Tiếng bìm bịp kêu dồn dập, vọng một khúc sông chiều. Hắn ngồi thụp xuống, giấu mình sau một bụi lau, thỉnh thoảng lại đứng dậy khom lưng dáo dác nhìn về chiếc bẫy mình vừa đặt. Hắn để ý, chiều nào cũng có tiếng chim bìm bịp khắc khoải kêu ở mé sông này. Theo kinh nghiệm của hắn, cứ chỗ nào bìm bịp hay kêu thì nhất định chỗ ấy đặt lồng sẽ bẫy được chim. Bìm bịp cũng hay thả nơi này nơi kia vài tiếng kêu khi nhập nhoạng chiều, nhưng đặt lồng những chỗ thi thoảng mới có vài tiếng chim kêu thì cả tháng trời chẳng được một chiếc lông. Giống bìm bịp nóng tính, đâu chịu cho con chim đực nào khác cất tiếng kêu trong lãnh địa của mình. Vậy mới có chuyện bỏ chim mồi vào lồng, cho nó cất tiếng kêu dụ bìm bịp khác đến. Còn hắn, chỉ việc ngồi đợi, khi chim sa lưới thì gỡ bẫy và đem bán lấy tiền.

Đúng như hắn đoán, một con chim bìm bịp rất lớn vừa kêu vừa đập cánh bay tới. Lòng hắn khấp khởi mừng, con này bán chắc được bộn tiền. Con chim chưa đáp vội, cứ lượn vài vòng y như thể đang thăm dò kẻ xâm phạm lãnh địa của mình. Bỗng, “tõm”, một hòn đá rơi mạnh xuống sông tạo ra một tiếng động lớn. Con bìm bịp chưa kịp đáp xuống đã giật mình thảng thốt bay mất. Hắn đứng dậy, nheo mắt nhìn về hướng bờ sông. Nơi thủ phạm là một cô gái vẫn đang lom khom tìm nhặt tiếp một hòn đá khác. Hắn vạch mấy bụi lau sậy, bước thật nhanh về phía cô ta, chưa giáp mặt đã la lớn:

- Là cô phá tui đúng không?

- Tui đó! Chim là để bay trên trời, để kêu cho vui, như cái giống bìm bịp kêu cho người ta... biết buồn. Bẫy nó làm gì ác vậy cha nội?

Vừa dứt tiếng, đôi môi đỏ như son của cô gái cong lên chanh chua, ý chừng như nói nếu hắn muốn cãi tay đôi thì cô sẵn sàng đứng đây cãi tới tối. Hắn thầm nghĩ trong đầu “gặp phải "sư tử Hà Đông" rồi”. Thấy giọng điệu chua loét của cô hắn cũng ớn, nhưng nghĩ tới con bìm bịp to bị sổng mất khi nãy hắn lại tức anh ách. Dễ gì mới có được một con chim ngon lành như vậy.

- Ừ, chim là của trời của đất, có phải của cô đâu mà không cho tui bẫy.

- Anh nghĩ coi, ai cũng nghĩ như anh thì xứ này mai mốt còn nghe tiếng chim nào kêu nữa không? Chưa kể, biết đâu con chim ấy là chồng, là cha của mấy con chim con. Chiều nay anh mổ bụng ngâm rượu, mấy con chim xơ rơ mất cha, mất chồng tội nghiệp...

Cô gái nói xong, nhìn nắng chiều nhảy nhót trên mặt sông loang loáng. Hắn nhìn gương mặt trẻ măng, đôi mắt tròn xoe của cô ta. Rõ ràng là cô ấy nói thiệt chứ chẳng phải trêu đùa gì hắn. “Con chim có thể là chồng, là cha”-cái suy nghĩ lạ lùng như thế hắn mới nghe nói lần đầu. Cũng có lý lắm chứ, làm người hay làm chim thì ai mất chồng, mất cha mà không thấy bơ vơ.

- Nhưng cô phải đền cho tui, không bẫy được chim tui lấy gì bán kiếm tiền mua gạo?-Lòng hắn đã mềm nhưng giọng nói vẫn cố tỏ ra cứng rắn.

- Giờ anh muốn đền gì?-Cô gái lại ngước đôi mắt long lanh nhìn hắn.

Đột nhiên, chí khí trong người hắn vụt bay như con chim bìm bịp khi nãy. Giờ mới để ý, “sư tử Hà Đông” đẹp quá. Hắn đâm lúng túng, gãi đầu gãi tai.

- Đền gì thì tui chưa nghĩ ra, nhưng cô phải đền cho tui.

- Vậy hồi nào anh nghĩ ra thì xuống xóm Rạch Sậy tìm tui. Tui mới tới dạy học cho tụi nhỏ.

Lúc đó, hắn mới biết cô gái là giáo viên mới về xứ này. Nhìn làn da trắng bóc, dáng dấp tiểu thư, bất giác hắn thở dài. Chẳng biết cô ấy về đây được mấy bữa. Ai về đây cũng sợ cái xứ xa xôi thắt thẻo nhìn đâu cũng thấy lau, thấy sậy, thấy sình lầy này. Tụi học trò đứa cao đứa thấp, mới học được ba, bốn bữa đã nước mắt ngắn dài nhìn cô giáo, thầy giáo xách ba lô rời đi... Cũng phải, ai cũng chọn cho mình chỗ êm chỗ ấm.

leftcenterrightdel
Minh họa: THÁI AN 

- Tui tên Điên Điển. Nguyễn Thị Điên Điển.

Hắn đưa tay bụm miệng cười khi cô giáo giới thiệu tên. Khi chợt nhận ra mình vô duyên, bàn tay của hắn chuyển lên đầu giả vờ gãi gãi rồi cười: “Tên gì ngộ quá hén, tui chưa thấy cô gái nào tên Điên Điển. Tên Sen, tên Lúa thì nghe rồi”. Từ cái bữa bị cô gái phá đám ở mé sông, tự nhiên lòng dạ hắn lúc nào cũng nghĩ đến đôi mắt long lanh của cô. Bữa nay hắn kiếm cớ đi xuống xóm dưới, giả đò đi ngang lớp học. Thấy cô, bụng hắn khấp khởi mừng nhưng mặt lại tỏ vẻ ngạc nhiên như thể tình cờ gặp lại người quen.

Điên Điển cười, bảo rằng cái tên là do bà nội đặt cho mình. Nội nói ngày trước, đụng mùa nước nổi, mỗi bận ông nội về thăm lén lút giữa khuya sẽ mang theo một bọc bông điên điển. Ông nội hoạt động cách mạng bí mật, nghe nói ở tít sâu trong vùng lau sậy rậm um tùm. Mỗi lần về thăm bà, ông phải đợi những đêm không trăng, cẩn thận cảnh giác, và không quên mang theo một bọc điên điển bởi biết bà nội thích ăn. Giữa khuya, bà chong đèn nấu vội nồi cá linh với bông điên điển. Hai vợ chồng chụm đầu ăn với nhau bữa cơm rồi ông vội vã băng đồng về lại căn cứ.

Bà nói, trong chiến tranh, tình nghĩa vợ chồng không tính bằng trăm năm mà bằng khoảnh khắc. Ba Điên Điển chào đời sau những khoảnh khắc hiếm hoi ông nội về thăm nhà giữa những đêm mịt mùng đì đùng tiếng pháo. Một đêm, nội ôm ba ru ngủ nhưng lòng y như thể có ai đốt than trong đó. Có người gõ cửa vội, một người đàn ông lách cửa bước vào nhà. Nội nhận ra bác Sáu. Bác giở mũ, cúi đầu nói rằng ông nội và đồng đội bị trúng bom, đã hy sinh... Bác Sáu chỉ kịp báo tin, chia buồn với nội rồi lại vội chào và mất hút vào màn đêm thăm thẳm. Nội hồi đó còn trẻ lắm. Nội dồn hết tình thương cho đứa con trai duy nhất ông để lại trên đời. Khi đứa cháu gái chào đời, nội đặt tên Điên Điển...

Điên Điển lớn lên bằng những câu chuyện nội kể. Nội nói hồi đó mấy chú, mấy bác đều thoát ly làm cách mạng, thành thử trong làng đa phần là đàn bà, con nít và người già. Cứ độ cận Tết là các bà, các má gói bánh tét, bánh ú tìm cách gởi vào căn cứ cho bộ đội ăn Tết. Hồi đó làng trồng nhiều mai lắm. Độ rằm tháng Chạp là trẩy lá mai để bông nở đúng mồng Một. Có bận, mấy chú, mấy bác ngoài chiến khu có dịp qua nhà giữa đêm tối, chỉ kịp tranh thủ leo vào sân trẩy vội lá mai rồi đi ngay. Sáng ngủ dậy, thấy cây mai trụi lá, đoán rằng người thân mình về đêm qua báo tin bình an, bỗng trào nước mắt.

***

Một bữa, hắn chống xuồng đi hái một bọc điên điển, không quên đón ghe mua được một mớ cá linh non rồi tới lớp học dúi vào tay cô giáo. Bữa đó, hắn xuống bếp bẻ lá dừa nhen lửa, chiếc cà ràng thơm lừng mùi canh chua cá linh. Điên Điển vo gạo bắt nồi cơm. Nhìn mồ hôi rịn ra trên chiếc trán trắng nõn bết vài sợi tóc, tự nhiên lòng hắn thương vô hạn... Nhưng mà, hắn sợ xứ sở này không níu được chân cô.

Hai người ngồi ăn cơm, hắn ngó ra ngoài mé sông rồi hỏi dò:

- Sao Điên Điển không ở trên thành phố cho sướng, về đây làm gì cho cực? Xứ này muỗi kêu như thổi sáo, đỉa đầy ngoài sông, phải bơi xuồng mấy tiếng mới ra được chỗ đón xe lên thành phố. Nơi "khỉ ho cò gáy" này bộ Điên Điển không sợ sao?

Điên Điển dừng đũa, đưa tay chỉ ra ngoài:

- Ông nội tui với đồng đội ông nằm ngoài đó. Thịt da ông và đồng đội đổ xuống để giành lại từng thớ đất, từng ngọn lau cho xứ sở này. Một bông súng nở chơ vơ cũng đẹp, một đám sậy mọc hoang cũng đẹp. Muỗi kêu, đỉa lềnh cũng đẹp nốt... Chỗ nào mà cha ông đổ máu xương giành lại được thì cũng lành hết. Sao phải sợ chứ?

Điên Điển kể, bà nội trước khi mất vẫn đau đáu về ông nội. Ông nằm lại giữa mênh mông sình lầy, lau sậy. Hồi đó, đồng đội vội vã truy điệu ông giữa mênh mông lau sậy, rồi lại vội vã cầm súng chiến đấu, đâu ai biết chính xác ông nằm lại nơi nào. Hình hài ông, thân xác ông đã lẫn vào hàng triệu, hàng triệu cây lau, cây sậy ấy rồi! Ba Điên Điển đã đưa cả gia đình và nội lên thành phố từ lâu, nhưng tâm trí bà vẫn cứ quắt quay về vùng đất chồng mình nằm lại. Sau khi bà mất, cô luôn đau đáu về địa danh Rạch Sậy nên khi học xong sư phạm, cô liền về đây. Về để gần ông nội, về ăn bông điên điển, về để nghe chim kêu...

- Anh đừng bẫy chim nữa nhé, cứ để chúng tự do bay. Bìm bịp kêu để người ta biết buồn và trân trọng nỗi buồn mà. Điên Điển vừa bỏ vào chén hắn mấy con cá linh vừa nói.

Hắn đỏ mặt, gãi tai. Điên Điển là cô giáo nói nhiều điều khó hiểu quá. Nhưng hắn hiểu, một cô gái như thế sẽ không bỏ xứ này mà đi vì lau, vì sậy, vì muỗi kêu, sình lầy... Chẳng có ai không sống được trên mảnh đất ông mình đổ xương máu giành lại! Và đột nhiên hắn hiểu, một con chim tự do sải cánh sẽ tốt hơn một con chim bị nhốt trong lồng hay bị ngâm rượu.

- Xứ này nhiều điên điển lắm, nếu em thích thì ngày nào anh cũng sẽ chống xuồng hái cho em ăn.

Tiếng em ngọt xớt vừa rớt khỏi miệng, hắn mới đột nhiên nhận ra mình đã thay đổi cách xưng hô. Điên Điển không nhận thấy gương mặt hắn đỏ bừng vì ngượng, cô nhỏ nhẹ đáp: “Em muốn ăn cả đời à, anh có hái được hông?”.

Truyện ngắn của NHƯ HIỀN