Người mà tôi gặp đầu tiên là Xã đội trưởng Minh Hòa. Cô có cặp mắt to tròn, giọng nói chắc nịch như đàn ông. Sau khi xem giấy tờ tôi xuất trình, cô lạnh lùng nói:

- Tam Bình là vùng tạm bị địch chiếm, hằng ngày chúng lùng sục rất gắt gao nên ban ngày đồng chí làm việc ­dưới hầm bí mật, ban đêm sẽ có người đưa đến địa điểm họp. Cần gì, đồng chí liên hệ trực tiếp với đồng chí Thước.

Nói xong, cô chẳng buồn nhìn tôi mà bỏ đi thẳng.   

Nhìn bóng cô Xã đội trưởng vừa đi khuất, tôi thấy tấm tức. Dù sao tôi cũng là người của cấp trên cử về giúp cơ sở chứ có phải đến ăn nhờ ở đậu nhà cô ấy đâu. Cả ngày hôm đó, tôi lom khom dưới hầm ghi chép, lên kế hoạch cho buổi tập huấn. Nhiều lúc thấy mỏi mắt, tôi lại nằm xuống tấm đệm cỏ, nghĩ vẩn vơ. Trưa nay, cô giao liên tên Thước mang cho tôi cặp lồng cơm gạo mới thơm phức, vài khúc cá lóc kho tiêu ớt, ít rau rừng luộc, thêm mấy quả sung muối. Ngồi ăn trong căn hầm chật chội dưới ngọn nến sáng mờ, bên cạnh là một cô gái trẻ, khiến tôi không mấy tự nhiên. Tôi ăn xong, cô giao liên nhanh chóng thu gọn cặp lồng và chuẩn bị ra về. Như chợt nhớ ra điều gì, tôi vội cất tiếng:

- Anh hỏi khí không phải, chị Minh Hòa quê ở đâu vậy em? Chị ấy có vẻ khó tính nhỉ?

Thấy tôi quan tâm đến vị chỉ huy của mình, cô giao liên tỏ ra hào hứng:

- Chị Hòa là người ở đây anh ạ. Chị ấy làm việc nguyên tắc lắm nhưng bình thường cũng rất vui vẻ, không khó tính đâu anh ạ. Mà em nói cho anh hay, chị ấy vẫn là “lính phòng không” đấy. Nếu anh chưa có người thương, em làm mối cho.

Nói xong cô nhìn tôi cười khúc khích rồi bước nhanh ra cửa hầm. Tôi nhìn theo thầm nghĩ: “Chẳng hiểu cô ấy nói thật hay chỉ cà rỡn cho vui”. Ngồi vò võ trong căn hầm tối, tôi cứ bị ám ảnh mãi vẻ mặt nghiêm nghị của cô Xã đội trưởng. Rồi tôi lại thấy nhớ nhà, nhớ mẹ quá. Quê tôi ở một vùng chiêm trũng Bắc Bộ. Cha đi bộ đội rồi hy sinh trong kháng chiến, để lại cho mẹ tôi hai người con. Một lần, mẹ tôi bảo: "Nhà mình là gia đình liệt sĩ, con lại là con trai một nên xã không gọi con nhập ngũ. Nhưng làm trai không thể ngồi yên khi nước nhà đang có chiến tranh. Nếu con cũng có suy nghĩ như mẹ thì đợt này cứ đăng ký nhập ngũ, mẹ và em ở nhà đã có chú thím, làng xóm".

Thế là, tôi tạm biệt mẹ và em gái để đi bộ đội. Sau khóa huấn luyện, tôi được biên chế về một tiểu đoàn quân chủ lực vào Nam chiến đấu. Nhớ lúc trước khi lên đường, người yêu tôi bịn rịn chia tay, mắt rưng lệ, thề nguyện sẽ chung thủy chờ ngày tôi trở về nên duyên vợ chồng. Nhưng khi tôi vừa vào phía Nam thì nghe tin em đã kết hôn với một anh cán bộ trên tỉnh mà không nói với tôi một lời. Thế là tôi càng có cớ lao vào công việc.

Đang mơ màng, bỗng cô Thước ló xuống cửa hầm nói nhỏ nhưng đủ nghe rõ từng lời:

- Anh Nam ơi, chị Hòa mời anh đến điểm họp ạ.

Theo chân cô giao liên và một du kích xã, tôi phải dò dẫm từng bước vì sợ vấp phải mìn địch, gần một giờ đồng hồ mới đến được điểm tập kết. Địa điểm họp trong căn nhà lá đơn sơ nằm nép mình bên cánh rừng già, phía trước là con suối, được canh phòng cẩn mật. Chúng tôi đến nơi đã thấy mọi người có mặt đông đủ.

Minh Hòa chào tôi rồi quay xuống giới thiệu với mọi người. Tôi vừa gật đầu chào, thì ngoài cửa đã có người chạy vào báo, phát hiện đám lính ngụy đang đi lùng sục. Lập tức, mấy ngọn đèn cầy thi nhau tắt phụt... Sau khi có thông báo tạm an toàn, tôi bắt đầu lên lớp cho đến 22 giờ mới kết thúc. Đang ngó nghiêng chờ cô giao liên đưa về, thì Minh Hòa đến từ phía sau, giọng nhỏ nhẹ:

- Cô Thước bận việc khác, giờ em đưa anh về.

Thấy tôi đứng ngây người không nói gì, Minh Hòa giục:

- Ta về thôi anh kẻo muộn. Nói rồi cô cắm cúi đi trước, tôi lẽo đẽo bước theo sau. Thi thoảng cô còn ngoái đầu lại, giục:

- Anh nhớ bám sát sau em kẻo giẫm phải mìn. Nếu anh có mệnh hệ gì, em không đền nổi đâu.

Lúc này, đường trở về căn hầm, nhiều đoạn đi lại rất dễ dàng bởi lòng đường người dân địa phương dấp đầy lá dừa xiêm. Nhìn đôi chân Minh Hòa đi thoăn thoắt, tôi nghĩ: “Con gái miệt vườn có khác, bước đi vừa nhẹ nhàng vừa mạnh mẽ, dứt khoát”. Đang đi, bỗng Minh Hòa cất tiếng:

- Em ước sau này đất nước giải phóng, được ra thăm Thủ đô. Nhưng không biết chiến tranh bao giờ mới kết thúc!

- Sẽ sớm kết thúc thôi! Biết đâu chính tôi lại là người đón Hòa ra ngoài đó cũng nên.

- Anh Nam đùa cứ như thật ý nhỉ!

Thế là từ chỗ còn e dè, chẳng mấy chốc chúng tôi trở nên thân tình. Chắc thấy tôi ăn nói có duyên, lại chân thành, cởi mở nên Minh Hòa cũng chẳng ngại ngần dốc bầu tâm sự: “Cha mẹ em đều mất trong một trận càn của địch. Anh trai là bộ đội Quân Giải phóng cũng đã hy sinh. Nhà còn lại mình em nên em cũng toàn tâm, toàn ý phục vụ lâu dài cho cách mạng”. Nghe Minh Hòa kể, tôi thấy chạnh lòng thương cô sớm chịu nhiều bất hạnh. Đang đi, bỗng Minh Hòa trượt chân ngã xuống đường. Tôi luống cuống chạy lại, lấy hết sức kéo cô đứng dậy, nhưng vừa đứng lên tôi lại trượt chân ngã chúi vào người cô. Nhanh như chớp, Minh Hòa dang tay giữ chặt lấy tôi...

- Ôi, cảm ơn Minh Hòa! - Tôi cất tiếng gượng gạo.

Minh Hòa không nói gì, nhìn tôi tỏ vẻ luống cuống, ngại ngùng rồi giục đi tiếp. Chúng tôi về đến căn hầm cũng đã sang ngày mới. Những ngày sau, chúng tôi vẫn thường gặp nhau dù qua công việc nhưng lòng tôi bắt đầu cảm thấy bâng khuâng khó tả.

Một thời gian sau, Minh Hòa được cấp trên điều động đi nhận một nhiệm vụ mới. Từ đó chúng tôi ít có cơ hội gặp nhau. Chỉ thi thoảng có người về khu, tôi mới có cơ hội viết thư gửi cho nàng. Có lần Minh Hòa về Tam Bình, tối hôm đó, chúng tôi hẹn gặp nhau ở bìa rừng, cách đơn vị chừng nửa cây số. Rừng về đêm, yên ắng đến lạ thường, chỉ nghe tiếng côn trùng kêu rả rích hòa cùng gió đưa đẩy lá cây xào xạc. Nàng tựa đầu vào vai tôi mơ màng, mùi hương bồ kết trên mái tóc vừa gội, lan tỏa khiến tôi ngất ngây. Không kìm nén được lòng mình, tôi dang tay ôm chặt nàng vào lòng. Cứ thế, chúng tôi bên nhau trong men say tình yêu... Minh Hòa ngước nhìn tôi, hỏi đột ngột:

- Em lo mai này hòa bình, trở ra Bắc, anh sẽ quên em mà lấy con gái ngoài đó vừa xinh lại vừa khéo.

- Em nói gì nghe lạ vậy? Anh thương em là yêu con người em, chứ cái xinh, cái khéo có mài ra mà ăn được đâu...!

Nghe tôi thao thao giãi bày, Minh Hòa không nói gì chỉ im lặng gục đầu vào vai tôi.

Sau đêm đó, chúng tôi lại mỗi người mỗi ngả, bởi cả nước đang dồn lực cho trận đánh lớn. Lúc này, tôi được cấp trên điều động về làm chính trị viên một tiểu đoàn chiến đấu. Còn Minh Hòa, cũng được khu điều động trở về giữ chức Phó chủ tịch UBND thị trấn Tam Bình, trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo phong trào. Minh Hòa tổ chức mạng lưới cán bộ địa phương, gõ cửa từng nhà vận động những gia đình có con em đi lính cho địch, kêu gọi binh lính trở về với cách mạng.

leftcenterrightdel

Minh họa: KHOA AN 

Cuối tháng ba, tiết trời trở nên nóng nực, tiểu đoàn chủ lực do tôi phụ trách cùng một số cánh quân đồng loạt tiến về giải phóng thị trấn Tam Bình, rồi giải phóng toàn tỉnh. Hôm sau, tôi cùng hai chiến sĩ trong đơn vị đi trên chiếc xe com-măng-ca trở về thăm lại vùng đất xưa, nơi tôi từng nằm hầm bám trụ cùng quân dân Tam Bình kiên cường chiến đấu. Trên con đường dấp lá dừa xiêm năm nào, tôi gặp lại cô giao liên Thước, trong bộ quân phục cũ đang cùng đội nữ du kích vận chuyển chiến lợi phẩm về trụ sở UBND xã. Vừa nhìn thấy tôi, cô tỏ vẻ bối rối quay mặt đi như muốn lảng tránh. Tôi bước xuống xe, gật đầu chào mọi người rồi quay sang hỏi Thước:

- Cô Thước vẫn khỏe đấy chứ?

- Anh Nam đã quay lại rồi đấy à? Anh biết không, chị Hòa mỏi mòn chờ đợi anh đấy!

- Thước đưa anh đi gặp Minh Hòa được không?

Tôi nhìn Thước bằng ánh mắt chân thành rồi ra hiệu cho cậu lái xe mở cửa, Thước vội bước lên. Chiếc xe com-măng-ca cũ kỹ chạy ì ạch trên con đường liên xã bụi đất. Ngồi trên xe, tôi liên tục hỏi chuyện về Hòa, nhưng Thước lại trả lời bằng những câu chuyện khác khiến tôi lo lắng, bồn chồn.

Chiếc xe dừng lại trước một căn nhà lợp lá dừa xiêm, tường vách đất. Từ trong nhà, một cậu bé trạc ba tuổi chạy ra cửa, nhìn thấy khách lạ nó chạy vụt vào nhà líu lo gọi má. Tôi ngơ ngác dán mắt nhìn theo thằng bé. Theo chân Thước vào nhà, tôi sững sờ khi trước mặt mình là Minh Hòa, tay cầm chặt cây nạng gỗ khập khễnh bước ra với bên chân trái không còn lành lặn.  

- Em ơi...! - Tôi ôm chặt Hòa, cổ họng nghẹn tắc. - Anh về rồi đây!

Minh Hòa bật khóc nức nở, đưa tay đấm vào lưng tôi thùm thụp:

- Tưởng anh đã bỏ mẹ con em ra Bắc lấy vợ rồi chứ!

- Em nói gì lạ vậy?

Từ trong buồng, thằng bé chạy ra ôm chặt lấy một chân mẹ, nhìn vị khách lạ dò xét.

Bình, con chào ba đi! - Minh Hòa xoa đầu con, bảo.

Thằng bé vẫn chưa hiểu má nó nói gì, cứ nhìn chăm chăm người đàn ông lạ. Còn tôi, đã nhận ra tất cả, vội dang tay ôm chặt thằng bé vào lòng: Con trai của bố!

*

Đêm hôm đó, khi cu Bình đã say giấc nồng, chúng tôi mới có thời gian hàn huyên.

Lần đó Minh Hòa đang cùng một số cán bộ xuống địa bàn làm công tác binh vận, thì một loạt đạn AR15 bắn lén từ phía sau. Minh Hòa bị một phát đạn trúng vào chân trái, khi vừa khụy xuống thì đúng lúc bị thân cây đổ đè vào chân. Minh Hòa được hai cán bộ khác kéo thoát kịp, đưa đi cấp cứu nhưng gióng chân trái dập nát phải cắt bỏ. May mắn, các thầy thuốc giữ được cái thai hơn hai tháng trong bụng Minh Hòa...

Minh Hòa phục viên trở về địa phương với tấm thẻ thương binh hạng A 2/4. Cu Bình được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và bà con lối xóm.

- Mấy năm bặt tin, em mong chờ anh từng giờ, từng phút, lo chiến tranh có thể cướp anh đi bất cứ lúc nào. Có lúc em lại nghĩ biết đâu anh đã về quê cưới vợ rồi cũng nên. Nhưng sâu thẳm trong trái tim em luôn mách bảo nhất định anh sẽ quay về với hai mẹ con.

Nghe Minh Hòa kể mà ruột gan tôi đau thắt, thương em chịu bao đau thương, vất vả. Tôi ôm Hòa trọn trong vòng tay, thủ thỉ: "Anh đã về với mẹ con em rồi đây. Để vài hôm anh ổn định công tác rồi chúng mình sẽ đi đăng ký kết hôn, sửa lại ngôi nhà, làm vài mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, mời bà con chòm xóm đến chia vui. Em thấy có được không?". Hòa không nói gì, chỉ im lặng dựa đầu vào vai tôi. Tôi thấy như có giọt nước mắt vừa thấm vào vai áo, ấm nóng.

Truyện ngắn của PHẠM CÔNG THẮNG