Đó là quãng thời gian ông cùng đồng đội giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Sau 45 năm, chiến tranh đã lùi về quá khứ, nhưng trong tâm trí ông vẫn đọng lại những kỷ niệm, những tình cảm của nhân dân Campuchia dành cho Bộ đội Cụ Hồ-“đội quân nhà Phật”.
Ông kể: Những ngày cuối năm 1978, quân ta tiến công, phá tan tuyến phòng ngự của địch, lực lượng Khmer Đỏ vỡ từng mảng rút chạy. Được sự chi viện của pháo cấp trên, đơn vị của ông lần lượt đánh chiếm các mục tiêu của địch, rồi tiến sâu vào nội địa Campuchia. Đến chiều 1-1-1979, đơn vị phát triển chiến đấu tới tỉnh Kampong Cham. Mặc dù trong điều kiện chiến tranh nhưng khi tới nơi, mọi người bất ngờ bởi người dân địa phương đã đứng chờ đón bộ đội Việt Nam.
|
|
Đại tá Lã Văn Nho. Ảnh: PHƯƠNG HÀ |
Quân Pol Pot tan rã, bỏ lại nhiều phương tiện ở phía Đông sông Mê Công. Chính quyền Khmer Đỏ các cấp bỏ chạy. Người dân Campuchia mừng rỡ được cởi ách kìm kẹp. Từ các trại tập trung, hàng đoàn người xuôi ngược dắt díu nhau trở về quê.
Kể đến đây, giọng ông trầm xuống. Đưa mắt nhìn ra khoảng không xa xăm, ông nhớ lại: "Khi truy quét tàn quân Pol Pot, trên các trục đường, chúng tôi bắt gặp hàng đoàn người dân Campuchia đói khát, rách rưới dắt díu nhau, nhiều người mệt lả, ngất xỉu. Nhìn họ rất đáng thương. Mặc dù nhiệm vụ truy quét quân Pol Pot cấp bách nhưng đơn vị vẫn dừng lại triển khai công tác cứu giúp, hỗ trợ nhân dân. Do phải cơ động nhanh và trong điều kiện khẩn trương nên lúc đó, mỗi chiến sĩ chỉ mang theo cơ số từ 5 đến 7 ngày lương thực. Mặc dù số lương thực không nhiều nhưng chỉ huy đơn vị vẫn quyết định tổ chức nấu cháo cứu đói cho dân. Khi chúng tôi đưa cháo cho dân, nhiều người đã khóc. Thương nhất là các cụ già, thân gầy xác xơ, tiều tụy, ánh mắt rưng rưng xúc động. Họ nói đấy là bát cháo ấm áp tình người nhất trong cuộc đời họ. Bát cháo mang hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn”.
Sau khi giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, từ 1979 đến 1987, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ tiếp tục ở lại giúp nhân dân xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế, xây dựng quân đội cách mạng Campuchia. Đơn vị của ông đóng quân trên địa bàn huyện vùng sâu Varin của tỉnh Siem Reap. Gắn bó với mảnh đất này, ông cảm nhận được tình cảm đặc biệt của người dân Campuchia dành cho bộ đội Việt Nam. Họ coi bộ đội Việt Nam như người thân ruột thịt. Bộ đội Việt Nam trực tiếp hướng dẫn nhân dân cách thức sản xuất nông nghiệp, đưa các đoàn thương nghiệp vào thu mua nông sản giúp bà con. Rồi còn biết bao công việc không tên khác phục vụ mục đích giúp đời sống người dân tốt hơn; xây dựng, huấn luyện dân quân các phum, khum từng bước trưởng thành, đủ khả năng tự bảo vệ chính quyền và nhân dân.
Một buổi sáng tháng 7-1984, khi đó ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 271, được chính quyền địa phương cho biết, trên địa bàn có người dân tử vong do bệnh dịch tả. Nhận được tin dữ, ông Nho khẩn trương triển khai lực lượng quân y đến giúp đỡ người dân. Đơn vị dành toàn bộ số thuốc hiện có, nỗ lực điều trị cho người dân, vì thế đã kịp thời cứu sống được 16 người. Những ngày sau đó, bộ đội còn giúp dân dọn vệ sinh, hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh... Và còn rất nhiều câu chuyện, việc làm cụ thể mà trong suốt thời gian làm nhiệm vụ trên đất bạn, bộ đội Việt Nam đã thực hiện để giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Năm 1987, ông Nho về nước nhận nhiệm vụ mới. Sau khi nghỉ hưu, ông được bầu giữ chức Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia cựu Quân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội. Qua hơn hai nhiệm kỳ công tác, trên cương vị của mình, ông cùng với Ban Chấp hành Hội nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia như: Tổ chức giao lưu với học sinh Campuchia đang học tập tại các trường quân sự khu vực Hà Nội, hưởng ứng chương trình của Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia “gây mầm hữu nghị” nhận đỡ đầu sinh viên Campuchia học tập tại các trường đại học trên địa bàn Hà Nội...
Em Chhun Sivmey, sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cùng với 3 sinh viên khác đều là người Campuchia được Đại tá Lã Văn Nho nhận đỡ đầu từ những ngày đầu sang Hà Nội nhập học. Chhun Sivmey chia sẻ: “Em hạnh phúc bởi ở Việt Nam em có thêm gia đình thứ hai. Sự hy sinh máu xương và những tình cảm sâu đậm mà bố Nho, cũng như các thế hệ bộ đội Việt Nam dành cho nhân dân Campuchia nói chung, cá nhân em nói riêng, chúng em mãi mãi ghi lòng, tạc dạ. Chúng em luôn tự nhủ sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau khi tốt nghiệp về nước phát huy hết khả năng, không phụ lòng mong đợi của bố Nho và gia đình; đồng thời góp phần nhỏ bé của mình vào việc thắt chặt mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia”.
VĂN TUẤN