Trước năm 1945, nước ta là xứ nô lệ, dân ta “một cổ hai tròng”, nhờ Đảng làm cách mạng, nước ta độc lập, dân ta tự do. Xét đến cùng, trên đời này có gì đẹp hơn, quý hơn, thiêng liêng hơn tự do, độc lập. Thế nên lời bài hát “Đảng là cuộc sống của tôi” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn không chỉ nói hộ hàng triệu trái tim về một chân lý nghệ thuật mà còn là một nguyên lý cuộc đời, rộng rãi, phổ quát: “Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin/ Giữa biển khơi biết đâu là bờ/ Bầu trời xanh chưa thấy bao giờ...”.

 Là lĩnh vực của tư tưởng, tình cảm, cảm xúc nên trong văn chương, tìm được đối tượng xứng đáng để viết phần nào đã cho thấy trước hiệu quả nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết tác phẩm thơ, nhạc viết về Đảng và Bác Hồ thường thành công bởi đối tượng nghệ thuật có sức chinh phục, thuyết phục lớn. Có một thực tế, trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, trên chiến hào, có khi phút giây căng thẳng nhất lại là thời điểm thiêng liêng nhất: Lễ kết nạp đảng viên. Có trường hợp rất cảm động, một đảng viên đọc xong lời tuyên thệ thì cũng nói lời vĩnh biệt đồng chí! Những chi tiết ấy đi vào nhiều tác phẩm văn xuôi tạo nên sức lay động lớn về sự xả thân vì lý tưởng, về sự cống hiến tuyệt đối vì dân, vì nước. Ở lĩnh vực thơ không thể không nhắc đến “Kết nạp Đảng trên quê mẹ” của Chế Lan Viên. Tháng 7-1949, nhà thơ được đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay chính trên quê hương Quảng Trị khói lửa. Ra đời đã 75 năm, mà nay (2024) đọc lại vẫn thấy như mới, vì cảm xúc có bao giờ cũ đâu:

      "Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác

      Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt

      Đá sỏi cây cằn sao bỗng thấy thiêng liêng?

      Giọng nói quen nghe, màu đất quen nhìn

      Bỗng chan chứa trăm điều chưa nói hết!"...

Là một trí thức lớn, là nhà triết học nhưng trước đó là người dân mất nước nên khi được kết nạp Đảng, Chế Lan Viên thấy rất đỗi thiêng liêng: "Tôi đứng trước Đảng kỳ, rưng mắt lệ/ Phút mơ ước, sao thiếu hình bóng mẹ?.../ Mẹ ơi! Mẹ không là đồng chí/ Nhưng Đảng kỳ đây chính là của mẹ". Với bất kỳ ai, còn gì thiêng liêng hơn mẹ mình đâu. Nhà thơ cũng thế. Cái khác ở đây là nhà thơ-người đảng viên ấy đã coi Đảng cũng như là người mẹ sinh ra mình!

leftcenterrightdel

Chương trình nghệ thuật tại lễ công bố và trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm Vàng) lần thứ VII - năm 2022.  Ảnh: VIỆT TRUNG

Thơ hay nhờ cảm xúc chân thành, mãnh liệt. Những vần thơ trên của Chế Lan Viên sẽ chạm khắc thêm vào tượng đài Đảng ta những lời chân thật tận đáy lòng, để mãi mãi những lớp đảng viên sau thấm thía lời tâm huyết về Đảng.

Với nhà thơ Việt Phương thì đêm nào cũng là thời khắc kết nạp Đảng. Vì không chỉ là sống cùng giây phút thiêng mà còn là lúc kiểm điểm để nghiêm khắc hơn, xem mình đã làm gì xứng đáng với danh hiệu người cộng sản: "Cứ đêm đêm, ta lại xét kết nạp ta vào Đảng/ Thời gian nâng đòi hỏi mãi cao thêm/ Đến trọn đời, từng giờ là cộng sản/ Những nỗi đau ta cũng sáng búa liềm" ("Tâm sự đảng viên").

Thơ hay còn là nhờ sức chinh phục của hình tượng. Còn gì thuyết phục hơn khi mà niềm vui, nỗi đau của một đảng viên cũng trong sáng đến tuyệt đối vì một lý tưởng Đảng cống hiến trọn vẹn cho đất nước, cho nhân dân mình!

Vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (1960), nhà thơ lão thành Khương Hữu Dụng viết bài thơ “Những tiếng thân yêu”, coi tiếng Đảng là một trong những tiếng nói thân yêu nhất: "Bước lên đường cách mạng/ Trong những tiếng thân yêu/ Đã thêm vào tiếng Đảng"... Lời thơ giản dị, dung dị đến tận cùng, “thật thà như đếm” nhưng lại nói được nhiều nhất về Đảng với sự gần gũi, tin yêu, thân thiết như ruột thịt. Thì ra làm thơ không phải là nói to lên mà có khi chỉ là ngôn từ của sự thành thật, của sự giãi bày. Nhưng phải là sự thành thật, giãi bày của con tim...

Ở mảng văn xuôi, chỉ xin chứng minh qua một vài tác phẩm của nhà văn Anh Đức viết về miền Nam “đi trước về sau” trong những thời điểm nóng bỏng, khó khăn nhất. Khó ai quên được hình tượng nhân vật chị Lộc (truyện “Con chị Lộc”), chị Sứ (tiểu thuyết “Hòn Đất”), không chỉ ở phẩm chất kiên trung, bất khuất mà còn ở những suy nghĩ về Đảng, về cách mạng. Sau mỗi lần bị giặc tra tấn chết đi sống lại, chị Lộc chỉ tâm niệm hai điều: Thứ nhất, xem mình có nói gì hại cho cách mạng không; thứ hai, nghe xem cái thai có bị sao không. Khi bị địch bắt, cầm chắc sẽ hy sinh nhưng chị Sứ không nghĩ gì cho mình mà chỉ tự nhủ làm sao giữ mãi lòng trung kiên với Đảng, không làm gì xấu để hại thanh danh người cách mạng. Nhân vật ông Tám (truyện “Đất”) trước khi chết đã khấn trước bàn thờ thiêng: “Thưa ông bà, cha mẹ; thưa các hương hồn liệt sĩ! Nhà cửa, đất đai đây là của ông bà, cha mẹ và cách mạng đã tạo lập cho con... Con không thể phụ bạc công ơn cha mẹ và cách mạng. Vậy con xin chết...”. Những hình tượng ấy, hơn cả những tấm gương, là những vì sao trên bầu trời văn hóa chỉ lối cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu hơn về sứ mệnh cách mạng lớn lao của Đảng mà vững tin đi trên con đường Đảng đã vạch ra!

Đảng cho ta lý tưởng, lẽ sống, niềm tin. Đảng còn cho ta tầm cao để hiểu thêm về hôm qua, hôm nay; để sống sao cho xứng đáng với đất nước, tổ tiên. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã nói về điều ấy một cách thành thật: Ta bỗng thấy tắm mình trong ánh sáng/ Đảng nâng ta lên tầm cao của Đảng/ Cho ta nhìn thấu suốt bốn nghìn năm/ Từ quê mình nhìn muôn dặm xa xăm/ Cho ta nghe tiếng đất trời sông núi/ Tiếng sự sống như thác ghềnh dữ dội ("Ngọn bút này").

Đảng đưa lại cơm no, áo ấm cho mọi người, hạnh phúc cho dân tộc. Nhà thơ Tạ Hữu Yên nói điều ấy bằng thơ lục bát nhuần nhị, gần gũi: "Đảng là lúa cho mùa no/ Đồng quê bay bổng cánh cò ca dao/ ... Đảng là của bạn, của tôi/ Trong veo phẩm chất, sáng ngời thanh danh" ("Nghĩ về Đảng")... Đảng cho ta trái tim biết yêu thương, cho ta tư thế của người dân độc lập, tự chủ. Điều này được Tố Hữu nói thật lãng mạn, say sưa: "Đảng cho ta trái tim giàu/ Thẳng lưng mà bước ngẩng đầu mà bay" ("Bài ca mùa xuân 1961")...

Hầu hết bài hát về Đảng thường đi theo điệu thức trưởng (major scale) để tạo âm hưởng tươi sáng, lạc quan; bên thơ cũng tương tự, thường chọn những biểu tượng ấm nóng, tươi tắn, là bình minh, nắng hạ, mặt trời, là vầng thái dương... Đó là những biểu tượng phát sáng, tỏa ấm: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ... (Tố Hữu); Trời quang, mây tạnh, ánh dương hồng... (Sóng Hồng)... Nhờ sự gặp gỡ, tương ứng này mà thơ thêm giàu chất nhạc, nhạc lại được nâng thêm cánh bởi sự bay bổng, lãng mạn của chất thơ. Có trường hợp bài thơ đã đủ tư cách một nhạc phẩm và ngược lại, như tác phẩm “Màu cờ tôi yêu” của Phạm Tuyên: "Hồng như màu của bình minh/ Đỏ như màu máu của mình, tim ơi!/ Búa liềm vàng rực giữa trời/ Là niềm hy vọng chói ngời tim ta. Hay trong một bài thơ của Hải Như: Như hoa hướng dương/ Hướng về mặt trời/ Nguyện đi theo Đảng/ Đời đời theo Đảng"...

Viết về Đảng hôm nay thường được biểu hiện trong văn xuôi hoặc “văn xuôi hóa” trong thơ. Bởi chất văn xuôi phù hợp hơn với đời sống có nhiều dòng chảy đa dạng, phong phú, trí tuệ và cũng đầy sự ngổn ngang, phồn tạp. Cũng vì thế mà xu hướng viết về phẩm chất người đảng viên được ưu tiên như một cách khẳng định văn hóa Đảng luôn tỏa sáng trong các hình mẫu người chiến sĩ cộng sản tiên phong, mẫu mực. Tiểu thuyết “Hừng Đông” của Nguyễn Thế Kỷ tái hiện sinh động nhà cách mạng Phan Đăng Lưu (1902-1941) không chỉ là một đảng viên trung kiên, có năng lực tổ chức trong hoạt động mà còn là một con người nhân ái, tâm lý, chí tình trong mối quan hệ với gia đình, quê hương, đồng bào, đồng chí. Tiểu thuyết “Người Công giáo cộng sản” của Trần Việt Trung dựng lại chân dung đồng chí Trần Tử Bình (1907-1967) theo nguyên tắc soi chiếu từ nhiều môi trường đặc thù, vùng quê (Hà Nam), nơi hoạt động (vùng Công giáo Hà Đông; vùng cao su Phú Riềng); chốn tù đày (Côn Đảo); nhiều nhiệm vụ: Bí thư chi bộ, bí thư huyện ủy, giáo viên rồi chỉ huy quân sự... để làm nổi bật một chân dung người cộng sản tiêu biểu.

Như vậy, văn học đã điêu khắc tượng đài Đảng bằng ngôn ngữ của tình yêu thương, của sự tôn nghiêm thành kính, của sự lắng đọng biết ơn để hình tượng Đảng ngày thêm rực rỡ tỏa sáng-một thứ ánh sáng văn hóa nhân văn nhất, cách mạng nhất, xua đi bóng tối, dù yếu ớt nhưng còn ngoan cố, dai dẳng của chủ nghĩa cá nhân phản văn hóa.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ