Khơi mạch nguồn đam mê
Tham gia trại sáng tác lần này có 15 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học đến từ mọi miền đất nước; có nhiều tác phẩm xuất bản và tạo dấu ấn với bạn đọc. Đa số tác giả tham gia trại sáng tác lần này từng trực tiếp tham gia chiến đấu hoặc trải qua một thời quân ngũ. Điển hình như nhà văn Hà Đình Cẩn, sinh 1945, tròn 20 tuổi ông nhập ngũ, sau đó trở thành phóng viên mặt trận Báo Quân đội nhân dân. Trong sự nghiệp sáng tác, nhà văn Hà Đình Cẩn xuất bản hơn 20 đầu sách đủ các thể loại và đoạt nhiều giải thưởng.
Tiếp nối thành công từ trại sáng tác trước, lần này nhà văn Hà Đình Cẩn đã hoàn thành bản thảo tiểu thuyết “Muối của đảo”-câu chuyện xoay quanh những vất vả, khó khăn và sự hy sinh thầm lặng của những người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang ngày đêm dầm mình nơi mênh mang biển biếc để bảo vệ biển, đảo quê hương. Ngoài ra, với sức viết không biết mệt mỏi của một “nhà văn không tuổi”, ông còn tiếp tục hoàn thiện bản thảo tiểu thuyết kể về những người chiến sĩ Quân khu 6 anh hùng trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tiểu thuyết mang tên “Vùng da báo” hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều bất ngờ. “Đến với trại viết lần này, tôi đang đạt đúng điểm rơi phong độ. Viết thích lắm! Với tôi, chiến tranh cách mạng luôn là đề tài chủ đạo trong các thể loại sáng tác. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng kỷ niệm về người lính vẫn đầy đặn-đó là tư liệu quý không phải ai cũng có. Càng nghĩ tôi càng thấy sâu sắc”-nhà văn Hà Đình Cẩn bộc bạch.
    |
 |
Nhà văn Trương Chí Hùng chia sẻ cảm xúc tại buổi bế mạc Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng”. |
Chia sẻ tại buổi bế mạc trại sáng tác, nhiều nhà văn, nhà thơ cho biết như đang được trở lại thời trẻ của mình. Một sức viết vô cùng mạnh mẽ đã được khơi dậy, mạch nguồn văn học như được tuôn chảy dạt dào. Không phải thế mà chỉ trong 15 ngày ngắn ngủi, nhà thơ Hoàng Quý cơ bản hoàn thành tập bản thảo trường ca với tên gọi “Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc” với gần 2.000 câu thơ vừa hùng dũng, hiên ngang, vừa thiết tha, mộc mạc, tái hiện lại cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc: “Khi bạn hỏi đất nước tôi bao tuổi/ Xin hãy đếm những ngấn bùn châu thổ quê tôi/ Khi bạn hỏi về tầng sâu lịch sử/ Xin đếm những ngấn bùn bồi đắp nước non tôi/ Như một cuộc trường chinh vĩ đại/ Những ngấn bùn hội tụ ở Giao Châu...". Ngoài ra, ông còn cho ra đời một số bài thơ ngắn mang đậm âm hưởng của những năm tháng hào hùng, những người lính quên mình vì Tổ quốc thân yêu. Và đặc biệt là những bài thơ về sông nước Cửu Long gần gũi và yêu thương.
Hay như nhà văn Hoàng Dự, từng là một người lính chiến đấu nơi chiến trường miền Tây Nam Bộ trong đội hình Quân khu 9. Kinh qua những năm tháng trận mạc, rồi ông trưởng thành trên nhiều cương vị khác nhau của nghiệp cầm bút. Chia sẻ về trại sáng tác lần này, nhà văn Hoàng Dự cho biết: “Trở về với trại viết lần này, tôi như được trở lại chính ngôi nhà xưa của mình. Đó là chất xúc tác giúp tôi hoàn thành tập bản thảo tiểu thuyết “Nước mắt quê hương” viết về những day dứt của cuộc đời người chiến sĩ trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến trường kỳ. Mảnh đất này cũng là cảm hứng để tôi thi triển tiểu thuyết “Nữ tử tù” viết về người nữ chiến sĩ hiên ngang mà anh dũng nơi chiến trường miền Tây Nam Bộ trong những năm tháng khốc liệt”.
Bồi đắp thêm góc nhìn mới về người lính
Trại viết lần này, ngoài những nhà văn kỳ cựu, còn có những cây bút trẻ, lần đầu tham gia trại viết quân đội như: Đào Ngọc Vinh, Lê Minh Nhựt, Trương Chí Hùng. Họ đã mạnh dạn đương đầu với những mảng đề tài về người lính mà lâu nay hoặc chưa viết hoặc chưa dám viết.
Nhà văn Lê Minh Nhựt, Phó chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Cà Mau đã kịp cho ra đời tập bản thảo truyện ngắn “Mây bay chiều cuối Chạp”. Tác phẩm mang đến cho bạn đọc những câu chuyện đậm tư tưởng nhân văn và giá trị cuộc sống. Đó là những câu chuyện của tình đời, tình người, mà ở đó, giá trị phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ luôn là trung tâm của lòng nhân ái, vị tha. "Hiện tại tôi đang dồn tâm huyết để xây dựng thành công đề cương và triển khai viết chương 1 của tiểu thuyết “Bãi bồi”. Đây là tác phẩm kể về công tác bám rừng, giữ biển của các chiến sĩ quân hàm xanh nơi bãi bồi rừng ngập mặn mũi Cà Mau”, nhà văn Lê Minh Nhựt chia sẻ.
Nhà văn Trương Chí Hùng đến với trại viết bằng bản thảo bút ký “Con nước tha hương”. Tập sách mang đậm chất Nam Bộ, đã được anh khắc họa hình ảnh những người chiến sĩ Quân khu 9 vô cùng rõ nét. Chỉ đơn giản là tình quân dân, là những câu chuyện bộ đội giúp dân thu hoạch mùa màng, bộ đội cùng dân tham gia chống dịch Covid-19... nhưng sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về người chiến sĩ thời bình tưởng bình thường nhưng rất đỗi hiên ngang. Cùng với tập bút ký, Trương Chí Hùng đã triển khai tiểu thuyết “Từ K về”, câu chuyện được thông qua lăng kính của người thương binh bộ đội tình nguyện Việt Nam năm xưa để kể về tội ác của bọn diệt chủng Pol Pot ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Trong những năm qua, văn học Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiếu vắng tác phẩm về đề tài người lính và chiến tranh. Vì vậy, việc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân quyết định tổ chức trại sáng tác tại Cần Thơ, hướng đến mục tiêu sáng tác thể loại tiểu thuyết và trường ca đã góp phần đánh thức văn học Cửu Long. Trại viết đã phần nào khỏa lấp sự thừa-thiếu cục bộ của văn học ĐBSCL. Đồng thời, thông qua các tác phẩm của trại viết lần này, nhiều khía cạnh độc đáo của vùng văn hóa sông nước miệt vườn đã được giới thiệu đến độc giả trong cả nước. Điều đặc biệt là, bên cạnh những đề tài người lính và chiến tranh cách mạng vốn dĩ rất quen thuộc ở các trại viết quân đội, các tác phẩm của trại viết lần này còn mở rộng khai thác sâu đề tài về vùng đất, con người ở miệt sông nước Cửu Long. Đó là kết quả của việc đa dạng hóa các đối tượng tham dự trại sáng tác, bao gồm cả những nhà văn xuất thân từ quân ngũ lẫn những nhà văn chưa từng mặc áo lính nhưng đã gắn bó máu thịt lâu dài với vùng văn hóa Tây Nam Bộ.
    |
 |
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân trao bản thảo cho trại sáng tác. |
Đại tá Phạm Văn Trường, Quyền giám đốc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân khẳng định: “Văn học viết về chiến tranh cách mạng là một cánh đồng không bao giờ bạc màu, càng lật xới càng màu mỡ”. Đề tài về “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng” và người chiến sĩ hôm nay vẫn luôn là một chân giá trị, một không gian chứa đựng những trầm tích văn hóa hấp dẫn để các văn nghệ sĩ hăng say lao động và gặt hái những thành công. Sáng tác về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng luôn là thử thách với tất cả người cầm bút, mặc dù đề tài này luôn có sức hấp dẫn đối với độc giả. Ở trại sáng tác tại Cần Thơ lần này, chúng ta còn bắt gặp một cách tiếp cận mới, đó là những nhà văn chưa từng trải qua năm tháng chiến tranh, chưa từng mặc áo lính nhưng say mê sáng tác về đề tài người lính. Đây là một cách lựa chọn đầy táo bạo, đầy cam go nhưng cũng mang đến nhiều điều mới mẻ”.
Sự sáng tạo nào cũng tiềm ẩn rủi ro, nhưng cũng hứa hẹn tín hiệu khả quan. Và kết quả sau hơn hai tuần miệt mài sáng tác, trại đã thu nhận được 16 bản thảo tương đối hoàn chỉnh (trong đó có: 8 tiểu thuyết, 1 trường ca, 5 tập bút ký và truyện ngắn, 2 tập nghiên cứu phê bình văn học) và 5 đề cương tiểu thuyết; trong đó một số đề cương bản thảo tiểu thuyết và trường ca có tính khả thi cao. Với lượng tác phẩm thu về, bên cạnh sự thành công vượt trội với số lượng cũng như chất lượng tác phẩm mà ban tổ chức nhận được, chúng ta còn nhận ra nhiều tín hiệu lạc quan. Có thể, đó sẽ là tiền đề giúp cho đời sống văn học ĐBSCL thực sự cất cánh.
Bài và ảnh: THÚY AN