Ngôi nhà số 14 nằm yên bình trong ngõ 322 trên đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) có những cây hoa leo phủ kín cổng, quanh năm thoảng đưa hương dịu dàng. Chủ nhân ngôi nhà ấy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Át, có gương mặt và phong thái, đặc biệt là nụ cười, gặp một lần thì nhớ mãi. Trong ngôi nhà ấy, tôi đã bao lần được nghe những câu chuyện thú vị của một nghệ sĩ nhiếp ảnh từng là phóng viên chiến trường.
12 ngày đêm tháng 12-1972, cùng với những tay bút, tay máy của Báo PK-KQ, nhà báo Xuân Át đã trụ lại Hà Nội, xông pha trên những trận địa khói lửa, ghi lại những khoảnh khắc vừa khốc liệt, vừa hào hùng của quân và dân Thủ đô. Ngày 26-12-1972, ban ngày, Xuân Át lăn lộn cùng bộ đội tên lửa ở trận địa Chèm, tối về nhà riêng ở số 60 ngõ Trung Tả, phố Khâm Thiên. Hơn 10 giờ đêm, nghe còi báo động hú vang, đang đứng trước cửa rạp Dân Chủ, theo phản xạ của một phóng viên thời chiến, ông về ngay nhà vác máy ảnh ra trực. Thấy máy bay B-52 bị bắn rơi sáng rực phía Định Công, ông bấm liền hai kiểu. Một trong hai bức ảnh đó là vệt cháy rơi dài của B-52. Tấm ảnh được coi là một tư liệu quý giá chứng minh B-52 bị hạ ngay trên bầu trời Hà Nội.
Năm 1975, Xuân Át mới ngoài 30 tuổi. Tối 27-4, ông vinh dự được có mặt trong đoàn công tác của Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri bay vào Phan Rang. Ở đây, Xuân Át cùng hai nhà báo nữa của Báo PK-KQ là Quốc Khánh và Phùng Đắc Tư cũng có mặt. Họ chứng kiến một không khí làm việc lặng lẽ, bí mật nhưng vô cùng khẩn trương. Các tổ bay đã tập kết, sẵn sàng chờ lệnh.
Khoảng 16 giờ ngày 28-4-1975, các thành phần tập trung trên sân bay để nghe Tư lệnh giao nhiệm vụ. Sân bay dã chiến Phan Rang chiều hôm đó trời không nắng đẹp như mọi hôm. Trước khi phi đội lái A37 mới thu được của địch cất cánh, Xuân Át đề nghị được chụp ảnh tổ bay. Thường ngày, ông vốn rất gần gũi với phi công, lại đã tạo dựng được "thương hiệu" trong nghề cầm máy nên khi nghe ông đề nghị chụp ảnh, các phi công đồng ý ngay. Họ mặc đồ bay, bình tĩnh, tự tin, tay cầm mũ, thanh thản sải những bước dài trên đường băng. Khi ông làm hiệu chuẩn bị bấm máy, ai cũng tươi cười rạng rỡ, làm cho bức ảnh thật sinh động.
Nói về bức ảnh, Xuân Át tự hào, chính những phi công, sau khi ông chụp hình ít phút, trên những chiếc máy bay A37 đã thực hiện sứ mệnh lịch sử to lớn, ném bom phi trường Tân Sơn Nhất, làm hoảng loạn tinh thần địch, góp phần kết thúc chế độ ngụy quyền, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Ông cũng khẳng định: Bức ảnh “Phi đội Quyết thắng” ông chụp trước khi tổ bay cất cánh. Sau khi chụp xong, có giấy và thuốc tráng phim, ông rửa ảnh luôn tại chỗ. Cùng với bài tường thuật trận đánh của nhà báo Phùng Đắc Tư, bức ảnh của ông có mặt kịp thời trên Báo PK-KQ trong những ngày cả nước hân hoan mừng chiến thắng.
Gắn bó với phi công trong nhiều trận đánh, ông đã để lại trong họ sự quý trọng và niềm tin mà ở đời không mấy ai có được. Mới năm vừa rồi, những bức ảnh chụp phi công của Không quân nhân dân Việt Nam được ông tập hợp lại và gửi tham gia xét Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ông cười bảo, nếu được nhận giải thưởng, ông sẽ khao tất cả anh em, bạn bè, đồng nghiệp...
Nhớ dịp 27-7-2021, tôi cùng ông và Đại tá Vũ Quang Huy, nguyên Tổng biên tập Báo PK-KQ về Nghĩa trang Liệt sĩ Nhổn (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) viếng liệt sĩ Nguyễn Quang Ý. Ông bảo, liệt sĩ Quang Ý với ông không chỉ là đồng đội mà còn là nghĩa tình sinh tử. Viếng xong, từ nghĩa trang, chúng tôi về thăm thương binh Dương Đình Giác-một trong 5 người của Cục Chính trị PK-KQ bị thương trong trận bom B-52 năm ấy. Đồng đội cùng sinh tử nơi chiến trường, hai ông cởi lòng với bao kỷ niệm...
Chuyện là, đầu tháng 8-1972, sau chuyến công tác vào chiến trường Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa, nhà báo Xuân Át cùng các đồng đội: Nguyễn Quang Ý (quay phim); Dương Đình Giác, Đặng Chung (họa sĩ) và đồng chí Tiêu-trợ lý chính sách của Phòng Tổ chức được lệnh trở ra Bắc. Đi từ tiền phương của mặt trận B5 ra, đến gần 12 giờ trưa hôm đó thì dừng chân nghỉ lại ở Đội 8, nông trường Quyết Thắng, Quảng Bình. Gặp một chiếc lán giữa rừng cây rậm rạp, mấy anh em mắc võng nghỉ tạm. Vừa chợp mắt thì giật mình bởi tiếng nổ chói tai, rồi âm âm như sấm rền. Lúc tỉnh dậy, trong tình trạng tai ù đặc, mắt mờ đi vì khói bụi, Xuân Át chứng kiến cảnh tượng thật đau thương: Dương Đình Giác bị thương ở tay, máu chảy ròng ròng; Đặng Chung máu đầy mặt; đồng chí Tiêu bị vỡ cả mảng bụng dưới; Nguyễn Quang Ý thì bị thương nơi thái dương và mãi mãi không bao giờ tỉnh lại. Xuân Át là người duy nhất may mắn còn lành lặn sau trận bom B-52 ấy.
Đi qua thời đạn bom, ông tâm niệm, còn sống đến giờ không chỉ là may mắn, mà hơn thế là sự tiếp nối cuộc đời của những đồng đội đã nằm xuống. Ý thức được điều thiêng liêng đó, ông luôn khiêm nhường và nhất mực nhân từ, đôn hậu, trân trọng nghĩa tình. Cũng giống như nhân cách sáng trong của ông, những bức ảnh quý ông chụp trong chiến tranh qua thời gian vẫn tiếp tục trường tồn trong dòng chảy lịch sử bảo vệ Tổ quốc của dân tộc...
HỒNG LINH