leftcenterrightdel
Dưa hấu Tết. Ảnh TÔ HOÀNG VŨ 

Có lần tôi hỏi: "Sao tía ca bài buồn dữ vậy?". Tía cười: "Đời thương hồ có gì vui hả con?". Có lẽ lúc đó tía nhớ ông nội. Mà tía có biết ông nội đâu để nhớ. Ông nội làm giao liên quen bà nội trong lần chuyển vũ khí bằng ghe hai đáy, sau đó cưới nhau trong chiến khu. Tết Mậu Thân 1968 bà nội mang bầu nên ông gửi bà ở nhà dân chờ ngày sanh. Ai ngờ khi ông qua đồn Vàm Xáng bị địch phát hiện, để súng đạn không rơi vào tay giặc, ông cho nổ ghe và hòa mình  r5trong sông nước. Thời điểm ấy, tía tôi chào đời. Ở cữ một tháng, bà xin tổ chức bồng con xuống ghe tiếp tục công việc thầm lặng nhưng vô cùng nguy hiểm.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà không lên bờ mà chọn thương hồ rày đây mai đó để "tìm ông". Vậy là tía gắn bó với sông nước từ nhỏ, dù biết "Ngồi buồn vọc nước giỡn trăng/ Nước xao, trăng dợn biết rằng về đâu?". Thế nhưng, với ông Tư thì khác, dù Mậu Thân năm ấy ông bị thương phải cưa một chân. Ông Tư kêu tía ca bài vui vui với lý do: "Mình còn sống thấy quê hương hòa bình là may mắn. Hồi đó, tao cũng làm giao liên như ông nội bây, mỗi Tết là dịp để hẹn hò gặp đồng đội. Mấy chiếc ghe chụm mũi lại, bày rượu thịt lai rai ôn chuyện xưa, tính chuyện mai. Bây chưa nghe mấy câu thơ của Quân Tấn như vầy sao: "Giặc thù gây tội khắp nơi/ Quê hương máu lửa đất trời ngửa nghiêng/ Ghe buôn hóa chiến thuyền/ Khách thương hồ thành chiến sĩ giao liên/ Thuyền hai đáy chở hầm bí mật/ Vinh quang và mất mát/ Thương hồ đâu chỉ kiếp rong chơi...".

leftcenterrightdel
Đến chợ mùa xuân. Ảnh: TÔ HOÀNG VŨ

Rồi ông Tư kể, những mùa Tết trên ghe ở các vùng quê khác nhau như thước phim bừng lên sức sống tươi rói, sôi động sau gần nửa thế kỷ im tiếng súng. Nếu quanh năm suốt tháng làm quần quật nhưng cái nghèo vẫn đeo bám thì Tết đến trên ghe, nhà nào cũng chuẩn bị tươm tất, nhất là hoa trái, bánh kẹo, thịt cá cúng ông bà gia tiên, khấn cầu năm mới an lành, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Cũng chính từ những bữa Tết trên ghe mà tía học theo và biết ca vọng cổ, được các chú dạy hát đúng nhịp các bài bản tài tử cải lương. 

Tía nhớ nhất, sáng Ba mươi Tết, bà nội thường lên chợ mua thịt, nếp, đậu xanh, gia vị, lá chuối xuống ghe gói bánh tét. Đêm không trăng, các ghe thương hồ chụm lại, đốt đèn bình ắc-quy sáng trưng, các bà ngồi gói bánh. Cũng nhờ vậy, cánh đàn ông có vài dĩa mồi lai rai đợi Giao thừa, chờ bánh chín. Sương xuống lạnh, ông Tư ôm tía vào lòng kể chuyện thế thái nhơn tình, dạy cách ăn ở phải đạo. Dù tía không được đến trường nhưng lời ông Tư là bài đạo đức, nhân nghĩa làm người. Với tía, Tết không chỉ ăn ngon, mặc đẹp mà còn học bao điều mới mẻ thú vị mà mỗi năm mới được tiếp thu từ ông Tư và những người từng trải nghiệm trong đời. Ông Tư dạy tía: "Các chú không chỉ gắn bó mà còn yêu mến sông nên hiểu sông như phận người, lúc bình lặng lúc trào dâng, khi mơn man khi cuồn cuộn nước. Bây nghe câu này chưa: Chở nặng nghĩa tình con nước hóa màu son/ Ngàn năm tiếng vọng nước non/ Vững bền tình yêu Tổ quốc/ Xoài Mút, Rạch Gầm chôn xác giặc/ Lửa hồng Nhật Tảo động trùng khơi... Đó, sông nước còn căm giận kẻ thù mà!".

Tôi chào đời đúng mồng Một Tết, lúc bà nội đang nấu cơm chuẩn bị dọn cúng thì má đau bụng. Tía kể: "Khi đó ghe đậu gần ủy ban xã, cạnh trạm xá, đưa má con lên bờ chưa đầy mười phút đã nghe con khóc. Bà nội con mừng quá, luýnh quýnh trượt chân té xuống sông, vậy mà cười ngất. Nội nói đầu năm sanh con là hên, chắc ông nội phù hộ. Tuy con chưa đủ tháng nhưng luôn khỏe mạnh, không bệnh tật gì, cũng là ông nội đem may mắn cho con".

Năm tôi tám tuổi, tía nghe lời ông Tư lên bờ cất nhà. Tuy bà nội buồn nhiều nhưng vì muốn tôi đi học nên không cản. Má tôi từ nhỏ theo ông ngoại đi ghe thương hồ cũng không ý kiến. Tía hiểu, vậy là mỗi tháng một chuyến, tía với bà nội chạy ghe mua bán hàng chừng năm bảy ngày. Qua mỗi lần đi thấy nội như khỏe thêm, tía hay giỡn: "Chắc bà gặp ông nội con đó!". Bà nói ngay: "Gặp thằng cha mày". Tía cười: "Ơ, đúng rồi. Cha con là chồng má chứ ai!". Bất chợt, bà quay mặt nhìn xa xăm. Ánh mắt bà vời vợi hơn trong những ngày Tết khi nấu cơm trên nhà mà dọn lên ghe cúng. Nội nói: "Làm vậy cho đỡ nhớ Tết hồi xưa, để ông nội con với mấy ổng về ăn cho vui. Mình ở trên bờ thì vững rồi, còn thương hồ long đong lắm, chỉ có một mái chèo rong bến đời thôi". Lúc đó, ông Tư ngồi nghe chú Sáu đờn, tía tôi ca: "Đêm sâu đối ẩm tràn chung rượu, cạn chén “Hồ trường” nghĩa đầy thêm. Sá gì hai chữ lợi danh, sông sâu nước bạc vẫn xanh trong câu hò. Hò... ơi!"...

Năm nay, bà nội nói: "Tết này nhà mình cũng tổ chức như vậy nghen con!".

HỒ KIÊN GIANG