Hằng tuần, ông lão phóng xe máy đến đây. Chiếc honda từ thời nảo thời nào vẫn phải đạp bằng chân, song nó luôn chiều lão. Vòm nhãn cổ đan xen hoa đại. Ngày khánh thành, quan tổng đốc Hà Nội đã cho xe về tận xứ nhãn triệu lên bốn cây giống quý theo ngả sông Hồng từ bến Dạ Trạch lên đây. Tuổi nhà đến đâu tuổi cây đến đấy cũng là duyên cách tự nhiên. Cây dần che phủ, trùm bóng lên nhà, cành cội đan xen. Lũ sóc nâu đuôi dài bốn mùa vân du trong vòm lá cành rậm rịt.

leftcenterrightdel
Minh họa: THÁI AN 

Lão Đặng đã trên chín mươi. Tinh tường. Minh mẫn và nhanh nhẹn. Người gác cổng vốn lính chiến Tây Nam và biên giới phía Bắc nổi tiếng khe khắt mỗi khi cho người ra vào cơ quan, nhưng luôn mau chóng tươi cười tới dắt xe cho cụ lão, còn đứng nghiêm chào:

“Em chào thủ trưởng! Anh Phùng đang đợi thủ trưởng trên phòng”.

Ông cụ thong thả bước trên những bậc gỗ cầu thang đen bóng.

Căn phòng cơ man là sách. Ấm trà sực nức hương thơm. Bên ngoài cửa sổ, đôi sóc nâu đuôi dài cong vút nô giỡn trên cành nhãn.

Lão Đặng từ từ mở tập bản thảo dày dặn trên bàn.

“Cậu Phùng! Nhất vương phục quốc. Tam đế đồng quy. Bộ sách lịch sử của cậu quả khai thông long mạch một vương triều. Cậu Phùng có tâm lắm!”.

Vị trung niên thong thả đáp:

“Bác Đặng quá khen! Huân công của tiền nhân, lẽ nào phải mãi khuất chìm như cát sỏi. Hơn hai mươi năm theo các thầy tìm về cội nguồn lịch sử, hậu nhân tự thấy mình phải có trách nhiệm với tiền nhân”.

Lão Đặng gật gù:

“Cao hơn trách nhiệm mỗi cá nhân, đó là vóc nước. Chính là hình hài máu thịt Đại Việt-Hồng Bàng. Vũ khúc du long. Chỉ có lịch sử tường minh mới đủ tư cách cấp căn cước cho từng dân tộc”.

Vị trung niên mỉm cười nhìn lão Đặng.

“Vũ khúc du long. Đường đi ẩn hiện của rồng. Nổi chìm bão lửa. Muôn nỗi gió táp mưa sa. Oan khiên ngậm bóng trăm năm mà tĩnh lặng như nước hồ thu buổi sớm. Bác Đặng! Bác chính là hiện hình của vũ khúc du long”.

Kinh thành Huế, những ngày tháng Bảy oi ả năm 1945.

Đường phố nhỏ hẹp, bức bối. Tiếng chân rầm rập của hiến binh Nhật như búa đập đinh chốc chốc lại rộ lên. Người Pháp xảo quyệt, hung hăng ngày trước bây giờ lặng thinh rút đi, chỉ còn vài vị bác sĩ, nhà buôn, thầy giáo, kỹ sư dồn cả vào nhà thờ cuối phố.

Bóng những chiếc xe ngựa chạy lóc cóc ẩn hiện chập chờn.

Vài tốp học sinh, thanh niên không biết từ đâu ào ra đường, vừa đi vừa hát rồi mất hút nơi cổng trường Quốc học.

Văn phòng Quốc trưởng nơi đầu thành nội.

Luôn mấy hôm, hết người Pháp đến người Nhật tới lui đề nghị, yêu sách, tư vấn, xin xỏ khiến ngài Đổng lý mệt nhoài. Gớm thay lũ ngoại quốc da trắng, da vàng, mới hôm trước nổ súng bắn giết nhau, hôm sau đã lại bắt tay xì xồ thân mật.

Từ sớm, ngài đã dặn cậu trợ lý văn phòng:

“Hôm nay ta không tiếp khách Tây, Nhật gì cả. Hãy để chúng tự giải quyết với nhau. Bọn chúng hỏi thì trả lời ta vào hầu hoàng thượng”.

Viên trợ lý cúi gập người vâng dạ.

Ngài Đổng lý vừa khuất vào bên trong, đã xuất hiện ba thanh niên mặc đồng phục Quốc học tiến vào. Vẻ mặt ai nấy đều trang nghiêm, rắn rỏi. Một cậu vẻ lớn tuổi thắt bên hông bao súng kín mít. Viên trợ lý văn phòng vội đứng lên nói to như muốn chặn toán thanh niên lại:

“Các cậu học sinh kia? Đã nghỉ hè rồi còn đến đây làm gì? Mau đi chỗ khác chơi!”.

Ba thanh niên đã vào hẳn trong phòng. Cậu đeo bao súng nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát:

“Xin ngài giúp chúng tôi gặp ngài Đổng lý. Chúng tôi đại diện cho Việt Minh có việc khẩn phải thương thảo với ngài ấy”.

Viên trợ lý sững người. Thời gian gần đây, rộ tin đồn Việt Minh đã ém quân đầy thành nội.

Còn chưa kịp phản ứng, cửa bên trong đã xịch mở.

Ngài Đổng lý đột ngột bước ra.

“Là tôi đây! Các cậu có chuyện gì?”.

Vị Đổng lý già tiến về phía các đại diện Việt Minh, bỗng ngài sững người nhìn cậu đeo bao súng:

“Cậu Đặng? Sao cậu vẫn còn ở đây? Cậu...”.

Người thanh niên tiến lên cúi người chào ngài Đổng lý:

“Bác Hoàng! Con không về theo cha con được. Nay việc đã gấp rồi. Tổ chức phân công con đến gặp bác bàn việc treo cờ. Khi có mệnh lệnh Việt Minh treo cờ đỏ sao vàng, mong bác nói với anh em binh lính giúp”.

Vị Đổng lý Văn phòng Quốc trưởng chợt hiểu ngay mọi việc.

“Cậu Đặng! Việc này tôi không quyết được. Để tôi trình Quốc trưởng. Các cậu hãy đi đi”.

*  *

*

Thềm Ngọ Môn, mờ sáng ngày mùa thu tháng Tám.

Đêm hôm trước, hơn hai mươi hiến binh Nhật săn đuổi bốn người Pháp tại đây. Cuộc đấu súng đã diễn ra, sáu xác người vẫn còn loang máu ri rỉ được kéo về một góc.

Tốp hiến binh vẻ mặt đằng đằng sát khí đứng án ngữ canh giữ hiện trường.

Từ phía nhà thờ góc phố, sáu, bảy người Pháp dẫn đầu là một linh mục bước về phía Ngọ Môn.

Một hồi kèn rộ lên, từ phía Văn phòng Quốc trưởng, sáu mươi binh sĩ bảo vệ Ngọ Môn chia hình vòng cung tới áp sát kỳ đài.

Không biết từ lúc nào, đã xuất hiện ba thanh niên hôm trước từng vào gặp Đổng lý văn phòng. Khác là hôm nay áo đóng thùng chỉnh tề, đầu đội mũ ca nô có ngôi sao vàng lấp lánh. Lưng đều khoác khẩu súng trường. Dây đai súng trước ngực còn mới cứng.

Cậu chỉ huy hông dắt bao súng ngắn. Chiếc báng súng ánh thép đen thẫm thập thò. Hai tay bưng một thùng gỗ khá lớn.

Không khí vô cùng căng thẳng.

Một số tiếng súng nổ đoàng giữa thinh không.

Vị linh mục dẫn toán người đã áp sát kỳ đài.

Tốp hiến binh Nhật đồng loạt chìa súng về phía đó.

Sáu mươi binh sĩ đứng quây thành một vòng tròn. Súng dựng sát bên mình đều tăm tắp chờ lệnh.

Giữa kỳ đài, bỗng cậu thanh niên đặt cạch thùng gỗ xuống.

Nắp thùng gỗ bật tung.

Mọi người dõi mắt nhìn vào.

Tiếng lên đạn lách cách.

Trời đất! Lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn hiện ra.

Đám người linh mục, đám hiến binh bất ngờ hực lên, trố mắt, tay rê nòng súng.

Người thanh niên giữa kỳ đài nhanh như chớp xoay người về phía chiếc cột lớn, toan tháo dây hạ lá cờ quẻ Ly của triều đình xuống.

“Đoàng!”. Một tiếng súng nổ vang lên. Viên đạn ghém găm ngay sát bàn tay cậu thanh niên.

Một tiếng quát của tên chỉ huy binh sĩ triều đình:

“Ai cho phép nhà ngươi hạ cờ? Ngươi muốn chết sao?”.

Người thanh niên nói dõng dạc trong khói súng còn chưa tan hết:

“Hỡi anh em binh sĩ! Nước nhà độc lập rồi. Dân ta phải treo cờ cách mạng. Hôm trước, đại diện Việt Minh đã xin phép Đổng lý Hoàng”.

Viên chỉ huy binh sĩ lại quát to:

“Lệnh của Đổng lý đâu? Sao ta không biết?”.

Người thanh niên vừa kiên quyết đưa tay tháo dây hạ cờ vừa nói cứng:

“Đổng lý Hoàng đã có lệnh vua rồi. Ngài đang đến đó”.

“Đoàng!”.

Một phát súng lại vang lên. Lần này là nhắm thẳng vào người thanh niên giữa kỳ đài.

May mà viên đạn không trúng đích.

Bỗng có tiếng xe ô tô, rồi một chiếc xe đen bóng xịch đến.

Đám binh sĩ đã nhận ra người xuống xe chính là Đổng lý Hoàng.

Ngài bước về phía toán lính, rút ra một tờ giấy màu vàng, giơ lên trước mặt tên chỉ huy:

“Đội trưởng Hổ, Quốc trưởng ngài ngự thuận cho việc hạ cờ rồi”.

Viên chỉ huy thất sắc quỳ ngay xuống:

“Hạ quan biết tội!”.

Lá cờ sắc đen rộng lớn như cánh buồm từ từ hạ xuống. Lá cờ đỏ sao vàng dài rộng từ từ được kéo lên.

Khi lá cờ đỏ đang đà vươn lên giữa lưng chừng, bỗng đoàng, đoàng súng nổ.

Phía đám hiến binh, một tên ra dáng chỉ huy sấn sổ bước lên hét to:

“Hoàng Đổng lý! Không được treo cờ Việt Minh. Phải treo cờ của Nhật hoàng!”.

Phía đám người linh mục, một người cao lớn bước ra:

“Ta chính là Đại tá Pie mới nhậm chức Phụ tá Cao ủy Đông Dương, đặc trách Binh vụ Tam Kỳ. Đã hạ cờ An Nam rồi phải tức tốc treo cờ Đại quốc bảo hộ”.

Thì ra hai tiếng súng thị uy là từ phía Nhật, Pháp bắn ra.

Hai cậu thanh niên trên kỳ đài bất chấp súng vừa nổ, mặc kệ hai bên cãi cọ nhau, vẫn điềm nhiên ưỡn ngực bồng súng dưới chân cột cờ phần phật gió.

Đổng lý Hoàng bước thẳng tới trước mặt đám hiến binh và linh mục, tay cầm tờ lệnh màu vàng.

“Các ngài hãy về đi! Đây là ý chỉ của Quốc trưởng cũng là việc của nước tôi. Mong các ngài tuân thủ”.

Tên chỉ huy hiến binh quay ngoắt súng chĩa về phía Đổng lý Hoàng:

“Ngài Đổng lý! Ngài đã theo Việt Minh sao?”.

Vị linh mục cũng sấn tới trỏ tay vào Đổng lý Hoàng:

“Ông Hoàng! Ông đã quên Đại quốc rồi ư? Bổng lộc của ông đều là do người Pháp cấp đó”.

Đám binh sĩ thấy có người chĩa súng vào Đổng lý, lập tức mấy chục tay súng chạy rầm rập đến quây bọn hiến binh và linh mục vào giữa.

Bỗng từ chiếc xe đen, cửa kính xe từ từ hạ xuống. Tiếng trầm ấm rõ ràng vang lên khiến mọi người không khỏi giật mình.

“Giờ này mà các vị vẫn còn muốn bắn giết nhau ư? Hãy mau bỏ súng xuống trở về cố quốc may ra còn kịp. Ta cũng đã mệt mỏi lắm rồi!”.

“Hoàng thượng! Hoàng thượng!”. Người bốn phía kêu lên.

Chiếc xe đen kéo theo Đổng lý Hoàng đã từ từ chuyển bánh.

Lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn đã phần phật bay trên đỉnh Ngọ Môn.

*

Mặt trận Đường số 4 đầu những năm năm mươi.

Sau những trận chiến thăm dò, quân Pháp liều chết tiến lên vùng biên giới phía Bắc hòng tạo lập những cứ điểm kiên cố hút lực lượng bộ đội Việt Minh non trẻ, hòng làm suy kiệt khả năng quân sự của đối phương, người Pháp khá đắc ý với nước cờ táo bạo này. Cậy vào các đoàn xe có sự yểm trợ của thiết xa, trên trời còn có cả trực thăng gầm ghè soi mói nên người Pháp thay vì chuyển quân và khí tài chiến cụ nhỏ giọt đã ồ ạt lập những đoàn xe lớn bất chấp đường đèo hiểm trở ra sức tiến binh. Từ khi Trung đoàn trưởng Đặng nhận nhiệm vụ đánh trận trên tuyến Đường số 4 đã đích thân đêm ngày cùng đội trinh sát bám mặt đường điều nghiên tổ chức mai phục. Từ ngày rời kinh thành Huế vào Chiến khu Hướng Hóa rồi được lệnh trở ra Bắc nhận chức Trung đoàn trưởng, chỉ sau vài trận, họ Đặng đã nổi danh với biệt hiệu Hùm xám Đường số 4 do chính bọn quan tướng người Pháp công khai nhắc về ông. Ba trận mai phục diệt hơn hai trăm xe pháo của người Pháp, bắt sống binh tướng vô số kể mà trận sau đều hiểm hóc hơn trận trước khiến chóp bu Pháp ở Hà Nội và Đông Dương phải điên đầu liên tiếp tung hàng loạt biệt kích, tìm mọi cách lấy đầu Hùm xám Đường số 4. Đã nhiều lần cấp trên của ông phải tìm cách hạn chế bớt sự quyết liệt đến quyết tử của Trung đoàn trưởng Đặng. Cũng thời gian đó, thế cục mới hình thành nơi lòng chảo Mường Thanh vùng Tây Bắc sau một loạt trận đánh lừng danh của Hùm xám Đường số 4, chấn động nhất là trận cao nguyên Mộc Châu đã chia cắt hoàn toàn chiến trường định sẵn của người Pháp, khiến những quan tướng viễn chinh cáo già cũng chỉ biết văng tục trong mỗi lần quyết đấu với họ Đặng. Ít ai biết, địch thủ của người Pháp khi đó mới vừa ba mươi tuổi...

*    *

*

Trong hương trà, hương hoa đại thoảng nhẹ miên man, lãng đãng, tập bản thảo dày cộp thong thả được lật giở từng trang, từng trang. Có những trang đã ố vàng nước thời gian. Có trang màu mực còn thơm mới như vừa rời ngọn bút. Họ Phùng đọc tới trang nào, vẻ mặt lộ rõ sự thâm nghiêm kính cẩn như những buổi bắt gặp sắc phong các triều đại khi ông dồn tâm sức cho bộ sách lịch sử một vương triều. Ông rất hiểu tâm can vị lão trượng cả đời vị quốc, đến lúc lá chuyển vàng đung đưa trước gió vẫn còn đau đáu nỗi đời, cân nhắc từng câu, từng chữ trước khi chuyển cho mai hậu.

Vị lão trượng lại tấm tắc nhắc lại câu khi vừa mới đến:

“Nhất vương phục quốc. Tam đế đồng quy. Bộ sách lịch sử của cậu quả khai thông long mạch một vương triều”.

Họ Phùng xúc động nói:

“Bác Đặng! Vũ khúc du long. Đường đi nước bước cũng là định mệnh của rồng cơ hồ không dễ gì nắm bắt, càng không thể nào biết trước được. Song bác tâm trí an vững như nước hồ thu đã dùng toàn bộ cuộc đời mình làm gương quả là hiếm có. Sau này, khi viết xong bộ sử về nhị vị nữ vương, nhất định tôi sẽ dành tâm sức viết vài trăm trang về bác”.

“Cậu Phùng! Cậu không cần tốn công như thế! Với tôi mọi thứ đã định cả rồi. Kể từ khi hạ lá cờ triều trước xuống chân Ngọ Môn kéo lá cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột, tôi đã biết được số phận của mình. Sử sách hãy để dành cho những gì lớn lao hơn”.

Vị trung niên thong thả đáp:

“Hậu nhân xin vâng lời. Thôi đành để vũ khúc du long mãi là sương khói vậy”.

*  *

*

Ba tuần sau, trong lúc đỉnh điểm đại dịch Covid, trưởng lão Đặng quy tiên. Đám tang vô cùng lặng lẽ. Nhưng trong lòng biết bao người đang sống vẫn vô cùng kính trọng ông. Rất nhiều vị tướng quân dày dạn chiến trường đều kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới người vừa khuất. Trong cảm thức những câu chuyện cuộc đời như là huyền thoại của trưởng lão Đặng, chuyện này đã được tác giả viết nên.

Truyện ngắn của NHƯ QUỲNH