Đêm đặc quánh, tiếng côn trùng gọi bạn rỉ rả vọng về từ phía bìa rừng. Cha và amí rì rầm kể cho nhau nghe về những cây non mới trồng tháng trước, giờ đã bén rễ, lên xanh. Y Khôn ngồi cạnh Len, im lặng. Chẳng biết có phải do ánh lửa hắt lên không mà mắt Y Khôn vẫn nhìn Len ấm thế!
Người già thường bảo, chẳng riêng gì những đứa con của bon Bu Za Rah mà tất cả những người sinh ra, lớn lên và chết đi xung quanh cánh rừng men theo dòng Bu Cháp này, lúc nào cũng có cảm giác thèm hơi lửa. Đẻ ra đã được hơ lửa, lớn lên từ những câu chuyện người già kể bên bếp lửa, da hun lửa đỏ au, ánh nhìn thắp lửa nồng nàn, tâm hồn cháy bừng như lửa. Lửa đã đốt hết những xấu xa nên dù là người của bon nào, làng nào, chỉ cần uống nước dòng Bu Cháp, đêm nghe sử thi bên bếp lửa, chẳng có ai là người xấu.
Cha Len không phải là người sinh ra tại Bu Za Rah, không phải là người uống nước dòng Bu Cháp mà lớn lên. Quê nội Len là một ngôi làng nhỏ nằm ven con sông Đáy hiền hòa. Cha ăn hạt gạo được bồi đắp từ phù sa sông Đáy, ngụp lặn trong làn nước mát lành của sông Đáy mà nên người. Khi cha ở độ tuổi đôi mươi tràn căng sức sống thì đất nước hân hoan niềm vui thống nhất. Cha xung phong nhập ngũ và theo đơn vị vào Tây Nguyên bảo vệ các bon làng trước sự tàn bạo của quân FULRO. Một lần truy quét bọn phản động hồi cuối năm 1992, cha bị thương nặng nằm khuất trong rừng và được amí, lúc ấy còn là một cô thiếu nữ có đôi mắt trong veo, giọng hát cao vút theo tiếng chiêng ngân tìm thấy, đưa về cứu chữa. Vết thương vừa đỡ, cha vội tìm về đơn vị. Chỉ mấy ngày ngắn ngủi mà cái bụng amí ưng cha rồi. Nhưng phải đợi một thời gian sau, khi đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, cha xuất ngũ và quay lại thăm, cảm tạ ơn cứu mạng của gia đình, lúc ấy thì amí mới biết cha cũng thật lòng thương mình. Thế là amí xin "bắt" về làm chồng. Cha đã thành người Bu Za Rah, cặm cụi với nương rẫy, yêu tha thiết cánh rừng chở che cho những con người nhỏ bé và thương ánh lửa ấm nồng từ gan ruột thương ra.
Len yêu cái bon nhỏ nơi mình chào đời, nơi có cha, có amí, có cả bon làng coi nhau như người thân ruột thịt. Từ lúc Len còn bé tí cho đến khi rời xa bon làng để học tập, làm việc, Len chưa thấy nơi nào mà các ngôi nhà đều mở cửa từ mờ sớm tinh sương đến khi sao mọc trên đỉnh núi, từ ngày này qua ngày khác, mùa nối mùa, năm tiếp năm. Căn nhà của những người trong bon luôn mở cửa, từ lúc còn trẻ con đến khi thành người già trở về với rừng, từ nhà giàu nhiều chiêng, ché, nhiều rượu cần, gùi lúa đến những nhà nghèo chỉ có manh khố che thân. Nhà mở cửa nên đứng từ ngoài nhìn vào lúc nào cũng thấy ánh lửa bập bùng ấm áp, nồng nhiệt. Người già bảo, người Bu Za Rah không ai dám tham những thứ không thuộc về mình. Muốn ngả một cái cây để làm cột nhà cũng phải xin thần rừng, thần núi. Muốn bắt con cá phải xin thần suối, thần sông. Chỉ cần có ý nghĩ muốn trộm thứ gì đó, sau này chết đi sẽ không được về với dòng họ, thành linh hồn lang thang, vất vưởng. Người Bu Za Rah sống lành như nước, trong tim luôn có ngọn lửa sáng dẫn đường.
Len không quên mình là người Bu Za Rah cũng như Len chưa bao giờ quên Y Khôn. Nhưng Len không mang nỗi nhớ hơi lửa như người già, như cha, như amí, như Y Khôn. Len đã quen với ánh đèn thành phố. Những ánh đèn lung linh, rực rỡ, không có hơi ấm nhưng hấp dẫn hơn ánh lửa bên bếp củi. Bởi vậy mà Len đã thành người xấu, thành đứa con gái không xứng với Y Khôn nữa rồi.
Mười hai tuổi, Len ra tỉnh học trường năng khiếu. Len được thừa hưởng giọng hát hay của amí. Các thầy cô ở trường bảo, nhắm mắt nghe Len hát, thấy như mình đang đứng giữa rừng già, nghe tiếng thác tung bọt trắng xóa, thấy tiếng suối róc rách, tiếng lá vờn gió xào xạc, tiếng bầy thú cất tiếng gọi nhau. Giọng hát của Len đưa người nghe về đêm lửa bập bùng trong đêm xoang, uống rượu cần ngọt men lá chếnh choáng, thấy sử thi rần rật chảy trong huyết quản của mình.
Tiếng hát của Len bay ra khỏi cao nguyên, được nhiều người biết tới. Len được mời đi biểu diễn ở các thành phố lớn, biết tới cuộc sống rực rỡ sắc màu đầy quyến rũ mà rừng không thể nào có được. Len trôi đi trong những lời chúc tụng, săn đón, những lời mời hấp dẫn. Len chạy show liên tục, không cho bản thân thời gian nghỉ ngơi. Len chẳng quan tâm đến những lời nhận xét rằng giọng hát của mình ngày càng nhạt nhòa, mất đi cảm xúc, chỉ còn cất lên những ca từ vô hồn, chạy theo thị hiếu của khán giả. Len từ chối về công tác tại đoàn ca múa nhạc của tỉnh, dù rằng đấy là nơi đã tạo điều kiện cho Len đi học từ những ngày đầu tiên. Len muốn ở lại thành phố lớn, mua một căn hộ thật đẹp để đón cha và amí lên ở cùng. Len sẽ trở thành đứa con gái thành phố sang trọng, lộng lẫy. Bu Za Rah sau lưng là rừng, xung quanh là núi, buồn lắm!
Vậy mà cha và amí nhất định không chịu về thành phố ở với Len. Mỗi ngày, cha và amí vào rừng, trồng thêm những cây non. “Cha phải giữ rừng để cồng chiêng có nơi ngân vang, người già có chốn tìm về lúc khuất núi. Không có rừng, người mình không có chốn mà tìm về, không có cội nguồn khởi sinh Len ạ!”. Lúc nghe cha nói, Len biết, hồn người Bu Za Rah đã ngấm vào máu thịt cha rồi.
Amí nhắc Y Khôn vẫn đợi Len đấy. Y Khôn chưa chịu để cho ai "bắt" làm chồng. Y Khôn là chàng trai giỏi nhất Bu Ra Zah, có đôi mắt sáng nhất Bu Za Rah, đánh chiêng giỏi nhất trong những người trẻ ở khắp các bon làng sống dọc dòng Bu Cháp. Ngày nghỉ, Y Khôn theo cha và amí đi trồng rừng, tìm đến các bon làng gặp người già chép lại sử thi, ghi lại dân ca để sau này trẻ con lớn lên biết đến cội nguồn, không quên ông bà, gốc gác. Len mà không chịu về, chỉ độ vài năm nữa thôi, Y Khôn sẽ thành chồng của cô gái khác.
Mười hai tuổi, Y Khôn cũng lên tỉnh học ở trường thiếu sinh quân, rồi Y Khôn đi học trường biên phòng, trở thành anh Bộ đội Biên phòng, về công tác ở đồn Bu Cháp gần nhà. Những lần Len về thăm nhà, Y Khôn chẳng nhắc gì đến chuyện Len từng nói sẽ "bắt" Y Khôn về làm chồng. Lời Len nói từ lúc trẻ thơ, hai đứa hồn nhiên rủ nhau ra suối mò ốc, xiên cá, dắt nhau băng qua đồi cỏ tranh đến điểm trường, cho đến khi Len đã thành thiếu nữ và Y Khôn sắp trở thành anh bộ đội trẻ... Len có quên đâu. Nhưng Len không muốn sống ở Bu Za Rah nữa. Tiếng hát của Len phải ngân lên trên sân khấu sáng rực để nhiều người biết đến. Còn Y Khôn, chắc chắn anh sẽ không bao giờ rời xa những cánh rừng, dòng suối, vùng đất biên cương anh yêu từ tấm bé.
Y Khôn say lửa. Hồi mới rời bon đi học, Y Khôn ốm suốt, người cứ lử đi, mê man, chẳng tập trung học được dù trước đó Y Khôn thi đạt giải nhất học sinh giỏi cấp huyện, vượt qua cả những học sinh giỏi của trường thị trấn. Thầy cô gặng hỏi mãi, Y Khôn mới nói mình nhớ ánh lửa, thèm hơi lửa. Nhưng ở trong trường thì đâu có những bếp lửa nhà dài ủ suốt đêm ngày như ở bon. Nghĩ mãi, các thầy cô bèn nghĩ ra một cách, mỗi ngày cho Y Khôn xuống nhà bếp, phụ nhóm bếp củi nấu cơm. Vậy mà Y Khôn khỏi ốm, thành tích học tập chẳng mấy chốc lại đứng đầu khối. Câu chuyện về Y Khôn lúc nào cũng được thầy cô nhắc lại khi kể về những học sinh xuất sắc của trường.
* * *
- Về nhà thôi Len ạ. Những đêm lửa, mọi người ai cũng nhắc đến giọng hát của Len. Cha và amí cũng già rồi...
Y Khôn đỡ Len dậy, khoác áo cho Len rồi nói với Len những lời thật thà ấy. Y Khôn lên thành phố dự tuyên dương gương mặt trẻ tiêu biểu của Bộ đội Biên phòng tỉnh, tranh thủ mang theo quà cha và amí gửi cho Len. Y Khôn vừa đến đúng lúc một người phụ nữ cùng đám thanh niên xăm trổ tìm đến nơi Len đang ở thuê, chửi bới, đánh đập, nói Len là đứa lẳng lơ cướp chồng người khác, còn quay clip đăng lên mạng... Len co rúm người, sợ hãi, không thể cất tiếng biện minh cho mình. Y Khôn giải quyết xong đám người kia, quay sang thấy Len vẫn chưa hết bàng hoàng. Len không biết người đàn ông ấy đang có vợ. Anh ta nói vợ cũ đã ly hôn ra nước ngoài từ lâu, hiện đang độc thân, anh ta thương Len, chỉ cần Len chấp nhận, anh ta sẽ lo cho Len cuộc sống đầy đủ, sẽ giúp Len mua nhà... Lúc ấy, đầu óc Len như có sương mù, chẳng thể nào nhen lên ánh lửa dẫn đường của Bu Za Rah. Len đã gật đầu chấp nhận. Vì tham lam thứ không thuộc về mình, Len đã trở thành đứa con gái xấu xa rồi!
* * *
Đêm đã khuya lắm. Cha bàn với amí ngày mai xin già làng và bàn với bà con trong bon trồng hai hàng thông dọc con đường dẫn vào bon. Amí khẽ hỏi Len lần này về được lâu không. Y Khôn ngẩng đầu nhìn, chờ đợi câu trả lời của Len. Len nhìn ánh lửa hắt lên vách. Lửa soi rõ những ý nghĩ trong đầu Len, trong bụng Len. Len nắm chặt đôi bàn tay mình, hỏi cha:
- Con không đi đâu nữa! Con muốn ở nhà với cha và amí, cùng cha trồng rừng, chép sử thi, hát dân ca người già truyền lại, được không cha?
Ba người thân yêu ngồi bên bếp lửa nhìn Len. Chưa ai nói lời nào nhưng Len thấy trong những đôi mắt trìu mến ấy, ánh lửa bừng sáng, rực rỡ...
Truyện ngắn của ĐÀO THU HÀ