Giữa lúc chiến sự diễn ra ác liệt, Tiến bị một quả M79 nổ gần hất anh văng lên, mảnh đạn găm vào người chi chít. Anh thét lên một tiếng rồi mê man bất tỉnh. Tự nhiên xung quanh Tiến yên lặng lạ kỳ, anh cảm thấy như được bay lên, bồng bềnh, nhẹ bẫng và thiếp vào giấc ngủ, một giấc ngủ không có tiếng gầm rú của máy bay, không có tiếng pháo, tiếng súng và không có cả tiếng người.
Miên man lâu lắm, Tiến lờ mờ hồi tỉnh. Cổ họng khô cháy và đắng ngắt, Tiến thều thào trong vô thức:
- Nư... ước...
Tiến nghe đâu đây loáng thoáng có tiếng người gọi nhau và những tiếng reo vui. Sau đó là những thìa nước mát rượi tràn qua môi, lưỡi, thấm vào cổ họng, nhưng rồi quá yếu, anh lại đuội đi, chìm sâu vào mê man.
Trong cơn mê, Tiến thấy mình như đang được bơi trên dòng sông Bứa trong xanh, êm đềm trôi xuôi qua những nương chè búp đơm tua tủa, được nhâm nhi những miếng dứa chín vàng ươm, thơm lựng, ăn củ sắn lùi bở tung ngây ngất vị đồi núi quê hương trong cái lạnh hanh heo buổi chiều chăn trâu, mõ rung lốc cốc.
Khi tỉnh lại, xung quanh anh vắng lặng như tờ. Người mỏi nhừ, khó khăn lắm, Tiến mới cụ cựa được, chân tay hình như bị nẹp cứng, đầu đau như búa bổ. Có lẽ đang đêm, đâu đây lấp loáng ánh đèn. Có người bước đến gần, Tiến u ơ hỏi:
- Tôi... đang... ở... đâu... thế... này?
Lơ lớ có tiếng con gái reo vui:
- A Vũ ơi, anh ấy tỉnh rồi này? Đói lắm không anh? Mấy ngày nay anh mê man không kêu rên gì, A Vũ khóc hết cả nước mắt rồi đấy. Sữa pha đây rồi, A Vũ cho anh uống nhé.
Cô gái có tên là A Vũ nhẹ nhàng bón cho Tiến từng muỗng nhỏ. Cô dỗ cho Tiến ăn bằng những bài hát Lào với giọng hát da diết và ấm cúng.
Hình như lâu rồi chẳng có gì vào bụng nên sữa trôi đến đâu, Tiến biết đến đó. Rưng rưng, anh thều thào:
- Tôi... đang ở... đâu đây? ... Đồng đội... của tôi... đâu? Họ có làm... sao không?
A Vũ nói tiếng Việt chưa sõi vừa bón sữa, vừa gượng kể cho Tiến:
- Đơn vị anh đang truy kích địch, đồng đội anh có vài người bị thương, được đội cứu thương sơ cứu xong là họ đuổi theo đơn vị... Riêng anh bị thương nặng quá, đơn vị cử chúng em ở lại chăm sóc, chờ xe ra sẽ gửi về bệnh xá tiền phương điều trị.
- Tôi bị... thương... những đâu?
- Anh bị thương vào đầu, mảnh đạn vẫn nằm trong đó, chân tay bị gãy, người dính nhiều mảnh đạn lắm. Chúng em không còn thuốc men, nên chỉ có thể rửa bằng lá thuốc và thay băng cho anh được thôi.
Tiến muốn hỏi thêm nhiều nữa, nhưng đầu đau choáng váng, chân tay rã rời nên lại thiếp đi. Trong cơn mộng mị, anh thấy đôi bàn tay mềm mại của cô gái đang mơn man nhẹ nhàng trên những vết thương nóng rẫy của anh và hát những bài hát bằng tiếng Lào ru cho anh ngủ.
Lần thứ ba, Tiến tỉnh dậy khi hai cô gái Lào đang rửa vết thương cho anh bằng nước một loại lá rừng thơm mùi khuynh diệp. Họ làm cẩn thận và chu đáo. A Vũ khoảng chừng hai mươi tuổi, tóc đen dài, da trắng ngần, mắt một mí lúc nào cũng như cười, đôi lúm đồng tiền xinh xắn tròn xoe trên khuôn mặt thanh tú, hiền hậu.
Tiến bỗng giật mình khi A Vũ cúi xuống quấn băng cho anh. Một sợi dây chuyền bằng bạc, lập lắc hình trái tim ở giữa dập nổi một chữ Nho trên cổ A Vũ thõng xuống, lơ lửng trước mặt anh. Bất giác, theo phản xạ tự nhiên, Tiến vùng dậy mong nhìn cho kỹ cái lập lắc đó, nhưng chưa kịp thấy chữ gì thì đầu đã đau nhói, anh lại choáng váng rồi chìm vào mê man bất tỉnh.
***
Nguyên ông nội anh trước là thợ kim hoàn nổi tiếng khắp vùng Hải Triều. Ngày bố Tiến lên đường tòng quân đánh Pháp, Tiến còn đỏ hỏn, ông đã đánh hai sợ dây chuyền bằng bạc y nhau. Một sợi đeo cho bố anh với mong muốn tổ tiên Vũ tộc luôn luôn theo sát, phù hộ cho con cháu "chân cứng đá mềm", gặp nhiều may mắn. Một sợi để ở từ đường Vũ tộc dành cho Tiến.
Hòa bình lập lại, gia đình vô cùng đau xót khi nhận được giấy báo tử của bố Tiến, kèm theo lá thư của một chiến sĩ Pathet Lào tên là Khăm Phong. Ông Khăm Phong viết rằng, bố anh vì bảo vệ ông nên đã hy sinh oanh liệt trong trận giáp lá cà với địch, khi quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân đội Pathet Lào tấn công giải phóng thị xã Thakhek. Ông hứa đến ngày cải táng sẽ mang hài cốt cùng di vật của bố Tiến về trao tận tay gia đình và thưa cùng gia đình một chuyện hệ trọng. Cuối thư, ông hỏi thăm đích danh Tiến và mong Tiến sẽ sống xứng đáng với tấm gương trung hiếu, với tình cảm trong sáng, thủy chung Việt-Lào mà bố anh đã để lại cho nhân dân Lào quê ông cùng con cháu.
Nhưng sau đó, chiến tranh liên miên. Gia đình Tiến chờ mãi chưa gặp được người chiến sĩ Pathet Lào đó.
Trước khi ông nội Tiến qua đời, cụ đã trao sợi dây chuyền vẫn được gìn giữ ở từ đường cho mẹ Tiến và dặn rằng khi anh lớn sẽ trao nó cho anh để được tiên tổ Vũ tộc luôn luôn phù hộ. Sợi dây chuyền đó như một biểu tượng thiêng liêng, nhắc Tiến sống sao cho không hổ thẹn với thanh danh dòng tộc.
Giờ đây, nếu không nhầm, Tiến nhìn thấy A Vũ đang đeo sợi dây chuyền giống như sợi dây chuyền anh đang có bên mình.
Chính lúc Tiến đang bơi trong dòng sông ký ức đó thì một tiếng nổ chát chúa và một tiếng hét vang lên. Sau đó, tất cả rơi vào yên lặng, Tiến lại mê man trong im ắng.
Trong cơn mê, Tiến loáng thoáng nghe đâu đây có tiếng thút thít. Tỉnh dậy, Tiến thấy cô gái vẫn cùng A Vũ chăm sóc anh đang nước mắt lưng tròng. Tiến thều thào:
- A... Vũ... đâu... rồi...
- Anh ơi, A Vũ đi lấy lá thuốc, vướng phải mìn, bị thương nặng lắm. Em đưa A Vũ về đây rồi, chờ đêm nay xe ra sẽ gửi cả anh và A Vũ về bệnh xá tiền phương.
Tiến tỉnh dậy, thấy mình có vẻ khỏe khoắn hơn, bỡ ngỡ nhìn quanh không thấy cảnh vật cũ đâu, chỉ thấy gường nệm inox sáng bóng, y tá, bác sĩ blouse trắng toát. Đâu đây mùi cồn thoang thoảng.
Câu đầu tiên, Tiến thều thào hỏi người con gái có tên A Vũ. Mọi người ngớ ra không biết A Vũ là ai. Mãi sau nghe kể lại, Tiến mới biết, anh đã được chuyển thẳng từ chiến trường đến quân y viện. Vết thương quá nặng, lại bị nhiễm trùng, có chỗ đã hoại tử nên anh được chăm sóc đặc biệt gần tuần lễ nay, bây giờ mới tỉnh. Mọi người đoán, A Vũ có thể vẫn được điều trị ở bệnh xá tiền phương.
Thời gian sau đó, Tiến liên tục hỏi thăm mọi người từ mặt trận qua quân y viện, kể cả những thương binh được chuyển ra từ bệnh xá tiền phương. Không ai biết tin tức gì về A Vũ cả.
Tiến lo lắng, không lúc nào không nghĩ về A Vũ. Không biết cô giờ đang ở đâu, vết thương nặng nhẹ thế nào. Tiến mong sao mình chóng mạnh khỏe, sớm về đơn vị để có điều kiện đi tìm A Vũ, tìm người con gái Lào Lùm đã không quản vất vả, không quản cả tính mạng chăm sóc vết thương cho anh. Và còn lý do đặc biệt nữa, Tiến tin rằng, nếu linh cảm không nhầm thì A Vũ phải có mối quan hệ đặc biệt với bố Tiến. Nếu gặp được A Vũ, Tiến có thể biết được nơi chôn cất bố cùng những di vật bố anh để lại. Không những thế, Tiến còn biết được tin về người chiến sĩ Lào Khăm Phong và chuyện hệ trọng mà ông đã viết trong thư.
Sau hơn nửa năm vừa điều trị vết thương, vừa bồi dưỡng tích cực, sức khỏe Tiến được hồi phục. Mảnh đạn ở đầu được gắp ra, xương chân, tay bị gãy đã liền, các phần cơ hoại tử được lấp đầy và bén da non. Tiến xin xuất viện trở về đơn vị cũ để tiếp tục chiến đấu.
Trên đường về đơn vị, Tiến ghé qua bệnh xá tiền phương. Anh choáng váng khi được tin A Vũ đã hy sinh vì vết thương quá nặng ngay khi đến đây. Mọi người ở bệnh xá đưa Tiến lên viếng mộ A Vũ trên một triền đồi, thông reo vi vút suốt đêm ngày. Tiến đau đớn nấc lên, quỳ trước mộ chí ghi tên cô.
Tiến được bệnh xá cho xem di vật A Vũ để lại, trong đó có sợi dây chuyền bằng bạc. Đúng như Tiến đã linh tính khi còn đang vật vã trong cơn đau, nửa mê nửa tỉnh. Đó chính là sợi dây chuyền bạc có lập lắc hình trái tim dập nổi chữ Vũ bằng Nho tự, y như sợi dây mẹ đã trao cho anh ngày lên đường nhập ngũ. Sợi dây chuyền này khẳng định sự liên quan mật thiết giữa A Vũ với bố Tiến và lóe lên tia hy vọng tìm được nơi bố Tiến an nghỉ. Trước lúc chia tay bệnh xá tiền phương, Tiến không quên cẩn thận ghi địa chỉ quê hương A Vũ, mong có dịp tìm về.
****
Mấy năm sau giải phóng miền Nam, Tiến mới sang Khammouane được. Tại đây, anh gặp được người mẹ già của A Vũ. Giống như mẹ Tiến, tóc mẹ đã bạc trắng, lưng đã còng xuống vì sức nặng của thời gian, của chiến tranh và bom đạn. Khi nghe Tiến kể về A Vũ, về sợi dây chuyền bạc có lập lắc hình trái tim dập nổi chữ Vũ bằng Nho tự, về bố Tiến và về bức thư của người bộ đội Lào tên là Khăm Phong, mẹ ôm Tiến vào lòng nức nở, nước mắt chẳng còn nhiều nhưng cũng ướt đầm trên má mẹ:
- Con ơi, bây giờ mẹ mới gặp con, nhưng đã bao năm nay, mẹ luôn nghĩ con là con của mẹ. Bố con đã vì nhân dân các bộ tộc Lào, vì bố A Vũ mà hy sinh trên mảnh đất Khammouane này, để lại tiếng thơm mãi mãi cho bộ đội Việt Nam, cho tình nghĩa hai dân tộc Lào-Việt. Đến đời các con lại chiến đấu sát cánh bên nhau, thủy chung, tình nghĩa. Ngày nhận được giấy báo tử của A Vũ, mẹ "chết đi sống lại", nhưng nay gặp được con là mẹ toại nguyện lắm rồi, coi như mẹ đã gặp lại A Vũ.
Bà con dân bản kéo đến đầy nhà, ai cũng muốn được cầm tay Tiến như cầm tay người thân của mình. Đêm ấy, mẹ A Vũ kể cho Tiến nghe về những ngày bố Tiến cùng bộ đội Việt Nam ở nhà bà ngày ấy.
Đó là một ngày mùa đông rất rét, mẹ vừa sinh A Pao xong, nhưng váy áo phong phanh, thiếu thốn, phải đốt củi sưởi cho khỏi rét. Bố Tiến cùng Khăm Phong đi trinh sát Thakhek về thấy thế bèn lục ba lô đưa cho mẹ bộ quần áo bộ đội của bố Tiến. Mẹ chối từ thế nào cũng không được. Năm ấy, cả bản đói, bố Tiến ăn măng trừ bữa nhường cơm cho mẹ để có sữa cho A Pao bú. A Pao bị sốt cao, người nóng như lửa, thầy mo đến cúng hai, ba ngày mà không đỡ. Thấy vậy, bố Tiến không quản mưa rét, lặn lội lên rừng tìm cây thuốc về giã lấy nước bón cho A Pao. Mấy hôm sau, A Pao khỏi. Nhờ ơn đó, Khăm Phong xin lấy họ của bố Tiến đặt tên cho A Pao và tên A Vũ được gọi từ đó. Khăm Phong cũng xin bố Tiến nhận A Vũ làm con dâu, bố Tiến đồng ý. Hai người cắt máu ăn thề nhận nhau làm thông gia.
Sau đó, bộ đội Việt-Lào tiến đánh thị xã Thakhek. Trước sức tiến công thần tốc của ta, địch không thể chống đỡ được, phải co cụm mở đường máu rút chạy. Giữa lúc đó, Khăm Phong bị hai, ba tên địch vây hãm, rơi vào thế bí. Bố Tiến phát hiện ra, xông vào đánh giáp lá cà cứu thoát, nhưng ông lại bị địch đâm bị thương nặng.
Thị xã được giải phóng, mọi người đưa bố Tiến về nhà. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, bố Tiến đã trao sợi dây chuyền bằng bạc có lập lắc hình trái tim, chính giữa dập nổi chữ Vũ bằng Nho tự, trao cho Khăm Phong bảo, sau này A Vũ lớn lên sẽ giao cho A Vũ để làm tin khi gặp Tiến. Khăm Phong biên thư cho gia đình bố Tiến gửi theo hồ sơ báo tử của đơn vị và xin cho dân bản được chôn cất bố Tiến theo nghi lễ như đối với người anh hùng của dân bản.
Chẳng may, trận tiễu phỉ sau đó, bố A Vũ cũng hy sinh. Dân bản chôn cất hai người trên một sườn núi, nhìn xuống bản. Mẹ mong sau này, A Vũ cũng được về nằm cạnh hai người bố Việt-Lào, để họ ở bên nhau đời đời kiếp kiếp.
Hôm sau, mẹ A Vũ và dân bản đưa Tiến lên nơi bố Tiến và bố A Vũ yên nghỉ. Những cây champa già cổ kính nở hoa thơm ngát bốn mùa canh cho giấc ngủ ngàn thu của họ. Tiến quỳ khóc trước mộ bố mình và bố A Vũ, hai người chiến sĩ, hai người bố Việt-Lào tình nghĩa, thủy chung. Họ đã hy sinh vì nền độc lập của hai dân tộc Việt-Lào, cho con cháu được sống tự do, hạnh phúc. Sau đó, theo ý nguyện của mẹ A Vũ, Tiến cùng dân bản đã đưa A Vũ về nghĩa trang liệt sĩ. Anh cũng quyết định để bố được an nghỉ tại nơi ông đã cùng nhân dân các bộ tộc Lào chiến đấu trong những năm tháng tuổi trẻ. Trong lòng Tiến, từ nay, Khammouane trở thành quê hương thứ hai của anh. Dù không được sống bên nhau, nhưng lời thề của hai ông bố cùng những ngày sát cánh bên nhau, chia bùi sẻ ngọt lúc hoạn nạn đã gắn kết anh với A Vũ thành đôi bạn không thể tách rời...
Truyện ngắn của VŨ QUỐC KHÁNH