Hai việc khó, đối chọi nhau nhưng nhà thơ Bằng Việt vẫn làm tốt bởi ông luôn quan niệm: Mỗi bài thơ là một chuyện đời, sống và làm việc thật chất lượng thì sẽ có thơ hay.
Lần đầu chúng tôi gặp nhà thơ Bằng Việt dễ cũng hơn 10 năm, lúc đó ông đến nói chuyện ở Trường Đại học Văn hóa Hà Nội về văn học trong nhà trường, nhất là bài thơ “Bếp lửa” nổi tiếng. Nói về cảm hứng xuất xứ của bài thơ, nhà thơ gần 70 tuổi bỗng òa khóc như một đứa trẻ. “Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa” là thời gian ông sống ở huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) với bà nội khi bố mẹ thoát ly làm công tác cách mạng. Người ta nói những ấn tượng thời thơ ấu sẽ ngủ yên trong tiềm thức, khi cần mới bung vỡ ra để kiến tạo nên những tác phẩm đặc sắc. “Bếp lửa” ra đời ở Kiev-nơi nhà thơ học luật, trời lạnh vào thu làm tâm trí nhạy cảm của nhà thơ chợt nhớ về quá khứ với hình ảnh “một bếp lửa chờn vờn sương sớm”. Không riêng gì bài thơ để đời “Bếp lửa”, dường như bài thơ nào của ông cũng mang giọng điệu tâm tình, rủ rỉ như những năm tháng xa xưa trò chuyện cùng bà nội.
Nhưng nghĩ kỹ, những người tầm tuổi với nhà thơ Bằng Việt ai mà chẳng có những ký ức tương tự. Lớn lên là chuyện yêu đương mơ mộng, lập gia đình với nỗi lo cơm áo gạo tiền trong thời buổi chiến tranh, rồi vào chiến trường công tác… Những sự kiện trong cuộc đời nhà thơ không quá khác biệt, vậy sao ông vẫn có thể làm thơ hay, cụ thể phát hiện “tính thơ” trong những câu chuyện thế sự rất đỗi bình thường? Ông tâm sự, thực ra mỗi bài thơ của ông là một chuyện đời, chuyện thật, ít khi hư cấu và thi vị hóa, lãng mạn hóa hoặc bi kịch hóa. Tất cả là nhờ nhãn quan của nhà thơ và khả năng thể hiện tứ thơ bằng ngôn từ, kỹ thuật làm thơ. Như bài thơ “Về Nghệ An thăm con” xuất phát từ chuyện nhà thơ thăm con ở nơi sơ tán, Bằng Việt sử dụng thể thơ năm chữ như đồng dao để thật gần gũi, ví những đứa trẻ xa bố mẹ đi sơ tán như bầy ong để làm nhẹ lòng chuyện xa cách, bao nỗi vất vả thời chiến chỉ để lại những hình ảnh, âm thanh đầm ấm, dễ thương của ngày mai hy vọng: Cha ôm con rưng rưng/ Mừng vui lòng nghẹn cả.../ Con đường ra bến sông/ Mỗi ngày bom lại thả/ Nhưng cần cù dưới lá/ Bầy ong bay rộn rã/ Mùi cơm thơm cứ thơm!
Có người nhận xét thơ Bằng Việt giống như thơ Nga, nhất là giọng điệu tâm tình, “lãng mạn vừa phải”. Chúng tôi đem ý đó hỏi ông, ông xua tay tỏ vẻ không đồng ý. Ông lý giải, thuở học phổ thông, ông học giỏi không chỉ cả văn mà là toán, rồi sau đó học luật; có lẽ vì thế não trạng của ông thường xuyên kiến tạo những bài thơ có cấu tứ rất chặt, có cốt truyện rõ ràng. Ở điểm này thì giống một số nhà thơ Nga, nhưng cấu tứ chặt chẽ nhiều nhà thơ trên thế giới cũng có cách triển khai bài thơ tương tự, đâu chỉ riêng thơ ca xứ Bạch dương. Ông nói rằng, thơ ông dễ đọc, dễ thuộc, toàn kể chuyện thường nhật nhưng để có thơ hay lưu lại tâm trí nhiều thế hệ độc giả không hề là chuyện dễ dàng. Thời ông mới làm thơ, quan niệm thơ ca chân thật được đặt lên hàng đầu đến mức “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu từng quan niệm thơ phải “chân chân chân, thật thật thật” như một câu niệm chú. Ông đồng ý thơ phải chân thật nhưng không phải thật thà như đếm, cần tính nhạc, cần triết lý, để thơ ca được nâng tầm: Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, cuộc đời không phải thế!/ Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể/ Bể mặn mòi, sôi sục biết bao nhiêu/ Khi em đến bên anh trước biển cả dâng triều.../ Ta thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ/ Dám thử mọi lo toan để vạch dấu chân trời,/ Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến/ Dấu đen rầm khi đáy bóng đêm trôi.../ Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng,/ Nốt cao quá trong đời xao động quá/ Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả/ Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn! (“Nghĩ lại về Paustovsky”).
|
|
Tập thơ mới nhất của nhà thơ Bằng Việt mang tên "Hoa tường vi" |
Năm nay đã sang tuổi 77, Bằng Việt vẫn làm thơ và vừa xuất bản tập thơ mới nhất mang tên “Hoa tường vi” (NXB Hội Nhà văn, 2018) gồm 45 bài thơ tác giả tự chọn trong suốt nửa thế kỷ làm thơ. Để ý thơ Bằng Việt những năm gần đây thấy ông thay đổi giọng điệu chuyển sang sự thâm trầm, triết lý mà lại ngơ ngác với thời cuộc nhiều biến đổi: Thực ra, cuộc đời vẫn dành một lối đi/ Dù thoạt nhìn vô cùng rối rắm!/ Thực ra, cuộc đời vẫn hé ra khoảng lặng/ Dù mải mê biết mấy bộn bề!/ Thực ra, cuộc đời vẫn hút về chân không/ Dù qua hết đến muôn trùng khát vọng…”
(“Thực ra…”). Ông biết thời thế và thơ ca thay đổi nhiều, thơ ông sáng tác gần đây có thể không còn được lớp trẻ tìm đọc bằng chính những bài thơ cũ của mình. Nhưng ông không phiền lòng về điều đó, ai cũng có thời của mình, vẫn còn nhiều bài thơ để độc giả nhớ là hạnh phúc lắm rồi.
Nói đến Bằng Việt mà không nhắc đến mảng thơ dịch là một thiếu sót lớn bởi ông là một dịch giả thơ ca tài hoa với những tác phẩm dịch chung, riêng: “Thơ Pablo Neruda” (1974), “Thơ Yannis Ritsos” (1978), “Lọ Lem” (dịch tuyển thơ E.Evtushenko, 1982), “Thơ trữ tình thế giới thế kỷ 20” (2004)… Người đọc thơ không thể quên những bài thơ dịch tuyệt bút như “Mùa hè rớt” của nữ thi sĩ Olga Berggoltz (Nga): Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm,/ Ta biết lắm thời gian đang tiễn biệt,/ Nhưng mãi đến bây giờ ta mới biết,/ Yêu thương-giận hờn-tha thứ-chia ly... Học bài bản tiếng Pháp và tiếng Nga nhưng quan niệm của nhà thơ Bằng Việt là cần phải giỏi tiếng Việt và văn hóa nói chung mới có thể trở thành dịch giả. Còn trở thành dịch giả thơ thì khó hơn khi nhà thơ cần phải biết “tạng” của mình, thường ông chọn những bài thơ trữ tình, ít khi chọn những kiểu thơ hùng hồn như của “nhà thơ quảng trường” Vladimir Mayakovsky.
Học luật nhưng suốt đời làm thơ đó là lựa chọn nghề nghiệp của ông, còn chuyện nhiều năm là Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội, rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội là do cấp trên lựa chọn, phân công. Với chuyên môn của mình, ông chấp hành sự phân công của tổ chức, cố gắng làm tốt nhiệm vụ, không để lại điều tiếng, được mọi người yêu mến. Ông không muốn nhắc nhiều đến hai giai đoạn ông lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội nhưng người trong giới đều biết là chẳng dễ dàng gì khi lãnh đạo hội văn học nghệ thuật lớn nhất cả nước, tập hợp những con người tài năng mà cá tính rất mạnh. Phải là một người có tài, có tâm, đặt quyền lợi tập thể lên trên quyền lợi cá nhân, “lợi ích nhóm” mới có thể dung hòa được cá tính nghệ sĩ, để Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội phát triển, góp phần vào sự nghiệp xây dựng văn hóa Thủ đô.
Đến thăm ông lúc ông đã nghỉ công tác, chúng tôi vẫn thấy nhiều người tìm đến với ông để nhờ ông góp sức tổ chức cuộc thi thơ, tư vấn chuyện nghề thơ… Người ta tin tưởng vào tài năng của một nhà thơ uy tín và cả tấm lòng chân thật, tính cách gần gũi, dễ chịu của ông. Nhà thơ Bằng Việt tâm sự, ông không bao giờ dừng làm thơ, kể cả những lúc đương chức bận rộn, với ông đừng quá cứng nhắc, đừng quá chú ý đến những khác biệt giữa con người xã hội và con người sáng tạo. Cứ sống ở giữa cuộc đời một cách bình thường, cống hiến theo khả năng của mình, có tài và có tâm ắt sẽ thành công, hạnh phúc. Một ý nghĩ nảy ra trong đầu mà chúng tôi định hỏi là sao ông không viết hồi ký hay là một tập tiểu luận về thơ ca? Nhưng rồi lại thôi bởi một ý nghĩ khác: Một người đã tận hiến cuộc đời cho thơ ca như nhà thơ Bằng Việt, có thể ông đã nghĩ đến những công việc đó và có khi đang âm thầm thực hiện. Hy vọng dự đoán đó là đúng và mong những tác phẩm mới của nhà thơ Bằng Việt sẽ tiếp tục xuất hiện trên văn đàn.
Bài và ảnh: HOÀNG LINH