Hơn 9 giờ, tôi có mặt tại thao trường huấn luyện của Đại đội 2, Tiểu đoàn 1. Khi có hiệu lệnh cho bộ đội nghỉ giải lao cũng là lúc Thiếu úy Hồ Sĩ Mạnh, Trung đội trưởng Trung đội 4, tập hợp chiến sĩ ngồi thành vòng tròn để tham gia hoạt động văn nghệ. Với khả năng hát hay, đàn giỏi, Thiếu úy Hồ Sĩ Mạnh đã “khử” hết tất cả mệt nhọc, căng thẳng sau hơn một giờ lăn lộn trên thao trường của bộ đội bằng cách dẫn chương trình rất có hồn. Đặc biệt với chất giọng ngọt như mía lùi của mình, Mạnh đã thể hiện khá hay bài hát “Một mình” của nhạc sĩ Thanh Tùng khiến các chiến sĩ trẻ rất thích thú.
|
|
Giờ giải lao trên thao trường của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Ảnh: TRẦN ĐẠI
|
Mặc dù mới tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1 về đơn vị công tác, nhưng Mạnh đã nhanh chóng được các chiến sĩ yêu mến và tín nhiệm không chỉ trong huấn luyện mà cả trong các hoạt động phong trào, văn nghệ của đơn vị. Mạnh chia sẻ: Học tập tinh thần “7 dám” theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, anh đã chủ động hòa nhập, tích cực nắm bắt đơn vị, mạnh dạn dám nghĩ, dám đề xuất, kiến nghị và đổi mới sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Trong thời gian nghỉ giải lao trên thao trường, bên cạnh việc tổ chức các hoạt động đọc báo, tổ chức các trò chơi như trước đây, Mạnh đã xây dựng các chương trình văn nghệ ngắn, với đạo cụ đơn giản để thực hiện trong giờ nghỉ giải lao ít ỏi. Cách tổ chức của Mạnh khá linh hoạt, không chỉ tập trung hát những bài quy định mà còn tổ chức cho bộ đội tìm hiểu tác giả, hoàn cảnh sáng tác, ra đời tác phẩm, ca sĩ thể hiện thành công ca khúc thông qua chương trình “đố vui có thưởng”.
Thiếu úy Hồ Sĩ Mạnh cũng chú trọng hướng bộ đội đến cảm thụ các bài hát về tình yêu đôi lứa, gia đình, đất nước mà giới trẻ ngoài xã hội ưa thích, như: "Ông bà tôi", "Tình yêu màu hồng", "Tổ quốc gọi tên mình"... Cũng vì lẽ ấy mà các chiến sĩ trẻ luôn mạnh dạn thể hiện những “bài tủ” của mình. Thế là, tiếng đàn guitar bập bùng hòa cùng tiếng hát ngân vang, tiếng vỗ tay rộn ràng bay xa đã xua tan mọi mệt nhọc, căng thẳng sau hơn một tiếng đồng hồ huấn luyện trên thao trường. Tiếng hát trong giờ nghỉ giải lao trên thao trường huấn luyện cũng làm dịu đi cái nắng hanh nồng của những ngày tháng 9. Chiến sĩ Trần Xuân Sang, Tiểu đội 1, Trung đội 4, Đại đội 2, tâm sự: Chúng tôi rất vui khi tham gia hoạt động văn nghệ "cây nhà lá vườn" trên thao trường, khi đó cán bộ, chiến sĩ thật vui vẻ, gần gũi. Hoạt động này giúp chúng tôi thư giãn tinh thần, lấy lại năng lượng để vượt qua vất vả và hăng say huấn luyện để đạt kết quả cao nhất.
Khi trò chuyện cùng Trung tá Đỗ Văn Quản, Chính ủy Trung đoàn 141 chúng tôi thấy rằng, việc tổ chức các hoạt động cổ động, văn hóa, văn nghệ trên thao trường, trong đó có mô hình “Tiếng hát thao trường” là một hoạt động rất bổ ích đối với đời sống tinh thần của bộ đội. Theo anh Quản, hát và được nghe hát là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của bộ đội, cho dù trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ kèm theo các hoạt động giải trí đa dạng thì phong trào “lính ta hát, bộ đội ta nghe” của Trung đoàn vẫn được duy trì và thực hiện rất hiệu quả. Những “bữa tiệc” trên thao trường cũng chính là cách để phong trào ấy được dung dưỡng và làm cho đời sống tinh thần của người lính không bao giờ khô cứng, vơi cạn.
Tiếng hát thao trường của người lính cất lên đã hòa vào nắng gió, xua tan đi những căng thẳng thần kinh, mệt mỏi cơ bắp. Nó giúp cho chiến sĩ hăng say, yêu đời, có tâm lý tích cực để “vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập”. Đó là cơ sở để mỗi cán bộ, chiến sĩ thể hiện trách nhiệm của mình trong nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.
VŨ HÙNG