Gặp em trên cao lộng gió

Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường như quê hương

Vai áo bạc quàng súng trường.

Ðoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa.

Chào em, em gái tiền phương

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.

Em vẫy cười đôi mắt trong.

Nguyễn Đình Thi

Trường Sơn, 12-1974).

Bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Đình Thi là cái tôi trữ tình và nhân vật thường hiện lên trong tư thế, diện mạo người chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước, quê hương. Bối cảnh ra đời của bài thơ này cũng phần nào nói lên điều ấy: Cuối năm 1974, tác giả đi thực tế vào chiến trường miền Nam đúng thời điểm quân ta đang dồn sức cho ngày chiến thắng, qua Trường Sơn, bắt gặp những cô gái thanh niên xung phong đang mở đường vẫy chào đoàn quân đi vào tiền tuyến. Tứ thơ đã có ở ngay trong thực tế, xúc động dâng trào, nhà thơ viết một mạch, về sau có chỉnh sửa cũng không nhiều. Tác phẩm được công bố, chỉ sau một thời gian ngắn, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phổ thành bài hát, câu chữ thêm bớt không đáng kể. Được nhạc chắp thêm cánh, tác phẩm bay vào tâm hồn người đọc, người nghe, đọng lại trong trái tim một tình yêu thiết tha về đất nước, quê hương, về tình đồng đội, đồng chí, về niềm tin tất thắng.

leftcenterrightdel
Minh họa: Phạm Hà 

Nhịp điệu bài thơ mô phỏng nhịp bước hành quân của người lính đi đến ngày thắng lợi, ngay hai chữ tên bài thơ “Lá đỏ” và hình thức kết cấu câu thơ sóng đôi (cặp đôi) cũng mang âm hưởng của nhịp hành quân “một hai” quen thuộc. Lại có thể hiểu đó như là nhịp chao nghiêng sấp ngửa của chiếc lá rơi... Kết bài là một dòng thơ đứng riêng như một sự diễn tả hành động đứng lại vẫy tay vội vã của anh bộ đội “đáp lễ” cô gái thanh niên xung phong. Cả bài chỉ 9 câu thơ có 8 câu ở thể lục ngôn tạo ra nhịp điệu thơ mang tính dồn dập, chắc khỏe, âm vang và dư ba. Riêng câu "Em đứng bên đường như quê hương", như một “điểm nhấn nghệ thuật”, có 7 chữ cấu trúc theo lối so sánh dồn tụ vào đó linh hồn của bài thơ: “Em” là hiện thân của quê hương cùng ra trận. Chỉ một câu thơ này cho thấy đây là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, tổng hợp sức mạnh của con người, của lịch sử, của quê hương, đất nước. Đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa, tất thắng!

Ngoài hình ảnh con người, màu sắc, hình ảnh rừng cây, bầu trời, không gian nghệ thuật của bài có mấy điểm đặc biệt: “Rừng lạ ào ào lá đỏ” và “Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”. Mùa khô là mùa lá rụng ở Trường Sơn. Những chiếc lá to, màu đỏ, rất lạ với người mới đến, vì “trên cao” (đỉnh núi) lại “lộng gió” nên lá rụng “ào ào”. Đó là những chi tiết thật mà những ai từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ hành quân qua Trường Sơn vào mùa khô đều thấy rõ. Câu “Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” còn mang tính khái quát cao hơn. Trên núi cao làm gì có “bụi”? Đó là bụi của việc phá đá mở đường, của bom Mỹ giội xuống, của đoàn quân đi (cả xe, cả người)... Một chữ “bụi” này nói lên rất nhiều những hoạt động của chiến tranh. Nhưng đến hai chữ “trời lửa” thì hình tượng thơ đạt đến độ ám ảnh: Cả một bầu trời lửa-tức chiến tranh đang ở mức độ cao nhất. Không có tiếng đạn bom, không có âm thanh máy bay, đạn pháo hay cảnh máu đổ... nhưng chỉ qua hai chữ này cũng đủ cảm nhận thật rõ tính chất cực kỳ khốc liệt. Bài thơ như một định nghĩa về thơ phải nói được nhiều nhất trong lượng câu chữ ít nhất. Sự cô đọng là phẩm tính tu từ cao nhất của thơ. Động từ “nhòa” đứng giữa các chữ “bụi” và “trời lửa” càng làm tăng cường sự hòa trộn giữa không gian gần và không gian xa để nói chiến tranh đang hiện diện xung quanh.

Thi phẩm là sự kiến tạo theo lối đối lập giữa con người và sự ác liệt để tôn lên hình tượng “em gái tiền phương” như đang vươn lên, như vượt lên trên cả không gian chiến tranh (nhòa trời lửa); không chỉ thể hiện niềm lạc quan, còn thể hiện tư thế người Việt Nam thách thức với bom đạn của kẻ thù giàu có, hung ác nhất thế giới lúc bấy giờ. Với hình tượng “Em vẫy cười đôi mắt trong”, nhà thơ đã tạc vào không gian một biểu tượng văn hóa Việt Nam: Niềm tin, đạo lý, lẽ phải Việt Nam! Không chỉ tỏa sáng toàn bài, hình tượng còn tỏa sáng cả thời đại làm rạng ngời lên chân lý: Việt Nam chiến thắng!

Khi phổ thơ, chịu sự quy định của âm nhạc với tiêu chuẩn nhạc tính, giai điệu bắt buộc phải có không chỉ toát ra từ vỏ ngữ âm, câu chữ và cấu trúc âm nhạc, nên nhạc sĩ buộc phải bỏ câu cuối để nhấn vào giai điệu “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn” làm bật ra không khí chiến thắng với âm hưởng hồ hởi, náo nức, tươi vui. Còn ở thơ, như đã phân tích, thiên về sự lắng đọng, gợi nhiều hơn tả, do vậy mà sâu lắng hơn. Cũng chịu ảnh hưởng của nhạc phẩm (bài hát) nên nhiều bản chép thiếu câu thơ cuối thật thơ. Cũng là một sự đáng tiếc!

Khi đạt đến một trình độ kết tinh cao, tác phẩm văn chương sẽ trở thành tiếng nói của thời đại, của lịch sử. Thưởng thức bài thơ người đọc đã dự cảm được cả một chiến thắng vĩ đại đang tới rất gần!

Như vậy, xét về thi pháp không gian thì màu đỏ là màu sắc chủ đạo, hình tượng “em gái tiền phương” là hình ảnh trung tâm. Bài thơ tiêu biểu cho sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống (ngắn gọn, chắt lọc, dư ba) với hiện đại (thời sự, mới mẻ, rắn rỏi) biểu hiện một giọng điệu thơ Nguyễn Đình Thi đằm thắm, tinh tế, giàu suy tưởng, sắc sảo, trí tuệ.

 “Lá đỏ” để lại những bài học về sự sáng tạo hướng tới một tác phẩm lớn mang tinh thần thời đại. Trước hết là bài học về rèn luyện vốn sống. Địa danh Trường Sơn như cái mốc lịch sử, như một điểm tựa nghệ thuật trong thơ ca kháng chiến chống Mỹ. Nhà thơ Tố Hữu từng coi Trường Sơn là thước đo của cá nhân mỗi con người: Trường Sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình (Nước non ngàn dặm). Lấy tấm thân cường tráng, khỏe mạnh của mình đưa hàng vạn, hàng triệu lượt người con ưu tú từ miền Bắc vào Nam chiến đấu, Trường Sơn còn sản sinh ra cả một đội ngũ văn nghệ sĩ, với: Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Phạm Hoa, Nguyễn Thụy Kha... (văn, thơ); cùng Huy Du, Huy Thục, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan, Tân Huyền, Hoàng Hiệp, Trần Chung, Nguyên Nhung... (âm nhạc)... Trường Sơn đã trở thành biểu tượng cho ý chí, nghị lực, tình yêu mà những ai sống, gắn bó với Trường Sơn mới có thể có tác phẩm hay.

Nguyễn Đình Thi viết được “Lá đỏ” nhờ được đứng ở trên đỉnh cao của dải Trường Sơn, không chỉ “rõ mình”, còn nhìn ra “sức mạnh Việt Nam”, nhận ra thiên nhiên đất nước mình đẹp lạ lùng. Cũng chỉ ở “điểm tựa” này nhà thơ mới có một cái nhìn cụ thể hơn, rõ ràng hơn về ngày chiến thắng. Như vậy, để có tác phẩm lớn, nhà nghệ sĩ phải hòa mình vào cuộc sống, phải để trái tim mình cùng một nhịp đập với trái tim Tổ quốc, phải là những cây xanh cần cù cắm sâu cội rễ vào mảnh đất cuộc đời để hút dinh dưỡng văn hóa thì trái cây tác phẩm mới có hương vị tư tưởng của thời đại.

Thứ nữa là bài học nghệ thuật về kiến tạo hình tượng trung tâm, biểu hiện tập trung tinh thần và sức sống thời đại. Thơ ca những năm chống Mỹ, cứu nước đã khắc hoạ nhiều “dáng đứng Việt Nam”, là hình tượng anh giải phóng quân trên đường băng Tân Sơn Nhất tạc vào thế kỷ trong thơ Lê Anh Xuân, là O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu trong thơ Tố Hữu... Đến lượt Nguyễn Đình Thi kiến tạo một hình tượng mới: Đoàn quân và cô gái thanh niên xung phong trên đỉnh Trường Sơn vừa vang vọng âm hưởng sử thi, vừa tinh tế giọng điệu trữ tình.

Là bài học về ngôn ngữ. Tác phẩm lớn phải là một “diễn ngôn” về thời đại mình, tất yếu phải có ngôn ngữ nói đúng được thời đại ấy. Ngôn ngữ thơ trong “Lá đỏ” rất chân thực, giàu chất đời sống, chỉ nhờ vậy hình ảnh, nhịp điệu thơ mới hiện lên một cách tự nhiên, tươi tắn như vốn có, không hề lên gân, gò bó. 

Đại tá, nhà văn NGUYỄN THANH TÚ