Tỉnh Hà Tĩnh cũng là một trong 21 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất nước: 115,54 bé trai/100 bé gái và tỷ lệ đó đang ngày càng gia tăng.
Các chuyên gia khẳng định nguyên nhân gốc rễ vẫn là: “Do người dân chưa thực sự quan tâm đến hệ lụy của vấn đề này. Nhiều gia đình vẫn còn nặng tư tưởng đông con hơn nhiều của, trọng nam khinh nữ, sinh con trai để nối dõi tông đường, để có thêm nguồn nhân lực lao động”.
Về nguyên nhân “để có thêm nguồn nhân lực lao động”, có lẽ nhiều người dân đã không nhận thấy cơ cấu phân công lao động theo giới hiện nay đã thay đổi, khác xưa rất nhiều: Phụ nữ đã có mặt trong tất cả lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh và xã hội, không hề thua kém nam giới. Thậm chí, trong một số lĩnh vực, phụ nữ có lợi thế và vượt trội hơn.
Và một điều nữa: Niềm vui, hạnh phúc mang đến bởi con cái mình có phụ thuộc vào chúng là trai hay gái? Có ai chắc rằng sinh con trai thì cuộc sống của bố mẹ, gia đình sẽ vui hơn, hạnh phúc hơn và ngược lại? Thật ra, điều đó phụ thuộc phần lớn vào việc giáo dưỡng, môi trường và tư chất của đứa bé. Trong khi đó, kiến tạo cuộc đời hạnh phúc đều là đích đến của tất cả chúng ta. Thay vì băn khoăn và cố sinh cho được con trai, các bậc bố mẹ nên hướng đến việc chăm lo nuôi dưỡng, giáo dục con để chúng được sống cuộc đời hạnh phúc, thành công và mang đến niềm vui cho mọi người.
Hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh là do nhận thức lệch lạc của một bộ phận xã hội, rất cần được xóa bỏ bằng công tác tuyên truyền, vận động. Cùng với đó, chính quyền các địa phương căn cứ thực tế trên địa bàn để ban hành và thực hiện các chính sách mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực này. Nhất là việc tăng cường các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.
Ở quy mô lớn hơn, Việt Nam và nhiều quốc gia đang thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới để góp phần giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Quỹ Dân số Liên hợp quốc đã kêu gọi: “Chúng ta cần giải quyết vấn đề này qua việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ, đặc biệt là các chuẩn mực thiên lệch về giới. Chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác hỗ trợ cộng đồng để họ tự hiểu được tác động tiêu cực mà những thực hành này đang gây ra cho các bé gái và lợi ích mà xã hội sẽ được hưởng khi chấm dứt những thực hành đó”.
“Tự hiểu”, tự nhận thức về mất cân bằng giới tính và bất bình đẳng giới ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến từng thành viên mỗi gia đình đòi hỏi toàn xã hội bày tỏ thái độ rõ ràng, quyết liệt hơn nữa, truyền thông rộng rãi và có hiệu quả hơn nữa về vấn đề này. Điều đó được đặt trên nền tảng phát triển kinh tế-xã hội, tiến bộ về văn hóa nói chung và sự hoàn thiện các chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình nói riêng.
TRẦN HOÀI