Là người lính họ cầm súng, là nhà văn họ cầm bút. Súng và bút làm nên những chiến công, những tác phẩm được Tổ quốc và nhân dân ghi nhận. Nhà văn chiến sĩ có mặt trên các chiến trường, cũng chịu đựng bom rơi đạn nổ, cũng trải qua bao phen đói khát, bệnh tật và cũng có thể hy sinh như bao đồng đội của mình. Tháng bảy linh thiêng, trong sự tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, chúng ta không thể quên các nhà văn liệt sĩ.

Hữu Thỉnh có hai câu thơ thật ám ảnh: Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường, níu chiếu đợi anh. Ai nào muốn vậy, ai chẳng muốn đất nước yên bình. Nhưng số phận dân tộc quá nghiệt ngã, đất nước bị cuốn vào các cuộc chiến tranh dài lâu và vô cùng khốc liệt với những kẻ thù to lớn, giàu có gấp ta nhiều lần. Mấy cuộc chiến tranh nối tiếp nhau, gian khổ chồng chất gian khổ, đau thương chồng chất đau thương. Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hai mươi mốt năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ngày cuối cùng tháng 4-1975, khúc khải hoàn chiến thắng lừng vang nhưng rồi nghiệt ngã thay, chiến tranh vẫn chưa chấm dứt khi biên giới, hải đảo bị xâm lấn, quấy phá. Thêm nữa, có đất nước láng giềng trong nguy cơ bị diệt chủng kêu gọi ta giải cứu. Những đoàn quân nối nhau ra trận.

Bao nhiêu kỳ tích chiến công cũng là bấy nhiêu tổn thất, mất mát. Lớp lớp người hành quân đánh giặc, lớp lớp người ngã xuống. Những trang văn ngợi ca khí phách, sự hiến dâng vô tận của những người con yêu nước trên non sông này. Những trang văn đẫm nước mắt sẻ chia nỗi mất mát, đau thương của dân tộc thời hậu chiến. Nhân văn thấm sâu vào từng trang sách. Khát vọng yêu thương và hạnh phúc tỏa sáng trong nhiều tác phẩm. Chuyển động của văn học Việt Nam sau chiến tranh hướng tới sự thật của những cuộc đọ sức mang tầm vóc thời đại trong quá khứ và những điều cao cả, tốt đẹp của truyền thống, của nhân loại. Hiện tại và quá khứ cùng song hành, không hề loại trừ nhau, chính nhờ thế mà những giá trị đích thực của văn học kháng chiến vẫn được bảo tồn và tôn vinh. Trong sự tôn vinh dòng văn học kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc có sự kính trọng, tri ân các nhà văn liệt sĩ. Đấy là đạo lý dân tộc, không thể nghĩ và làm khác được.

Lòng yêu nước và sự xả thân vì Tổ quốc, đó là điều đáng nói nhất về những nhà văn liệt sĩ của chúng ta. Tác phẩm của họ cũng thấm đượm tinh thần yêu nước và sự hiến dâng cao cả. Cuộc đời của các nhà văn liệt sĩ là những trang sách đẹp; phần giá trị bất tử để lại cho chúng ta hôm nay. Giá trị cuộc đời gắn liền với giá trị tác phẩm; sự hèn nhát, tăm tối không thể làm nên được những trang văn khí phách, lạc quan. Họ viết như đã sống, sống như những dòng văn, câu thơ mình làm ra.

Chúng ta đọc Nam Cao, càng cảm phục tài năng của người viết nên tác phẩm "Chí Phèo" lừng danh bao nhiêu càng muốn chia sẻ với những gửi gắm của ông trong "Đôi mắt" bấy nhiêu. Có thể "Đôi mắt" không thể ngang tầm với "Chí Phèo" về giá trị nghệ thuật, nhưng qua truyện ngắn hay viết trong thời kháng chiến chống Pháp đó, chúng ta nhận rõ được chân dung một nhà văn chiến sĩ. Nhận thức đúng sẽ có cuộc dấn thân ý nghĩa, nhà văn đứng về phía Tổ quốc và nhân dân trong cuộc trường chinh vĩ đại. Hơn thế, tác phẩm "Đôi mắt" còn có tác dụng thức tỉnh những người cầm bút đang còn ngái ngủ. Tính nhập cuộc của tác phẩm nằm ở đó và nó luôn có ý nghĩa bởi thời nào nhà văn cũng cần lựa chọn cho mình một hướng đi đúng đắn. Khi trở thành nhà văn cách mạng, Nam Cao tâm niệm “sống đã rồi hãy viết”; sống là cầm súng chiến đấu giải phóng dân tộc và theo ông đấy là bước sửa soạn cho nghệ thuật vươn tới một tầm cao hơn. Thật tiếc, cuối tháng 11-1951, trên đường đi công tác vào vùng địch tạm chiếm, Nam Cao đã hy sinh ngay chính trên quê hương mình khi tài năng đang nở rộ.

leftcenterrightdel

Tượng nhà thơ Lê Anh Xuân tại Trường THPT Lê Anh Xuân, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre). Ảnh: HOÀNG VIỆT 

 

Văn chính là người. Với các nhà văn liệt sĩ thì điều này thể hiện rất rõ. Đọc lại những tác phẩm của họ từ Hoàng Lộc, Trần Đăng thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đến Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Định, Vũ Đình Văn, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Thi... của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ta sẽ không ngạc nhiên điều vừa nói. Nhà thơ liệt sĩ Hoàng Lộc đã để lại cho đời thi phẩm “Viếng bạn” vô cùng xúc động: Khóc anh không nước mắt/ Mà lòng đau như thắt/ Gọi anh chửa thành lời/ Mà hàm răng dính chặt... Trần Đăng có truyện ký từng đi vào sách giáo khoa như “Một lần tới Thủ đô”...

Với Nguyễn Mỹ, chúng ta không thể không nhắc tới bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” gây ấn tượng mạnh mẽ ở miền Bắc vào thập niên 1960. Bài thơ mới lạ được cộng hưởng từ không khí hào hùng cả nước ra trận thời đó; những người con gái, con trai “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”. Cuộc chia ly có những giọt nước mắt long lanh nhưng tuyệt nhiên không hề u ám, ảm đạm: Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ/ Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa/ Chồng của cô sắp sửa đi xa/ Cùng đi với nhiều đồng chí nữa/ Chiếc áo đỏ rực như than lửa/ Cháy không nguôi trước cảnh chia ly/ Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia/ Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy... Chỉ những ai yêu cuộc sống thiết tha, trân trọng tình yêu đẹp mới viết ra được những câu thơ đắm say, trong trẻo như thế. Cái đáng nói ở đây là tình yêu đất nước và tình yêu lứa đôi đã quyện hòa làm một, tạo thành bản tình ca cảm động cho mọi thời đại. Dấu ấn tâm hồn cũng là dấu ấn sáng tạo của nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ thực sự lâu bền trong nhân dân qua tác phẩm “Cuộc chia ly màu đỏ”.

Nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân xứng đáng được gọi là một thi sĩ anh hùng của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tình yêu quê hương, đất nước trong thơ Lê Anh Xuân chân chất, mộc mạc mà sâu lắng. Chỉ là một cơn mưa thôi cũng làm cho ta nao lòng, quay quắt nhớ tới quê nhà: Mưa là khúc nhạc của bài ca êm mát/ Những đêm ta nằm nghe mưa hát, mưa rơi/ Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá/ Thầm thì dào dạt vang xa... Không chỉ có thế, trong cơn mưa ta nghe rõ những thao thức day trở của lòng người khi non sông còn bóng giặc xâm lăng: Trang sử nhỏ nhà trường bỗng hóa cơn dông/ Nghe như tiếng cha ông dựng nước/ Truyền con cháu phải ngẩng cao mà bước/ Nghe như lời cây cỏ gió mưa/ Đang hát tiếp bài ca bất khuất ngày xưa... Chính từ đó mà Lê Anh Xuân mới tiếp cận được hiện thực bi tráng của cuộc chiến đấu anh hùng để tạc dựng nên “Dáng đứng Việt Nam” bất tử, dáng đứng "Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân" thông qua hình tượng chiến sĩ giải phóng quân trong mùa xuân năm 1968: Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất/ Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng... Cuộc đời Lê Anh Xuân là cuộc đời của người chiến sĩ và thi sĩ. Cuộc đời của một chiến binh-thi nhân yêu nước cầm súng dũng cảm và cầm bút tài hoa: "Đi chiến đấu và ngợi ca Tổ quốc" (thơ Chế Lan Viên). Lê Anh Xuân sống, viết và hy sinh ở chiến trường, anh vẫn đang ở giữa chúng ta hôm nay.

Tôi không thể không tự hào khi được trở thành người của nhà số 4 (Tạp chí Văn nghệ Quân đội). Trong thế hệ nhà văn đàn anh ở Văn nghệ Quân đội có Nguyễn Thi (Nguyễn Hoàng Ca, Nguyễn Ngọc Tấn), một tên tuổi sáng ngời thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhà thơ Thanh Tịnh khi còn sống có lần kể: “Đầu năm 1957, trong buổi đầu phân phòng làm việc, anh Nguyễn Ngọc Tấn tự nhiên gọi tôi đến phòng anh và chỉ một dòng chữ viết bằng mực đỏ phía trên cửa sổ tròn rồi hỏi: “Dòng chữ này nghĩa là gì thế?”. Tôi đọc rồi nói: “Tiếng Pháp là "Adieu Hanoi", nghĩa là "Vĩnh biệt Hà Nội!". Anh Nguyễn Ngọc Tấn nói: “Thôi cứ để đấy đừng xóa, ta chấp nhận lời chào não nùng của nó”. Cuối mùa xuân năm 1968, được tin anh Nguyễn Ngọc Tấn hy sinh, tôi buồn quá đến sững sờ ngơ ngác không thiết ăn uống. Ngay chiều hôm ấy tôi lẳng lặng đi vào phòng cũ của anh và nhìn lên phía trên cửa sổ tròn. Tôi giật mình. Dòng chữ "Adieu Hanoi" vẫn còn. Bên dưới là dòng chữ của anh dịch câu trên viết đậm nét "Xin vĩnh biệt Hà Nội". Lẽ nào, Nguyễn Thi, nhà văn tài năng ấy đã tiên cảm được số phận của mình. Anh là một trong những nhà văn đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, từ giữa năm 1962 đã vượt dãy Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Nhà văn Nguyễn Thi đã cùng với những chiến sĩ giải phóng quân chiến đấu anh dũng và ngã xuống trên đường phố Sài Gòn trong dịp Tết Mậu Thân 1968 sau khi để lại cho chúng ta những truyện ngắn hồn hậu, trong trẻo, đượm chất nhân văn như: "Trăng sáng", "Đôi bạn" và một truyện ký dài "Người mẹ cầm súng" với câu nói của nhân vật Út Tịch như tuyên ngôn của người yêu nước: "Còn giặc, còn cái lai quần cũng đánh"...

Mỗi cuộc đời, mỗi chặng chữ của các nhà văn liệt sĩ luôn mang gợi cho chúng ta nhiều cảm xúc và suy ngẫm đáng quý. Đó là sống và viết như thế nào để có ích cho Tổ quốc và nhân dân. Lựa chọn dấn thân, hết lòng vì đất nước của họ luôn là tấm gương và bài học với những người cầm bút chân chính. Thời nào cũng vậy, văn chương gắn với cuộc sống, gắn với đất nước và nhân dân thật đáng nâng niu trân trọng. Nghĩ về các nhà văn liệt sĩ, tôi luôn thấy các anh chị đã sống, chiến đấu và ngã xuống như những người lính dũng cảm nhất.

Tùy bút của NGUYỄN HỮU QUÝ