Đó là 4 câu thơ trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa” của nhà thơ Tố Hữu sáng tác năm 1973. Nhân vật “em gái” được tác giả chú giải chính là nữ tay súng tự vệ Phạm Thị Viễn, công nhân thợ nguội Nhà máy Cơ khí Mai Động (Hà Nội). Trong Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, mặc dù bố bị bom vùi lấp nhưng bà đã nén đau thương, ngày đêm bám trận địa trực chiến bảo vệ bầu trời Thủ đô.
Trong những ngày cả nước ta hướng tới kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (1972-2022), chúng tôi gặp lại nữ tự vệ đã đi vào thơ ca ấy tại nhà riêng ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Ngôi nhà bà đang ở hiện nay là một phần đất trong mảnh vườn ngày xưa của bố mẹ để lại. Mảnh đất này cũng là nơi có căn hầm mà người bố kính yêu của bà cùng hai người anh họ trú ẩn bị bom Mỹ đánh sập. Phòng khách căn nhà hiện treo rất nhiều ảnh kỷ niệm thời trẻ của bà Viễn cùng anh chị em tự vệ trực chiến bên khẩu súng 14,5mm. Trong đó có bức ảnh đã đi vào lịch sử do phóng viên ảnh chiến trường Văn Bảo chụp nữ tự vệ Phạm Thị Viễn với chiếc khăn tang trên đầu ngày đêm không rời trận địa trong những ngày cao điểm bảo vệ Thủ đô cuối tháng 12-1972.
Cầm bức ảnh giới thiệu cho chúng tôi, người phụ nữ có đôi mắt cương nghị của thời trẻ ấy như chùng xuống. Bà rơm rớm nước mắt: “50 năm đã trôi qua nhưng tất cả ký ức về sự kiện Hà Nội 12 ngày đêm tháng 12-1972 còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Đó là những ngày tôi không bao giờ quên, trong tôi có cả niềm hạnh phúc lẫn nỗi đau tột cùng của người con bị mất cả bố lẫn mẹ... Bố tôi mất ngày 26-12-1972. Còn mẹ cũng mất trước đó 5 năm bởi bom Mỹ khi các em tôi còn rất nhỏ"...
    |
 |
Bức ảnh nổi tiếng của nhà nhiếp ảnh Văn Bảo chụp bà Phạm Thị Viễn đeo khăn tang trực chiến năm 1972. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Trở lại quãng thời gian Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc và Thủ đô Hà Nội năm 1972, bà Phạm Thị Viễn khi ấy mới 22 tuổi, được tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ tự vệ của Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Cơ khí Lương Yên và Xí nghiệp Gỗ 42 trực chiến với 5 khẩu súng máy 14,5mm đặt tại cánh đồng Vân Đồn (gần khu vực cửa khẩu Vân Đồn, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội ngày nay). Cao điểm 12 ngày đêm (năm 1972), trung đội tự vệ của bà trực suốt không nghỉ. Họ mang gạo từ nhà ra trận địa nấu ăn và làm nhiệm vụ. Ban ngày luyện tập sẵn sàng chiến đấu, vừa tranh thủ tăng gia sản xuất để cải thiện, ban đêm họ thay phiên nhau trực theo kíp, số còn lại thì đi tiếp đạn cho đơn vị pháo 100mm, thỉnh thoảng còn tham gia cứu thương, cứu sập hầm... Những ngày trực chiến rất vất vả, nhất là những hôm trời mưa, đường sá lầy lội, đồng ruộng bùn đất nhão nhoét, việc đi lại vô cùng khó khăn, thậm chí, anh chị em thường phải bỏ cả dép lội chân đất cho đỡ dính. Dù vất vả nhưng ai nấy đều vui vẻ, sục sôi tinh thần quyết tâm chiến đấu, mong bắn được máy bay giặc...
Từ ngày 18-12, đơn vị liên tục nhận được thông báo phát hiện máy bay địch cách Thủ đô Hà Nội bao nhiêu ki-lô-mét ở phía Bắc, phía Tây... Vì vậy, việc trực chiến càng phải thực hiện nghiêm túc. Bà Viễn nhớ lại: "Tối 22-12-1972, máy bay Mỹ ném bom vào một số khu vực ở Hà Nội. Khoảng 20 giờ 30 phút, lệnh báo động vang khắp thành phố. Cấp trên thông báo có máy bay địch cách Hà Nội khoảng 100km, rồi 80km... Chỉ huy trận địa chúng tôi ngày ấy là Đại úy Hoàng Minh Giám chỉ đạo khi nào có khẩu lệnh của chỉ huy thì mới được nổ súng. Sau đó, còi báo động toàn thành phố lại vang lên. Trên thông báo máy bay địch xuất hiện, chúng bay thấp dọc sông Hồng, đúng hướng chúng tôi đón lõng... Đại úy Hoàng Minh Giám hô dõng dạc, đanh thép: “Điểm xạ ngắn-bắn!”. Tất cả khẩu đội trực chiến của chúng tôi quanh khu vực ấy đồng loạt nổ súng... Vì tình huống diễn ra quá nhanh nên khi bắn xong, chúng tôi chỉ kịp nhìn thấy có một máy bay to rẹt qua đầu, đen sì, với một tia lửa lóe sáng ở đuôi... Khoảng 30 phút sau, Phó trung đội trưởng Trung đội tự vệ khu phố Hai Bà Trưng khi ấy là đồng chí Nguyễn Văn Điền đến trận địa hỏi: “Các đồng chí ơi, vừa rồi các đồng chí nổ súng phải không?”. Chúng tôi đồng thanh trả lời: “Đúng thế!”.
“Khả năng các đồng chí đã bắn trúng mục tiêu”-đồng chí Điền lại nói tiếp. “Các đồng chí hãy chờ tin vào sáng hôm sau”.
Vậy là suốt đêm ấy, chúng tôi không ai chợp mắt. Cứ phấp phỏng chờ đợi nhưng tâm lý ai nấy đều rất vui. Sáng hôm sau, đồng chí Điền lại vào trận địa và thông báo: “Các đồng chí ơi, đêm qua, các đồng chí đã bắn trúng mục tiêu". Đó là chiếc máy bay F-111 “cánh cụp, cánh xòe”, một loại máy bay trinh sát hiện đại bậc nhất của Mỹ lúc bấy giờ. Chúng tôi vô cùng vui sướng, ôm nhau nhảy múa hò reo".
Đêm 22-12-1972 đã đi vào lịch sử của lực lượng dân quân, tự vệ Thủ đô nói riêng và lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta nói chung. Vì vậy, các ngày sau đó, đơn vị của bà Viễn vừa trực chiến vừa vinh dự được đón tiếp rất nhiều đoàn của Trung ương và TP Hà Nội đến tặng hoa, tặng quà chúc mừng.
    |
 |
Bà Phạm Thị Viễn hiện nay. Ảnh: MINH THÀNH
|
Việc trung đội tự vệ của Nhà máy Cơ khí Mai Động cùng các đơn vị phối hợp bắn rơi máy bay F-111 của Mỹ được xem là một kỳ tích, thậm chí ngày ấy nhiều người dân cũng như người thân của bà Viễn còn không tin đó là sự thật. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Viễn, đây là chiến công của tập thể lực lượng dân quân, tự vệ Thủ đô. Để có được chiến công ấy cũng nhờ sự nỗ lực luyện tập trong suốt thời gian dài trước đó của cán bộ, chỉ huy và anh chị em. Ngay từ khi Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, bà và lực lượng dân quân, tự vệ đã được giảng dạy, tập huấn rất nhiều về quân sự. Nhất là việc tập ngắm, tìm mục tiêu qua kính ngắm; học thuộc làu từng chi tiết của súng như: Vấu, khuyết, lẫy, chốt mặt trái, chốt mặt phải. Việc thực hành điều khiển, tháo lắp súng được luyện tập cả ngày lẫn đêm, đến độ thuần thục, yêu cầu động tác chính xác tuyệt đối bất kể sáng hay tối. Trung đội dân quân, tự vệ khi ấy thường có câu khẩu hiệu: “Sáng lau sương, chiều lau bụi”, “Khổ luyện thành tài, miệt mài thành giỏi”... Ai nấy đều làm việc khẩn trương, hăng hái luyện tập không quản khó khăn, cống hiến hết mình để bảo vệ Thủ đô.
Niềm vui bắn rơi máy bay Mỹ cùng đồng đội chưa được bao lâu thì vào một buổi chiều đang trực trên trận địa, bà Viễn nhận được tin bố bị bom Mỹ vùi lấp trong hầm trú ẩn. Bà tất tưởi chạy bộ về tìm bố. Được bà con trong xóm hỗ trợ, 3 ngày sau, anh chị em bà mới tìm được một phần nhỏ thi thể của bố qua vạt áo bông rách và tấm thẻ chứng minh thư. Lo việc của bố xong, kìm nén nỗi đau, với chiếc khăn tang trên đầu, bà tiếp tục trở lại trận địa trực chiến. Hình ảnh ấy đã làm lay động trái tim nhà thơ Tố Hữu cũng như phóng viên ảnh chiến trường khi đến thăm trận địa. Còn với bà Viễn, hình ảnh bà cùng anh chị em bới từng vạt đất tìm thi thể không còn nguyên vẹn của bố ngày ấy vẫn ám ảnh suốt 50 năm qua. Bởi thế mà ký ức về Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” với bà không chỉ có nước mắt của niềm hạnh phúc cùng đơn vị lập được chiến công mà còn là sự mất mát đau thương không thể bù đắp.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, bà Phạm Thị Viễn cùng cán bộ, chiến sĩ tự vệ lại tiếp tục trở lại nhà máy làm việc cho đến tuổi nghỉ hưu vào năm 1990. Trong những năm kinh tế khó khăn, bà cũng bươn chải làm đủ nghề để kiếm sống và nuôi con ăn học. Hiện nay, hai con của bà Viễn đều trưởng thành, có công việc ổn định. Ở tuổi 72, hằng ngày bà vẫn thoăn thoắt trên đường cùng chiếc xe đạp điện đưa đón các cháu nội, ngoại tới trường, phụ giúp việc nhà và làm thêm để hỗ trợ con cháu, đồng thời tích cực với các hoạt động ở tổ dân phố, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
MINH THÀNH