Qua giới thiệu, các chị, các cô đến nhà tôi đông dần lên, nhưng nhìn thấy anh em tôi, họ quay đi không bao giờ trở lại. Một năm sau đó, thím Đặng ở xóm bên dắt một người phụ nữ gầy gò và đen đúa đến nhà tôi: “Cô ấy chạy nạn đến đây, chồng cô ấy qua đời do sập mỏ than, con cái cũng bỏ đi hết rồi, cô ấy chỉ còn một mình. Trông xấu thế này, nhưng được cái tốt nết lắm”. Bố tôi quay lại nhìn anh em tôi đang đầy vẻ cảnh giác, nói với thím Đặng: “Thím để tôi nói chuyện với bà cô các cháu xem thế nào đã”. Bà cô là người duy nhất còn quan tâm đến bố con tôi, những họ hàng thân thích khác đều lánh vì sợ bố tôi vay tiền họ. Bà cô nói với bố tôi: “Chỉ cần đối xử tốt với con cái là được rồi. Cháu xem một năm nay, trong nhà không có tay người phụ nữ có còn giống cái nhà không?”.
Bố tôi gật đầu. Em gái nói với tôi: “Em không cần mẹ kế!”. Tôi cũng gào lên: “Anh cũng không cần!”. Bà cô chạy từ trong nhà ra nói với tôi: “Sao cháu lại chẳng hiểu chuyện thế? Cháu xem mới hơn một năm mà bố cháu ra như thế này, cả ngày bố cháu chạy lo hết việc nhà đến việc đồng áng, sao cháu không thương bố à? Cháu cũng 10 tuổi rồi, cũng nên hiểu chuyện rồi chứ?”. Tôi sà vào lòng bà khóc nức nở: “Cháu cần mẹ cháu, cháu không cần mẹ kế!”. Bà cô vỗ về tôi nói: “Mẹ cháu mất rồi, cháu cũng biết khi mẹ sống mẹ thương bố cháu thế nào rồi chứ? Nếu như mẹ cháu biết được giờ bố cháu khổ thế này, thử hỏi mẹ cháu có nhắm mắt được không?”.
Người phụ nữ xấu xí ấy bước vào gia đình tôi trong hoàn cảnh như vậy. Bà hơn bố tôi 10 tuổi. Vừa vào nhà tôi, bà đã coi như nhà mình, thậm chí không cần đợi bố tôi nói vài câu, bà bắt đầu luôn tay dọn dẹp từ trong ra ngoài. Anh em tôi trong lòng cũng như bề ngoài cảm thấy ghét bà vô cùng. Khi bà lật đống quần áo bẩn định mang ra sân giặt thì em gái tôi nhảy bổ ra: “Tôi không cần bà giặt!”. Đến giờ ăn cơm, bà cô nói với em gái tôi: “Từ hôm nay, các cháu phải gọi cô ấy là…”. Chưa đợi bà nói hết, em tôi hét lên: “Bà ấy không phải mẹ cháu!”. Người phụ nữ cười cười: “Gọi dì là được rồi...”. Tôi không ưng nhưng cũng đành lí nhí: “Dì!”.
Thực tình, dì là một người rất nhanh nhẹn, không quản việc nhà hay việc đồng áng, bà làm còn tốt hơn cả bố tôi. Bà ít nói, cả ngày rất ít khi thấy bà nhàn rỗi, lúc nào bà cũng kiếm ra việc gì đó để làm. Nhưng bà không thể thay thế vị trí của mẹ trong tôi. Trong lòng anh em tôi, không ai có thể thay thế mẹ! Đứa em gái 8 tuổi của tôi cũng bắt đầu tự giặt lấy quần áo, quần áo của nó nhất định không để cho dì đụng vào. Lúc đó là mùa đông, tay em gái tôi bị nứt nẻ hết, nhưng nó nhất định tự giặt quần áo của mình. Có lần tay nó nứt đau tới mức không thể giặt nổi nữa, nó cất quần áo vào một góc chờ lành tay. Sáng sớm hôm sau, nó thấy quần áo đã được giặt mang phơi ở ngoài sân. Nó tức giận nhìn dì. Dì vội vàng nói: “Là bố con giặt đấy!”. Bố tôi cũng nói: “Là bố giặt đấy!”.
Một đêm tôi mơ thấy mẹ, khóc to rồi choàng tỉnh. Bỗng nhiên tôi nghe trong sân có tiếng động, tôi nhìn qua cửa sổ, vô cùng kinh ngạc khi thấy dì đang cố hết sức chà giặt đống quần áo dưới ánh đèn dầu leo lét. Hóa ra, bao nhiêu quần áo em tôi thay ra đều do dì lén giặt! Bà sợ giặt trong nhà làm em tôi thức dậy biết, nên phải ngồi ngoài sân rét mướt để giặt. Một đêm khác tỉnh giấc, nhìn ra sân lại thấy dì đang giặt quần áo, tự nhiên tôi thấy trong lòng rất khó tả. Lúc đó, em gái tôi lật người tỉnh dậy, tôi lo lắng vô cùng. Em tôi không kịp khoác áo đi vội ra ngoài sân, không nói câu nào bê luôn chậu quần áo vào nhà. Dì dường như vô cùng lo sợ. Em tôi quay lại sân, không nói câu nào kéo dì vào nhà... Sáng hôm sau, trông dì có vẻ rất lo lắng. Trước khi đi học, em gái tôi rút chiếc khăn quàng cổ đưa cho dì, nói: “Dì, giặt hộ tôi cái khăn!”. Dì đứng lặng người, lắp bắp không nói nên lời. Tôi nhìn thấy trong khóe mắt bà vương dòng lệ.
Sau khi tôi thi đỗ trường trung học trọng điểm, dì đã quyết định chuyển nhà vào thành phố. Dì nói vào đó dễ kiếm tiền hơn và tiện cho tôi với em gái đi học. Bố tôi không có ý kiến gì. Nhưng sau khi chuyển vào thành phố, bao nhiêu khó khăn mà chúng tôi không ngờ tới ập đến, cuộc sống gia đình tôi bỗng chốc rơi vào túng quẫn vô cùng. Chúng tôi đều oán hận dì. Dì không nói gì, ngày ngày chăm chỉ chạy ra chợ bán rau, bố tôi cũng tìm thêm việc trông kho buổi tối...
Lúc tôi đi thi đại học, dì đã vất vả kiếm sống ở thành phố này được ba năm. Trong ba năm ấy, mọi ngóc ngách trong thành phố đều có bóng dáng dì. Ba năm vất vả đã biến dì thành một bà già héo hon. Em gái tôi do không thi đỗ trung học nên vào một xưởng diêm trong huyện làm công nhân. Nó là một thiếu nữ xinh đẹp. Rồi nó yêu một anh chàng cũng rất đẹp trai, nhưng dì kiên quyết phản đối tình yêu của nó. Đây là lần đầu tiên tôi thấy dì ngoan cố đến vậy, thậm chí bà còn đi theo dõi em gái tôi, thường xuất hiện ngay khi nó và bạn trai nói chuyện với nhau. Lần đầu tiên anh chàng người yêu hỏi em tôi người đàn bà kia là ai thì em tôi bảo không biết. Nhưng nhiều lần như vậy, anh chàng kia bắt đầu nghi ngờ, bắt em tôi phải trả lời trước mặt dì xem bà ấy là ai. Em tôi buộc phải trả lời: “Đó là dì em”. Lúc này, dì bắt đầu lên tiếng: “Tôi là mẹ nó, tôi sẽ không bao giờ cho cậu yêu nó đâu!”. Lời dì làm cả anh chàng kia và em gái tôi cảm thấy rất sốc. Hôm đó về đến nhà, em tôi vừa khóc vừa gào thét: “Bà là mẹ ai hả? Sao bà lại được đằng chân lân đằng đầu thế hả?”. Dì không nói câu nào, lẳng lặng xếp rau lên xe ba gác để mang đi bán. Ba tháng sau, một tối, khi chúng tôi đang xem chương trình trên ti vi bỗng nhìn thấy anh chàng ngày trước tán em gái tôi đang đứng trước vành móng ngựa lĩnh án tử hình vì tội cố ý giết người. Cả nhà tôi như chết lặng. Em gái tôi sà vào lòng dì khóc nức nở.
Khi tôi nhận được giấy báo đỗ đại học, dì là người vui nhất trong nhà. Người đàn bà vốn không biết chữ ấy tay cứ mân mê tờ giấy trúng tuyển, xem rất kỹ, rồi lại nâng niu cuộn lại. Hôm ấy, con người tiết kiệm và chắt chiu là dì tôi đã hào phóng mua về rất nhiều thức ăn ngon, còn dành phần cả cho tôi mang đi đường. Khi dì đang bận rộn dưới bếp, qua ánh đèn tôi và bố nhìn thấy bóng dì in trên vách, một cảm xúc khó tả dâng lên trong lòng. Đó chính là bóng dáng một người mẹ mẫu mực, vì con sắp đi xa mà phấn chấn, lo lắng, hạnh phúc… Thực sự tôi muốn gọi một tiếng “Mẹ ơi!”, nhưng rồi tôi vẫn không thể thốt ra lời.
Những ngày đi học, tháng nào dì cũng gửi tiền cho tôi. Dì không biết chữ, những phiếu chuyển tiền của dì đều do em gái tôi viết hộ, nhưng tôi biết những lời trong phiếu ấy đều là của dì tôi. Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, hai năm liền tôi không về nhà, tranh thủ những ngày nghỉ lễ tôi đi làm thêm để kiếm tiền học và tiền sinh hoạt phí. Khi tôi quay trở về nhà là ngày em gái tôi đi lấy chồng. Đó là một người đàn ông rất tốt. Hôm đưa dâu, dì chải tóc cho em gái tôi, đây là phong tục quê tôi, khi con gái đi lấy chồng sẽ được mẹ chải tóc. Dì đứng đằng sau em tôi, nhẹ nhàng chăm chút từng sợi tóc của nó, miệng còn khẽ hát bài hát không biết từ thời xa xưa nào. Trong gương, khuôn mặt tươi như hoa của em tôi hoàn toàn tương phản với khuôn mặt vừa xấu xí vừa già nua của dì. Những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mắt em tôi...
Sau khi em gái tôi cưới chồng, bố và dì chuyển về nông thôn ở, họ cũng không mong muốn gì nhiều, chỉ chờ tôi tốt nghiệp tìm được một công việc tốt nữa là yên tâm trọn vẹn. Tốt nghiệp đại học, tôi được bố trí về dạy học tại một trường trung học ở huyện. Lúc này ở nhà đã có điện thoại, tuần nào tôi cũng gọi điện về. Thường thì tôi hay gọi vào tối thứ bảy. Việc này lâu dần trở thành một thói quen. Mỗi lần gọi về là tôi thấy dì lập tức nhấc máy ngay. Tôi ít về nhà, khoảng một tháng tôi mới về một lần. Mỗi lần về, dì vui vô cùng, dì mua đầy thức ăn cho tôi, rồi hỏi thăm tôi đủ thứ...
Một hôm cuối tuần, tự nhiên tôi rất muốn về nhà, cảm xúc ấy vô cùng mãnh liệt và thôi thúc tôi, thế là dù trời đã tối nhưng tôi vẫn quyết định bắt xe về. Xuống xe tôi còn phải đi bộ rất xa mới về tới nhà. Về tới nhà đã hơn 9 giờ tối, tôi bước vào sân nhìn qua khe cửa, thấy dì đang đứng bên chiếc điện thoại, một tay đặt trên ống nghe, mặt đầy vẻ lo lắng, chờ đợi. Tự nhiên tôi chợt nhớ ra hôm nay chưa điện thoại về, và cũng hiểu tại sao mỗi lần gọi điện thoại ngay lập tức dì nhấc máy. Vừa bước vào nhà, dì đứng bật dậy, cả 10 năm nay tôi chưa bao giờ nhìn thấy vẻ mặt của dì như thế, vừa như vui mừng, vừa như lo lắng. Tự nhiên tôi như muốn khóc. Dì với thần sắc vô cùng lo sợ cuống quýt hỏi: “Đã xảy ra chuyện gì vậy con?”. Tôi lau nước mắt, nói: “Không có chuyện gì hết, chỉ là con nhớ dì mà thôi!”. Dì òa khóc. Trong lòng tôi trào dâng cảm xúc vừa thương xót xen lẫn ấm áp.
Mùa đông năm ấy, tôi gặp trục trặc trong tình yêu, tôi dường như mất hết mơ ước và hy vọng. Một đêm trời đầy tuyết, tôi vì thất vọng chia tay tình yêu mà ốm một trận. Có thể là do đi ngoài trời lạnh quá lâu nên tôi bị sốt nằm mê man. Không biết bao lâu sau đó, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa gấp, tôi loạng choạng ra mở cửa, có một bóng người bước vào, trên người là một lớp tuyết dày, tôi bàng hoàng nhận ra đó là dì, tôi thảng thốt: “Mẹ!”. Tôi đưa khăn cho bà phủi lớp tuyết trên người và tóc. Tóc bà dù đã lau hết tuyết, nhưng vẫn trắng phau, lớp tuyết dày của những tháng năm vất vả đã phủ trắng mái đầu dì. Tôi hỏi: “Dì, sao dì lại đến đây?”. “Hôm nay không thấy con gọi điện thoại về, dì gọi đến thì không có ai nhấc máy. Tối mịt rồi cũng không gọi được, dì sợ con xảy ra chuyện gì nên đến đây, nhưng tối quá không bắt được xe nên dì đi bộ đến!”. Đi bộ 40 cây số, trời tuyết dày như vậy với một phụ nữ hơn 60 tuổi! Tôi ôm chặt lấy dì, tôi khóc như chưa từng được khóc, tất cả những đau khổ kia đã trở nên vô cùng nhỏ bé trước tình yêu to lớn của dì. Trái tim tôi đã ấm áp trở lại. Những tiếng mưa tuyết ngoài kia như bỗng nhẹ nhàng hơn như những giọt nước mắt tôi đang khóc vì xúc động...
Hơn một năm sau tôi có được tình yêu mới và chuẩn bị kết hôn. Người vui mừng nhất vẫn là dì. Dì tất bật làm chăn mới cho tôi, giúp tôi dọn dẹp phòng cưới. Niềm vui hiện rõ trên nét mặt bà. Trong hôn lễ, bố và dì ngồi nhận lễ của vợ chồng tôi, tôi nhìn thấy dì rất hồi hộp. Tôi gọi em gái lại, trước mặt rất nhiều họ hàng thân thích, chúng tôi quỳ trước mặt dì mà nói: “Kể từ hôm nay, chúng con chính thức thay đổi, hãy để cho chúng con được gọi một tiếng mẹ!”.
Sau tiếng gọi của chúng tôi là khuôn mặt đầy nước mắt hạnh phúc của dì. Trong dòng nước mắt, mái tóc bạc của dì sao lấp lánh đến thế. Hãy để tiếng gọi Mẹ muộn màng của chúng con sưởi ấm trái tim đã hai mươi năm hằng mong tiếng gọi mẹ. Mẹ hãy sống những năm tháng tuổi già thật vui vẻ hạnh phúc, mẹ nhé!
TƯỜNG VY (dịch từ nguyên bản Trung văn)