Ngoại ngồi từ chái bếp nhìn ra mé sàn lãng nghiêng nghiêng theo hạt mưa rơi, thở dài thườn thượt. Trời chắc thương dân châu thổ nên sau mấy năm khô hạn, đất nứt nẻ, toạc ra như vết chim di hằn lên đuôi mắt người miệt này, rồi lại cho mưa dẫn nước đi chơi. Nước về chín nhánh sông, nước ra đồng, nước vào khúc lóng, nước vòng con kênh, nước lênh đênh nuôi đời châu thổ. Hễ mỗi năm mưa sớm là miệt Cửu Long thể nào cũng được mùa. Lúa trĩu bông, đồng xanh mạ, hoa rộ nhánh, trái sai cành. Mà chỉ mưa như vậy thì ngoại mới khoái. Ngoại khoái chi những điều lạ lùng. Tháng nào mưa chậm mưa mau cũng thây kệ. Nhưng tháng bảy mưa thì y như rằng lòng ngoại phấp phới. Có lần Thiệt hỏi cắc cớ ngoại mắc gì phải là mưa tháng bảy thì mới ưng. Thí dụ nè mưa tháng sáu, mưa tháng tám hay mưa tháng giêng cũng được mà. Ngoại khỏ nhẹ lên đầu Thiệt nói có những chuyện con nít làm sao biết. Thời đó bây còn chưa sanh. Đất này lành lắm!

Thoảng khi không theo tía má ra đồng, Thiệt hay chạy qua nhà ngoại. Lúc mắc võng, lúc giăng mùng, lúc sửa cái máy cát-sét cho ngoại nghe cải lương. Cũng có khi chẳng làm gì hết. Chạy qua thấy ngoại lúi húi lau cái bàn thờ. Cái bàn thờ cũng lạ lùng như tánh ngoại. Đôi lúc ngoại vui, ngoại kể chuyện xưa. Còn khi buồn, ngoại ra mé sàn lãng ngồi nhìn con kênh trôi mấy dề lục bình man mác. Đời con người ta cũng thiên di như lục bình. Trôi dạt tám phương tứ hướng chẳng có nẻo về. Kiếp đời nhẹ tênh. Sống thì thiên di, chết thì thủy táng. Dân miệt này hồi đó là vậy. Nên mới có mấy cái chuyện thờ phượng chẳng ảnh hình, cũng chẳng gốc tích. Thời đó tao loạn nên đâu phải chuyện gì cũng tỏ tường.

Ngoại nói là nói vậy, chứ kỳ thực ngoại đâu có sống đời thiên di như lục bình. Ngoại vẫn ở đây, hơn bảy mươi tuổi đời chưa lần nào Thiệt thấy ngoại xa miệt đồng bưng. Ngoại cũng đâu có sống đời nhẹ tênh. Ngoại cứ thắt thẻo mỗi lần tháng bảy dội về châu thổ những ký ức xưa xa cũ càng. Ký ức theo mưa, hay mưa dắt ký ức về. Thiệt không biết, nhưng có một điều Thiệt chắc chắn, ngoại còn đắng đót điều gì đó khi đời mình đã xế bóng đường tà.

Có lần Thiệt hỏi má nhưng má lắc đầu không biết. Má nói ngoại cứ vậy đó. Bao năm trường rồi, ngoại có nói ai đâu. Mấy ông bà già xứ này ngộ lắm! Cứ ôm vào lòng những thắt thẻo lặng lẽ. Rồi khi cạn cùng phận mình về với sông nước thì như hóa kiếp phù sa. Đất này tự bao đời nay cũng luôn ôm vào lòng biết bao tấc dạ con người. Ngoại đâu còn bao nhiêu mùa minh linh xanh bãi nữa, nên thôi kệ đi. Chừng ngoại nói thì hay. Còn không thì cứ để ngoại ra mé sàn lãng mà ngó nước, mong mưa, chờ minh linh xanh bãi.

Thiệt mới mười hai, nghe má nói vậy thì gật gù cho qua chuyện. Chỉ là minh linh mấy năm trời chưa lần nào xanh bãi.

*

*     *

Chiều rơi vệt tím trên bãi. Thiệt tấp ghe vào đám cỏ lum lúp lên bông. Những bông cỏ dại li ti nở xanh. Thiệt nhanh tay quơ vội đám bông cỏ chất thành bó trên ghe. Bãi lộng gió. Cỏ dập dềnh theo sóng. Kể ra ngoại cũng hay quá chừng, nhẩm tính trận mưa đầu mùa, đếm từng con nắng, coi lớn ròng con nước là biết ngày minh linh nở bông. Ngoại dặn đừng nhổ luôn tận gốc, để năm sau cỏ còn lên. Cỏ còn lên là xứ này còn biết ơn. Ơn trời cho mưa. Ơn đất cho bông. Ơn lòng người còn biết thảo thơm. Thiệt nghe vậy lót tót cho ghe ra bãi. Ngoại lẩn thẩn nhớ quên nhưng có những chuyện chẳng thể nào ngoại quên. Thể như khi người ta già, mấy cái xưa xa, cũ càng của cuộc đời lưu vết in hằn sâu hoắm tâm khảm. Mà sâu tận đáy lòng thì làm sao quên. Chứ mấy cái chuyện mới tinh đôi khi hôm nay nói, ngày mai ngoại đã quên. Lắm lúc Thiệt thấy ngoại hờ hững như là vô tâm. Nhưng, cũng có khi nhờ vô tâm với những vụn vặt chẳng đáng nên ngoại mới có thời gian mà chăm chút những thứ mình đã để tâm nằm sâu trong tấc dạ.

leftcenterrightdel
 Minh họa: PHẠM HÀ

Ghe chưa kịp cặp mé sàn lãng đã nghe rổn rảng phía chái bếp, đã nghe tiếng rào rạo nhà trên. Mới nãy Thiệt đi, nhà mỗi mình ngoại. Nay không dưng đâu ra đông quá chừng. Thiệt ôm bó cỏ minh linh vào, đã thấy chục người lúi húi bày biện cúng kiếng. Té ra năm nay đến phần ngoại giỗ chung. Hèn chi ngoại cứ ra vào trông ngóng minh linh. Mấy ông cựu chiến binh mỗi năm một ngày luân phiên làm giỗ chung cho đồng đội. Cứ đi hết vòng lại nối tiếp nhau. Mấy chục năm trời nay là vậy.

Đêm ngà ngà cơn say sau buổi cúng tiên thường. Mấy ông cựu chiến binh lôi nhau ra mé sàn lãng ngồi nhậu rượu gạo Long Xuyên. Mấy ổng đặt tên loại rượu mình tự ngâm là rượu bộ đội. Rượu này chỉ uống một lần trong năm. Rượu tình rượu nghĩa. Thứ rượu xuôi từ Long Xuyên về kênh Năm Xã từ hồi còn là mấy anh bộ đội bám đất bám kênh trong cuộc chiến Tây Nam. Mà đâu chỉ có một mình ngoại nhớ. Thiệt chạy tới chạy lui phụ hộ bữa giỗ chung, nghe rõ mồn một chục ông cựu chiến binh kể chuyện năm chục năm qua ron rót như cái máy cát-sét mở cải lương. Kiểu như tuồng tích xưa xa được phát ra một cách mạch lạc không dừng. Ông này chưa dứt đã nghe ông kia rôm rả tiếp lời.Trận đánh kênh Năm Xã dội về theo tháng bảy. Câu chuyện lồng vào mênh mông sóng nước xứ này cứ bay chấp chới trong đầu thằng con trai chưa bao giờ biết chiến tranh. Có chăng chỉ là qua mấy bài học lịch sử. Nay ngồi hóng chuyện mấy ông cựu chiến binh mà nhắm mắt lại tưởng chừng như mình đang trong trận đánh đêm mưa đó. Đêm mưa, Pol Pot lùa quân qua biên giới, đánh đốt xóm giềng. Đại đội 5 trấn thủ con kênh Năm Xã khi đó đúng 20 anh bộ đội trẻ. Có người mười tám, đôi mươi. Có người bỏ lại vợ con trông ngóng lao vào cuộc chiến giữ biên cương bờ cõi. Nhưng cũng có người mới vừa mười bảy đã xung phong ra trận, chưa một lần cầm đến tay con gái, chưa một lần biết đến mùi tóc đượm hương bồ kết đồng, chưa một lần biết môi thơm lúa đương thì như thế nào. Tất cả trẻ măng, ôm súng vào trận địa. Dầm mình trong nước, núp vào bãi cỏ minh linh. Phía bên bờ kênh, tiếng chân quân tàn ác ngày càng tiến gần thì lòng mình càng như thép nóng.

Tiếng trung liên rộ lên từng tràng vang động cả châu thổ. Rồi loạt đạn từ súng M-79, tiếp theo là B-40 được nã thẳng vào bãi. Cỏ mọc từ nước, người cũng từ nước mà sống chết, nên không để mất nước. Một tấc đất biên cương cũng phải giữ. Lời chính trị viên khi vào trận địa vang lên trong đầu mấy anh quân nhân trẻ. Đêm giằng co đì đùng tiếng súng trận. Trọng mới mười bảy, từ phía Bảy Núi về chi viện bám kênh Năm Xã, kê B-40 lên vai ngắm và bóp cò, quả đạn lao tới phía bên kia con kênh chỉ cách chừng 1km. Khói đen bao trùm cả 5 tên Pol Pot. Ngọc phát hiện bên cánh trái có hai cái đầu đội khăn áp sát liền giơ AK nhắm thẳng ngực thằng đầu tiên bóp cò. Thằng đi sau kịp ghim một phát đạn trả lại, tiếng súng từ sườn trái của Ngọc im bặt. Ngày vừa về chi viện, Ngọc bảo vợ con mình còn kẹt lại bên Ba Chúc.

Đám Pol Pot chia ba hướng quân xiết chặt bãi cỏ minh linh. Giữa mênh mông đêm thâm sâu, chúng dò dẫm từng bước. Tiếng đạn pháo mở đường phủ đầu dội về bãi càng ngày càng nhiều và gần hơn. Trận địa vẫn phải giữ để chờ chi viện từ Đại đội 5 cánh Long Xuyên về tiếp ứng. Lúc đó quân số chỉ còn một nửa. Nhưng, tiếng máy PRC-25 vẫn lẹt xẹt lệnh giữ đất. Tiếng súng bắn trả từ phía bãi cỏ minh linh nổ vang. Cỏ minh linh như chiến hào ấp trọn chiến sĩ vào lòng. Đêm rã rời theo từng tiếng đạn xé toang không gian thâm u. Mãi đến khi thấy tín hiệu chi viện tới. Đại đội 5 bắt đầu triển khai đánh úp trọn Pol Pot.

Sương sớm tan, mùi thuốc súng còn nồng khắp con kênh Năm Xã. Đám Pol Pot bỏ mạng ngay dòng kênh, ngay bãi cỏ. Đại đội gom quân thẫn thờ nhìn Ngọc nằm đè lên một tên Pol Pot tay còn nắm chặt dao găm ghim thẳng tim quân tàn bạo. Vết đạn xuyên lỗ chỗ lên thân Ngọc. Trọng thì mắt nhắm nghiền, môi còn ngậm một nhánh cỏ minh linh xanh biếc. Giấc ngủ mười bảy thật hiền. Có đứa còn thấy xác. Có đứa bị đám Pol Pot kéo về phía biên giới. Rồi biền biệt mất hút. Năm chục năm trời, cuộc chiến trên kênh Năm Xã với đám Pol Pot vẫn còn bốn đồng đội chưa thể về quê hương xứ sở.

Sinh ra chẳng chung ngày, muôn nơi tụ nghĩa về trên kênh Năm Xã, nhưng lại thác chung khắc giây, nên mâm giỗ chung của mấy ông cựu chiến binh lúc nào cũng đầy đặn những thứ mà đồng đội mình thích. Có mắm lóc từ Châu Đốc mà Minh hay thèm mỗi lần nghỉ ngơi sau trận quần thảo với địch. Có luôn dầu cù là Long Xuyên mà mỗi lần đau bụng Ngọc hay sức. Có luôn trái bồ kết nướng thơm ngọt ngào để dành cho Trọng gội đầu... Cái bàn thờ lạ lùng không có hình ảnh, chỉ có bài vị ghi tên đồng đội. Mấy cái nút áo, cái nón, cái lược... cũng hưởng khói nhang yêu thương từ người còn ở lại.

*

*    *

Mưa về để tháng bảy đầy nước cho bông minh linh trổ xanh biêng biếc, cho người ở lại trọn vẹn yêu thương với người đã nằm xuống. Sống thác cũng chỉ là một chuyến đi về. Nhưng, có một điều Thiệt không dám kể. Đêm nằm cạnh ngoại, là say nói sảng, hay là ngoại muốn trút lòng. Ngoại đón má về từ Ba Chúc, khi tìm về xứ của người đồng đội tên Ngọc. Xóm giềng bảo đứa nhỏ còn sống là nhờ người mẹ giấu con phía ngoài chòi đồng ký thác cho trời đất chở che. Pol Pot lôi vợ Ngọc đi đâu đó. Xác trôi về sông không còn mảnh vải che thân. Ngoại giấu biệt để má lớn lên theo những mùa minh linh biêng biếc xanh không gợn chút đau buồn.

Đêm đó, mưa nhẹ nhàng về châu thổ. Thiệt cho ghe ra bãi cỏ minh linh. Từ phía bờ kênh, nghe như trong đất có tiếng vọng quân hành.

Truyện ngắn của TỐNG PHƯỚC BẢO