Cho đến bây giờ, những người độ tuổi từ 60 trở lên ở làng Yên Bệ và xã Kim Chung chưa bao giờ quên thời khắc ấy, cách đây 50 năm. Vào hồi 13 giờ 53 phút ngày 23-12-1972, khi mọi người đang rục rịch ra đồng thì máy bay Mỹ kéo đến. 94 quả bom phá (từ 250 đến 500kg) từ 16 máy bay F-4H, 6 máy bay F-111A mà chúng huy động đã ném vào địa bàn xã Kim Chung, tập trung vào thôn Yên Bệ với diện tích chưa đầy một cây số vuông.
Những loạt bom rải thảm của giặc Mỹ đã giết hại 175 người, làm bị thương 54 người, gồm người trong xã và người từ Hà Nội sơ tán về. Thôn Yên Bệ chịu thiệt hại nặng nề nhất với 66 người chết và 28 người bị thương; tính cả xã Kim Chung có tới 82 người chết, trong số đó có đồng chí Nguyễn Đinh Thị, Thường trực Đảng ủy xã và đồng chí Nguyễn Trọng Khôi, Bí thư Chi bộ thôn Yên Bệ. Cùng với mất mát nghiêm trọng về người là tổn thất về cơ sở vật chất. Trường cấp III huyện Hoài Đức đóng tại thôn bị cày xới; sách vở, giáo cụ bị cháy sém. Bom Mỹ còn phá hủy 99 ngôi nhà, làm hư hỏng 108 ngôi nhà khác, hủy hoại 44 máy dệt vải, 600m vải, 75 súc sợi, 12 mẫu mạ, 5 tấn thóc và nhiều gia súc, gia cầm cùng các công cụ sản xuất. Tổng thiệt hại tài sản ước tính tới 556.800 đồng (tính theo thời giá lúc bấy giờ).
Dù đã có sự chuẩn bị chu đáo về vật chất và tinh thần từ trước để đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi địch đánh phá, song mọi người dân, cán bộ xã Kim Chung cũng như những người ở nơi khác về hoặc đi qua đều không khỏi bàng hoàng, đau xót khi chứng kiến cảnh đổ nát, hoang tàn cùng những tổn thất to lớn do giặc Mỹ gây ra. Mặc dù vậy, trước cảnh đau thương, mất mát của làng xóm, lực lượng cứu chữa, cứu sập, cứu thương của xã cùng các lực lượng tăng cường, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cán bộ chủ chốt huyện và tỉnh Hà Tây khi ấy đã tập trung khẩn trương giải quyết những hậu quả nghiêm trọng.
Đội cấp cứu của Ban Y tế xã cùng các đội cứu thương của các thôn trong xã và xã Sơn Đồng, Bệnh viện huyện và Bệnh viện Việt Đức sơ tán tại thôn đã khẩn trương cấp cứu tại chỗ hàng trăm người với tất cả tinh thần, lương tâm và khả năng chuyên môn cao nhất của các thầy thuốc cùng những người tham gia cứu nạn; chuyển tiếp lên tuyến trên những người bị thương nặng, tổ chức mai táng chu đáo những người thiệt mạng, thu dọn tài sản, san lấp hố bom, thông đường làng, ngõ xóm, sửa chữa ngay những nhà bị hư hỏng, trợ cấp lương thực cho các gia đình bị thiệt hại.
Ngày 25-12-1972, Đảng ủy, Ủy ban Hành chính xã Kim Chung tổ chức lễ truy điệu những người bị thiệt mạng trong trận ném bom rải thảm của đế quốc Mỹ ngày 23-12; đồng thời phát động nhân dân và cán bộ ghi tạc lòng căm thù giặc; động viên, tạo điều kiện, giúp đỡ lẫn nhau để tiếp tục khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống, thi đua sản xuất, luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu, tiếp tục nỗ lực xây dựng quê hương, góp phần bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
|
|
Tượng đài "Đau thương - Căm thù - Chiến thắng" tại làng Yên Bệ (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) hiện nay. Ảnh: BÙI XUÂN
|
Trong nỗi đau thương và căm thù đến tột độ, các đại biểu về dự và toàn thể nhân dân trong xã đã biểu thị ý chí quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng. Nhân dân trong xã tập trung giúp đỡ nhân dân thôn Yên Bệ về mọi mặt. Huyện Hoài Đức đã phát động một phong trào rộng rãi trong toàn huyện chia sẻ đau thương, đóng góp hết lòng và tới mức cao nhất cho việc khắc phục những hậu quả do địch đánh phá, tổ chức lại đời sống cho nhân dân thôn Yên Bệ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện vận động nhân dân và giới phụ lão toàn huyện ủng hộ ngày công và nguyên vật liệu để làm 87 ngôi nhà cho các gia đình bị mất nhà cửa, sửa chữa hàng chục ngôi nhà khác. Nhân dân trong tỉnh cũng hết lòng sẻ chia, tạo điều kiện giúp đỡ thôn Yên Bệ. Quân và dân tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ) kết nghĩa, khi nhận được tin về tội ác tày trời của đế quốc Mỹ gây ra cho nhân dân Yên Bệ, đã cùng phối hợp chiến đấu, đánh cho chúng những đòn chí tử, trả thù cho đồng bào bị hại.
Được sự động viên, giúp đỡ hết lòng của nhân dân trong xã, huyện, tỉnh cũng như cả nước, từ đống tro tàn đổ nát, từ những đau thương, mất mát không thể đong đo hết, nhân dân và cán bộ thôn Yên Bệ đã vươn lên thể hiện nghị lực phi thường, sức sống bất diệt của con người, mảnh đất Kim Chung ngay trong những thử thách khốc liệt nhất của chiến tranh. Chỉ sau trận ném bom triệt hạ của đế quốc Mỹ một thời gian rất ngắn, làng xóm Yên Bệ được hồi sinh trở lại, xã viên hợp tác xã nông nghiệp lại khẩn trương bắt tay ngay vào gieo cấy vụ chiêm xuân kịp thời vụ, xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp lại ngồi bên khung dệt. Đồng bào sơ tán còn lại vẫn gắn bó, cùng động viên, giúp đỡ lẫn nhau giải quyết các hậu quả, ổn định cuộc sống. Huyện đã khen thưởng nhân dân thôn Yên Bệ về những nỗ lực trong việc vượt qua thử thách lớn lao, giải quyết các hậu quả nghiêm trọng của trận ném bom rải thảm chưa từng có trong lịch sử quê hương. Đến Tết Quý Sửu 1973, nhân dân trong thôn đón Tết hòa bình trong sự chia sẻ, giúp đỡ của nhân dân toàn xã và trong huyện. Các ngành trong huyện kịp thời cung cấp các nhu yếu phẩm (chăn màn, quần áo, lương thực và bánh kẹo); nhân dân các xã toàn huyện chung tay ủng hộ các gia đình ở trong thôn để kịp đón Tết.
Hôm nay, về thăm lại Yên Bệ khi thôn và xã Kim Chung đang hướng tới tưởng niệm 50 năm ngày đau thương, làng quê nhỏ bé nay đã đổi thay chưa từng có. Hơn 670 hộ hiện chỉ còn 9 hộ cận nghèo. Những vườn ổi, táo trĩu quả. Đa số dân làng có mức sống khá. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, cao ráo, sạch sẽ. Nhà tầng mọc lên san sát. Trụ sở thôn, nhà trẻ bề thế. Khu Tượng đài “Đau thương-Căm thù-Chiến thắng” - nơi chịu nhiều thiệt hại nhất của trận ném bom rải thảm năm xưa ở đầu thôn vừa được tu sửa, chỉnh trang lại, chuẩn bị cho ngày kỷ niệm, nhắc nhở các thế hệ dân làng, nhân dân toàn xã Kim Chung, nhân dân huyện Hoài Đức tưởng nhớ những người đã khuất, phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
PGS, TS BÙI XUÂN ĐÍNH