Ngày thầy Tiến chủ nhiệm lớp 8B thì cô Trâm là lớp trưởng. Trâm đoan trang, hiền hậu nhưng có sức hút thủ lĩnh, hầu hết các bạn gái trong lớp đều gọi Trâm là chị. Tâm hồn thi nhân và kiến thức uyên bác của thầy chủ nhiệm đã phả vào lớp 8B một không khí văn nghệ sôi nổi. Báo tường của lớp được nhà trường chọn đi dự thi báo tường toàn ngành giáo dục. Hai bài thơ và ba bài ca dao được tạp chí văn nghệ tỉnh nhà chọn đăng hẳn một trang… Rồi cũng nhờ bàn tay chèo lái của cô lớp trưởng Trâm mà khi thầy Tiến bị đột ngột chuyển đi xóa mù chữ trên miền núi, lớp 8B không bị cảnh như gà mất mẹ. Năm học lớp 8 vẫn kết thúc tốt đẹp làm điểm tựa cho những năm tiếp, để sau này lớp 8B có hơn ba phần tư số người được vào đại học.

leftcenterrightdel
 Minh họa: Mạnh Tiến

Tết năm 1973, vừa sáng Mồng Một, cô Trâm thấy bóng một anh bộ đội thấp thoáng ngoài ngõ. Cô mừng suýt reo lên, tưởng anh Thịnh người yêu của cô ở chiến trường về. Cô lao ra đón thì đó là thầy Tiến. Thầy mới đi bộ đội được nửa tháng. Đơn vị thầy hành quân về ga thị xã bốc hàng quân nhu. Thầy chỉ được nghỉ phép 3 tiếng đồng hồ. Quê thầy ở xa, đạp xe đi về phải mất 5 giờ, thầy nhớ đến cô Lớp trưởng lớp 8B và các học trò cũ nên thuê xe đạp chở đến thăm các bạn. Cuộc gặp mặt ngắn ngủi ngày đầu năm, gần cả lớp 8B có mặt. Thầy nói, sắp tới thầy sẽ ra mặt trận, thầy hứa nếu còn sống, thầy lại về tìm gặp các bạn lớp 8B như Tết này. Ăn cơm xong, các học trò đều tiễn thầy đến tận ga thị xã.

Cuối năm 1975, thầy Tiến trở về muộn hơn các đồng đội khác còn may mắn được trở về sau chiến tranh, vì thầy bị thương, phải chữa trị ở nhiều tuyến bệnh viện quân y. Thầy lại được điều về Trường Cấp 3 Quang Sơn. Do trường mở thêm phân hiệu, thầy được giao đi tổ chức xây dựng cơ sở mới ngay trên đất làng của cô Trâm lớp trưởng. Cô Trâm học sư phạm đã ra trường và là một trong những giáo viên đầu tiên theo thầy Tiến đi xây dựng phân hiệu mới.

Chỉ một năm sau, phân hiệu mới này được nâng cấp thành Trường Cấp 3 Quang Sơn II và thầy Tiến được đề bạt làm Hiệu trưởng khi mới 28 tuổi. Say sưa với công việc cùng với thái độ sống vui vẻ khoáng đạt, mộng mơ văn chương, nên thầy Tiến mỗi ngày như thêm một trẻ ra. Nước da sốt rét rừng đã bay hết cả!

Nhưng có điều lạ là thầy Tiến dường như không để ý đến chuyện yêu đương. Các cô giáo trẻ trong trường thầm thì với nhau rằng, thầy quá sốc với cú thất tình đầu đời nên đã lạnh lửa lòng trước tình cảm lứa đôi. Có người bạo miệng thì bảo, tất cả anh hoa của thầy phát tiết ra nét mặt đẹp như ngọc rồi nên nội lực của thầy đã bị trống rỗng hết...

Thầy Tiến thường hay qua lại thăm nom và xướng họa thơ ca với bác Xuân Tốn, bố chồng cô giáo Trâm. Bác Tốn trước đây là một thầy giáo làng. Từ ngày người con trai duy nhất của bác, anh Thịnh, chồng cô Trâm hy sinh, bác bị đột quỵ, cứu chữa mãi bác mới qua khỏi nhưng sức khỏe sút đi nhiều. Bác Xuân Tốn là nhà thơ cấp tỉnh, thành viên sáng lập câu lạc bộ thơ của huyện. Bác đã có nhiều bài thơ được đăng báo tỉnh, báo Trung ương.

Nhìn đứa con dâu góa bụa mới ngoài 20 tuổi và đứa cháu trai kháu khỉnh cần có nơi tựa đỡ, bác Xuân Tốn nói lời vàng đá để tác thành cô Trâm với thầy Tiến. Sẵn lòng ngưỡng mộ thầy nên cô Trâm đã im lặng rơi nước mắt xúc động khi bố chồng vun vén. Song, thầy Tiến chỉ nhã nhặn nói lời cảm ơn sâu nặng với bác Xuân Tốn. Biết được điều đó, lúc đầu cô Trâm buồn và tủi thân. Nhưng rồi cô nghĩ, mình là gái góa, thầy là trang nam nhi ngời ngời thế kia, mình cũng không nên bó buộc thầy làm gì. Cô âm thầm lựa chọn trong số nữ giáo viên trẻ một cô gái nền nã, khỏe mạnh, có phúc tướng tên là Thu, quyết gây dựng tình yêu cho cô Thu với thầy Tiến. Thầy Tiến hơn cô Thu 7 tuổi nhưng đẹp trai lại vui tính nên không hề có sự chênh lệch nào đáng kể. Cô Thu dạy Văn, rất yêu thơ, đã thuộc không ít bài thơ của thầy Tiến... Song, khi “bà mối” Trâm chân thành đặt vấn đề với thầy thì thầy chỉ cười buồn đáp: “Thầy không dám”. “Thầy không dám nỗi gì?”-giọng cô Trâm thoáng chút bực bội, thất vọng. Cô Trâm vừa khóc, vừa thổ lộ trải lòng, rằng cô đã yêu thầy, cô đã vâng lời bố chồng để mẹ con cô có nơi nương tựa, nhất là con trai cô rất cần một sự giáo dục, rất cần một hình mẫu nam nhi thần tượng, nhưng cô biết thân phận gái góa của mình. Cô đã dằn lòng tìm người vừa đôi phải lứa cho thầy, một cô gái không thể chê vào đâu được từ hình thức, sức khỏe đến đạo đức, trình độ, tâm hồn... Vậy cớ gì thầy vẫn cứ... lắc?

Nói rồi, cô Trâm òa khóc. Thầy Tiến sững người, thầy lúng túng nói với cô học trò cũ, người đồng nghiệp đang là cấp phó của mình, giọng xúc động như nghẹn lại, rằng thầy đã chiến đấu mấy năm ở vùng máy bay địch rải chất độc hóa học. Một số đồng đội của thầy sau chiến tranh về quê lấy vợ, đều không may mắn khi sinh ra những đứa con dị tật, ngớ ngẩn… Thầy đã tận mắt trông thấy cám cảnh đó. Thầy sợ...

Cô Trâm hiểu ra, òa khóc tiếp và thốt gọi: “Thầy ơi!”…

Cho đến khi về hưu, thầy Tiến vẫn không lập gia đình. Đối với cô giáo Trâm và gia đình của cô, thầy Tiến có trách nhiệm như người con trai của bác Xuân Tốn và như người bố của con cô. Nhưng thầy rất biết tạo khoảng cách cần thiết để miệng lưỡi thế gian không thể đàm tiếu buôn chuyện. Sau khi bác Xuân Tốn về với tổ tiên và con cô giáo Trâm vào đại học rồi có công ăn việc làm, thầy Tiến chỉ đến thăm gia đình cô mỗi năm một lần. Đó là ngày giỗ bác Xuân Tốn và sau này có thêm một lần nữa là dự bữa cơm liên hoan với các cựu học sinh lớp 8B. Từ ngày về hưu, thầy Tiến không ở trong trường nữa mà chuyển ra ngoài thị tứ. Có lần thầy tâm sự với cô giáo Trâm rằng, sau khi hoàn thành việc biên soạn quyển sử của trường ta, thầy sẽ về hẳn quê nhà sinh sống.

Mọi năm, thầy Tiến đều đến dự bữa Tất niên với cựu học sinh lớp 8B ở nhà bà giáo Trâm rồi về quê ăn Tết, để đến ngày Mồng Ba Tết, thầy quay lại thị tứ. Hôm rằm tháng Chạp, bà giáo Trâm đi thăm con trai ở Hà Nội về, mang đến biếu thầy gói trà quý và báo cáo với thầy năm nay hội có thêm 5 thành viên mới, thầy Tiến rất vui. Thầy hứa dù bận mấy, năm nay thầy cũng sẽ đến ăn cơm với học trò cũ lớp 8B.

*

*       *

Đúng 8 giờ ngày Mồng Ba Tết, các cựu học sinh lớp 8B đã có mặt tại nhà bà Trâm để đi chúc Tết năm mới thầy chủ nhiệm cũ. Có người nhắc bà giáo Trâm gọi điện trước cho thầy, nhưng có người lại bảo nên để cho thầy bị bất ngờ mới hay. Cả nhóm thuê  tắc-xi đi ra thị tứ. Cổng, cửa nhà thầy đều đóng im lìm. Họ bấm chuông và chờ. Vẫn im lìm. Lát sau, bác hàng xóm của thầy đi ra, nói: “Không biết ông giáo Tiến đi đâu từ chiều Ba mươi Tết. Ông đi vội lắm nhưng vẫn không quên mừng tuổi vợ chồng tôi. Thấy ông giáo cứ luýnh quýnh nên tôi cũng không tiện hỏi. Hôm nay ngày đưa ông vải, chắc ông giáo sẽ về. Mời các anh chị vào nhà tôi uống chén nước, ngồi đợi ông giáo”.

Đám học trò của thầy Tiến ngớ ra. Họ đâm lo, ở quê thầy hẳn có sự gì rồi. Bà giáo Trâm bấm số gọi cho thầy nhưng máy của thầy không mở. Họ còn đang chưa biết phải làm gì tiếp thì nhà thầy có khách đến. Khách là người ở quê ra. Ông anh trai cả của thầy cho biết thầy không về quê. Ở quê sốt ruột gọi điện mãi không được. Ông phải lặn lội ra tận đây xem thầy có bị ốm đau gì không?

Cả nhóm và ông anh cả của thầy Tiến được bác hàng xóm mời vào nhà ngồi đợi hơn tiếng đồng hồ vẫn không thấy thầy về. Các máy điện thoại di động được bấm số của thầy gọi liên tục cũng không được. Vì phải về quê đưa ông vải nên người anh cả của thầy viết lại mấy chữ đầy vẻ lo lắng.

Bà giáo Trâm mời cả nhóm về nhà bà ăn Tết. Cũng giống như hôm ăn bữa cơm trước Tất niên, họ kém vui và vẫn không nguôi lo lắng cho thầy chủ nhiệm. Ba người bạn ở Hà Nội mới về nhập hội hỏi thăm tin tức các thầy cô dạy họ ngày trước. Các thầy cô đều đã già và hầu như chuyển hết về các thành phố lớn sống với con cái. Ở trên tỉnh chỉ còn mỗi cô giáo Hoa dạy môn Lý. Cô Hoa là người yêu của thầy Tiến ngày hai người mới về trường. Khi thầy Tiến đi miền núi xóa mù chữ, cô Hoa về tỉnh dạy trường 10+3 và lấy chồng, học ở Đức về. Một người bạn gái bảo, hôm rằm tháng Chạp có gặp cô giáo Hoa đi chùa. Nhà cô giáo Hoa mới xây ở khu đô thị mới, hoành tráng lắm. Chồng cô giáo Hoa đã bỏ cô đi biệt sang Đức làm ăn từ lâu. Hiện cô giáo Hoa sống với vợ chồng người con gái duy nhất.

Cả nhóm nảy ra ý định đi chúc Tết cô giáo Hoa vì ngày trước cô có dạy lớp 8B môn Hóa một học kỳ. Năm nay cô giáo Hoa cũng đã 67 tuổi... Bàn rồi cả nhóm lên đường ngay. Họ đi bằng xe gắn máy và xe đạp điện. Chỉ mất có hơn 30 phút họ đã tìm được nhà cô giáo Hoa. Ở đó, đang có một cuộc khánh tiết rất lớn. Ngôi biệt thự mới xây được chăng hoa giấy từ tầng 3 xuống, cổng biệt thự mở toang, phía trên có cái cầu vồng cao su khổng lồ màu đỏ được gắn đôi rồng đang chầu trước mấy chữ “Thành Đạt group” to tướng. Hai bên cổng có các thiếu nữ áo dài đỏ điểm kim tuyến, đội khăn vành kết xuyến màu vàng. Trông thấy đoàn của bà giáo Trâm đến, các cô chúm chím cười và đung đưa bông hoa hồng lớn cầm trong tay chào đón.

Nhóm bà giáo Trâm vội dừng lại. Họ còn đang lúng túng thì từ trong sân biệt thự, một người đàn ông ngoài 40 tuổi đầu to như cái nồi vồm cạo trọc nhẵn thín, để ria mép, mặc com-plê đắt tiền thắt nơ đỏ, xồng xộc đi ra ngăn cả nhóm lại và hỏi bằng giọng xách mé:

- Các vị ở đâu đến?

Bà giáo Trâm kéo bà bạn dẫn đường lên cùng với mình, nhã nhặn nói:

- Thưa anh, chúng tôi là học trò cũ đến chúc Tết cô giáo.

Người đàn ông nói:

- Bà ấy đi viện rồi! Xin lỗi các vị, sắp đến giờ Hoàng đạo, chúng tôi đang bận đón khách đến khai trương trụ sở Tập đoàn Thành Đạt.

Bà giáo Trâm vội hỏi tiếp:

- Thưa anh...?

Người đàn ông liền ngắt lời:

- Ôi trời! Thưa bẩm cái gì ạ? Các vị già rồi, rét mướt thế này kéo nhau rồng rắn Tết nhất làm gì?

Một nam giới bứt lên, hỏi:

- Anh làm ơn cho biết, cô giáo chúng tôi nằm ở viện nào ạ?

Người đàn ông:

- Khổ lắm! Chỉ có mỗi một bệnh viện tỉnh chứ mấy!

Nhóm bà giáo Trâm đều hốt hoảng vì có tiếng ô tô cảnh sát dẫn đường đang lao đến. Phía sau có những chiếc xe bốn chỗ bóng loáng cực kỳ sang trọng nối đuôi nhau...

*

*       *

Nhóm bạn cựu học sinh lớp 8B tìm được nơi điều trị của cô giáo Hoa. Các cựu học sinh lớp 8B mừng đến sững sờ vì họ gặp được thầy Tiến chủ nhiệm ở đấy. Bà giáo Hoa đã bình phục. Bà nức nở khóc, kể bằng giọng vừa xúc động, vừa đớn đau. Thì ra, trưa Ba mươi Tết, tự nhiên bà cứ lên cơn ho từng đợt dài. Người con rể của bà đã dứt khoát gọi xe cấp cứu tống khứ bà vào viện dù đã năm hết, Tết đến. Y sợ nếu bà giáo Hoa ốm nặng ở nhà, Mồng Ba Tết, giờ Hoàng đạo, y khai trương Tập đoàn Thành Đạt sẽ xúi quẩy. Cô đơn và bệnh tật trong bệnh viện, bà giáo Hoa đánh liều gọi điện cho thầy Tiến. Thầy đã đến với bà, đã chăm sóc, chia sẻ với bà trong suốt mấy ngày Tết... Giọng bà giáo Hoa nghẹn lại, thầy Tiến vội nói lời an ủi bà và thanh minh với cả nhóm, rằng thầy đi vội, bị rơi mất cái di động, chưa kịp sắm lại... Bà giáo Trâm thay mặt cả nhóm chúc mừng năm mới thầy Tiến và cô Hoa.

Cô y tá trẻ măng xuất hiện. Cô lễ phép chào hỏi mọi người, bà giáo Trâm nói lý do nhóm của bà đến thăm cô giáo cũ. Cô y tá ngạc nhiên thốt lên: “Các bác, các cô chú là học trò ạ?”. Bà giáo Trâm cười: “Vâng, ngày trước các bác là học trò của thầy cô, cũng trẻ trung như cháu bây giờ…”. Cô y tá hiểu ra, cười tươi nói: “Cháu phục đấy. Đến tuổi này mà các bác vẫn còn nhớ đến thầy cô cũ. May quá, ngày Tết có bác Tiến đến chăm sóc bác Hoa, đỡ vất vả cho chúng cháu rất nhiều. Bác Hoa đã bình phục hẳn rồi…”.

Cả nhóm vui vẻ cảm ơn cô y tá và lì xì mừng tuổi cô bằng những tờ tiền rất mới.

Chiều hôm đó, cả nhóm rất vui được rồng rắn tháp tùng thầy Tiến, cô Hoa về nhà thầy Tiến để cúng đưa ông vải.

Truyện ngắn của LÊ NGỌC MINH