Những quyết sách đúng đắn của Đảng
Sự đúng đắn về quyết sách ở đây trước hết là từ cấp cao nhất của Đảng. Và rõ hơn hết là từ cá nhân người đứng đầu. Bác Hồ chính là nhân vật xuất sắc nhất với tài dự báo và sự chỉ dẫn cần thiết cho trận quyết chiến chiến lược. Chiến dịch phòng không cuối tháng 12-1972 diễn ra khi Bác đã qua đời hơn 3 năm, nhưng tinh thần quyết tâm chiến đấu và lời nhắc nhở chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) với B-52 do Người kích hoạt vẫn còn hầm hập nóng. Tinh thần ấy có từ Trung ương Đảng đến cấp ủy các cấp dưới, được truyền cảm hứng như là một lực xung kích cho Quân đội và toàn dân tộc. Dự đoán thế nào rồi Mỹ cũng sẽ dùng B-52 đánh miền Bắc, Bác đã yêu cầu chuẩn bị thật chu đáo cho việc đánh máy bay B-52, trong đó có việc phải tranh thủ được sự viện trợ tên lửa SAM-2 và các chuyên gia quân sự của Liên Xô vì lúc này chỉ có tên lửa SAM-2 mới là vũ khí bắn rơi máy bay B-52 hiệu quả. Theo tinh thần của Bác, bộ đội tên lửa đã được thành lập, ngày đêm luyện tập SSCĐ từ tháng 4-1965, lúc Mỹ bắt đầu cho việc đưa quân thiện chiến của mình cùng một số quân chư hầu vào tham chiến trực tiếp ở miền Nam Việt Nam.
Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, kể cả Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên làm việc với Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), xác định rằng quân chủng này là lực lượng nòng cốt đánh thắng máy bay B-52. Bài học về sự trọn vẹn phẩm chất-năng lực, đức-tài của người đứng đầu lãnh đạo các cấp vẫn luôn tươi rói đối với công cuộc đổi mới hiện nay ở nước ta, nhất là khi cách mạng đứng trước những thử thách lớn, đòi hỏi bản lĩnh và trí tuệ của người lãnh đạo, người chỉ huy phải được nâng lên một tầm cao mới, cao hơn rất nhiều lúc bình thường. Thế lực đế quốc Mỹ và máy bay B-52 không phải là con hổ giấy, nhưng cũng không phải là con ngáo ộp đe dọa, làm nhụt ý chí quyết chiến, quyết thắng của chúng ta, từ người lãnh đạo, chỉ huy đến người dân bình thường. Sự chỉ đạo các mặt chiến đấu, SSCĐ, ngày đêm chăm lo cho sự lớn mạnh của lực lượng và nghĩ suy cho tác chiến chống máy bay chiến lược B-52 của những người lãnh đạo trong và ngoài Quân đội đã để lại bài học quý cho các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam thời kỳ hiện nay. Đau thương, mất mát-có. Anh dũng-có. Nhưng ở đây, quý nhất là tinh thần quật khởi và biết phát huy tài trí đánh giặc của những người lãnh đạo, của quân và dân ta.
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”-tư tưởng đó của Bác chỉ đạo ở mọi nơi, mọi lúc, nhưng thể hiện rõ hơn ở trận quyết chiến, quyết thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, của các lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới.
Phát huy sức mạnh tổng hợp, biết hiệp đồng tác chiến
Đế quốc Mỹ thua trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 cũng như thua trong cuộc xâm lược Việt Nam không phải vì Mỹ kém về xe tăng, máy bay, đại bác, tên lửa... mà thua bởi húc vào sức mạnh tổng hợp, trong đó có sức mạnh từ nền văn hiến hàng nghìn năm lịch sử, sức mạnh từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế do Đảng xây dựng, luôn luôn được củng cố và phát triển. Sức mạnh đó là "muôn năm cũ" nếu xét về lịch sử, nhưng luôn tươi mới nếu biết khơi dậy và phát huy nó. Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là một dấu son, dấu son rất đậm, động viên, khích lệ Đảng, quân và dân ta hiện nay trong công cuộc đổi mới.
|
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân, năm 1972.
Ảnh tư liệu |
Sức mạnh tổng hợp này trước hết từ sự lãnh đạo của Đảng và tiếp ngay đến là sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Kế hoạch tác chiến phòng không chống địch tập kích vào Thủ đô Hà Nội và các địa bàn khác đã được xây dựng một cách toàn diện, chặt chẽ, tỉ mỉ và chính xác. Các đơn vị PK-KQ, đặc biệt là tên lửa, radar chủ động triển khai nghiên cứu cách đánh máy bay B-52. Một số đơn vị được đưa vào Khu 4 trực chiến để đúc rút kinh nghiệm. Cũng như vậy, trong Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, có 4 trung đoàn đã được đưa vào tham chiến cùng các lực lượng phòng không tại chỗ nhằm tìm ra cách đánh B-52 hiệu quả nhất. Phương châm được Quân ủy Trung ương đặt ra là phải hoàn thành công tác chuẩn bị trước ngày Nixon nhậm chức Tổng thống. Cần khẳng định rằng, trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, hệ thống chính trị, trong đó hạt nhân là Đảng, đã thành công trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn quân, toàn dân vào việc chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Đặc biệt, chúng ta đã xây dựng, củng cố và phát triển thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, tạo nên “thiên la địa võng” đối với quân thù. Trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới, đặc biệt là trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khi lực lượng không quân được đem ra sử dụng thì cũng là từ lúc đó, không gian tác chiến của tất cả các phía đều được mở rộng.
Do đó, thực sự đây là một cuộc “đấu trí” giữa các lực lượng sử dụng thế trận khi sử dụng vũ khí. Có khi mặc dù sở hữu vũ khí kém nhưng nếu tạo dựng thế trận tốt thì sẽ tạo được thời-thế-lực mạnh và ngược lại. Bài học từ thế trận của quân và dân ta trong 12 ngày đêm tháng 12-1972 cho thấy rằng, trên cái nền vững chắc của chiến tranh nhân dân, lực lượng chủ lực của ta, mà trực tiếp là Bộ đội PK-KQ, đã được xây dựng vững mạnh trong cái thế vững chắc của thời-thế-lực. Ngoài ra còn có lực lượng phòng không của bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ rộng khắp đánh máy bay địch bay thấp, hoạt động tốp nhỏ lẻ. Đó còn là việc Đảng đã huy động được sức mạnh từ sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tranh thủ được sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, sự phản đối chiến tranh của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, trong đó đặc biệt là nhân dân Mỹ.
Biết nắm chắc và sử dụng nghệ thuật quân sự
Ba tháng trước khi diễn ra cuộc tập kích bằng máy bay B-52 của Mỹ, ta đã xác định nghệ thuật tác chiến để không bị bất ngờ, cả về chiến lược cũng như về chiến dịch và chiến thuật. Tài liệu huấn luyện cách đánh B-52 được kịp thời biên soạn, đưa ra tập huấn cho bộ đội. Trước đó, theo ý kiến chỉ đạo của Bác, chúng ta đã tranh thủ được sự viện trợ tên lửa SAM-2 của Liên Xô. Lực lượng PK-KQ được điều chỉnh ưu tiên bố trí cho các địa bàn trọng yếu; xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng 3 thứ quân; củng cố, triển khai một cách bài bản lực lượng hậu cần phục vụ chiến đấu. Do đó, quân và dân ta đã có được thế chủ động ngay từ đầu và duy trì trong suốt trận quyết chiến. Kỹ thuật tác chiến, do kết quả luyện tập tích cực nên đã phát huy tác dụng tốt. Bộ đội ta đã tìm ra cách cải tiến tên lửa SAM-2, tìm cách đánh phù hợp với điều kiện thực tế, nhận diện được chỗ mạnh, chỗ yếu của địch.
Về mặt quân sự, bài học được rút ra từ cổ xưa và qua 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là biết mình, biết người, nắm chắc tình hình địch, nghiên cứu thấu đáo cả quy luật hoạt động của không quân Mỹ để có phương án tác chiến phù hợp. Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của nghệ thuật sử dụng lực lượng, bài binh bố trận, cơ động tác chiến; chiến thắng của sự phát huy cao độ tiềm năng chiến đấu của lực lượng phòng không 3 thứ quân, tạo nên hệ thống hỏa lực phòng không rộng khắp, tạo nên lưới lửa phòng không dày đặc, nhiều tầng, nấc, hoạt động nhịp nhàng, có thể đánh địch liên tục từ xa đến gần, đánh địch ở mọi tầng cao, đánh từ nhiều phía, đánh trực diện, đánh từ sau, từ bên sườn, đánh ban đêm, ban ngày, gây cho địch lúng túng. Nghệ thuật của quân và dân ta đánh máy bay B-52 đã làm giàu thêm kho tàng nghệ thuật quân sự thế giới, là một điển hình sáng ngời về sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện tác chiến cụ thể của Việt Nam; là sự kế thừa và phát triển truyền thống đánh giặc ngoại xâm của cha ông trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.
Nửa thế kỷ đã qua, vấn đề nghệ thuật quân sự trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” vẫn làm đậm nét thêm tính chủ động, tích cực của lực lượng bảo vệ Tổ quốc, với tinh thần chủ động phát hiện, có những phương án, đối sách với nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa và kiểm soát tốt các nhân tố có thể gây bất lợi đột biến.
Từ bài học của Chiến dịch phòng không cuối tháng 12-1972, yếu tố con người vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu, cho dù hiện nay, nền công nghiệp quốc phòng đã sản xuất ra những vũ khí tối tân, hiện đại. Máy bay chiến lược B-52 hay "bê" gì đi nữa-theo cách nói của Bác-không thể thiếu yếu tố con người sử dụng chúng. Tinh thần đó được mang sang công cuộc đổi mới hiện nay và chắc chắn, sự nghiệp cách mạng nước ta sẽ phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới để giành được những thắng lợi mới.
GS, TS MẠCH QUANG THẮNG