Tính đến tháng 9-2021, toàn quân đã có gần hai năm thực hiện thí điểm và 6 năm triển khai theo Nghị định số 70/2015/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm y tế (BHYT) đối với quân nhân tại ngũ. Nhìn lại những năm tháng đã qua, những ngày đầu gian nan, để có được thành quả như ngày hôm nay-BHYT quân nhân đã khẳng định vị trí không thể thiếu cho chính sách bảo đảm an sinh trong quân đội, tôi lại khôn nguôi nhớ về hình ảnh một người chỉ huy, một người thầy đã nhiều năm luôn quan tâm, theo dõi bám sát từng bước đi của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Bộ Quốc phòng, người từng mang nhiều trăn trở để có một quyết định đánh dấu bước ngoặt cả về tư duy, nhận thức, cả về phương thức quản lý, tổ chức thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho bộ đội bằng chế độ BHYT. Đó là Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Cuối năm 2010, để có căn cứ thực tiễn xem xét, đề xuất việc bộ đội tại ngũ có nên tham gia BHYT hay không, sau khi báo cáo kế hoạch và được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt, Ban giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn công tác của 7 bộ, ngành đi nghiên cứu, khảo sát thực trạng việc khám bệnh, chữa bệnh cho bộ đội ở 3 vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Qua 3 đoàn công tác đó, chúng tôi hiểu thêm nhiều về tình hình chăm sóc sức khỏe bộ đội nơi vùng sâu, vùng xa, xa các bệnh viện quân đội; cũng hiểu thêm thực tế hệ thống bệnh xá quân y tham gia khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân ở vùng sâu, hiểu thêm về tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y. Nhiều nơi bộ đội đóng quân cách xa bệnh viện quân y đến 500-600km, đường đi hiểm trở, nên nếu bị thương, bị tai nạn trong khi làm nhiệm vụ ở mức nguy hiểm đến tính mạng thì không thể kịp về đến bệnh viện quân y; mà vào bệnh viện đa khoa khu vực của y tế nhà nước thì không có thẻ BHYT, hoặc không có đủ tiền điều trị. Mặt khác, ngay tại Hà Nội, quân đội tuy đã có nhiều bệnh viện lớn, nhưng cũng còn một số chuyên khoa chưa được chuyên sâu như các bệnh viện nhà nước trên cùng địa bàn... Qua gặp gỡ, trao đổi, cán bộ các bộ, ngành cùng đi thêm hiểu về bộ đội, về hệ thống quân y của chúng ta và từ đó thêm chia sẻ, ủng hộ, đồng cảm.

leftcenterrightdel

Đại tướng Phùng Quang Thanh kiểm tra bể nước ngọt ở Trường Sa (năm 2014).  Ảnh: ĐOÀN HOÀI TRUNG 

Sau đợt công tác này, được sự động viên, khích lệ của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, trong tôi càng tăng thêm quyết tâm nghiên cứu về việc bộ đội nên tham gia BHYT, để việc khám bệnh, chữa bệnh cho bộ đội được tốt hơn, kịp thời hơn, và trong nhiều trường hợp sẽ cứu được tính mạng của anh chị em. Thời gian đó, cơ quan BHXH Bộ Quốc phòng mới thành lập (tháng 5-2008), phát sinh muôn vàn công việc, nhiều khó khăn cả về nhận thức, tư duy, cả về tổ chức thực hiện và sự phối hợp, ủng hộ giữa các cơ quan chức năng trong quân đội và với đơn vị. Tất cả những việc mới về chuyên môn, nghiệp vụ chúng tôi luôn chủ động nghiên cứu, đề xuất, trao đổi với các cơ quan, với đơn vị làm thí điểm rồi mới báo cáo thủ trưởng Tổng cục Chính trị, thủ trưởng Bộ Quốc phòng. Dù cho rất quyết liệt, khẩn trương trong công việc, nhưng chúng tôi cũng rất thận trọng. Triển khai các việc mới, chúng tôi đều báo cáo bộ cho phép làm thí điểm để kịp thời rút kinh nghiệm, rồi mới tiến hành đại trà, đỡ phải "trả giá". Việc quân nhân tham gia BHYT là một ví dụ.

Cuối tháng 10-2012, BHXH Bộ Quốc phòng báo cáo Thường vụ Quân ủy Trung ương "Đề án thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân tại ngũ theo hình thức BHYT". Đề án đề xuất thí điểm đối với bộ đội thuộc Quân chủng Hải quân và Bộ đội Biên phòng. Bởi quân nhân thuộc hai lực lượng đó đại đa số là ở ven biển hoặc biên giới, hải đảo, vùng sâu, xa các bệnh viện quân đội, nên nếu thí điểm thành công thì việc triển khai đại trà sẽ rất thuận lợi. Tại hội nghị, nhiều ý kiến chưa ủng hộ đề án này, với lý do là khám bệnh, chữa bệnh cho bộ đội tại ngũ đã thành nếp gần 70 năm qua, hiện nay là tốt! Riêng đồng chí Cục trưởng Cục Quân y-Thiếu tướng Vũ Quốc Bình hoàn toàn ủng hộ. Anh nói rõ: "Đó là xu thế tất yếu, bộ đội sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn trong mọi hoàn cảnh; và thực tế là nhiều bệnh viện lớn của quân đội đang có khoảng cách về chuyên môn so với các bệnh viện chuyên khoa bên ngoài. Quân đội nhiều nước tiên tiến trên thế giới cũng thực hiện BHYT đối với quân nhân. Đương nhiên, ngân sách dành cho đặc thù của quân y thì không thay đổi". Cục Cán bộ đề xuất là nếu triển khai đề án này thì bổ sung thêm đơn vị tham gia thí điểm là Học viện Quốc phòng (đóng tại Hà Nội).

Cuộc họp khá căng thẳng. Lúc đó, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì hội nghị nói: "Thôi, bây giờ cô Thủy nói thật tóm tắt là nếu quân nhân tại ngũ tham gia BHYT thì được gì, mất gì. Nếu được nhiều hơn thì khó mấy cũng phải làm, nghĩa là làm tốt, làm lợi cho bộ đội, cho quân đội; còn nếu mất nhiều hơn thì tạm thời chưa tính đến vấn đề này". Được Bộ trưởng khuyến khích, tôi có thêm tự tin, trình bày những cái được, như: Khắc phục tình trạng quân nhân tại ngũ đi viện, nằm ngay trong bệnh viện quân y, mà chi phí bình quân về thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế đối với quân nhân tại ngũ lại thấp hơn người bệnh là dân thường tham gia BHYT (điều này rất ít người biết); quân đội sẽ có một nguồn quỹ BHYT lớn, dành riêng cho việc khám, chữa bệnh, và nếu sử dụng hợp lý, phần kết dư sẽ để mua sắm trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng hệ thống quân y, đặc biệt là ở cơ sở (tất nhiên là ngân sách quốc phòng chi cho các nội dung khác của quân y vẫn như trước). Hơn nữa, hệ thống quân y ở cơ sở tham gia khám, chữa bệnh BHYT cho quân nhân, cho nhân dân sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng cuộc sống của đội ngũ thầy thuốc, giảm "chảy máu chất xám" trong ngành quân y, làm cho anh chị em gắn bó với đơn vị, yên tâm phục vụ quân đội lâu dài; hệ thống quân y sẽ mở rộng mối quan hệ chuyên môn với y tế dân sự.

Trước vấn đề mới mẻ, Thường vụ Quân ủy Trung ương thảo luận rất kỹ, tất nhiên là có những tranh luận. Sau cùng, Bộ trưởng kết luận: "Vấn đề này quá mới, nhưng chúng ta cứ mạnh dạn làm thí điểm. Nếu không có cái mới thì sẽ không có sự phát triển. Cái mới bao giờ cũng khó đạt được đồng thuận ngay lập tức. Như chuyện ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ngày xưa đề ra "khoán chui" mà chúng ta đã biết. Cho nên, nay ta cứ làm, sai đâu sửa đó, thiếu đâu bổ sung đó. Giao BHXH Bộ Quốc phòng chủ trì triển khai, báo cáo đề xuất kịp thời với bộ các vấn đề khó khăn cần tháo gỡ, chủ động phối hợp với hệ thống BHXH Việt Nam và ngành y tế; các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục Quân y phối hợp chặt chẽ, giúp BHXH Bộ Quốc phòng và các đơn vị thí điểm thành công".

Về sau, những kinh nghiệm về chính sách, về phương thức quản lý, tổ chức thực hiện "Đề án thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân tại ngũ theo hình thức BHYT" là cơ sở thực tiễn rất quan trọng để đến năm 2014 Quốc hội sửa Luật BHYT, bổ sung đối tượng là quân nhân tại ngũ, và năm 2015, Chính phủ xây dựng nghị định riêng về BHYT đối với quân nhân, công an nhân dân, có sự ưu đãi riêng biệt mà trong suốt 70 năm quân đội chưa bao giờ có được. Điều này vừa phù hợp với Hiến pháp sửa đổi năm 2013 (BHYT toàn dân), vừa phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước về đãi ngộ đối với lực lượng vũ trang, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của chính quân nhân về việc chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng quân đội.

Riêng với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, sau khi nghỉ công tác, lần nào tôi đến thăm, anh cũng nói về việc vẫn theo dõi BHYT quân nhân và cho biết: "Các bệnh viện quân y và lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cũng như bộ đội phản hồi rất tốt, đánh giá cao chính sách BHYT đối với quân nhân tại ngũ". Anh cũng nhắc nhở, nghe nói bây giờ các bệnh viện quân y cũng tự chủ về tài chính, việc này cần làm đúng pháp luật để không ảnh hưởng tới chính sách BHYT quân nhân.

Trong các buổi làm việc với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, bao giờ tôi cũng thấy Bộ trưởng có nhiều bút nhiều màu, với cuốn sổ to, hỏi, nghe, ghi chép cụ thể, tỉ mỉ, luôn luôn là "tại sao, như thế nào, để làm gì, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, có cần sự hỗ trợ, giúp đỡ gì...", và Bộ trưởng là người có trí nhớ tuyệt vời. Cứ mỗi lần rời phòng họp hoặc phòng làm việc của Bộ trưởng, tôi đều có cảm giác mình được động viên, khích lệ, được "lớn lên", nâng tầm hiểu biết hơn, và đặc biệt là trách nhiệm hơn, quyết tâm hơn rất nhiều trong công việc, mong muốn được cống hiến cho quân đội, cho bộ đội nhiều hơn nữa, bởi tầm hiểu biết bao quát, bởi phong cách làm việc cẩn thận, bởi sự điềm đạm, tôn trọng lắng nghe-nhất là các vấn đề mới.

Đại tướng Phùng Quang Thanh là người thầy của tôi, một người thầy bao dung, rộng lượng và nhân ái!

Hà Nội, ngày 11-9-2021

Thiếu tướng HỒ THỦY - Nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng