QĐND - 67 năm đã trôi qua nhưng với cụ Vũ Văn Bồi ở xã Văn Quán, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, hình ảnh và ấn tượng về những ngày sống gần Bác Hồ vẫn tươi thắm như mới hôm nào.
![](http://file.qdnd.vn/data/old_img/tvphamquynh/2014/5/14/10090510200.jpg) |
Bác Hồ trong một chuyến công tác. Ảnh tư liệu
|
Ở tuổi 91, cụ Vũ Văn Bồi không còn khỏe mạnh, nhưng vẫn minh mẫn. Cụ xúc động kể: Sau chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947, chiến khu của ta càng mở rộng. Để bảo vệ sức khỏe của Bác và các đồng chí lãnh đạo Trung ương, đầu năm 1948, Văn phòng Chính phủ quyết định tìm mua ngựa để phục vụ việc đi lại.
Thời gian này, đang làm giao thông viên của Khu 10, tôi được chọn lên làm công tác giao thông cho Văn phòng Chính phủ. Lên cơ quan chưa được một tuần, cơ quan đã giao cho tôi cùng hai đồng chí trong đơn vị lên Hà Giang mua ngựa. Nhờ sự giúp đỡ của cơ quan Tỉnh ủy Hà Giang, chúng tôi đã nhanh chóng chọn được 3 con ngựa tốt dắt về. Trên đường gần đến Tân Trào, thì gặp máy bay Pháp quần thảo. Chúng tôi vừa giấu ngựa xong thì máy bay địch sà xuống bắn đạn xối xả, nhưng may mắn là đàn ngựa vẫn an toàn. Về đến cơ quan, chúng tôi phải khẩn trương làm chuồng cho ngựa ngay để đề phòng thú dữ. Quả nhiên, mấy hôm sau, sáng ra thăm ngựa ai nấy đều giật mình nhìn đống nước dãi hổ như cái rế nồi 30 bên ngoài chuồng ngựa, phía sau là một đám cây rừng bị quật đổ rạp. Vết chân hổ còn in rõ cả trong vườn rau tăng gia.
![](http://file.qdnd.vn/data/old_img/tvphamquynh/2014/5/14/11090509950.jpg) |
Cụ Vũ Văn Bồi.
|
Vừa làm công tác giao thông, tôi còn được giao nhiệm vụ trông nom, chăm sóc đàn ngựa. Công việc nào được giao cũng hoàn thành tốt nên tháng 4-1948, tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng và chỉ sau 2 tháng thử thách tôi trở thành đảng viên chính thức. Chính trong thời gian này, tôi có vinh hạnh được nhiều lần gần Bác. Tôi nhớ lần ấy tôi chuyển công văn tới Văn phòng vào giữa trưa, Bác và anh em trong cơ quan đang ăn cơm. Bác gọi tôi đến và bảo: “Cháu ở đây ăn cơm rồi hãy về”. Tôi thưa: “Cháu ăn cơm rồi ạ!”. Bác xem đồng hồ rồi nói: “Cháu đi từ đấy đến đây thì ăn vào lúc nào, ăn ở đâu? Thôi, ngồi xuống đây ăn bát cơm cho đỡ đói! Lần sau đến đây gặp bữa, cháu cứ ăn để làm việc cho tốt, không phải khách sáo gì cả”. Thú thực là làm nhiệm vụ giao thông, nhất là những khi chuyển công văn có đề hai chữ “hỏa tốc” thì chúng tôi đều phải vừa đi vừa chạy cho kịp thời gian. Đường núi quanh co, vượt qua những con dốc, lội qua mấy con suối nên áo thấm ướt mồ hôi, mệt và đói… Bởi vậy nghe lời Bác, tôi ngồi xuống bàn đỡ bát cơm do chính tay Người đơm cho mà lòng rưng rưng xúc động... Sau này, trên đường công tác, tôi còn được ăn cơm cùng Bác với các anh trong Văn phòng như: Vũ Đình Huỳnh, Phan Mỹ và một số anh trong nhóm: “Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi” (tên do Bác đặt cho), nhưng bát cơm Bác đơm cho hôm ấy ý nghĩa không thể tả hết!
Một lần, tôi cùng anh Tạ Quang Chiến (sau là Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao) được theo Bác đi công tác. Khi về đến sông Đáy thì chiếc mảng làm bằng mấy cây luồng lại ở bên kia sông. Mùa mưa, sông rộng, nước chảy xiết, Bác nhìn dòng nước ái ngại hỏi tôi: “Cháu có biết bơi không?”. Tôi thành thật trả lời: “Thưa Bác cháu có biết bơi nhưng không giỏi”. Bác bảo: “Cháu đi ngược lên trên kia một đoạn rồi lựa dòng nước mà bơi sang bờ lấy mảng”. Nghe theo Bác, tôi men theo bờ, đi ngược lên phía thượng lưu một đoạn mới thả người xuống nước rồi lựa dòng mà bơi sang. Lên đến bờ, tôi định chống mảng sang đón Bác luôn vì không muốn Người phải đợi lâu, thì Bác vẫy tay hỏi: “Cháu có mệt không?”, tôi nói: “Cháu không mệt”. Bác cười vì biết tôi đã không dám nói thật. Người nói vọng sang: “Cháu cứ ngồi nghỉ cho lại sức đã rồi đưa mảng ngược lên rồi hãy sang”. Sau lần này, tôi không bao giờ còn dám nói dối Bác nữa, cho dù với bất kỳ lý do nào.
Từ những chỉ bảo của Bác mà trên chiếc mảng này tôi và anh em giao thông đã nhiều lần đưa đón các đoàn cán bộ và cả khách nước ngoài đến làm việc với cơ quan Chính phủ ở chiến khu an toàn.
Đầu tháng 5-1950, Cơ quan Văn phòng Chủ tịch Phủ vẫn đóng tại Thác Dẫng thuộc thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Từ đầu tháng 5-1950, đoàn thanh niên đã phát động thi đua lập thành tích chúc mừng sinh nhật Bác tuổi 60. Hôm ấy tôi đem ngựa đến để Bác đi công tác, trong khi Người đang dự họp. Thấy mọi người cười nói vui vẻ, nghĩ là họp đã xong, tôi dắt ngựa vào để Bác đi thì nghe tiếng Bác đang đọc bài thơ:
"Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên.
Ăn khỏe, ngủ khỏe, làm việc khỏe
Trần mà như thế kém gì tiên?"
Mới đấy mà đã hơn 60 năm rồi!...
Cụ Bồi bồi hồi kể tiếp:
Đầu năm 1951, Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II được tổ chức. Đây là đại hội đầu tiên Đảng ra công khai. Đại hội II được tổ chức tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Chiều Mồng Hai Tết (7-2-1951), sau phiên họp trù bị, tôi được phân công cùng các anh Vũ Đình Huỳnh, Phan Mỹ, Tạ Quang Chiến… đi theo Bác sang địa điểm đại hội. Nghe nói toàn bộ việc trang trí, xếp đặt hội trường và không gian diễn ra đại hội đều do bàn tay tài hoa của anh Phan Mỹ thiết kế. Có anh Phan Mỹ dẫn đường, Bác cùng các anh cưỡi ngựa vào trước, tôi đi bộ theo sau.
Vào đến khu vực diễn ra đại hội, tôi sững sờ vì vẻ đẹp của những ngôi nhà xinh xắn bằng tranh, tre, nứa, lá thấp thoáng ẩn hiện dưới tán rừng, những con đường đất cũng được dọn sạch sẽ cùng hướng về hội trường lớn. Trước hội trường là khoảng sân rộng có thể nhìn ra cánh đồng lúa ở ven rừng... Có lẽ, từ ngày đi kháng chiến, tôi chưa được thấy một khung cảnh tự tạo nào lại đẹp và khang trang như thế. Thảo nào, anh em trong cơ quan gọi anh Phan Mỹ là “tướng bảy sao” vì anh không những giỏi về kiến trúc mà cả quân sự.
Chiều hôm ấy, tôi lại được cùng Bác và các anh trong Văn phòng Chính phủ ăn bữa cơm chiêu đãi do chính chú Sắc là đầu bếp chính phục vụ đại hội nấu. Sáng hôm sau, sương chưa tan, Bác đã gọi mọi người dậy tập thể dục. Các đại biểu ở những ngôi nhà quanh hội trường đều ra sân hội trường tập thể dục. Các buổi tối, sân hội trường trở thành nơi diễn ra các hoạt động văn nghệ, múa tập thể, hoặc chiếu phim tư liệu thời sự của nước ngoài... Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ cùng các đại biểu nước ngoài đều tham gia các hoạt động tập thể này.
Đại hội kết thúc, các đại biểu trở về vị trí công tác của mình. Sáng hôm ấy, Bác và đồng chí Nguyễn Văn Trân, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu III (sau là Bí thư Thành ủy Hà Nội) về Thác Dẫng. Đến đoạn có đường ray chuyển than từ Đầm Hồng về, đường đi khá bằng phẳng, Bác và đồng chí Trân xuống ngựa đi bộ để tiện trao đổi công việc sau đại hội, tôi và anh Chiến dắt ngựa theo sau. Đến một chiếc cầu hẹp bắc qua suối cạn, ở dưới đầy lau lách, con ngựa anh Chiến dắt đi trước bỗng thụt hai chân sau rồi cả hai chân trước xuống khoảng trống giữa các thanh tà vẹt và hai thanh ray, tình huống bất ngờ chúng tôi không lường tới. Tôi và anh Chiến vội tháo yên cho con ngựa; con ngựa cũng cố nhấc chân để thoát khỏi thanh ray nhưng không được. Để tránh tiếng ngựa hý gây tiếng ồn, tôi ôm lấy đầu con ngựa vỗ về còn anh Chiến tìm cách nhấc từng chân ngựa ra khỏi chỗ mắc kẹt. Vừa được giải thoát, con ngựa bước đi lập bập chắc vẫn còn đau, chẳng may nó lại trượt chân lăn xuống suối; may có đám lau lách đỡ nên không việc gì. Thấy chúng tôi dắt ngựa tới chậm, Bác hỏi: “Sao các chú đi lâu thế?”. Chúng tôi thuật lại câu chuyện, Bác nghe xong lắc đầu, nói: “Bị ngã, con ngựa vẫn còn sợ, chân nó còn đau nên phải vỗ về để nó bình tĩnh trở lại! Các chú kiểm tra kỹ rồi trị thương cho nó, chớ để nó ngã như thế nữa!”. Nói rồi, Bác lại cùng đồng chí Nguyễn Văn Trân tiếp tục đi bộ về Thác Dẫng… Còn chúng tôi được một bài học nhớ đời!
Cuối năm 1951, cơ quan tôi cho đi học để làm công tác sư phạm. Sau đó tôi trải qua nhiều công tác khác nhau và cho đến khi trở về với gia đình, làng xóm, nay đã ở tuổi 91, kỷ niệm những ngày tháng được phục vụ Bác vẫn còn in đậm trong trái tim tôi. Tấm gương đạo đức của Người vẫn luôn cổ vũ, nhắc nhở tôi trong mỗi việc làm, lời nói!
Đôi mắt cụ Bồi bỗng ngấn lệ. Cụ bà Phạm Thị Thỉnh 81 tuổi đời, hơn 50 tuổi Đảng ngồi bên cạnh vội lấy khăn lau nước mắt cho cụ ông. Tôi nghe dân làng nói, ngày xưa cụ bà vừa đẹp người, đẹp nết nhất làng ai hỏi cũng không lấy, đúng là: “Giời để dành cho ông Bồi” quả không sai!
Học tập theo tấm gương đạo đức của Bác, không những cụ mà các con, cháu, chắt của cụ đều là những người có ích cho xã hội, con ngoan, trò giỏi. Bất chợt, tôi nhớ ra câu nói của ai đó: “Hạnh phúc đâu phải cao xa mà chính ở trong tâm mỗi người, nếu ta biết cảm nhận và trân trọng giữ gìn”. Cụ Vũ Văn Bồi đã được hưởng một niềm hạnh phúc không hề nhỏ: Vinh dự được phục vụ Bác Hồ trong thời gian từ năm 1948 đến 1951!
Bài và ảnh: VŨ HẢI ĐĂNG