|
|
"Bộ tứ sông Hồng" và ca sĩ Tùng Dương |
Nhạc sĩ Trần Tiến: “Ai còn nhớ đến mình thì vui ghê gớm!”
Có một khoảng thời gian dài nhạc sĩ Trần Tiến ít xuất hiện trên báo chí. Người nghệ sĩ du ca nổi tiếng một thời bảo rằng ông có tuổi rồi, nên không thích ồn ào. Nhạc sĩ Trần Tiến và vợ của mình-nhà giáo Bích Ngà có hai cô con gái giỏi giang, nhưng đều sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Hai ông bà chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, 8 năm trở lại đây lại tìm nơi “trú ẩn” bình yên ở thành phố biển Vũng Tàu. Thế nhưng nhạc sĩ của “Giấc mơ Chapi” khoe, ông có nhiều “con” lắm, làm việc với các bạn ca sĩ trẻ, ai cũng tranh nhau gọi “bố”, xưng “con”, khi các “con” cần gọi đến mình là xuất hiện để ủng hộ thôi. “Mỗi lần nhận lời làm chương trình hay hoạt động có liên quan đến nghề nghiệp là hăng say lắm, vì họ còn nhớ đến mình, mà ai đó nhớ đến mình thì vui ghê gớm!”-nhạc sĩ Trần Tiến bày tỏ.
Nhạc sĩ Trần Tiến sinh ra ở Sơn Tây, nhưng tuổi thơ của ông gắn với ngôi nhà nhỏ trên phố Hà Nội-số 14 Ngõ Gạch, quận Hoàn Kiếm, sau này là nhà bà ngoại bên phố Hàng Lọng. Nhắc đến Trần Tiến, người yêu nhạc nhớ đến những ca khúc vừa lãng du vừa như khắc khoải trong “Phố nghèo”, “Lữ khách sông Hồng”, “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Ngẫu hứng phố”, “Mẹ tôi”, “Quê nhà”, “Hà Nội những năm 2000” … Sau này lập nghiệp mà ông tiến vào Nam, nhưng mỗi cuộc “trở về” thăm phố cũ, giai điệu vẫn rung lên trong người nhạc sĩ, âm thầm kể về một âm bản màu đen trắng của những ngày xưa thân ái. Nốt trầm đè nốt thăng. Sức sáng tạo không bao giờ ngừng nghỉ trong mạch nguồn viết nhạc của người nghệ sĩ luôn đau đáu với cuộc đời, với sự chuyển mình của Hà Nội, đất nước. Mỗi lần trở về Hà Nội, còn là những phút ngẫu hứng người nhạc sĩ lãng du tìm đếm với “người tình” bún ốc nguội, bánh đúc nộm, phở Cồ, và... những chiều bia hơi vỉa hè cùng bạn bè thuở hàn vi mà như trong lời của một ca khúc đầy suy tư của ông: “Hà Nội cái gì cũng vui, rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè…”.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Mang về Thủ đô cái nắng cái gió Tây Nguyên!
Nhạc sĩ Nguyễn Cường kể vui: “Nhiều người gặp tôi ở bờ hồ Hoàn Kiếm hẳn hoi, lúc đó tôi mặc quần soóc chạy bộ vẫn níu lại hỏi: “Anh ở Tây Nguyên về Hà Nội chơi mấy hôm?””.
Nhìn vẻ phong trần bụi bặm, khỏe khoắn của nhạc sĩ Nguyễn Cường, khó ai biết được chàng trai gốc phố cổ Hà Nội (nhà ông ở phố Hàng Bạc) năm nay đã bước sang tuổi 76. Nguyễn Cường bảo được thừa hưởng sự khỏe khoắn của cha-Nguyễn Quang Hộ, quê gốc huyện Phú Xuyên, từng là phi công của hãng Air France. Gia đình nhà ngoại của nhạc sĩ có 5 đời sống ở Hà Nội, nên đã truyền đến ông cái “chất” Hà Nội “thâm căn cố đế”. Đó chính là lý do mà khi viết ca khúc “Mãi mãi tuổi thơ tôi Hà Nội”, Nguyễn Cường đã phải nghiền ngẫm suốt 10 năm ròng, với ông, vì quá hiểu Hà Nội, nên khi viết phải cẩn trọng. Theo Nguyễn Cường, nếu định nghĩa bằng âm nhạc thì Hà Nội là quan họ, là hip-hop, rock, dân ca Tây Nguyên, là chèo, là xẩm, là cải lương… đã được hòa trộn và lọc qua một tấm phin. Chính vì Hà Nội có bản lĩnh tinh hoa, thì mới đủ cường tráng để hợp duyên với văn hóa các vùng miền khác. Hà Nội là một “khí nhạc”.
“Nhiều người cũng hỏi tôi: Tại sao anh lại đến Tây Nguyên? Câu trả lời đơn giản thôi: Vì tôi là người Hà Nội! Không phải tôi đến với Tây Nguyên chỉ bằng mấy câu nhạc vàng, quan họ, nhạc đỏ, nhạc tiền chiến… mà tôi đến Tây Nguyên cả với Bach, Mozart, Betthoven, nhạc Jazz, Disco… ở sau lưng. Tôi mang theo nỗi khát vọng của tuổi trẻ cùng một tình yêu thật lòng. Cả Hà Nội trong tôi cùng đến với Tây Nguyên. Tây Nguyên là một người tình đầy mê đắm. “Nàng” quyến rũ tôi bởi những huyền thoại và cỏ dại, và tôi đã theo “nàng” bằng cả thời trai trẻ-mối tình si ấy đã đằng đẵng hơn 30 năm nay. Tôi có Hà Nội là miền thực, Tây Nguyên là miền mơ-liệu mấy ai có “gia tài” ấy như tôi”-nhạc sĩ chia sẻ.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Người vác tù và hàng tổng”
“Đi với Nguyễn Cường, tôi học tính nghịch của anh ấy. Có kỷ niệm vui thế này, một lần cùng Nguyễn Cường đi xe ở Hàng Ngang, Hàng Đào thì có cô đâm xe vào xe Nguyễn Cường. Anh liền bảo: “Đừng có thấy bọn anh đẹp trai rồi giả vờ đâm vào xe nhé!”. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết. Thực ra ban đầu cả 4 ông đều không có ý thức sẽ chơi với nhau, vì không hợp “cạ”. Có một lần tình cờ được nhà thơ-nhạc sĩ-nhà báo Thụy Kha hẹn cả 4 lên Hồ Tây, trò chuyện, rồi chụp ảnh. Ban đầu gọi là “tứ quái”, sau này mọi người quen gọi là “Bộ tứ sông Hồng”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm Giáp Thân 1944, là cháu của nhà yêu nước Phó Đức Chính. Phó Đức Phương được nuôi dưỡng trong dòng tộc họ Phó vẻ vang đó. Năm 18 tuổi, ông đã thi đỗ vào Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đó là sự trưởng thành cực kỳ suôn sẻ của một thanh niên Hà Nội. Thế nhưng đam mê âm nhạc, khao khát dâng hiến hết mình cho âm nhạc đã đẩy Phó Đức Phương tới một quyết định độc đáo và táo bạo. Năm 1965, giữa lúc gần tốt nghiệp đại học sư phạm, ông xin thôi học với lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn và trở thành nông trường viên thuộc Nông trường Cửu Long (tỉnh Hòa Bình). Mang thêm trong mình một phần đời một nông trường viên, giữa năm 1966, Phó Đức Phương trở về thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam. Từ đó về sau, biết bao ca khúc trữ tình ngọt ngào, sâu lắng của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã ra đời.
Khán giả yêu thích các tác phẩm của ông thuộc mọi thế hệ, lứa tuổi, mọi tầng lớp, vì chúng không chỉ mang giai điệu đẹp, lời ca hay mà còn những ý nghĩa gắn liền với thời cuộc của đất nước, của cuộc sống người dân Việt Nam. Phó Đức Phương là nhạc sĩ luôn tìm tòi, khai thác những tinh hoa trong âm nhạc dân gian của các vùng miền để đưa vào tác phẩm, đặc biệt là văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ như: “Những cô gái quan họ”, “Hồ trên núi”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Về quê”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Vũ khúc con cò”, “Không thể và có thể” ... Có người ví ca khúc của ông như luồng gió mát rượi lùa qua trưa hè nóng bức...
Hơn chục năm qua, khó có thể tưởng tượng một nhạc sĩ tài danh, nổi tiếng hiền lành, thay vì ngồi bên cây đàn và bản nhạc, lại chuyển sang soạn thảo hàng trăm đơn thư, kiến nghị, lóc cóc gõ cửa đủ các cấp ban ngành… để đòi bản quyền cho các tác giả âm nhạc. Bị chê “ú ớ” nhất trong “tứ quái Hà Nội”, sau hơn 10 năm “vác tù và hàng tổng” đến tháng 2 vừa qua, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã chính thức xin thôi chức Giám đốc Trung tâm bản quyền âm nhạc Việt Nam. Thế nhưng ông vẫn còn day dứt lắm, bởi chưa thể đòi hết quyền lợi cho những người sáng tác.
Nhạc sĩ Dương Thụ: "Giáo sư" bình dị, chân thành
“Nhiều người nói nhạc của tôi tầm thường, nhưng chơi với 3 ông “nổi tiếng” thế nên tự dưng nó sang lên. Tôi chưa từng ghen tị gì mà thấy rất hạnh phúc”-nhạc sĩ của những bản tình ca sâu lắng-Dương Thụ chia sẻ.
Trong gần nửa thế kỷ sáng tác, nhạc sĩ Dương Thụ có hơn 100 ca khúc được công bố. Có những bài hát rất nổi tiếng, được hàng triệu người nghe yêu thích và là “hit” một thời làm nên tên tuổi của các “diva” Việt như: Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà. Dương Thụ được giới nghệ thuật phong là “Giáo sư”, bởi ông không chỉ viết nhạc mà còn hoạt động trong các lĩnh vực khác như: Sản xuất âm nhạc (album và các chương trình trên sân khấu), viết báo, nói chuyện về nghệ thuật và viết phê bình nghệ thuật. 7 năm qua, nhạc sĩ Dương Thụ hợp tác với Trung Nguyên để thành lập hệ thống quán cà phê văn hóa tên là Cà Phê Thứ Bảy, giới thiệu tới công chúng những tác phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới đồng thời trò chuyện, luận bàn về nghệ thuật gắn với nhân tình thế thái...
Dương Thụ sinh năm 1943 tại Ứng Hòa, thuộc gia tộc họ Dương danh giá có hai cụ cố đỗ tiến sĩ triều Nguyễn là Dương Khuê và Dương Lâm. Với Dương Thụ: “Tôi yêu Hà Nội vỉa hè. Tôi thích được sà vào hàng nước, uống nước trà, nói chuyện với những người bán nước, bán hoa quả. Hà Nội cứ tự nhiên vào trong tôi như thế. Tôi không có cái hào hoa của người Hà Nội mà có chút chân thành, bình dị của người lao động”.
Liveshow “Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng” sẽ diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội) vào tối 5 và 6-6 tới. Tùng Dương hát “Bộ tứ sông Hồng”, cũng có nghĩa đối thoại với 4 cá tính, 4 chân dung nhạc sĩ đình đám của âm nhạc đương đại Việt Nam.
Tùng Dương chia sẻ, hát nhạc của “Bộ tứ sông Hồng” là giấc mơ không chỉ của riêng anh, nhưng anh may mắn vì đã chạm được vào giấc mơ đó. Bốn nhạc sĩ cũng có thể gọi họ là “tráng sĩ sông Hồng”, bằng cá tính riêng mạnh mẽ và tâm hồn lộng gió của mình, đã gom hết gió mây tạc nên bức chân dung toàn cảnh không thể đẹp hơn về mảnh đất thiêng châu thổ sông Hồng mà họ được sinh ra và mãi mãi thuộc về. Cả bốn người, dù cùng đi qua và trải nếm những hệ lụy, cú sốc của chiến tranh, hậu chiến, rồi những năm tháng khó khăn của thời bao cấp, những thách thức của thời kinh tế thị trường… Nhưng kỳ lạ sao trong âm nhạc của họ, ta chỉ thấy những niềm vui phơi phới của những cánh buồm căng gió, của những cái ngẩng đầu. Hoặc nếu có buồn, thì cũng đều là những nỗi buồn thật đẹp, thoát tục, chứ chưa bao giờ bế tắc bi lụy, vụn vỡ hay bất mãn
|
Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN