngũ, ông trở về làm văn thư của xã. Khi nghỉ hưu rảnh rỗi, ông xin phép chính quyền cho mình làm quản trang, ngày ngày trông nom phần mộ của các liệt sĩ. Hồi má còn sống, cũng đã có lần hai má con ông ngồi xe đò, tìm đến nơi người ta chỉ, mong tìm lại được anh Hai nhưng rồi cũng đành ra về tay trắng. Má mất với tâm nguyện chưa thành, ông lại khăn gói đi Quảng Trị thêm hai lần nữa nhưng cũng không thể tìm ra anh. Quảng Trị hồi đó bom đạn cày xới, ác liệt vô cùng. Bao nhiêu năm qua, mọi thứ đổi dời, những dấu chỉ kiểu như “dưới một gốc cây, gần một con suối” thật mơ hồ. Ông nghĩ, chắc anh Hai ông đang nằm trong nghĩa trang nào đó bên cạnh đồng đội của mình.
Nghĩa trang xã nằm dưới chân một ngọn đồi. Quanh năm khung cảnh vắng vẻ và có phần cô quạnh. Người ta chỉ ghé thắp nhang mỗi dịp lễ, tết hoặc khi có thân nhân ghé thăm. Chiều chiều, ông thường ghé nghĩa trang nhổ cỏ, quét đám lá cây đỏ ối bị gió thổi xuống mùa này. Ở những khoảng đất trống, ông trồng thêm mấy cái cây cho đẹp. Trước khi ra về, ông thắp nhang cho những ngôi mộ đỡ phần lạnh lẽo. Nhiều người đi thăm nghĩa trang ngạc nhiên khi thấy mộ phần sạch sẽ, không có cỏ dại lại chen mấy bông hoa rập rờn.
Ông Ba bảo cu Bin, đứa cháu nội đang học lớp 2 của mình thỉnh thoảng đi cùng ông đến nghĩa trang nhổ cỏ nhưng nó lắc đầu nguầy nguậy. Nó nói, tụi bạn trong lớp bảo là nghĩa trang ma nhiều lắm! Nó ghé tai ông hỏi nhỏ: “Ông nội không sợ ma hay sao mà chiều nào cũng ra nghĩa trang?’’. Ông nhìn đôi mắt ngây thơ của đứa cháu rồi cười, có gì mà sợ chứ! Dưới những nấm mồ kia là những liệt sĩ hy sinh vì quê hương mình. Giờ họ nằm dưới đất, vĩnh viễn trở thành một phần của quê hương. Rồi ông kéo đứa cháu vào lòng, giọng buồn buồn, họ cũng như ông Hai của con vậy á! Gia đình mình không tìm thấy ông Hai nhưng ông nội tin ông Hai cũng đã thuộc về một nơi nào đó. Rồi cũng sẽ có những người lạ thắp lên mộ ông Hai những nén nhang ấm lòng.
Thằng bé ra chiều nghĩ ngợi. Ba má đi làm suốt nên nó ở với ông phần nhiều. Mỗi bận rảnh rỗi, ông nội thường ngồi trước hiên nhà kể chuyện ông Hai cho Bin nghe. Dẫu chỉ nhìn thấy ông Hai qua tấm ảnh trắng đen trên ban thờ nhưng những câu chuyện nội kể khiến thằng bé hiểu ông Hai là người thân, là một phần không thể thiếu của gia đình. Ông nội còn giữ mấy kỷ vật của ông Hai thời xưa lơ xưa lắc. Cu Bin nghĩ nếu dưới những nấm mồ ngoài nghĩa trang kia là những người như ông Hai nhà mình thì đúng là chẳng có gì sợ thật!
***
Buổi tối cu Bin ngồi học bài, ông Ba đang nghe radio thì có tiếng chó sủa. Bà Duyên la mấy con chó rồi đi vào nhà. Ông Ba tắt đài, rót mời bà chén nước chè tươi sóng sánh. Bà Duyên lại ban thờ, đốt mấy nén nhang. Nhìn dáng người gầy gò, mái tóc đã bạc gần hết trên tóc bà Duyên mà ông Ba ngậm ngùi. Hồi ấy, anh Hai và chị Duyên cùng tuổi. Ngày anh Hai hy sinh chỉ mới chạm tuổi 22, vậy mà chị ở vậy tới bây giờ. Hồi má còn sống, bao nhiêu lần gặp chị là bấy nhiêu lần má khuyên chị lấy chồng rồi sinh con để mai này có chỗ tựa nương. Nhưng lần nào chị cũng rơm rớm nước mắt lắc đầu. Hồi đó ông Ba thấy họ hay ngồi trò chuyện dưới bóng cây đầu làng, hay đi làm ruộng làm đồng chung chứ không biết tình cảm họ sâu nặng đến như thế. Anh Hai mất, chị qua lại nhà chăm sóc má cho đến khi má khuất núi như con dâu trong nhà dẫu chưa từng cưới hỏi.
Bà Duyên uống một ngụm nước chè rồi nói với ông Ba coi buổi chiều nào tạnh ráo ghé nhà bà chở mớ cây vạn thọ lên nghĩa trang trồng. Bà nói năm ni mưa ít, bà gieo được một mớ, bây giờ cây cỡ một gang tay rồi. Rồi bà nhẩn nha kể, hồi đó anh Hai khéo trồng bông dữ lắm, không mê bông gì ngoài bông vạn thọ. Mà cũng đúng, thời đó cũng đâu có hoa gì cao sang để mê nữa đâu! Tết năm nào từ dưới ngõ ra đến sân nhà anh Hai cũng rập rờn từng cụm hoa vàng. Từ hồi anh Hai mất, bà tự nhiên đâm ghiền bông vạn thọ. Bà canh thời gian để gieo hạt, phải trồng sớm cỡ ba tháng trước Tết hoa nở mới đúng độ.
Thấy nghĩa trang Tết về thắt thẻo vài cụm hoa, năm nào bà cũng chiết vạn thọ mang lên trồng. Ông Ba còn đánh luống, trồng hai hàng dài bên chiếc cổng. Vạn thọ dễ trồng, dễ sống, lại chẳng cần chăm chút nhiều cứ thế xanh um. Đến Tết, người ta ngỡ ngàng vì nghĩa trang nở hoa vàng đẹp quá. Qua Tết, hoa tàn, những bông hoa khô lại trong nắng, bà Duyên lựa những bông to cất giống cho mùa sau. Bà buộc kỹ, thêm ít tro để trên gác bếp nên chẳng sâu mọt nào ăn được. Bà vẫn giữ được giống vạn thọ cổ, cây khỏe mà bông nào bông nấy rất to, gần bằng cái chén ăn cơm. Năm nào cũng thế, hễ cứ nhìn trời nhìn đất chuyển mùa là bà lôi mớ hạt giống xuống gieo.
Buổi chiều mùa đông nhạt nắng, cái lạnh vẫn theo gió sượt qua mang tai mà trên trán ông Ba lấm tấm mồ hôi. Ông cuốc mấy chỗ đất trống để bà Duyên trồng vạn thọ. Từng cây vạn thọ nhỏ xíu được tách ra khỏi bầu, bàn tay chai sần của bà Duyên nâng niu từng cây vạn thọ con, nhẹ nhàng đặt xuống rồi ếm đất lại cho chặt gốc. Ông Ba nói đợi cây bén rễ, vài bữa kiếm ít phân bón vào, chẳng mấy chốc mà xanh um. Đợi cây lớn một chút sẽ ngắt ngọn cho mai mốt ra nhiều bông. Bà Duyên gật đầu cười. Bao nhiêu mùa qua, ông Ba cũng có kinh nghiệm trồng vạn thọ chẳng kém gì bà.
Hai người đang cặm cụi trồng thì chợt nghe có tiếng cười nói lao xao. Ông Ba ngẩng lên nhìn thì thấy cu Bin và ba cậu nhóc vai đeo cặp chạy ào vào nghĩa trang. Bin nói hôm nay được nghỉ hai tiết cuối, đang đi bộ về nhà sực nhớ ra ông nội với bà Duyên trồng bông nên rủ tụi bạn ghé phụ. Ông Ba cười, có biết trồng không mà đòi phụ? Bin cười, khoe hàm răng sún nói to: “Được chứ ông nội”. Rồi chẳng cần ông Ba nói, bốn đứa nhóc để cặp gọn vào một chỗ, xắn tay áo lên rồi ngồi xuống phụ với bà Duyên. Trồng hết chỗ đất trống, mấy bà cháu mang cây trồng trước từng ngôi mộ.
Bin hỏi, sao lại trồng vạn thọ hở bà? Bà Duyên nói, khắp đất nước mình hầu như vùng quê nào cũng trồng vạn thọ mỗi dịp đầu năm dẫu bây giờ có nhiều loại hoa sang trọng khác. Trồng hoa để cầu mong bình yên, may mắn. Rồi bà ngó xa xăm, giọng chùng xuống, đời người quý nhất là bình yên đó mấy đứa. Hoa nở vàng dưới nắng rập rờn để người nằm dưới mộ cũng thấy yên lòng.
Mùa đông trời nhanh tối, chưa kịp trồng cây xong, bóng tối đã sụp xuống. Ông Ba bảo mấy bà cháu nghỉ, chiều mai ra trồng tiếp. Mấy đứa nhỏ hồ hởi hẹn nhau chiều mai ra nghĩa trang. Trên đường về, chúng ríu rang như bầy chim. Tụi nó nói, tới Tết bông vạn thọ sẽ nở vàng lung linh dưới nắng. Tụi nó sẽ khoe với ba mẹ, với bạn bè rằng mình cũng đã trồng những bông hoa đó. Rồi tụi nhỏ ngoắc tay nhau, nhất định đầu năm sẽ mặc đồ đẹp đi thắp nhang cho các anh hùng liệt sĩ. Ông Ba cười rung rinh nghe tụi nhỏ nói cười, lòng dâng lên một cảm giác ấm áp, êm đềm.
Truyện ngắn của NHƯ HIỀN