Trung về tới nhà khi nắng mai non phủ lên đám lá màu biêng biếc. Xuân muộn mằn nấn ná lại khoảng hiên vắng từng chập gió se lạnh. Má nằm trên võng đung đưa, bật cái đài cũ nghe mấy bài ca cổ. Trung để ba lô ngay thềm nhà, ngồi bệt xuống nền gạch cũ. Thứ gạch đỏ nung chín lửa sờn phai theo thời gian. Chỗ này ngày xưa má đợi ba sau những kỳ trực dài. Má ngóng tin ba về như ngóng xuân. Có bận xuân về kịp, nhưng cũng có lần xuân chẳng về. Vùng biên nhiều việc. Chuyện ba trực Tết vẫn là chuyện thường hằng năm. Tết của má quanh quẩn nhà trước cúng lễ, tiếp khách khứa, rồi lại chui xuống nhà sau nấu nướng cơm nước. Chiều chiều lại ra ngoài thềm mà hóng ba. Cho đến lúc hai anh em Trung lớn lên vẫn thấy má đợi ba. Thoảng khi Trung hỏi má, ngồi chi ngồi hoài, má có ngồi thì ba cũng đâu có về. Chừng hết việc thì tự khắc ba về thôi. Ba cũng nhớ nhà, thèm Tết mà. Những lúc đó má đâu thèm nói gì với Trung. Má chỉ cười nhẹ tênh. Nhưng cũng có bận ba về thình lình, má qua nhà hàng xóm chúc Tết. Ba đứng trước hiên nhà mà không thấy má, nói vọng vào trong hỏi Trung má đâu. Chưa kịp nghe dứt câu ba quảy luôn cái ba lô đi thẳng qua nhà hàng xóm. Chừng ba với má về chung thì nhà ấm những tiếng cười.

*  *   *

Ba đến với má ngay những ngày đỏ lửa. Pháo, bom dội tung từng mảng đất Lò Gò. Một đêm đánh chiếm sân bay Thiện Ngôn thắng giòn giã nhưng ba bị mảnh đạn ghim ngay bả vai trái. Băng vết thương ba lại lao lên, chừng máu rịn thắm cả chiếc áo xanh thì phải lùi về sau, băng rừng trong đêm về trạm quân y bên dòng suối Đa Ha. Má mở vết thương mà hết hồn, sâu lắm đồng chí ơi. Giờ đồng chí ráng chịu đau chờ tui một chút thôi. Má chạy nhanh ra ven suối, hái mớ lá rồi vò nát lấy nước chấm quanh vết thương. Phần xác lá bắt ba nhai nuốt. Cứ vậy mà mổ sống, gắp mảnh đạn ra. Chừng má nhìn lại thấy ba tỉnh rụi, dẫu mặt xanh xao vì mất máu, nhưng ánh mắt cứ nhìn trừng trừng vào má. Má lay lay ba vài cái, ba mới cười. Cô quân y đẹp nên tui quên hết đau. Cái lá gì mà thần sầu quá trời, tui nhai nghe ngon lành khỏe re cô ơi! Má cười đỏ mặt. Chú bộ đội nào cũng hay ghẹo quân y ghê hen! Mà kỳ thực má nói ba mầy ổng lì đòn phát ớn. Mới có 3 ngày ổng đòi theo tiểu đoàn đánh chiếm Tây Ninh. Ai cản ổng nổi, tối đó ổng lẻn đi, chỉ kịp để lại chiếc nhẫn xếp bằng lá Trung quân, bọc kỹ càng trong lá thư ghi tên, ghi đơn vị và một chữ “thương”. Vì cái chữ thương đó mà gá phận với nhau cả đời.

Trung hay ngồi nghe má kể về ba, trong những lần má chờ ba, kể cả những lúc má giận ba. Ba mầy của đồng đội chứ nào phải của tao. Nói đi là đi. Có chút thời gian nghỉ phép cũng đâu thèm về nhà. Trung nhìn má giận ba mà mắc cười. Ai đời giận nhau mà toàn lôi ba cái chuyện ngày xưa ra kể. Tỷ như hồi đó chiều chiều ổng ra suối Đa Ha xách nước cho lán quân y. Xách một tay. Cái tay đau thì ngắt một chùm bông. Lán quân y đầy hoa. Ổng ở lán có vài ngày mà nước đầy mấy cái khạp chứa. Hỏi ổng có vợ chưa? Ổng gãi đầu rồi nói phận đàn ông bến nào trong thì đậu. Nào giờ có ai dám cởi áo ổng ra đâu, mỗi mình cô quân y kia dám cởi cái rột. Giờ tui biết lấy ai nữa. Cô mà không ưng tui biết về nói ba má tui sao đây? Đám chị em trong lán cười rần rần làm tao mắc cỡ gần chết. Hay có bận ổng nói mái lán thủng lỗ chỗ, mùa nắng thì rọi vào thành đốm như sao chứ mưa dột vậy sao mấy cô sống được. Để tui cắt lá Trung quân tui lợp lại. Ai cũng sợ cái tay đau, cái vai còn sưng. Nhưng ba mầy đâu có sợ. Ổng cắt lá rồi leo tập tễnh lên, ở dưới chuyền lá lên cho ổng lợp lại. Ở có 3 ngày mà ổng đâu có dưỡng thương. Ba bây tính vậy từ đó tới giờ.

Má kể riết khiến Trung thuộc nằm lòng. Thuộc hết như má thuộc nết ba, như thuộc mấy bài ca vọng cổ má hay nghe. Thuộc đến nỗi từ trong tâm trí Trung đã dậy lên một điều gì đó rất đỗi thiêng liêng dành cho đất này, cho vùng biên xa phố thị, cho màu áo xanh.

*  *  *

Má hay nói có hai đứa con mà con của ai chứ đâu phải con má. Hồi mới cấn bầu biết sanh đôi, hỏi đặt tên gì thì mấy ông đồng đội nhất quyết một đứa tên Trung, một đứa tên Quân. Cứ y như đám lá nhuộm xanh vùng biên này mà sống. Sống kiên cường bất khuất như bao lần bom dày đạn xéo vẫn cứ mải miết xanh tận cùng. Ba gật gù chí lý. Thằng chui ra trước hồi mười tám tuổi nói chắc nịch cho con đi bộ đội. Má nói xin ba chứ má không quyết chuyện này. Hai thằng đèo nhau chạy từ nhà lên Xa Mát nơi ba đóng quân vào xin. Ba trầm ngâm một đỗi rồi hỏi thằng chui ra sau tính học làm gì. Thằng kia ngó thằng anh rồi cười hềnh hệch nói đứa theo ba, đứa theo má. Vậy con học y. Ba cũng lại gật gù chí lý, nhưng nhớ kỹ là làm gì cũng làm hết sức mình, hết trách nhiệm và phải sống tử tế. Hai đứa con nhìn nếp gấp thời gian trên đuôi mắt ba, nhìn gương mặt chai sạm nắng gió biên thùy rồi cúi đầu chào ra về. Quãng đường về mênh mông lộng gió.

Vậy đó, má vẫn tiếp tục đợi hai thằng con học xong rồi nhận công tác, thoảng khi được nghỉ phép thì chạy về nhà năm ba hôm. Khi vào ca trực lễ, Tết hay dịch giã thì chẳng thấy mặt con. Chỉ nghe giọng con qua điện thoại. Lắm khi nghe tiếng má nấc mỗi lúc mùa sum vầy đoàn viên con báo không về Tết. Má à ừ nhưng cũng ráng lúi cúi làm món này món nọ, mua cái áo, sắm cái nón, bắt ba chở lên bệnh viện huyện cho thằng em, rồi lại tất tả ngược lên vùng biên nơi thằng anh đóng quân. Ba hay la má sao khéo lo mấy chuyện vụn vặt, thời ba má còn khổ trăm bề, mình chịu được thì tụi nó cũng chịu được. Bà làm quá tụi nó hư. Má cứ mặc kệ ba, con tui thì tui lo. Ông có lo đâu. Ông cứ mải miết với đồng đội. Mấy lúc như vậy, ba xách xe chạy đi đâu mấy tiếng. Chừng ba về, thể nào cũng có mấy bó hoa dại vùng biên. Má lại lặng lẽ cắm hoa vào bình rồi trưng lên giữa cái bàn tiếp khách. Ba lại lục đục sửa cái này cái kia trong nhà cho má. Cứ thế mà hai anh em Trung chưa bao giờ thấy ba má giận nhau quá lâu, hay cự cãi quát tháo ầm ĩ. Có lần thằng Quân ghẹo má hỏi sao chịu nổi tính ba. Rồi nó quay sang hỏi ba sao mê má dữ vậy. Ba má đâu thèm trả lời, chỉ hứ một cái biểu nó ăn cơm đi. Nhưng ba má đâu biết, hai thằng con trong một lần dọn dẹp nhà, thấy cái hộp gỗ ba má cất kỹ cái nhẫn Trung quân với lá thư mấy mươi năm trước. Dù cái nhẫn lá khô quắt quéo mối đục gần nát, hay cái lá thư giấy ố thâm kim không nhìn ra được chữ "thương" ba viết.

*   *   *

Má nói mới mùng 8 Tết ổng nghe điện thoại ai đó rồi gói mớ đồ bảo xuống thành phố giúp bạn. Má có biết ất giáp gì đâu. Ổng chục năm trời đi là đi chẳng bao giờ nói thêm gì để má khỏi lo. Hồi công tác đã đành, giờ về hưu cũng vậy. Má thở dài bữa cơm chiều muộn. Hoàng hôn vàng vọt phủ lên vùng biên. Má lững thững ra võng nằm nghe radio. Mới chừng 3 bài thì nghe tiếng xe ngoài hiên. Tiếng thằng Quân rổn rảng. Về Tết muộn hên quá còn có má chờ. Thằng em chưa kịp vào nhà đã hỏi nồi thịt kho, đã đòi má lì xì. Trời thần, lớn thì lớn nhưng vẫn thích lì xì. Thằng em lúc nào cũng dúi đầu vào má kiểu nũng nịu, dẫu đã ba mươi chứ nhỏ nhặn gì cho cam. Nhưng chỉ có vậy mới làm má vui. Má lấy cái quạt lá khẽ đập vào thằng em, miệng chửi mồ tổ cha mầy, mà mắt ngân ngấn nước. Còn nguyên bánh tét, củ kiệu kìa ông nhỏ ơi. Đợi mầy về má làm gỏi trái Rỏi với gà cho mầy ăn. Hồi hôm biết thằng Trung được về phép, thằng bạn bên kia đường biên hái cho cả thúng tặng biên phòng nước mình xem như quà Tết. Mùa này Rỏi ăn là ngọt hết biết. Thằng anh phía sau nhà nghe má kể mà tưởng chừng má mới là người được biên phòng nước bạn tặng chứ hổng phải Trung. Mâm cơm tối muộn hai thằng sanh đôi ngồi nói đủ thứ. Nói trên bàn chưa đã, lôi vào giường nói cả tiếng. Hai năm rồi trực phòng chống dịch, trực Tết, giờ mới được về phép cùng thời gian, Tết muộn còn hơn không Tết hen má. Má à ờ, dặn sáng mai bắt gà nấu cháo với làm gỏi cúng ông bà gia tiên báo cáo hai thằng con đã về. Gì thì gì, về đến nhà là phải báo ông bà mình hay nhen tụi bây. Thôi thôi ngủ sớm giùm cái. Tối rồi mà tụi bây nói rào rạo ai ngủ được. Thôi thôi đừng có mà giành nhau cái gối. Nhà đầy ra đó mà sao cứ giành nhau như hồi con nít vậy trời. Mặc má cứ la, hai anh em cứ dí nhau quanh nhà giành mỗi cái gối vá năm ba mảnh hồi nhỏ hay nằm ngủ.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

Nhưng đâu có đợi đến sáng, mới tờ mờ, sương đêm còn đọng trên lá ngoài rào, đã nghe um xùm tiếng nói rân trời. Ba về, thêm năm bảy ông già xanh màu áo lính. Má tất bật pha trà rót nước. Hai thằng con cũng líu ríu bánh trái. Ba lên thành phố cùng mấy ông bạn hùn tiền giúp đỡ người đồng đội khó khăn có đứa con đang chờ mổ trong bệnh viện. Chừng xong việc lại đi thăm nhà người này, đến người kia. Bảy chục hết rồi, tóc pha màu sương mai còn dịp gặp nhau là mừng, còn giúp được nhau là quý. Cùng chung màu áo nên cứ phải thương nhau cho đến tận cùng. Mấy ông già nhân lúc còn sức kéo nhau về thăm lại mảnh đất xưa thanh xuân mình từng chiến đấu.

Ai đó khen cô quân y xưa vẫn đẹp nhất Lò Gò này hen! Má cười nhẹ tênh, hai gò má như ửng hồng. Đây này, hai thằng này là thằng Trung, thằng Quân. Tui đặt tên đó. Không phải, là tui đặt tên mà. Mấy ông già rổn rảng tranh nhau đặt tên. Hai thằng con trai chỉ biết đứng cười. Má cũng cười. Ba cũng cười. Nụ cười ấm mùa xuân muộn nơi vùng biên xanh biếc màu lá...

Truyện ngắn của ÂN ĐIỀN