Năm nay được mùa, bà con tổ chức lễ mừng lúa mới to hơn năm trước. Những lời ca ngân nga. Tạ ơn thần lúa. Tạ ơn hạt thóc của Giàng ban cho dân làng. Cầu các vị thần cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống sung túc ấm no.

Những ché rượu cần xếp thành một dãy gần đống lửa. Tôi vít cần. Men lá rừng ấm nồng khiến tôi thấy mình lâng lâng. Đâu chỉ hương gạo, hương lá, đâu chỉ sự ngọt ngào từ nước suối ủ trong ché rượu, hình như tôi còn say cả tiếng chiêng. Tiếng chiêng men theo ánh lửa bùng cháy, lan ra phía cánh rừng bao bọc bon làng, hòa vào với tiếng dòng thác nghiêng mình tung bọt trắng xóa, bay lên tới tận đỉnh núi Nâm Nung. Hạnh cũng đang hòa mình trong điệu Xoang rộn rã, khuôn mặt em ửng hồng niềm vui. Đứa con trai lớn của tôi chạy theo đội cồng chiêng. Đôi tay nó vung lên mô phỏng lại động tác của những nghệ nhân. Mấy tháng nay, tối cuối tuần nào nó cũng xin ra nhà cộng đồng để học đánh chiêng cùng cụ trưởng bon. Nhìn ánh mắt lấp lánh, nụ cười rạng rỡ và những bước chân vững vàng của nó, chẳng ai nghĩ mới chỉ cách đây hai năm, vợ chồng tôi ngỡ như mình sẽ mất con mãi mãi. Cả bộ cồng chiêng đang ngân lên những thanh âm huyền bí của núi rừng kia nữa, may mà gặp được người tốt, chúng mới được ở lại với bon làng, ở lại với những đêm đại ngàn huyền diệu. Má tôi lành lạnh, chẳng biết có phải vì ướt sương đêm hay không. Tự nhiên tôi nhớ cái hôm bộ cồng chiêng được trao lại cho xã, tôi đã òa khóc như một đứa trẻ.

leftcenterrightdel

Minh họa: HÀ CHUYÊN 

Bộ cồng chiêng đã hơn trăm tuổi, bố Điểu Quang để lại cho tôi. Với gia đình tôi, nó là kỷ vật vô giá. Bộ cồng chiêng truyền lại từ đời ông cố. Những năm chiến tranh, địch càn, cả bon làng phải chạy vào rừng, tìm hang đá để ở. Bom rơi, đạn nổ, có lúc đói lả, có khi cận kề cái chết nhưng lúc nào chiếc gùi mang bộ cồng chiêng cũng trên lưng ông nội, qua khắp đèo, khắp núi, vượt bao suối, bao thác. Gùi hỏng thì lấy dây mây bện giỏ để mang tiếp. Ngày chiến thắng, ông nội trao lại cho bố, dặn dò phải giữ gìn cẩn thận nhưng cũng đừng giữ cho riêng mình. Những dịp hội làng, những dịp lễ trọng đại, bố vẫn cho đội nghệ nhân cồng chiêng mượn để biểu diễn. Tiếng cồng chiêng ngân vang, nối dài khiến bố cảm thấy hạnh phúc, đưa bố sống lại những ngày trai trẻ. Tình yêu ấy, bố truyền lại cho tôi trong những đêm bên bếp lửa.

Bố dạy tiếng nói của người M’Nông. Bố dạy tôi cách đánh cồng, đánh chiêng đón khách đến chơi, mừng lúa mới, cúng mưa đầu mùa. Bố chỉ cho tôi hát những khúc dân ca hồn nhiên, phóng khoáng như núi rừng, sông suối. Bố dạy cả cách chỉnh chiêng sao cho đúng, đánh lên nghe cho hay. Từ đứa bé ngơ ngác nhìn những ngôi nhà gỗ phơi mình dưới cái nắng, cái gió thốc lên từng đám đất đỏ quạch, cúi đầu nghe lũ trẻ trong bon nói thứ tiếng mình không hiểu trong những ngày đầu được bố dẫn về, tôi đã trở thành một người con của bon làng. Gắn bó và thân thuộc đến mức, có cơ hội được làm việc ở thành phố, tôi vẫn quyết định trở về. Tôi không muốn thành kẻ suốt đời mang tội với cái tên mà bố Toàn và bố Điểu Quang đã đặt cho mình. Cái tên mang ý nghĩa về tình đồng đội thắm thiết, không bao giờ phai nhạt giữa một anh Bộ đội Cụ Hồ người Bắc và một anh du kích người M’Nông. Tôi mang cả họ Nguyễn của bố Toàn và họ Điểu của bố Quang. Hai người đàn ông ở hai miền đất nước, hai người đồng đội, tuy không sinh ra tôi nhưng đã nuôi nấng, dạy dỗ tôi nên người.

18 tuổi, trước khi tôi tạm biệt bon làng để học làm thầy giáo, bố Quang trao lại cho tôi lá thư bố Toàn viết trong những ngày bố linh cảm rằng mình sẽ chẳng thể nào gắng gượng tiếp được nữa. Những vết thương đã rút cạn sức lực của bố. Trong lá thư, bố viết rằng tôi đến với bố vào ngày 30 tháng 4. Bố đặt tên Bình để kỷ niệm việc tôi trở thành con bố đúng ngày đất nước mừng mười năm ngày hòa bình, thống nhất. Là tôi đã đến với bố, chứ không phải tôi là một đứa trẻ bị bỏ rơi mà bố nhặt được. Người thương binh mất một bên mắt và còn viên đạn nằm trong cơ thể đã chắt từng bát nước cơm thay sữa nuôi tôi khôn lớn. Càng lớn tôi càng hiểu những nhọc nhằn của bố, cả những điều tiếng bố phải gánh chịu. Những điều ấy bố Toàn không nói trong lá thư. Bố chỉ để lại cho tôi thật nhiều yêu thương và hối tiếc rằng bố không thể ở bên tôi thật lâu, chứng kiến tôi trưởng thành, khôn lớn.

Gần 20 năm sau ngày giải phóng, gom góp từng hạt cà phê, từng mớ rau rừng, cá suối, bố Quang mới để dành đủ tiền ra Bắc, tìm đến thăm người đồng đội cùng chiến đấu giữa núi rừng Trường Sơn năm xưa. Bố Quang mang ra vài cây măng, nắm ớt, vài con cá suối phơi khô và mấy quả cà đắng. Bố luộc măng, giã muối ớt trộn cà đắng cá khô. Ăn đi để nhớ những ngày nằm giữa rừng Trường Sơn, nắm gạo, bắp ngô quý giá nghĩa tình. Để nhớ những ngày bị địch bao vây, cô lập, phải nằm trong hang đá cả nửa tháng trời, cầm hơi bằng sương đọng trên vòm hang và nhai lá rừng, chắt lấy nước. Để nhớ lại những lần cùng nhau chiến đấu vào sinh ra tử. Trước khi chia tay, bố Quang đã hứa sẽ có một ngày ra Bắc tìm đến thăm bố Toàn. Lời hứa bố Quang khắc trên vách gỗ, chưa từng quên dù chỉ một giây phút. Chẳng ngờ, đấy cũng là lần cuối cùng bố Quang được gặp bố Toàn, nằm bên nhau ôn lại kỷ niệm những tháng ngày gian khổ. Tôi về ở với bố Quang từ lúc lên 7.

Tôi tò mò nhón miếng cà trộn cá khô và muối ớt. Vị đắng, vị cay sực lên mũi khiến tôi bị sặc, nước mắt, nước mũi chảy ra giàn giụa. Bố Quang nắn nắn cánh tay tôi, cười ha hả:

- Tập ăn cho quen đi. Con trai M’Nông mà không ăn được cà đắng, lá bép, không ăn được đọt mây thì không có sức mà lội suối, vượt thác đâu.

Món cà đắng ấy đã nuôi tôi khôn lớn. Từng hạt lúa, hạt cà phê bố Quang đổ mồ hôi trên rẫy trồng ra đổi cho tôi cái chữ làm người. Tấm lòng chân chất của bà con bon làng đã chở che và bao bọc tôi, đón nhận tôi là một thành viên trong cộng đồng. Trước khi về cõi trời, bố Quang trao lại cho tôi bộ cồng chiêng, dặn tôi làm thầy giáo người M’Nông dạy cái chữ xong nhớ dạy cho bọn trẻ biết đánh cồng, đánh chiêng, biết những điều tốt đẹp truyền lại từ đời ông bà mình. Nghe tôi hứa, bố mới mỉm cười nhắm mắt.

Đêm Xoang nghiêng ngả. Hạnh nắm tay kéo tôi vào giữa vòng tròn. Lâu lắm rồi mới có một cuộc vui của cả bon. Lâu lắm rồi em mới trút được nỗi muộn phiền, lo lắng. Những đêm thức trắng trong bệnh viện, những ngày nhìn tôi chạy ngược chạy xuôi lo viện phí đến gầy rộc người đã qua rồi. Khi tôi quyết định bán dần những bộ cồng chiêng để lấy tiền chữa bệnh cho con, Hạnh ôm mặt bật khóc. Hạnh cũng yêu tha thiết tiếng cồng, tiếng chiêng, yêu những khúc dân ca của đồng bào mình. Hạnh đan gùi, đan giỏ. Hạnh dệt thổ cẩm. Hạnh chăm mấy sào cà phê tốt nhất bon. Hạnh chắt chiu, dành dụm để ra một phần cho tôi gom góp lại đi tìm mua những bộ cồng chiêng dân làng đã đem đi bán. Hạnh không muốn cồng chiêng của bon làng, của người M’Nông bị chuyển đi nơi khác. Nhưng đứa con trai lớn ra đời bị bệnh tim. Trên hành trình chữa bệnh cho con, từng bộ cồng chiêng lần lượt chuyển sang những người sưu tầm từ khắp nơi tìm đến. Đau đớn, nhưng nhìn con khỏe mạnh dần, sự áy náy trong lòng vợ chồng tôi cũng vơi đi một chút. Hạnh an ủi, chỉ cần con khỏe, em sẽ lại chăm cà phê, dệt thổ cẩm để dành tiền cho anh mua lại. Tiếng chiêng, tiếng cồng sẽ tiếp tục ngân nga. Bố Quang sẽ lại được nghe tiếng cồng chiêng trong những đêm hội. Cũng may, vẫn còn bộ cồng chiêng của ông và bố Quang để lại.

Vậy mà, bệnh tình của con trở nặng. Bác sĩ nói phải phẫu thuật. Số tiền lương ít ỏi của hai vợ chồng tôi không thấm vào đâu. Những gì cần bán được trong nhà cũng đã bán. Chỗ nào có thể vay thì cũng đã mượn. Mấy đêm thức trắng, tôi đã nghĩ đến việc bán bộ cồng chiêng của bố, phản bội lời hứa của mình với bố. Vợ tôi ôm con, nước mắt như con suối mùa mưa tràn bờ.

Tôi tin rằng bố Toàn và bố Quang của tôi vẫn luôn hiện hữu, dẫu là bằng cách này hay cách khác. Mảnh đất của những người M’nông đã cưu mang tôi từ tấm bé nay lại dang rộng đôi tay vỗ về tôi. Từng gùi cà phê, từng gùi bắp được mang tới. Những tấm thổ cẩm của các cụ già cũng được góp lại. Họ mang đến tất cả những gì họ có để tôi bán lấy tiền chữa bệnh cho con, để tôi có thể giữ lại bộ cồng chiêng của bố. Đúng lúc đó, đồng đội của hai bố đi thăm lại chiến trường xưa, tìm đến nhà tôi thắp nén hương cho bố Quang. Các bác, các chú biết chuyện đã vận động, gom góp tiền hỗ trợ vợ chồng tôi chữa bệnh cho con, kèm lời nhắn nhủ: "Ngày còn chiến đấu bên nhau, bố Quang của cháu vẫn thường say sưa kể về những chiếc cồng, chiêng của bon làng mình và luôn mơ ước ngày hòa bình, tiếng cồng chiêng được vang lên ở tất cả ngọn núi, dòng suối, để tiếng đại ngàn ngân vang đến tận các bon làng. Các bác, các chú muốn góp một phần thay bố cháu thực hiện tâm nguyện ấy...".

Tôi đã mang bộ cồng chiêng tặng lại cho tất cả bà con của bon làng. Đêm bập bùng. Hương rượu cần nồng đượm. Tàn lửa như pháo hoa rực rỡ bay lên tít tắp, hóa thành những vệt sao lấp lánh.

Truyện ngắn của THU HÀ