Vừa rồi, nghe tin tôi về phép, Thắng “nhẻm” lại sai vợ làm bánh rán rồi mang một bọc đến nhà tôi. Hai chúng tôi vừa ngồi nhâm nhi cùng nước trà, vừa ôn lại những kỷ niệm khó quên một thời là tân binh của tiểu đoàn huấn luyện chiến sĩ mới năm nào. Thắng “nhẻm” giờ là em rể tôi và bánh rán mà vợ hắn làm, với tôi lúc nào cũng là ngon nhất!
Nhà Thắng “nhẻm” ở đầu làng, nhà tôi cuối làng. Chúng tôi cùng tuổi và lớn lên cùng nhau. Tuy học chung một lớp nhưng tôi và hắn cũng chỉ giữ ở mức bạn bè, không thân nhau lắm. Nói cho đúng hơn là tôi không khoái cái chất ngang tàng, ăn nói bạt mạng cùng làn da màu lá chuối khô không lẫn vào đâu được của hắn. Cái biệt danh “nhẻm” cũng là do tôi đặt cho hắn thời trẻ con và theo hắn đến tận bây giờ. Dù như vậy, nhưng không hiểu sao hắn lại rất quý tôi, bênh tôi chằm chặp, sẵn sàng bảo vệ tôi đến cùng dù đó là trong những cuộc cãi vã trẻ con hay sau này, trong những tranh luận đôi khi là không vì một nguyên nhân nào rõ ràng trong tiểu đội.
Lần ấy, do có thành tích trong huấn luyện và được anh em bình bầu, cấp trên biểu dương, Thắng “nhẻm” được phép ra ngoài chơi trong ngày nghỉ. Với chiến sĩ mới, được ra ngoài đơn vị thay đổi không khí là mơ ước của tuyệt đại đa số anh em, tất nhiên có cả tôi. Thế nhưng, chuyện ấy với tôi đâu có dễ bởi giấy phép ra ngoài ngày nghỉ chỉ dành cho những người tiêu biểu nhất trong tuần. Trước khi đi, Thắng “nhẻm” đến bên tôi thì thào:
- Này, ông có nhu cầu mua sắm gì không? Tôi ra ngoài kiếm về cho!
Nói thực, cái tôi muốn là được ra ngoài ngắm nhìn phố xá, tăm tia vài em xinh xinh, bông lơn vài ba câu cho đỡ nhớ nhà thì hắn làm sao giúp được!? Còn chuyện đồ ăn, thức uống, nhu yếu phẩm linh tinh, căng-tin đơn vị đầy ắp. Nghĩ vậy nên với giọng thủng thẳng, bất cần, tôi đáp:
- Cái tao cần thì mày không kiếm được đâu!
Nó đi rồi tôi bất giác nghĩ về hắn mà trong lòng có đôi chút GATO. Mà sao, Thắng “nhẻm” hay gặp may thế nhỉ? Nhớ lại hôm vét hồ cá, mấy anh em đang loay hoay vã mồ hôi bẩy tảng đá to chình ình giữa hồ cho đỡ vướng lưới thì hắn từ đâu chạy đến tay lăm lăm cái xà beng. Theo giọng hắn bắt nhịp, anh em cùng hợp sức, tảng đá chẳng mấy chốc đã ngoan ngoãn nằm gọn trên bờ. Vậy là hắn được biểu dương. Nhiều việc khó nhằn khác nữa, cứ vào tay hắn là trôi chảy băng băng...
Rồi Thắng “nhẻm” về. Hắn trèo lên giường, nhét vào tay tôi gói gì đó, cười hì hì: “Quà của ông đấy!”.
Bánh rán! Tôi ngửi ngay ra cái mùi thơm quen thuộc! Chà, chén thôi! Cũng chả được mấy miếng vì phải chia cho các đồng đội thính mũi xung quanh. Nhìn anh em ăn, mắt nó lấp lánh niềm vui... Tôi và mấy anh em được ăn bánh biểu dương hắn.
Thắng “nhẻm” trả phép sau khi được thưởng do thành tích bắn đạt điểm giỏi, quà cho tôi là bịch bánh rán to! Bánh rán nhà tôi làm, chắc chắn là như vậy, bởi tôi đã quen ăn từ lâu! Tôi nhìn hắn, vẫn ánh mắt lấp lánh niềm vui khi nhìn đồng đội giành nhau chia quà... Hắn nói to trước khi mọi người kịp ăn miếng bánh đầu tiên: “Quà của em gái Hùng (tên tôi) gửi!”. Và hắn lại được biểu dương!
Thắng “nhẻm” báo tin cưới em gái tôi khi tôi đang học năm cuối Trường Sĩ quan Lục quân 1, còn hắn thì xuất ngũ và trở thành ông chủ của một trang trại nho nhỏ chuyên chăn nuôi gà lấy trứng ở quê. Cái hôm hắn lái ô tô chở em gái tôi lên Sơn Tây báo cáo và xin ý kiến tôi về chuyện cưới hỏi, cái giọng tự nhiên nghiêm túc, run run đến lạ kỳ chưa bao giờ nghe của hắn khiến tôi phì cười:
- Báo cáo ông... à anh, chúng em xin phép anh được tổ chức đám cưới!
Tôi chia vui với hắn: “Lần này thì tôi biểu dương ông! Ông rất nhiều lần xứng đáng được biểu dương, nhưng lần này từ đáy lòng, tôi biểu dương ông nhiệt liệt vì đã có lựa chọn quá chuẩn riêng cho cuộc đời mình...”.
Thắng “nhẻm” lại lôi bọc bánh rán em gái tôi làm ra cung kính đưa cho tôi, giọng vẫn run: “Duyên phận cũng từ bánh r... án anh ạ!”.
Ngay lập tức hắn nhận mấy cú đấm của Hinh (em gái tôi).
Trời đất, hóa ra là vậy! Tôi phá lên cười...
Truyện vui của TRỊNH VÕ