Mẹ kể, tôi sinh ra trong những ngày tháng mà đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc và Thủ đô Hà Nội ác liệt nhất. Hơn thế, khi tôi sắp tròn tháng tuổi cũng là lúc giặc Mỹ điên cuồng tiến hành Chiến dịch Linebacker II, đánh vào Hà Nội, Hải Phòng cùng một số tỉnh, thành phố khác, nhằm đưa miền Bắc “về thời kỳ đồ đá” như chúng từng tuyên bố. Đơn vị bố mẹ tôi đóng quân ở Đông Anh. Bố tôi là bộ đội cao xạ, còn mẹ tôi là quân y. Gia đình tôi thời đó ở Thạc Quả, Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội.

Hôm mẹ tôi trở dạ, đơn vị bố mẹ cho xe cấp cứu khẩn trương đưa sang Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Khi xe đi đến cầu Long Biên thì không qua được vì đây là tọa độ đánh phá của máy bay Mỹ nên cấm các phương tiện qua lại, trừ những trường hợp quân sự đặc biệt. Xe chạy vòng xuống phà Khuyến Lương. Mẹ tôi kể, tối hôm đó trời mưa rét, xa xa, tiếng ầm ì của máy bay và ánh chớp lửa đạn phía chân trời vẳng tới, đường trơn trượt nên xe không may lăn từ trên đê xuống. Lái xe bị thương, bố mẹ tôi bị xây xước nhẹ, quan trọng là đứa con trong bụng mẹ không sao cả. Hay tin xe bộ đội bị tai nạn, người dân gần đó đem cáng ra và đưa mẹ tôi vào một trạm y tế gần bến phà.

Mẹ tôi vẫn nhớ cảm xúc lúc nằm trên võng, cơn đau đẻ tăng dần, do là y sĩ nên bà cố kìm nén, không đẻ trên võng. Bà còn động viên mọi người cứ bình tĩnh mà đi. Một người soi đèn đi trước, may mà khi đến trạm y tế, mẹ vừa nằm xuống giường không lâu thì tiếng khóc chào đời của tôi cất lên. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Bà con hay tin sản phụ sinh, nhiều người về nhà đem trứng, gạo cho mẹ con tôi. Thật là cảm động và trân quý tấm lòng người dân nơi đây. Có điều, từ khi mẹ được đưa lên võng cáng đi thì không thấy bố tôi đâu. Mọi người nhớn nhác tìm gọi nhưng không thấy. Ai cũng lo sợ cho rằng bố tôi gặp chuyện chẳng lành. Hóa ra, bố tôi tìm cách đến Viện Quân y 108 xin xe cấp cứu. Khi xe cấp cứu của Viện đến nơi cũng là lúc mẹ tôi vượt cạn, “mẹ tròn con vuông”.

leftcenterrightdel

Thượng tá QNCN Trịnh Thị Khuyến Lương , Phó giám đốc Bảo tàng Chiến thắng B-52. Ảnh: LÊ QUÝ

Bố mẹ tôi gặp nhau ở chiến trường, cùng đơn vị rồi yêu nhau. Khi ấy, cả hai ước hẹn: Sau này, nếu cả hai còn sống sẽ cưới nhau và con đầu lòng sẽ đặt tên là Chung Thủy. Tuy nhiên, trong thời khắc sinh ấy, mẹ con tôi khỏe mạnh nên bố mẹ quyết định đặt tên tôi là Khuyến Lương-tên bến phà nơi tôi được sinh ra. Tôi mang tên Khuyến Lương và lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ cùng đồng đội của họ. Lúc đầu, tôi nhập ngũ và công tác ở Tổng cục Kỹ thuật. Như một định mệnh, tôi được điều động về công tác tại Bảo tàng Chiến thắng B-52, Quân khu Thủ đô (nay là Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội)-nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý về những ngày tháng đầy đau thương, mất mát nhưng oanh liệt, hào hùng của Hà Nội...

Công tác tại đây, tôi có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều nhân chứng đã sống ở An Dương, Khâm Thiên, Uy Nỗ-những người trực tiếp tham gia vào sự kiện lịch sử 12 ngày đêm tháng 12-1972. Đồng thời, qua lời kể của bố mẹ, tôi cảm nhận được sự đau thương, mất mát to lớn và sự bình tĩnh, kiên cường, mưu trí, sáng tạo của các thế hệ cha anh đã làm nên một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.

Với tôi, cái tên Khuyến Lương không chỉ là một địa danh mà là kỷ niệm không bao giờ phai mờ về những năm tháng “một thời đạn bom” của Hà Nội. Cái tên đó là của riêng tôi và theo tôi suốt cuộc đời.

HOÀNG LÊ QUÝ (ghi)