Có một tập thơ vừa xuất bản khắc phục phần nào nhược điểm ấy-tập thơ Vang âm tiếng sóng của Nguyễn Hồng Vinh. Giới thiệu thế cũng không có nghĩa là không đánh giá cao phương diện hình thức của tập thơ; trái lại, đây là sự khẳng định cho một ý nghĩa lý luận: Một khi nhà thơ lặn vào tâm đời sống, nói lên tiếng nói của đời sống bằng tâm huyết, trung thực, sự trăn trở thiết tha của chính mình, sẽ có thơ hay!

leftcenterrightdel

Bìa tập thơ của Nguyễn Hồng Vinh.

Vang âm tiếng sóng tập hợp, tuyển chọn 89 bài thơ tác giả viết gần đây với không gian dài rộng khắp miền Nam, miền Bắc, ngoài đảo xa, nơi biên cương, nhiều ngành nghề, nhiều tầng lớp... “Tiếng sóng” vừa là nghĩa đen, vừa là nghĩa bóng của tiếng đời, của những dư âm từ quá khứ lịch sử vọng về, của những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do, có cả tiếng của lòng người rất riêng tư, tiếng của tình yêu thầm kín... Tôi gọi đó là những thanh âm của “xôn xao tiếng đời”!

Cảm hứng lớn, bao trùm của tập thơ là cảm hứng về Tổ quốc, đất nước, nhân dân: “Tổ quốc là những con tàu mang cờ đỏ Việt Nam/ Vượt sóng lừng tới các cảng năm châu/ Mở rộng vòng tay kết giao bè bạn/ Để đất nước này bung nở tiềm năng/... Tổ quốc là những người cha, người mẹ tảo tần/ Nuôi con lớn khôn, dạy điều nhân nghĩa" (Tổ quốc thiêng liêng). Xin phép trích ra vài câu trong bài để thấy một định nghĩa về Tổ quốc theo con đường cụ thể hóa: Tổ quốc là những con tàu; là những người cha, người mẹ; là những anh bộ đội, những anh, chị công nhân cần lao; là những mảnh đất gieo trồng... Thì ra Tổ quốc là những gì cụ thể nhất, gần gũi nhất, thân thương nhất. Yêu Tổ quốc là yêu thương những địa danh, những con người cụ thể ấy. Những bài thơ như thế làm ta thêm yêu và cũng làm ta thấu hiểu thêm về trách nhiệm của mình với đất nước, nhân dân.

Thơ Hồng Vinh mạnh về tứ. Một cây mộc miên trổ hoa nơi biên giới lại được thi sĩ trao gửi thêm nhiều bông hoa ý nghĩa khác làm cây hoa ấy thêm hoành tráng, tươi tắn, rực rỡ giữa bao la đất trời: “Đồng Văn ngày tháng Tư/ Hoa mộc miên rực đỏ/ Giữa triền đá bạt ngàn/ Sáng cột cờ Lũng Cú/ Mọc lên từ khe đá/ Cây vươn chạm mặt trời/ Biên cương hồng ánh lửa/ Trẻ nhảy nhót đùa vui/ Đồn biên phòng-tổ ấm/ Gắn phần đời trẻ trung/ Mười mùa hoa mộc miên/ Dệt thủy chung, hẹn ước.../ Ngắm lá cờ đỏ thắm/ Phần phật giữa bình minh/ Vẳng lời cha nhắn gửi:/ Giữ sắc hoa mãi bền!” (Hoa mộc miên giữa đá). Hình tượng “cây vươn chạm mặt trời” vừa ảo vừa thực. Thực ở chỗ, điểm nhìn của chủ thể trữ tình ở xa, hướng về đồn biên phòng, nơi ấy có cây hoa, có mặt trời. Các tín hiệu thẩm mỹ gặp gỡ, lồng vào nhau rất đẹp, hào hùng mà thi vị. Câu cuối còn là sự gặp gỡ của hai thế hệ cha-con cùng “Giữ sắc hoa bền mãi”. Hình tượng hoa được nâng lên một tầm mới, biểu trưng cho Tổ quốc. Ý tại ngôn ngoại là thế. Hàm súc, cô đọng là thế!

Hồng Vinh là một trong số không nhiều thi sĩ tự nguyện làm một chiến sĩ trong trận chiến gian nan mà vĩ đại. Trái tim nhà thơ đã chung nhịp với các chiến sĩ nơi “tiền tiêu” làm nhiệm vụ cứu người: “Chúng mình chung nhịp đập trái tim/ Quần quật cứu bệnh nhân Covid/ Thoát qua lưỡi hái tử thần/ Chẳng suy tính phận mình lây nhiễm/... Ba tháng chỉ trong bệnh viện/ Đâu được ngắm trời xanh và hít cơn gió thoảng” (Khắc khoải Sài Gòn). Đó là cái “khắc khoải” đầy trăn trở của một tinh thần nhân văn chỉ có ở những trái tim trĩu nặng yêu thương!

Như một tất yếu, với cảm hứng ấy, tình yêu ấy, nhiều vùng không gian đất nước có trong thơ Hồng Vinh thân thương, nồng ấm, tự nhiên như vốn có. Nhà thơ đến thăm một đồn biên phòng lại được “Gặp vợ chồng son lần đầu tới đây/ Đón trăng mật ngập tràn hạnh phúc”. Một tứ thơ hay bật ra: Trước khi bước vào cuộc đời hạnh phúc, nhiều cặp vợ chồng đến viếng nghĩa trang liệt sĩ để cảm ơn tiền nhân. Cặp “vợ chồng son” này khác, đến vùng biên giới vừa để “đón trăng mật”, vừa để cảm ơn cha ông, cảm ơn lịch sử. Như một logic của sáng tạo (từ) tứ hay-(cùng) cảm xúc dâng tràn-(với) hình ảnh đẹp-(có) ý thơ sâu: “Ngắm đất trời đẹp tươi lồng lộng!/ Vành đai biên giới/ Thấm máu tiền nhân/ Loang rộng nước rừng tràm/ Bám rễ lòng dân/ Tổ quốc trường tồn, bất diệt!” (Vành đai biên giới).

Hình tượng người thương binh đã xuất hiện nhiều, nhưng trong thơ Nguyễn Hồng Vinh vẫn có nét riêng sống động. Đó là cái nhìn gắn liền con người với công việc cụ thể. Người thương binh vùng đất Bắc Giang nhờ có ý chí, sự tháo vát, tư duy nhanh nhạy nên lại là người “đi nhanh” hơn nhiều người: “Anh kể ngày chống nạng/ Lặn lội xuống Hải Dương/ Tìm vải thiều nhỏ hạt/ Về gieo ươm trong vườn/ Hai mươi mùa mưa nắng/ Quấn quýt người và cây/ Sớm chiều chăm từng gốc/ Nghe hơi thở từng cây...” (Đỏ au vùng vải). Đó là một con người hết lòng, để hết tâm sức vào công việc thiết thân cho mình và cho quê hương. "Anh" không đo thời gian bằng “năm”, mà đo bằng “mùa mưa nắng”. Hai chữ “quấn quýt” nêu bật ra cái trạng thái người hòa lẫn vào cây, coi cây cũng như người. Đó là những chữ “có hồn”. “Nghe hơi thở từng cây” càng cho thấy rõ hơn “anh” coi cây như người thân, cha mẹ, vợ con.

Gần như cả cuộc đời Nguyễn Hồng Vinh làm nghề báo, từng là phóng viên chiến trường rồi trở thành cán bộ quản lý (Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) nên ông thấu hiểu nghề, thấu cảm với từng hoàn cảnh. Hình tượng người làm báo trong thơ ông chăm chỉ, hồn hậu, nhân văn, tinh tế: “Sớm sớm anh giỡn đùa với cây, với lá/ Nhưng không để cánh hoa đau/ Không để đàn chim rời tổ/ Làm cây nhỏ lệ đêm thâu” và ý thức rất cao về nghề nghiệp: “Nghề báo, nghiệp văn như chọn gạch xây tường/ Chọn đá lát nền sao cho bóng, mát/ Chọn gỗ cửa chắc bền năm tháng/ Chọn màu quét tường dìu dịu, sáng trong”. Nhà báo ấy cũng là nhà văn với sứ mệnh thật cao quý, thiêng liêng: “Yêu cây bút như yêu em ngày tháng/ Thương bạn bè lúc gian nan, hoạn nạn/ Thương những phận người đơn độc, lang thang.../ Đời anh là cuốn sách nhiều trang/ Hy vọng, yêu tin đan xen trăn trở/ Anh cần mẫn như con ong làm tổ/ Chắt mật cho đời qua những dòng văn..." (Thì thầm cùng anh). Tôi cứ hình dung “anh” ở đây cũng chính là nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh vậy. Tôi lại nghĩ về bài thơ Thao thức viết về nghề văn, nghiệp báo, nhưng tính phổ quát của nó cao hơn, nói về trách nhiệm nói chung của cả giới văn nghệ sĩ: “Ai vẫn thao thức đêm đêm/ Đón ngọn gió xuân nồng ấm/ Tỉnh ra mới biết hư không!!!/ Đời là hư-thực đan xen/ Với người mộng mơ năm tháng/ Ngọt ngào trộn hòa cay đắng/ Vậy sao ngòi bút dửng dưng?!”. Thao thức thật hay, đầy trách nhiệm, đau đáu một niềm trăn trở, đau đáu một nỗi ưu tư!

Sẽ là khiếm khuyết khi không nói đến mảng thơ tình trong tập sách này. Một tình yêu nồng nàn, trong trẻo giữa biển trời, gắn với biển trời: “Em rót vào anh tràn ly rượu/ Hai ta lên xuống giữa trời mây/ Sóng như tung lên rồi nhấn xuống/ Con thuyền cứ thế ngả nghiêng say.../ Bình minh ló rạng đằng đông ấy/ Em rót thêm anh chén rượu đầy/ Cả hai cùng cạn trong vòng xoáy/ Của biển trời hay của Tình say?!” (Tình say). Đó là tình yêu nồng nàn, tươi trẻ không kém phần mãnh liệt, đắm say: “Đấy là tiếng con tim!/ Hãy nâng niu chăm chút/ Như phù sa đắp bồi/ Xanh đôi bờ hoa trái.../ Có phải Bình minh đang lên/ Có phải Trái tim đang hát/ Niềm vui tràn ánh mắt/ Hy vọng đang cất lời ca?!...” (Nghe tiếng em). Ta như nghe thấy cả tiếng xôn xao của trái tim đang yêu!

Thơ Nguyễn Hồng Vinh còn giàu có và sâu sắc triết lý, trong đó có triết lý về tình yêu với sự tưởng tượng, sáng tạo hình tượng bất ngờ, đến ngỡ ngàng mà vẫn hợp lý: “Cuộc đời nhiều lối, cửa/ Người trẻ dễ bước qua/ Riêng đường vào Trái tim/ Có cơ man then chặn!” (Then tình yêu). Thì ra, biết đường vào trái tim, chưa đủ. Mà hình như chàng trai, cô gái nào cũng biết. Nhưng riêng phải “rút” “then tình yêu” để nhập vào, hóa thân vào thế giới phập phồng những tơ non tình ái ấy cùng cả một thế giới các cung bậc tâm trạng, chắc còn ít người biết (!?). Trong thơ anh, hình tượng biển chiếm một vị trí đặc biệt, biển cũng là đời, biển xôn xao, tình đời xôn xao: “Biển lại xanh màu xanh tiếng hát/ Hãy thủy chung như con sóng vỗ bờ/ Có lúc bão giông, lúc yên bình đằm thắm/ Giữ lửa lòng, nồng ấm yêu tin!..." (Còn vang sóng biển). Đó là thơ của thi sĩ giàu niềm tin, tràn trề hy vọng. Đó cũng là thơ của chiêm nghiệm: “Giữ trái tim nóng ấm/ Trí óc không đóng băng/ Tình người luôn nồng thắm/ Liều thuốc quý ngàn năm!” (Suy ngẫm từ hoa ban). Đó là thơ của nghệ thuật đích thực nâng đỡ tâm hồn bay vào bầu trời văn hóa của tình thương yêu, chứa chan hy vọng, tươi sáng niềm tin. Chẳng phải là đáng quý sao?

Xin nồng nhiệt chúc mừng tập thơ thứ 11 của Nguyễn Hồng Vinh trong 12 năm đam mê với thi ca. Chúng ta cùng hy vọng sẽ được nghe tiếp “tiếng đời xôn xao” trong các tập thơ sau của ông!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ