Như bà bây giờ, cũng coi như đã vắt kiệt sinh lực cho cái gia đình 4 thế hệ này. Mẹ chồng tuổi đã cao, khó tránh ốm đau. Các con đều nên gia thất, nhưng sao lòng bà vẫn chưa yên. Hai thằng cháu nội đích thực hai cục kim cương quý giá nhất đời bà.

- Còn tôi, ủa bà quên tôi hả? Ông cười túm tím, những nếp nhăn xếp rãnh trên vầng trán rộng.

- Ông hả? Không làm vàng hay kim cương chi được. Ông chỉ là cục nợ thôi... - Vừa trả lời chồng, bà Loan vừa cười vui vẻ.

Hai khóe mắt ông nheo lại. Bóng dáng của một đôi mắt biết cười lấp ló sau gọng kính dày:

- Thế mà xưa dám nói yêu thương trọn đời!

- Thì vẫn yêu đấy, có bỏ đâu. Không yêu thì bỏ từ năm 1981 nhé! - Bà lại cười.

- Từ năm 81 lận nhỉ! Ôi mới đó mà đã hơn bốn mươi năm.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

Còn nhớ những năm sau ngày giải phóng. Lúc ấy bà đang là sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Bà vốn là người gốc miền Trung. Ba bà là du kích Ba Tơ. Khi mới tròn 6 tháng tuổi, cô bé Hạnh Loan theo gia đình ra Bắc. Thế mà, thấm thoắt đã là cô sinh viên ngành kiến trúc. Làn da trắng hồng cùng dáng người mảnh khảnh với hai bím tóc xinh xinh khiến bao chàng trai si mê. Nhưng nhìn nét cương nghị trên gương mặt Hạnh Loan, nhiều chàng phải rụt rè.

Chuyến xe bus đến trường tròng trành, Loan vội tìm cho mình một góc yên bình trong những xô bồ tấp nập, mắt dán vào những trang sách chi chít chữ. Bất ngờ, một chàng trai tiến lại, hỏi như thể đã quen thân lâu lắm:

- Trung có gửi chìa khóa phòng cho mình chỗ Loan không?

Thoáng sững sờ nhìn chàng trai, tin chắc chưa từng gặp bao giờ. Hạnh Loan lắc đầu:

- Không thấy ai gửi gì cả!

Rồi thầm đưa mắt quan sát chàng trai, cũng bảnh bao, chững chạc, sơ vin gọn gàng, giày, vớ bộ đội, lại thêm chiếc ghi ta sau lưng. Nhưng như thế thì đã làm sao. Rõ ràng anh ta tìm cớ tiếp cận mình. Loan lại cắm vào trang sách như thể đó là thứ duy nhất cô quan tâm lúc này.

Không ngờ, lúc về, anh chàng lại đợi đi cùng chuyến xe với cô về tận nhà. Đoạn đường từ bến Hà Đông tới khu tập thể Kim Liên dài hàng mấy cây số, đủ để Hạnh Loan biết thêm về Dũng sau những câu chuyện làm quen. Anh kể có người anh trai cả hy sinh nơi chiến trường, gia đình chưa tìm được phần mộ. Ba mẹ ngày đêm xót thương. Nhưng Dũng quyết xung phong ra trận để tìm lại bình yên cho Tổ quốc, cũng là muốn góp phần lau khô những giọt lệ của những người mẹ già. Đất nước thống nhất, Dũng về ôn thi đại học để đi học tiếp, vậy nên so với các bạn cùng lớp, anh già dặn, lớn hơn vài tuổi. Gia đình Loan cũng có chị gái mất trong chiến tranh, nên khi nghe Dũng kể, cô bùi ngùi xúc động và có phần cảm mến.

Rồi mỗi ngày, Dũng lại ghé khu Kim Liên, khi thì cùng đi xe bus, hôm lại đèo Loan đi học. Một năm trời ròng rã làm bạn, Dũng luôn dành cho Loan sự yêu mến đặc biệt. Những cô bạn gái cùng trường nhìn Loan ghen tị. Dũng cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai, lại hát hay. Cây đàn kè kè bên hông là thứ vũ khí lợi hại nhất lấy bao ánh mắt si tình của các cô gái. Nhưng trước Loan, Dũng vẫn bình thường như bao chàng trai khác. Mỗi lần liên hoan văn nghệ, Dũng thường gảy đàn, miệng hát còn mắt nhìn chăm chăm vào Loan khiến cô có phần hoang mang. Hạnh Loan chú ý đến Dũng hơn...

Một chiều, Dũng đến tìm Loan, giọng đầy xúc động:

- Loan ơi, chắc anh sẽ lại đi bộ đội.

Hạnh Loan thảng thốt. Chỉ mới mấy năm sau ngày giải phóng, chàng lính đặc công năm xưa nay đã là sinh viên Khoa Xây dựng của trường Loan học. Chân hãy còn hằn dấu vết những cung đường đạn lửa. Tim đang rạo rực dòng máu nóng dựng xây và kiến thiết đất nước...

Sau này, khi đã yêu nhau, Dũng bảo ngày ấy, giây phút ấy, Dũng tin chắc cô gái này sẽ là người chờ đợi mình.

Một ngày hè năm tám mốt. Hạnh Loan theo ba mẹ về thăm quê Quảng Ngãi. Đường sá xa xôi, phương tiện liên lạc lạc hậu. Một lá thư tay phải cả tuần, khi gần nửa tháng, có khi lâu hơn mới nhận được. Vừa mới về quê một tuần, thì bất ngờ Loan nhận được thư báo Dũng ốm. Bệnh chảy máu đáy mắt, một nghìn trường hợp mới cứu được một người. Loan bàng hoàng, cô nói dối ba mẹ, bảo phải về trường có việc gấp. Trời ơi, một nghìn trường hợp mới cứu được một ư?

Vừa tới Hà Nội, cô bắt xe ngay tới bệnh viện. Gì thế kia, rõ ràng là Dũng. Dũng đang chơi cầu lông cùng một cô gái cực xinh. Thế ai xuất huyết mắt? Ai bệnh nan y hiếm gặp?

Loan tức tưởi khóc. Thầm trách mình nhẹ dạ mỏng lòng. Bỏ cha mẹ ở quê để vội vàng chạy ra đây, rồi phải chứng kiến cảnh bẽ bàng này.

Trở về, một người bạn của Dũng nói với Loan, căn bệnh của Dũng nhìn sơ qua không thấy được, nhưng có lúc đau thấu trời! Nó lạc quan nên chơi thể thao để quên đi. Mà bệnh này phải sống ở xứ lạnh thì may ra. Hai đứa mới là người yêu, Loan có quyền bỏ nó. Nhưng Loan bỏ nó lúc này, có lẽ nó sẽ mù vĩnh viễn... Dũng nó đã chiến đấu vì quê hương, đã quên thân mình cho độc lập dân tộc. Tưởng may mắn lành lặn trở về, vậy mà bây giờ lại...

Đoạn đường từ khu nhà tập thể tới bệnh viện gần 5km. Những cơn gió mùa đông bắc tràn về lạnh thấu ruột gan. Hạnh Loan lặng lẽ ngược gió trên chiếc xe đạp cà khổ. Túi đồ ăn nóng hôi hổi, trái tim cô cũng nóng hôi hổi. Chỉ có gió lạnh buốt phả vào mặt. Từng cơn mưa phùn nặng hạt cứa da ràn rạt. Người cô run lên, chiếc xe cũng run lên khó nhọc.

Dũng lạnh lùng ra mặt, hết nói chuyện với người này, lại vui vẻ trêu đùa người khác, mặc Loan với túi đồ ăn run rẩy.

Trời ơi, cái kiêu hãnh của cô đâu rồi? Hạnh Loan đâu rồi. Cô lặng lẽ ra về. Đến cổng, nước mắt đang lưng tròng thì một bàn tay níu cô lại. Là anh bạn Dũng vào chăm nom. Anh kéo Loan ngồi xuống ghế đá gần đó, để Loan khóc thêm tí nữa, rồi mới lên tiếng:

- Dũng rất yêu em. Nhưng nó sợ sẽ khiến em phải khổ cả đời, nên mới có thái độ như thế em ạ. Nhưng mỗi lần em về rồi, nó lại không kìm được mà khóc. Anh thấy tụi em đều yêu thương nhau chân thành, không đành lòng nhìn hai đứa đau khổ. Mà, mình hạc xương mai như em, liệu có sẵn sàng chịu được khó khăn để đồng hành với Dũng?

Đầu năm 1982, Dũng theo Loan về quê cô tận miền Trung thưa chuyện với người lớn. Ba Loan không đồng ý. Ông biết bệnh tình của Dũng, lại xót con gái. Ông hỏi Loan:

- Có bao giờ con nghĩ, Dũng sẽ mù hẳn không? Hai đứa sẽ sống ra sao?

- Bất quá, chúng con đàn hát ăn mày kiếm sống. Ba không cho chúng con cưới nhau, sau này lấy phải người con không yêu, cũng khổ vậy thôi ba à-Loan cương quyết.

Ba Loan đành xót xa mà tặc lưỡi mặc theo ý con. Nhưng ngay ngày cưới, Dũng phát bệnh, hai mắt không nhìn thấy được gì. Lễ cưới vừa xong, Loan đưa chồng vào bệnh viện.

Hành trình chữa bệnh cho Dũng đằng đẵng mười năm trời. Mười năm từ nhà tới bệnh viện, bền bỉ. Mười năm, vừa lo cho con, vừa chăm chồng ốm. Thật may mắn, mắt của Dũng dần hồi phục, dù thị lực còn lại 6/10, nhưng ánh mắt vẫn biết cười trước người đối diện.

Sức khỏe ổn định, Dũng xuống phụ trách công trình ở Hải Dương. Lúc đó, Loan đang phụ trách mảng nhỏ một công trình bảo tàng. Vợ chồng cùng nghề gắn với những công trình, hơn ai hết Loan hiểu những nhọc nhằn của nghề, cũng hiểu những khát khao, lý tưởng cống hiến của chồng. Loan quyết định gác lại những mong muốn mà khi còn là cô sinh viên giỏi ngành kiến trúc hằng ao ước, để xin làm ở vị trí có thời gian chăm lo bố mẹ chồng, con cái cho chồng yên tâm công tác.

- Cái đoạn này nè ông, tui ấm ức nhất-bà Loan bảo với chồng.

- Ấm ức gì giờ tui bù cho má nó.

- Bù chi nổi mà bù. Con lớn tưởng thong thả, công tôi chăm chút ông bao năm, thì giờ ông không chú ý sức khỏe. Ông lo giữ gìn cho tôi nhờ nha ông.

- Bà không nghe mấy cô con gái nuôi nói là tại ba yêu má quá nên tim mới đau loạn lên vậy à!

Ông Dũng nói cười hiền khô. Mấy đứa con gái nuôi của ông bà trải từ Bắc chí Nam, là những lần ông bà đi tìm hài cốt, trả tên cho đồng đội rồi duyên lành gặp được chúng. Mà kể từ ngày có tụi nó, vợ ông thêm vui hẳn. Sinh hai đứa đều là con trai, những lúc buồn chẳng có đứa con gái thủ thỉ. Hay như khi yếu lòng, nhưng nhìn mẹ chồng, nhìn chồng, rồi nhìn con, nhìn cháu, bà lại cố nén. Mấy đứa con gái nuôi của ông bà, cũng có đứa bất hạnh, khiếm khuyết, nhưng tâm hồn lành lặn tròn đầy. Trong mắt ông bà, chúng như những đứa con ruột rà.

Có lần, đứa con gái nuôi là nhà văn bảo, má như cái cây bằng lăng này, tím đến kiệt cùng thân xác, tím đến khi lìa cành. Kiểu người hy sinh cho chồng, cho gia đình như má, bọn trẻ tụi con bây giờ khó làm được. Bà nhìn lên những tán lá đã vươn tới tầng ba rồi dừng lại ở đó. Tầng này, là phòng của vợ chồng bà. Mà bà thì yêu màu tím quá đỗi. Thật lạ, thì ra cây cũng hiểu lòng người...

Truyện ngắn của HỒ LOAN